Sư sáng. La Lumière.

        


      I. Căn nguyên.-- Bước thứ nhứt trong cuộc Tạo thành là lời Ðức Chúa Trời phán: "Phải có sự sáng" (Sáng thế ký 1:3). Lúc đó, sự sáng có lẽ giống như Bắc cực quang (aurore boréale) soi thấu qua "sự mờ tối ở trên mặt vực" của đất "vô hình và trống không." Sự thâu lại sự sáng sau hết (ngày thứ tư của cuộc Tạo thành, Sáng thế ký 1:14) trong mặt trời, các ngôi sao, và các thái dương hệ đem phương pháp sáng tạo từ chỗ khởi đầu đến điểm hoàn thành như là điều kiện cần thiết của mọi sanh vật. Như vậy, căn nguyên của sự sáng được giải nghĩa trong ý định và chính bổn thể của Ðức Chúa Trời mà Thánh Giăng định nghĩa không phải chỉ là Tác giả của sự sáng, song bằng một nghĩa gồm tóm hết là chính sự sáng: "Ðức Chúa Trời là sự sáng" (I Giăng 1:5).
       II. Nghĩa rộng.-- Suốt Kinh Thánh thường dùng "sự sáng" về mặt rực rỡ làm hình bóng và đồng nghĩa của mọi sự sáng láng và chói lòa trong sự sống trí khôn, đạo đức và thuộc linh của người và thiên sứ; còn Ðức Chúa Trời vĩnh viễn, vì cớ sự thánh khiết và sự trọn lành, được tả như là Ðấng "ở nơi sự sáng không thể đến gần được" (I Ti-mô-thê 6:16). Mọi ý nghĩa của sự sáng, từ sự sáng trong cõi thiên nhiên đến sự vinh hiển trong thiên đàng, đều có tìm trong Kinh Thánh.
       1. Sự sáng tự nhiên.-- Sự sáng ban ngày (Sáng thế ký 1:5) của "các vì sáng trong khoảng không" (Sáng thế ký 1:14,18; Thi Thiên 74:16; 136:7; 148:3; Truyền đạo 12:2; Khải Huyền 22:5). Những đặc sắc là: đẹp đẽ, chiếu sáng, và ích lợi. Sự Sáng "khiến lòng vui vẻ" (Châm Ngôn 15:30). "Ánh sáng thật là êm dịu" (Truyền đạo 11:7). Nếu không có ánh sáng, người ta vấp ngã và không làm gì (Giăng 11:9,10). Sự sáng là điều người ta trông đợi một cách không kể xiết (Gióp 30:26 so Thi Thiên 130:6). Sự sống vui mừng, hoạt động và mọi phước lành đều nhờ sự sáng.
       Tại xứ Pha-lê-tin, sự sáng và sự sống hầu đồng nghĩa với dân cư cũng như sự tối và sự chết. Ấy vì ban ngày xứ đó đầy dẫy sự sáng mặt trời, và nhờ sự sáng để tính một ngày từ buổi hoàng hôn hôm trước đến buổi hoàng hôn ngày sau, và "người đi ra, đến công việc mình, và làm cho đến chiều tối" (Thi Thiên 104:23). Sự tối và sự sáng thình lình đổi với nhau lúc mặt trời mọc và lặn tại xứ Pha-lê-tin rõ ràng hơn các xứ phương Bắc. Cho nên dễ hiểu xưa có người tại xứ thờ mặt trời như thần ban sự sáng và vui mừng, như Gióp chép sự cám dỗ về tội đó trong 31:25-28, "Tôi có thấy mặt trời chiếu sáng, và mặt trăng mọc lên soi tỏ, v.v.". Sự ưa ánh sáng đó được bày tỏ trong cả Tân Cựu Ước mỗi khi dùng sự sáng để chỉ những điều người rất giúp đỡ mình, và bởi dùng như thế thấy những hình bóng rất đẹp, rất hay trong Kinh Thánh.  
