Sứ đồ Phao-lô. Apôtre Paul (Hy-lạp Paulos; La-tinh Paulus, nhỏ).

       


      I. Nguồn gốc tỏ tiểu sử Phao-lô.
       1. Sách Công vụ các sứ đồ chép những việc cần yếu về Phao-lô quan thiệp với đời thứ nhứt của Hội Thánh. Sử liệu nầy rất có giá trị, đáng tin, thật do Lu-ca chép.
       2. Có mười ba thơ tín của Phao-lô soạn trong Tân Ước công nhận; còn thơ Hê-bơ-rơ không chắc là của Phao-lô, dầu lời lẽ và ý nghĩa thơ đó giống với Phao-lô. Xét kỹ mười ba thơ tín đó, tấn sĩ Moffatt làm chứng rằng: Dầu có sự bàn luận khác nhau, như hai thơ I Tê-sa-lô-ni-ca và II Tê-sa-lô-ni-ca, song vẫn chứng rằng đều do Phao-lô làm ra vậy.
             1. Thứ tự các thơ tín.-- Cứ như giám mục Lightfoot đoán định, có nhiều lời bàn luận vì khó quyết định thơ Ga-la-ti chép lúc nào. Có một phái học giả quyết định thơ Ga-la-ti là thơ tín sớm hơn hết của Phao-lô viết trước khi có giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 15:). Ðứng đầu phái nầy là Ramsay. Dầu có một số học giả khác không hiệp với ý trên, nhưng thứ tự mà Lightfoot đã sắp đặt thật là chính đáng. Nay xin theo đó mà kể ra thứ tự mười ba thơ tín của Phao-lô.
                   a) Tập thứ nhứt, I Tê-sa-lô-ni-ca và II Tê-sa-lô-ni-ca. Hai thơ nầy từ thành Cô-rinh-tô gởi đi, vào khoảng năm 52-53 S.C. Harnack nói: Thơ I Tê-sa-lô-ni-ca như gởi cho Hội Thánh là người tín đồ ngoại bang ở Tê-sa-lô-ni-ca; và thơ II Tê-sa-lô-ni-ca gởi cho tín đồ là người Do-thái tại đó. Song nhiều nhà giải nghĩa không cho thuyết đó là phải. Milligan chứng quyết I Tê-sa-lô-ni-ca có chép như II Tê-sa-lô-ni-ca, và là thơ thứ nhứt Phao-lô chép. Hai thơ nầy chép rất nhiều về Chúa tái lâm, bởi thế hiệp đúng với các ý kiến các môn đồ đầu tiên tỏ ra trong mấy đoạn mở đầu sách Công vụ các sứ đồ. Vậy có thể quyết định hai thơ nầy do Phao-lô viết ở thành Cô-rinh-tô (Công vụ các sứ đồ 18:).
                   b) Tập thứ nhì. I và II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, và Rô-ma chép vào khoảng 55-58 S.C.. Ấy là một tập luận về lẽ đạo lớn của thần học. Mục đích mấy thơ nầy cốt phản đối sự gắng sức giữ Luật pháp và phép cắt bì của tín đồ là người Do-thái từ thành Giê-ru-sa-lem đến, và tranh biện cùng họ làm dịp tiện truyền bá lẽ đạo được xưng công nghĩa bởi đức tin (Công vụ các sứ đồ 15:1-3; Ga-la-ti 2:1-10). Niên hiệu các thơ nầy không chắc chắn. I Cô-rinh-tô viết tại Ê-phê-sô, lúc Phao-lô ở đó gần ba năm (Công vụ các sứ đồ 20:31, I Cô-rinh-tô 16:8; Công vụ các sứ đồ 20:1). Vài tháng sau, tại Ma-xê-đoan, Phao-lô chép II Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 2:13; 7:5,13; 8:16-24). Thơ Rô-ma viết ở thành Cô-rinh-tô (Rô-ma 16:23; Công vụ các sứ đồ 20:2), do bà Phê-bê là nữ chấp sự Hội Thánh Xen-cơ-rê, đem đến La-mã (Rô-ma 16:1). Về Rô-ma 16:3-16, Von Soden viết rằng: "Những lời chào thăm nầy, chắc Phao-lô định ý gây mối giao thông giữa các tín đồ theo mình với Hội Thánh La-mã, lại cũng tỏ ra Phao-lô không phải chỉ chuyên quyền lấy danh riêng mình mà viết." Có người hỏi: "Ở La-mã sao Phao-lô quen biết rộng như vậy?" Ấy vì La-mã là nơi trung tâm sanh hoạt của thế giới bấy giờ, là người thiên hạ ai cũng qua lại đó, như đời nay dầu có lẽ chưa đến Paris nhưng có bạn hữu tại đó rồi; bởi đó Phao-lô quen biết nhiều tại La-mã.
