Sự không sạch. Souillure.

     

      Ý riêng giữa dân Hê-bơ-rơ về sự không sạch theo lễ nghi là cấm người không sạch giao thông trong xã hội như thường, và tạm cất quyền công dân giữa dân sự Chúa. Chỉ bởi một bịnh thường mà luật pháp Ðức Chúa Trời có quyền rất nghiêm nhặt trên thân thể người và dường như đóng dấu mình trên đất sét hèn hạ mà Chúa đã nắn. Chúa coi sự thánh khiết trên thân thể người ngang với sự thánh khiết trên hòm giao ước vậy. Như Ðức Giê-hô-va dạy rằng trước mặt Ngài "tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi" (Ma-thi-ơ 10:30), và "Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi;... đã biên vào sổ Chúa" (Thi Thiên 139:16). Bởi thế, Chúa bắt người phải giữ thân thể mình thánh sạch. Chẳng những Chúa "đã phân rẽ dân Y-sơ-ra-ên với các dân" mà cũng đã bảo "Hãy nên thánh" (Lê-vi ký 22:24-26), vì Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên "nên nước và thầy tế lễ cho Ðức Chúa Trời" (Khải Huyền 5:10). Nay dễ hiểu những điều mà luật pháp Chúa đòi để tránh sự không sạch vẫn quan hệ đến phần vệ sinh của người.
       Về người bị ô uế có thể chia ba hạng:
             1. Người bị ô uế chỉ đến chiều tối và được khỏi bởi tắm mình và giặt áo, ấy chỉ về sự đụng đến xác súc vật chết.
             2. Người bị ô uế bảy ngày và phải nhờ "nước tẩy uế" (Dân số ký 19:13, 20, 21) để khỏi, ấy là vì cớ đụng đến xác người chết.
             3. Người nam bị ô uế vì mắc bịnh bạch trược và người nữ có kinh nguyệt bao lâu thì bị kể là không sạch bấy lâu; và về bịnh phung có khi bị ô uế trọn đời. Vì thân thể người là nơi mang dấu của giao ước với Chúa, nên người nam và cả người nữ phải theo lễ nghi riêng tùy theo giống.
       Sanh và tử đều nhắc lại rõ sự yếu đuối của người, ấy vì người ra đời và qua đời, cũng mang sự ô uế. Xác người chết làm cho người đụng đến bị ô uế bảy ngày, và trại hoặc buồng cùng mọi sự trong đó cũng vậy. Thật ra đụng đến xác người tử trận, hoặc một xương tử thi, hay mồ mả đều làm cho ô uế cũng như một xác chết tự nhiên (Dân số ký 19:11-18). Ấy tỏ ra cớ bị ô uế là ở sự chết mà thôi. Người nữ sanh con trai phải bị ô uế 7 ngày và phải kiêng 33 ngày nữa, còn sanh con gái thì số ngày đó gấp hai (Lê-vi ký 12:2-5). Có lẽ tỏ ra người nữ phải chịu phần nặng hơn về tội và sự rủa sả đầu nhứt (Sáng thế Ký 3:16; I Ti-mô-thê 2:14).
       Giữa những duyên cớ bị kể là không sạch nên chú ý tro một con bò cái tơ, đốt cháy cả, trộn với nước thì dùng để tẩy uế cho hạng người không sạch thứ nhì, nhưng đối với người sạch thì tro và nước đó làm cớ cho ô uế. Cũng hơi giống thế, con dê đực bị đuổi (A-xa-ên), gánh tội cho dân sự, cũng làm cho người dắt nó đến đồng vắng bị ô uế; lại của lễ mà người đem ra đốt trong ngày Ðại lễ Chuộc tội đối với người đó cũng làm ô uế nữa. Song ấy là sự không sạch nhẹ hơn hết, chỉ cần tắm mình và giặt quần áo.
       Ngoài nước tẩy uế nói ở trên, người nam và nữ chảy bạch trược, hết bảy ngày tính từ khi bịnh đã cầm, phải đem hai chim cu hay bò câu con cho thầy tế lễ giết làm lễ tinh sạch. Hết thảy những thứ không sạch nầy đều làm cho không xứng đáng với chức vụ thánh: như người thường bị ô uế không có phép đến gần Hội mạc; một thầy tế lễ bị ô uế cũng không có phép hành chức thánh mình. Xem bài Phung.
       Tôn giáo của người Ba-tư xưa về sự bị ô uế gần giống luật chép trong sách Lê-vi ký.
       Trong đời Chúa Jêsus, tôn giáo Do-thái đã lập một luật lệ về sự không sạch và cách tẩy uế rất phiền phức khó theo. Luật lệ đó có thêm nhiều điều không chép trong Cựu Ước. Như trong Tân Ước có minh chứng lễ rửa tay. Trong bộ Mishna (chép sự dạy dỗ của các luật sư) để riêng 30 đoạn chỉ tả vẽ cách tẩy uế các khí dụng thôi.
       Xem Giăng 2?:1-11, thấy người Do-thái phải có sáu lường đá đựng nước để tẩy uế trong lễ cưới tại Ca-na. Xem Giăng 3:25, có chép sự biện luận về lễ tẩy uế giữa môn đồ Giăng và người Do-thái. Vấn đề sạch và không sạch là những cớ cãi lẽ nhiều nhứt với người Do-thái. Vì người nào muốn được công bình và đẹp lòng Ðức Chúa Trời thì phải nhờ lễ nghi giữ mình tinh sạch.
       Chúa Jêsus không công nhận những lễ tẩy uế đó cho chính mình Ngài, dầu Ngài có truyền cho người phung được sạch phải đến cùng thầy tế lễ để được chứng rằng mình đã được thật sạch. Ngài không rửa tay trước khi ăn, môn đồ theo gương Ngài. Bởi thế, người Pha-ri-si phản đối Ngài bảo Chúa và môn đồ Ngài phải theo (Ma-thi-ơ 15:3-20; Mác 7:6-23). Chúa Jêsus tỏ ra nguyên lý lớn lao là không phải vì lễ nghi có sự không sạch, nhưng chỉ về phần đạo đức và thuộc linh thôi.
       "Sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu", vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, v.v..., "ấy đó là những điều làm dơ dáy người" (Ma-thi-ơ 15:19-20).
       Phao-lô cũng vậy, không coi vật chi tự mình ô uế (Rô-ma 14:14-20; Tít 1:15), song không ai nên phạm đến những điều mà lương tâm mình hoặc anh em mình không muốn, bởi thế làm cớ vấp phạm cho kẻ khác. Tình yêu thương không phải lễ nghi đâu, là luật tối cao của tín đồ Ðấng Christ. Phao-lô chịu theo luật tẩy uế tại thành Giê-ru-sa-lem, cũng làm gương về luật tối cao nầy (Công vụ Các Sứ đồ 21:26).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.