       2. Sự sáng nhân tạo.-- Khi sự sáng tự nhiên thiếu, người ta thường tìm hoặc sáng chế một sự sáng tạm thời thế cho, dầu lu mờ hoặc chưa trọn vẹn. Người Hê-bơ-rơ xưa thường dùng "dầu" thắp sáng (Xuất Ê-díp-tô ký 25:6; 35:8; Lê-vi ký 24:2), và đèn (Xuất Ê-díp-tô ký 35:14; Ma-thi-ơ 5:15). "Có nhiều đèn trong phòng cao" tại Trô-ách là nơi "Phao-lô cứ giảng luôn cho đến nửa đêm" (Công vụ các sứ đồ 20:8). Xem Giê-rê-mi 25:10.
       3. Sự sáng bởi phép lạ.-- Tai vạ thứ chín là Chúa khiến sự tối tăm rất dày trong ba ngày tại xứ Ai-cập đến nỗi dân đó không thấy nhau và không làm việc gì, còn "trong chốn Y-sơ-ra-ên ở thì cò ánh sáng" (Xuất Ê-díp-tô ký 10:23). Không biết rõ Ngài làm phép lạ đó nhờ duyên cớ tự nhiên, song biết chắc phương pháp giữ dân Y-sơ-ra-ên trong sự sáng là siêu phàm. Dầu nhờ duyên cớ tự nhiên, nhưng "trụ lửa" soi sáng ban đêm cho dân Y-sơ-ra-ên khỏi người Ai-cập thật là một phép lạ (Xuất Ê-díp-tô ký 13:21; 14:20; Thi Thiên 78:14); "Ngài dẫn dắt họ... trọn ban đêm bằng ánh sáng lửa." Khi Chúa Jêsus hóa hình, "mặt Ngài sáng lòa... áo Ngài trắng như ánh sáng," cũng là siêu phàm (Ma-thi-ơ 17:2). "Ánh sáng lớn," "thình lình... từ trên trời... soi sáng chung quanh." Phao-lô lúc đi đường Ða-mách cũng thế (Công vụ các sứ đồ 22:6 so 9:3). Trong mấy phép lạ nầy, sự sáng siêu phàm chẳng những chỉ bóng về sự sáng thuộc linh bề trong, song về một phần cũng dùng để tỏ ra hoặc dọn đường cho sự từng trải thuộc linh đó.
       4. Sự sáng về trí khôn, đạo đức thuộc linh.-- Những đặc sắc về sự sáng tự nhiên cũng được tỏ ra trong đời sống bề trong của người. Ít lời có thể dùng như sự sáng vì có ý tốt đẹp và cũng thuận hiệp với các sự từng trải, tình hình và cảnh ngộ của đời sống thuộc linh. Vì cớ đó, Kinh Thánh phần nhiều lần dùng "sự sáng" theo nghĩa bóng. Dầu lấy từ cõi thiên nhiên nhưng sự sáng tự mình thuận hiệp để mô tả những thực sự thuộc linh. Giáo dục thế gian hay phân biệt giữa sự hiểu biết về phần trí thức và thuộc linh, song Kinh Thánh ít khi như thế, vì đối đãi với người như thuộc linh, và việc làm của trí thức cũng nhờ phần thuộc linh. Dầu vậy, trong Kinh Thánh, có một vài câu chỉ về sự sáng phần nhiều đến trí thức hoặc trí khôn bởi lời dạy của Ngài, như "sự bày giãi lời Chúa soi sáng cho" (Thi Thiên 119:130) và "Luật pháp là ánh sáng" (Châm Ngôn 6:23). Tại đây, sự dạy gồm sự sáng cho đạo đức cũng như cho trí khôn. "Kẻ khác thù nghịch với ánh sáng" và "chúng nó chẳng biết ánh sáng" (Gióp 24:13,16) chỉ quan thiệp với thái độ đạo đức người đối với lẽ thật. Ê-sai 5:20 mô tả một đạo đức lộn xộn và mờ tối không thể phân biệt giữa sự sáng và sự tối. Nhưng phần nhiều Kinh Thánh sự sáng và sự sống luôn đi đôi với nhau. Sự sáng là kết quả của sự cứu rỗi "Ðức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi" (Thi Thiên 27:1). "Sự sáng" dùng cách bóng thứ nhứt quan thiệp với sự sống thuộc linh, gồm cả sự sáng so mọi phần của linh hồn: trí thức, lương tâm, lý trí, ý muốn. Trong cõi đạo đức, sự sáng soi các phần đó là nhờ hoàn toàn sự đổi mới của thần linh người. "Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng" (Thi Thiên 36:9). "Sự sống là sự sáng của loài người" (Giăng 1:4).