                   c) Tập thứ ba. Thơ Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn đều viết vào khoảng năm 61-63 S.C.. Ðể quyết định thời kỳ nầy là đúng, thì phải lấy kỳ hạn Phê-tu đến thay Phi-líp làm bằng cớ và theo đó mà tính (Công vụ các sứ đồ 24:17). Trước kia có người tưởng là năm 60 S.C., nhưng nay không ai công nhận. Tóm lại, để quyết định thời đó, phải lấy lịch sử Phao-lô lần đầu bị giam cầm rồi được thả ra. Ấy vì bốn thơ nầy đều chép bởi Phao-lô trong ngục La-mã lần thứ nhứt, miễn là Phao-lô thật đã được thả. Thứ tự chép bốn thơ không chắc chắn. Thơ Cô-lô-se (4:7) và Ê-phê-sô (6:21) do Ti-chi-cơ đưa đến, và thơ Phi-lê-môn do Ô-nê-sim đi (Phi-lê-môn 10,13). Hai người đồng đến Cô-lô-se (4:7-9). Coi vậy thì biết ba thơ nầy từ La-mã gởi đi cùng một lúc. Ai nấy thường tưởng trong bốn thơ nầy thơ Phi-líp là thơ cuối cùng; ấy vì thấy trong thơ đó Phao-lô cân nhắc sự sống và sự chết (Phi-líp 1:21), trông đợi được tha (Phi-líp 1:25), nên liên lạc với ba thơ kia. như trong Phi-lê-môn 22, Phao-lô cũng có hy vọng được tha. Song Lighfoot đặt Phi-líp trước ba thơ kia, vì có lẽ đạo chung với tập thứ nhì trong Phi-líp 3: có chép tình hình Phao-lô hồi tưởng lại mà thuật ra, và vì Phi-líp 2: dự liệu trước đạo Ðấng Christ tranh luận với Trí huệ giáo (Gnosticisme). Sự tranh luận lớn nầy chung qui vào thơ Cô-lô-se và Ê-phê-sô. Ðây không dám quyết thứ tự nào là phải, song vẫn khó cắt nghĩa sao bấy giờ Lu-ca không cùng với Phao-lô (Phi-líp 2:20). Thơ Ê-phê-sô cũng là thơ Cô-lô-se 4:6 nói là gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê và nhiều người tin là một bức thơ chung đặt cho "những kẻ trung tín trong Ðức Chúa Jêsus Christ" cả mọi nơi. Thơ Phi-lê-môn dẫu gởi cho cá nhơn, song rất trọng yếu đối với xã hội. Lúc chép tập thứ ba nầy Phao-lô đạt tới bực cao siêu trong sự thấu hiểu Ngôi vị Ðấng Christ vậy.
