I. Ý nghĩa.-- Những điều người Hê-bơ-rơ biết có thể chia làm ba phần: Luật pháp, Tiên tri và Khôn ngoan.
Sự khôn ngoan tiếng Hê-bơ-rơ là Hokhmãh với các tiếng Hê-bơ-rơ khác hơi giống ý đó chép hơn 300 lần trong Cựu Ước, hơn một nửa số đó thấy trong Gióp, Châm Ngôn và Truyền đạo. Hokhmãh có nghĩa hơi rộng hơn, vì có thể chỉ về khéo làm việc (Xuất Ê-díp-tô ký 28:3; 35:25, v.v...), tài võ bị (Ê-sai 10:13), trí của vật nhỏ mọn (Châm Ngôn 30:24), và cách khéo làm để đạt mục đích hư hỏng (II Sa-mu-ên 13:3), hoặc hung dữ (I Các vua 2:9). Bởi thế, chắc không có một tiếng Việt ngữ nào đủ mọi ý kể trên, song ý chung thì rõ: "Sự khôn ngoan là lối dùng những phương pháp phải lẽ để đạt tới mục đích" (Smend), hay là "lối dùng mọi sự biết cách phải lẽ". Sự khôn ngoan đó được bởi sự từng trải của người, và người nên rất khôn ngoan là lúc già cả (Gióp 12:12; 15:10; Châm Ngôn 16:31, trái với Gióp 32:9; Truyền đạo 4:13). Trong tôn giáo Ðấng Christ, người khôn ngoan là người khéo lo về những sự thuộc về Ðức Chúa Trời, trái với người ngoại khéo lo về những việc thế gian (Lu-ca 16:8). Người đó khác với tiên tri vì không cần phải được soi dẫn riêng, khác với thầy tế lễ vì không lo về sự thờ phượng trước nhứt, và khác với thầy thông giáo vì không chỉ lo học Lời chép của Chúa. Vậy, theo đúng ý, người khôn ngoan không cần phải là người theo đạo.
II. Cựu Ước.-- Trong phần đầu Cựu Ước, sự khôn ngoan phần nhiều không can thiệp với tôn giáo. Trí thức không có tôn giáo quản trị thật là kết quả của trái cây cấm (Sáng thế ký 3:6), và sự khôn ngoan dường như là tánh chất của người ngoại (Ê-sai 10:13; 19:12; 47:10), chỉ đáng quở trách (Ê-sai 5:21; 29:14; Giê-rê-mi 4:22; 9:23; 18:18, v.v...). Lúc đó Y-sơ-ra-ên muốn thử có một nền văn minh riêng của mình, nên chắc vua Sa-lô-môn hết sức xin Chúa cho có sự khôn ngoan (I Các vua 4:29-34). Vì cớ các đời đó bối rối và có nhiều vấn đề đạo đức khó giải quyết, nên sự khôn ngoan Y-sơ-ra-ên trở nên một tánh chất của các mưu sĩ khôn khéo trong triều, với lời khuyên nửa đời, nửa đạo (Ê-sai 28:14-22). Vậy, sự khôn ngoan can thiệp với tôn giáo thật thì rất ít (Phục truyền luật lệ ký 4:6; Giê-rê-mi 8:8)), còn Phục truyền luật lệ ký 32:6; Giê-rê-mi 4:22; 8:9 tỏ ra "điều người đời cho là khôn ngoan thật là dại dột". Cho nên, không cứ bao nhiêu tài liệu về sự khôn ngoan trong các đời đó (xem Châm Ngôn) cũng đều phải đợi đến sau khi Y-sơ-ra-ên làm phu tù trở về, lúc đó những lời văn chép về sự khôn ngoan, mới can thiệp thật với tôn giáo.