       III. Sự sáng là một đặc sắc của sự thánh khiết.-- Bởi thế là một đặc sắc cá nhơn. Thật là Ðức Chúa Trời soi ra.
       1. Ðức Chúa Trời.-- "Ðức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu" (I Giăng 1:5). Sự tối tăm là hình bóng phổ thông và địa vị tội lỗi và sự chết, sự sáng là hình bóng và tỏ bày sự thánh khiết. "Sự sáng của Y-sơ-ra-ên trở nên lửa, Ðấng Thánh nó sẽ trở nên ngọn đèn" (Ê-sai 10:17). Ðức Chúa Trời, bởi ơn điển và sự hiện diện Ngài, đối với ta là "nơi sáng láng lạ lùng" (I Phi-e-rơ 2:9). Sự vinh quang về sự thánh khiết và sự hiện diện Ngài là "sự sáng đời đời của các người được chuộc ở trên trời" (Ê-sai 60:19; Khải Huyền 21:23,24; 22:5).
       2. Ðấng Christ.-- Ngôi lời vĩnh viễn (Logos, Giăng 1:1), là Ðấng phán: "Phải có sự sáng" (Sáng thế ký 1:3), là "sự chói sáng của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 1:3), "là sự sáng soi sáng mọi người" (Giăng 1:9). Như Ðấng Mê-si được dự ngôn, Ngài "làm sự sáng cho các dân ngoại" (Ê-sai 42:6; 49:6). Khi Ðấng Christ ra đời thì làm ứng nghiệm lời tiên tri (Lu-ca 2:32). Chúa Jêsus tự xưng mình là "sự sáng của thế gian" (Giăng 8:12; 9:5; 12:46). Như sự sáng Ngài là "Ðức Chúa Trời đã được tỏ ra trong xác thịt" (I Ti-mô-thê 3:16), và "Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời" (Giăng 1:1). Chúa Jêsus như Logos bày tỏ đời đời Ðức Chúa Trời, như một lời bày tỏ một tư tưởng. Thể yếu của Ngài có ba phần: Sự sống (Giăng 5:26; 6:57; zóé). Sự yêu thương (I Giăng 4:8, agápe, trên chữ e có dấu -); sự sáng (I Giăng 1:5, phós). Vậy Ðấng Christ đã bày tỏ ra phần đó là ba phần không chia được và làm thành sự vinh hiển của "Con một đến từ nơi Cha" (Giăng 1:14). Vì tỏ ra và ban sự sống, thì Ðấng Christ trở nên sự sáng của loài người (Giăng 1:4). Ðức Chúa Trời đã "làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng ta, đặng sự thông biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Ðức Chúa Jêsus Christ" (II Cô-rinh-tô 4:6), và sự cứu rỗi đó được gọi là "sự vinh hiển chói lói của Tin lành Ðấng Christ" (4:4). Vậy Ðấng Christ là Ðấng chiếu sáng, là Chúa Cứu thế (Ê-phê-sô 4:14).