                   d) Tập thứ tư, I Ti-mô-thê, Tít, II Ti-mô-thê thường gọi là các thơ tín về chức mục sư. Các nhà thần đạo các nước cho ba thơ nầy là do Phao-lô chép. Nhưng thỉnh thoảng có người phản đối rằng I và II Ti-mô-thê có lời văn khác nhau, nào có biết thơ đã chia ra trước sau, thì những tiểu tiết trong đời Phao-lô khác mà văn cũng khác: đó là lẽ cố nhiên. Huống chi lời văn trong bốn tập đều có đặc sắc riêng. Ðó là lệ chung của các nhà trước giả: tùy theo đầu đề mà đặt bút vậy. Vả lời văn thay đổi là do sự tấn tới về học thức và phần thuộc linh của tác giả. Nếu bốn tập cùng viết một lối thì chẳng cũng gây thêm mối ngờ ư?
             2. Quan niệm Phao-lô trong các thơ.--
       Trong mười ba bức thơ của Phao-lô thấy rất rõ Phao-lô tấn tới về sự hiểu biết Ðấng Christ và đạo Ngài càng ngày càng hơn, thấy rõ Phao-lô tập sống theo đó trong mọi hoàn cảnh khác nhau, và nhìn những vấn đề khó giải quyết của thế gian và những giá trị vĩnh viễn trong đời sống bằng cặp mắt sáng suốt. Ngoài số mười ba thơ đó, Phao-lô còn viết mấy thơ khác nữa, nhưng thất lạc mất rồi. I Cô-rinh-tô 5:9 trưng dẫn rõ một thơ đã viết trước II Tê-sa-lô-ni-ca 3:17 chép "mọi thơ của tôi," ấy đủ rõ rằng còn có thơ khác nữa gởi cho Hội Thánh đó. II Cô-rinh-tô 2:4 không nói rõ là thơ nào, song có học giả tưởng là thơ gởi giữa I và II Cô-rinh-tô hoặc là chỉ về II Cô-rinh-tô 10:13; là một bức thơ lẻ riêng. Cô-lô-se 4:16 nói đến một bức thơ gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê mà ai nấy đều tin là thơ Ê-phê-sô. Nếu không phải thế, nay còn ít nhứt hai thơ ngụy tác đạt cho Lao-đi-xê để thế cho khuyết điểm đó. Cứ như Phao-lô viết trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2; "hoặc thơ nào tựa như chúng ta đã gởi" tỏ ra bấy giờ đã có những kẻ mạo danh Phao-lô mà viết để đánh đổ và làm hư những giáo lý chơn chánh của Phao-lô. Vậy Phao-lô sớm răn bảo tín đồ phải nhận rõ chữ ký của mình có thật không (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:17; I Cô-rinh-tô 16:21; Ga-la-ti 6:11; Cô-lô-se 4:18). Ấy là rất cần vì dường như Phao-lô có đọc cho các thơ ký như Tẹt-tiu chép thơ vậy (Rô-ma 16:22). Thơ Phi-lê-môn và Ga-la-ti do chính tay Phao-lô viết ra (Ga-la-ti 6:11; Phi-lê-môn 19). Ðiểm đáng lưu ý đây là bốn tập thơ nầy có hiệp với lịch sử mà Lu-ca chép trong sách Công vụ các sứ đồ, ngoài tập thứ tư chắc là viết sau những việc chép trong sách Công vụ các sứ đồ. Mỗi tập hiệp với hoàn cảnh đặc biệt trong một miền hoặc mấy miền nhứt định có những vấn đề rất nên chú ý. Phao-lô luận đến những vấn đề đó, hoặc về thần đạo, Hội Thánh hay những điều thường thức, một cách thông minh lạ lùng, và ứng nghiệm những nguyên