Văn chép về sự khôn ngoan trong Cựu Ước gồm có Gióp, Châm Ngôn, Truyền đạo và Thi Thiên (19:; 37:; 104:; 107:; 147:; 148:), và về Apocryphes có sách Sirach và sách Khôn ngoan của Sa-lô-môn với một phần sách Baruch. Chắc các văn về sự khôn ngoan của ngoại quốc cũng được cảm động bởi do xứ Ai-cập, Ba-by-lôn, và Ba-tư, nhứt là Hy-lạp thì chắc chắn lắm.
Song sự khôn ngoan thuộc linh phải nhờ ơn riêng của Ðức Chúa Trời để được và mở mang, vì người cậy mình chắc không được (Châm Ngôn 3:5-7; 19:21; 21:30; 28:11). Sự khôn ngoan thật phải có Ðức Chúa Trời là nơi trung tâm (Châm Ngôn 15:33; 19:20), phải bắt đầu từ Chúa; đi đường khôn ngoan thật khó (Châm Ngôn 2:4; 4:7), cần vẫn chú ý về mỗi phần đời sống, và người chẳng bao giờ hết học (Châm Ngôn 9:9; Truyền đạo 4:13).
Tôn chỉ của văn khôn ngoan Cựu Ước, tức người khôn ngoan là người thông minh, chăm chỉ và siêng năng (Truyền đạo 9:10; so Châm Ngôn 6:6); hay khỏi nói dối, sự bất nghĩa, làm ơn (Thi Thiên 37:21; 112:5, 9; Gióp 22:7; 31:16-20; Châm Ngôn 3:27-28; 14:31; 21:13; 22:9; Truyền đạo 11:1), và coi đời nầy đáng sống (Châm Ngôn 31:27; Truyền đạo 2:24). Dầu sự giàu có tự mình không có giá trị (Châm Ngôn 10:2; 11:28; 23:4-5; 28:11; Truyền đạo 5:13), nhưng có thể mong được thưởng trong đời nầy (Châm Ngôn 3:10; 11:25), và cũng mong được sự công bình nữa (Châm Ngôn 8:21; 11:25; 13-18).
Tôn chỉ sự khôn ngoan người đời khác nhau lắm, vì ấy là người thường cảm biết và tư kỷ. Người đó hay đè nén mọi sự sốt sắng mình, vì sợ làm quá lẽ và thêm sự khó cho mình (Truyền đạo 7:16-17), nên hay xét mọi việc có lợi riêng cho mình giữ bạn hữu (Châm Ngôn 25:17), và trong gia đình. Khi bố thí, người đó rất cẩn thận (Châm Ngôn 6:1-5; 20:16), không thấy mình bị buộc yêu mọi người. Vậy thì sự phải trái lẫn lộn với lợi và bất lợi. Chẳng những tà dâm là phạm tội (Châm Ngôn 2:17), nhưng chồng cũng là một người thù đáng sợ (Châm Ngôn 6:34-35). Bởi thế, đủ biết tôn chỉ của sự khôn ngoan người đời không cao thượng gì mấy.
Một đặc sắc về các sách khôn ngoan, ấy là tác giả ưa coi sự khôn ngoan như là người (Châm Ngôn 1:20-33; 8:1-9:6). Như thế không lấy gì làm lạ, vì Phao-lô cũng coi sự yêu thương như người trong I Cô-rinh-tô 13:4. Song các tác giả đó chép những việc tỉ mỉ như "sự khôn ngoan xây cất nhà mình", "sai các tớ gái mình đi"; và "pha lộn rượu" (Châm Ngôn 9:1-5). Song khúc rất danh tiếng về khôn ngoan là Châm Ngôn 8:22-31, vì ở đó mô tả khôn ngoan có trước khi dựng nên trái đất và loài người, và ở bên Ðức Chúa Trời làm Thợ Cái: chắc chỉ về Chúa Jêsus.