lý vĩnh viễn của đạo Tin Lành Ðấng Christ cốt để làm gương mẫu cho những người hầu việc Ngài đời sau noi theo. Ấy cũng là ý của Phao-lô, vì thấy ông coi các thơ tín mình là trọng yếu lắm, nên trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27 khuyên "Tôi nhơn Chúa nài xin anh em hãy đọc thơ nầy cho hết thảy anh em đều nghe," lại nói trong II Tê-sa-lô-ni-ca 3:14 "Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ." Bởi thế, thấy Phao-lô không coi các thơ tín mình như thơ riêng thường, song là những thơ dạy có quyền cho các tín đồ mà ông đạt thơ cho. Vậy trong I Cô-rinh-tô 7:17 chép: "Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội Thánh." Phao-lô trong câu đó lấy lời mình dạy cũng có quyền như lời Chúa Jêsus chép trong chính đoạn đó. Phao-lô chỉ muốn tín đồ tuân theo. Vậy, có tín đồ Cô-rinh-tô cho rằng điều gì Phao-lô miệng khó nói ra thì mượn thơ tín để dọa nạt (II Cô-rinh-tô 10:9). Lời đó dầu quá đáng, nhưng dường như trong II Cô-rinh-tô 10:11, Phao-lô công nhận khi chép: "Khi chúng tôi vắng mặt, lời trong thơ thể nào, thi khi có mặt, việc làm cũng thể ấy." Vả lại trong II Cô-rinh-tô 13:2,10 thấy Phao-lô làm cách nghiêm nhặt nữa. Khi xem Cô-lô-se 4:16 có thể tin rằng thơ của Phao-lô chẳng những chỉ gởi cho một hội, song cũng truyền đưa cho nhau đọc để được ích lợi về phần đời sống thuộc linh của mọi tín đồ. Theo ý đó thấy I Cô-rinh-tô 1:2 ngoài câu "gởi cho Hội Thánh Ðức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô" lại có chép "cho mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Chúa Jêsus Christ chúng ta." Cũng vậy, thơ Phi-lê-môn dầu là bức thơ gởi cho cá nhơn, nhưng bàn luận về vấn đề xã hội là việc bán tôi mọi thật có quan hệ đến cả thế gian. Hai thơ I và II Ti-mô-thê và thơ Tít dầu đạt cho hai mục sư đó nhưng phần nhiều luận về cách hành động trong Hội Thánh luôn những việc giáo hữu bội đạo, buông lung, tình dục, v.v. đều ngăm đe phá hại Hội Thánh trong Ðế quốc La-mã. Phao-lô chẳng những chỉ muốn Ti-mô-thê tuân theo lời dạy (II Ti-mô-thê 3:10), song cũng khuyên "điều con đã nghe nơi ta... hãy giao phó cho mấy người trung thành cũng có tài dạy dỗ kẻ khác" (II Ti-mô-thê 2:2.) Vậy Phao-lô chẳng những lo đến Hội Thánh bấy giờ song lo đến Hội Thánh trong tương lai càng hơn. Phao-lô cho mình là người có "chức việc của Ðức Chúa Jêsus Christ giữa dân ngoại" (Rô-ma 15:16; Ê-phê-sô 3:7,13), và coi mình có quyền truyền đạo cho muôn người như nói: "Tôi mắc nợ cả người Hy-lạp lẫn người dã man" (Rô-ma 1;14), và bởi đó cho người La-mã nữa (Rô-ma 1:15). Vậy, không thể nào hạn chế thơ nào của Phao-lô chỉ cho một Hội Thánh hoặc một xứ nào vì thật phổ cập cho cả thiên hạ trong mọi đời.
             3. Sự mở mang trong các thơ tín Phao-lô.-- Ðây nên chú ý rằng bốn tập thơ trên bày tỏ những sự tấn bộ chính đáng của Phao-lô từ lúc mới từng trải ơn điển Chúa làm nền tảng, theo sự học tập trước và công việc của ông. Ðứng trước những vấn đề mới, Phao-lô đều thấy chung một lẽ thật căn bản: Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si, Con Ðức Chúa Trời, tỏ ra cho Phao-lô thấy trên đường Ða-mách. Ðó là chìa khóa Phao-lô dùng để mở toang những vấn đề mới đó. Các thơ tín chứng rõ lời Lu-ca thuật trong sách Công vụ các sứ đồ về thực sự cốt yếu tức là Chúa Jêsus phục sanh đã hiện đến cùng Phao-lô cũng như trước đó đã hiện ra cho mười hai Sứ đồ cùng hơn năm trăm anh em vậy (I Cô-rinh-tô 15:4-9). Nói lên bậc nữa, Ðức Chúa Trời "bày tỏ Con Ngài ra trong Phao-lô" (Ga-la-ti 1:16), lại kêu gọi cách đặc biệt đi truyền đạo cho dân ngoại, ấy vậy Phao-lô được kể ngang hàng với các Sứ đồ khác, và đứng trong địa vị biệt lập (Ga-la-ti 2:1-10). Khi mới bắt đầu truyền đạo, Phao-lô liền giảng dạy "Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời" (Công vụ các sứ đồ 9:20), và từ đó những lời giảng của Phao-lô vẫn có chơn lý đó như chép trong sách Công vụ các sứ đồ.
       Ðiều làm cho Phao-lô quyết định về thần đạo toàn được ở sự từng trải việc hối cải trên đường Ða-mách. Cứ mỗi tập thơ tín Phao-lô đều thuật lại thực sự đó, và mỗi khi Phao-lô đòi quyền Sứ đồ cũng thấy bao hàm ý đó (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4-6; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; 3:6,14). Như trong tập thơ thứ nhứt chép: "Chúng tôi... là Sứ đồ của Ðấng Christ" (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6). Trong tập thứ nhì chỉ cần đọc I Cô-rinh-tô 9:1 và 15:1-11, tại đó Phao-lô làm chứng đạo mình là thật vì đã thấy Chúa Jêsus phục sanh. Trong II Cô-rinh-tô 10:-13: và Ga-la-ti 1:-2: Phao-lô binh vực chức Sứ đồ mình. Trong tập thứ ba ở Phi-líp 3:12-14 Phao-lô chỉ về sự ăn năn đổi lỗi của mình: "Chính tôi đã được Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi," bởi thế được đặt trước mặt mình mục đích của lòng ham muốn mình. Song Phao-lô "không tưởng mình đã đạt đến mục đích," nên "nhắm mục đích mà chạy." Ấy là chìa khóa của đời sống và thơ tín của Phao-lô, và cũng cắt nghĩa vì cớ nào Phao-lô cứ chăm chú, cứ cố gắng. Thơ Ê-phê-sô 3:2-13 cũng như thế, vì tại đó Phao-lô nói Chúa đã dùng sự khải thị khiến mình biết lẽ mầu nhiệm của Tin Lành đã viết gởi cho anh em đọc, và bởi đó anh em công nhận Phao-lô hiểu rõ lẽ mầu nhiệm của Ðấng Christ. Trong tập thứ tư, I Ti-mô-thê 1:15,16 chép: "Trong những kẻ có tội ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Ðức Chúa Jêsus Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta... để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài và được sự sống đời đời." Phao-lô cứ tranh chiến vì đạo Chúa và đứng vững đến cuối cùng (II Ti-mô-thê 4:6-10). Ấy có thể được vì có Chúa Jêsus giúp đỡ ông (II Ti-mô-thê 4:17) như trên đường Ða-mách. Những sự từng trải riêng của Phao-lô chép như thế, vẫn liên lạc các thơ tín với nhau.