III. Tân Ước.-- Về một mặt,Chúa Jêsus giống các tác giả văn khôn ngoan Cựu Ước vì Ngài ưa chọn những sự trong cõi thiên nhiên và những cảnh ngộ, so sánh với nhau và phán vắn tắt, bởi thế lời giảng dạy Ngài cảm động biết bao! Trong những lời phán của Ngài, có lẽ Ma-thi-ơ 8:28-29 so Nhã Ca 2:8, và Lu-ca 14:8, 10 so Châm Ngôn 25:6-7 đủ chứng thật như thế. Một mặt nữa, dầu vẫn biết trong tương lai phải chịu thương khó trên thập tự, nhưng Ngài giữ được vẻ vui tươi luôn, chớ không phải như người tu khổ hạnh buồn thảm (Ma-thi-ơ 11:19; Lu-ca 7:34). Trái lại, Chúa không chịu theo lối khôn ngoan thế gian mà tự cảm biết, và tự hỏi có lợi riêng cho mình không. Song Chúa phán, hãy cho cách nhưng không như Cha trên trời cho, đừng lo đến mình, đừng tìm phần thưởng, và như trong Lu-ca 6:27-38 có ý răn dạy các tác giả văn khôn ngoan Cựu Ước. Trong đời Chúa, vì nhờ sự khôn ngoan thế gian, người ta bỏ qua sự dạy dỗ Ngài và cứ cố ý theo lời truyền khẩu tôn giáo Do-thái. Sứ mạng Ngài chỉ cốt cho mọi người ước ao được sự công bình. Ấy tức là sự khôn ngoan thật được xưng công bình nhờ các việc làm của nó (Lu-ca 7:35 so Ma-thi-ơ 11:19), còn đối với sự khôn ngoan của người sáng dạ thì Chúa Jêsus tạ ơn Ðức Chúa Trời đã giấu những sự mầu nhiệm về nước Ngài khỏi những người đó mà tỏ cho "con trẻ" hay (Lu-ca 10:21; Ma-thi-ơ 11:25).
Trong các sách Tân Ước, thơ Gia-cơ là một áng văn khôn ngoan của Kinh Thánh vì cũng lấy sự quan sát trong cõi thiên nhiên (1:11; 3:3-6, 11-12; 5:7, v.v...), trong đời sống người ta (2:2-3, 15-16; 4:13,v.v...), hay so sánh, và dùng chữ khôn ngoan (1:5; 3:15-17). Song về phần đạo đức, Gia-cơ sốt sắng hơn các sách khôn ngoan khác, cũng kể cả sách Gióp nữa.
Trái lại vì nhờ sự khải thị Chúa và sự từng trải thuộc linh, nên các thơ Phao-lô thì khác. Vậy, trừ Rô-ma 11:17, Phao-lô không hay nhờ cõi thiên nhiên để dạy dỗ. Chỉ có một đoạn nên chú ý là I Cô-rinh-tô 1:-3:. Tại đó có sự khôn ngoan, không phải từ người Do-thái, song từ người Hy-lạp, giấu kín sứ mạng của Ðức Chúa Trời, ấy vì sự khôn ngoan đó lấy công việc người có giá trị quá lẽ. Vậy, trong I Cô-rinh-tô 1:19; 3:19-20, Phao-lô trích lược Ê-sai 29:14; Gióp 5:13; Thi Thiên 94:11 để chống trả với sự khôn ngoan ngoại đạo đó. Phao-lô có sự khôn ngoan riêng của mình (I Cô-rinh-tô 2:6) để dạy các tín đồ được tấn tới về phần thuộc linh, chớ không phải về phần trí thức, 3:1-3. Ðể thật có sự khôn ngoan chính thức, thì phải nhờ Ðức Thánh Linh dò xét mọi sự cả đến sự sâu nhiệm của Ðức Chúa Trời nữa (I Cô-rinh-tô 2:10-13; 2:14). Hãy nhớ: Ðấng Christ "là sự khôn ngoan" cho tín đồ (I Cô-rinh-tô 1:30), và trong Ngài "đã giấu mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng" (Cô-lô-se 2:3).