       Các thơ tín đều bày tỏ sự mở mang quan niệm Phao-lô về Ðấng Christ. Khi mới hối cải, Phao-lô đã biết rõ rằng người ta được cứu là nhờ tin Ðấng Christ là Cứu Chúa chuộc tội, chớ không nhờ những việc Luật pháp (Công vụ các sứ đồ 13:38,39). Vậy trong tập thơ thứ nhứt, có nói đến "công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của anh em trong Ðức Chúa Jêsus Christ" (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3). Lại nói đến, "anh em là kẻ được lựa chọn" (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:4). "Tin Lành chúng tôi" (1:5), "sự sống lại của Cứu Chúa" (1:10). Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh đều dự phần về sự cứu chuộc (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-17), và ấy bao gồm sự lựa chọn, đức tin, sự nên thánh, và sự được vinh hiển. Hết thảy đều bởi tin Ðấng Christ, nhờ ơn điển mà được cứu, chớ không phải nhờ việc làm. Hai ý đó là đầu đề quan trọng của tập thứ nhì và tập thứ ba với tập thứ tư cũng bày tỏ lẽ ấy. Vậy, theo như trên đã nói, thì phải nhận biết sự từng trải của Phao-lô lúc mới tin Chúa là sự cải cách trọn vẹn chớ không phải là sự tuần tự tiến hóa. Một nhà danh sĩ kia nói: "Nếu xem xét cả lịch sử Phao-lô như các thơ tín tỏ ra, thì ta phải quyết định cái nhơn cách Phao-lô bị xô đẩy mạnh, biến đổi một cách dữ dội hơn là dần dần, có phải không?" Một người khác viết: "Tin Lành Phao-lô rao giảng có bao gồm trong sự trở lại đạo của ông, và bởi sự suy gẫm và cầu nguyện Phao-lô có thể làm cho rõ ràng những sự tỏ ra trong sự từng trải đó." Nói thế không có ý cho rằng Phao-lô không tấn tới nhiều về phần thuộc linh đâu, song sự tấn tới đó gốc từ nền tảng đã xây dựng trước. Thật có sự tấn tới lắm, nhưng ấy có nhờ những sự được tỏ ra trong sự ứng dụng liên tiếp về quan niệm Phao-lô đối với Ðấng Christ. Như Phao-lô có khi chú trọng về một mặt chơn lý, có khi một mặt khác. Ấy là vì nhơn dịp tiện, chớ không phải vì là Phao-lô mới tìm được mặt đó.
       Về bốn tập thơ tín có thể nói đại khái như vầy: Tập thứ nhứt trọng về sự tái lâm của Chúa, thứ nhì trọng về sự cứu rỗi thế gian, thứ ba trọng về Ðấng Christ, và thứ tư trọng về chức vụ mục sư. Song không nên tưởng rằng Phao-lô không chép một Tin Lành cứu rỗi đầy đủ trong tập thứ nhứt, không đạt đến nguyên nhơn chính về ngôi vị Ðấng Christ là Chúa cho đến tập thứ nhì, và chưa hiểu mục sư cho đến tập thứ tư. Muốn biết rõ như thế, đọc giả cần chú ý I Tê-sa-lô-ni-ca 2: (tập thứ nhứt) đã chép rõ về công việc Phao-lô nhờ mục sư và truyền đạo, và đã luận về lẽ đạo Ðấng Christ là Chúa, bình đẳng với Cha (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1,3; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; 2:13).
       Dầu trong mỗi tập thơ Phao-lô chú trọng khác nhau về lẽ đạo của sự tương lai, nhưng trong mỗi tập cũng tỏ ra sự trông đợi Chúa tái lâm, cho đến giờ cuối cùng là khi đến sự qua đời của chính mình (II Ti-mô-thê 4:8,18). Trong các thơ tín, Phao-lô rao giảng Tin Lành đầy trọn nhờ ơn điển mà được cứu, song chú trọng về mặt chơn lý rất cần trong lúc thuận tiện, dầu chưa họp thành hệ thống. Trong tập thứ nhứt, Phao-lô giúp đỡ các tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca vì hiểu lầm sự tái lâm của Chúa. Trong tập thứ nhì, Phao-lô binh vực Ðạo cứu rỗi bởi ơn điển, vì giữa các tín đồ có người vẫn giữ lề thói Do-thái-giáo, và tìm cách làm mất sự tự do của tín đồ dân ngoại, khuyên phải theo các lễ nghi Do-thái-giáo dầu là tín đồ Ðấng Christ. Công vụ các sứ đồ 15 chép rõ lý cớ bác bẻ đó, và tỏ ra sự phấn đấu rất lớn trong cả chức vụ Phao-lô. Phi-líp 3 cũng nói đến song lúc đó Phao-lô đã đắc thắng.
       Trong tập thứ ba, sự tranh luận lan tràn đến Tiểu A-si, nhứt là trong trũng Lycus, vì có sự lẫn lộn Do-thái giáo (về phái Essenisme) và thần bí giáo với triết học ngoại bang, (phái Trí-huệ-giáo mới) xen vào các Hội Thánh tại đó. Vậy, Phao-lô phản đối hết sức với tà giáo đó vì dạy Chúa Jêsus không phải là Con Ðức Chúa Trời. Nên Phao-lô trong hai thơ Cô-lô-se và Ê-phê-sô cắt nghĩa kỹ càng về các lẽ đạo Cứu Chúa là Ðấng Christ, Ngài đã sống lại, Ngài cầm quyền phán xét, và tín đồ Ðấng Christ sẽ sống lại v.v.. Trong tập thứ tư cũng có chép về sự tranh luận đó, dầu khác nhau nhưng có thế tại thành Ê-phê-sô và đảo Cơ-rết. Mặt tà giáo về phe Do-thái (có lẽ giống người Pha-ri-si) đây được tỏ rõ hơn, và hơi nhắc lại sự tranh luận với phe Do-thái trong tập thơ thứ nhì. Bấy giờ Phao-lô đã cao tuổi, sắp đến lúc qua đời, và đạo Ðấng Christ có những kẻ thù nghịch bên trong và bên ngoài. Phao-lô thiết tha mong mỏi các mục sư và truyền đạo thanh niên trong Hội Thánh sẽ trở nên những cột trụ tương lai cho đạo Ngài, nên lời nói của Phao-lô càng khẩn khoản, ân cần. Vậy trong tập thứ tư nầy lời bàn luận lúc ôn hòa, lúc hăng hái. Ðó là tình hình bấy giờ mỗi lúc một khác. Vả, Phao-lô vì thường nhớ lại những việc quá khứ và bước từng trải của mình thì trong tập nầy tả rõ tâm tánh một người già cả. Trong tập đó lối văn không mặn bằng thơ I Cô-rinh-tô; cảm tình không nồng nàn hăng hái bằng thơ II Cô-rinh-tô, và lời bẻ bác không khéo bằng thơ La-mã và thơ Ga-la-ti. Nhưng luận lý thì rành mạch lắm. Mỗi thơ tín thuận hiệp với thứ tự của mỗi tập. Mỗi tập thuận hiệp với thời thế trong đời sống Phao-lô và tỏ ra tư tưởng và cảm tình của Phao-lô tùy từng lúc mà thay đổi. Vậy, muốn biết sự tấn tới về tư tưởng Phao-lô thế nào nên theo thứ tự niên đại của các thơ tín mà nghiên cứu kỹ càng, thì mới biết đến nơi đến chốn.
       II. Niên hiệu và thứ tự Phao-lô.-- Niên hiệu và thứ tự lời nói và việc làm của Phao-lô, khó biết chắc, chỉ có thể biết sơ lược thôi. Lu-ca chép kỹ các thời kỳ về Cứu Chúa giáng sanh (Lu-ca 2:1-3), về Ngài bắt đầu chức vụ truyền đạo (Lu-ca 2:23), và về Giăng đến giảng và làm phép báp-têm (Lu-ca 3:1,3), song khi chép sách Công vụ các sứ đồ thì phần nhiều Lu-ca không để ý ghi các niên hiệu. Trong số 23 học giả danh tiếng, dưới đây xin chép bảng kê niên hiệu chức vụ Phao-lô của 3 người để tỏ ý khác nhau thể nào.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.