       3. Mọi người nhận lấy và chiếu sự sáng của Ðức Chúa Trời và Ðấng Christ được gọi là "sự sáng" hoặc "những sự sáng" (so Giăng 5:35; Ma-thi-ơ 5:14; Lu-ca 16:8; Giăng 12:36; Ê-phê-sô 5:8), và phải "chiếu sáng như đuốc trong thế gian" (Phi-líp 2:15). Xưa, người Do-thái theo luật pháp tưởng lầm mình "làm sự sáng cho kẻ ở nơi tối tăm" (Rô-ma 2:19).
       4. Hội Thánh.-- Si-ôn phải sáng lòa, "vì sự sáng mình đã đến" (Ê-sai 60:1), và dân ngoại phải đến sự sáng đó (60:3). Sứ mạng Si-ôn soi sáng thế gian được chỉ bóng bởi U-rim của bảng đeo ngực thầy tế lễ thượng phẩm xưa chỉ về sự sáng, và Thu-mim về lẽ thật. Trong thời đại ơn điển, Hội Thánh Ðấng Christ phải soi sáng càng nhiều hơn bởi sự sáng Ðức Chúa Trời là Ðấng Christ. Bảy Hội Thánh Tiểu-A-si mà Giăng bởi Ðức Thánh Linh tỏ ra như là bảy chơn đèn vàng, và các kẻ hầu việc như là bảy ngôi sao cả đều sáng soi bằng sự sáng của Khải thị Tin lành. Trong Ê-phê-sô. Ðấng Christ là Ðấng soi sáng thế gian, là Ðầu của Hội Thánh, là Thân thể Ngài, mà bởi thân thể đó sự vinh hiển Ngài sẽ được bày tỏ khắp thế gian "để cho mọi người biết" (Ê-phê-sô 3:9,10). "Nguyện Ngài được vinh hiển trong Hội Thánh" (câu 21), Hội Thánh đem sự vinh hiển dâng cho Ðức Chúa Trời vì bày tỏ vinh hiển Ngài cho người ta.
       IV. Các hình bóng.-- Sự sáng chỉ bóng về: 
             (1) con mắt (Ma-thi-ơ 6:22; Lu-ca 11:34); 
             (2) Sự tỉnh thức như trong thí dụ về mười người nữ đồng trinh; 
             (3) Sự binh vực, "mặc lấy áo giáp sáng láng" (Rô-ma 13:12), là áo của một đời sống thánh khiết; 
             (4) là phạm vi tín đồ hằng ngày bước đi, là "cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng" (Cô-lô-se 1:12) 
             (5) trên trời, vì cơ nghiệp đó gồm lại thế giới trên cao, "Chiên Con là ngọn đèn của thành" (Khải Huyền 21:23); 
             (6) thịnh vượng (Ê-xơ-tê 8:16; Gióp 30:26; so 18:5;) 
             (7) sự vui vẻ (Gióp 3:20, Thi Thiên 97:11; 112:4;) 
             (8) Ơn Ngài (Thi Thiên 4:6; 44:3; 89:15), và ơn vua (Châm Ngôn 16:15); và 
             (9) Sự sống (Thi Thiên 13:3); 49:19; Giăng 1:4).
       V. Các thành ngữ.-- 
             (1) "Trái của sự sáng láng" (Ê-phê-sô 5:9) ở tại mọi điều nhơn từ, công bình và thành thật; 
             (2) "người sáng láng trong Chúa" (Ê-phê-sô 5:8), ấy tỏ ra nguồn của sự sáng (so Ê-sai 2:5); 
             (3) "cơ nghiệp các thánh đồ trong sự sáng" (Cô-lô-se 1:12) là một sự từng trải hiện tại từ trên trời; 
             (4) "Cha sáng láng" (Gia-cơ 1:17) chỉ về Ðấng dựng nên các ngôi sao; 
             (5) "nơi sáng láng lạ lùng" (I Phi-e-rơ 2:9) là sự sáng của sự hiện diện và sự thông công của Ðức Chúa Trời; 
             (6) "đi trong sự sáng" (I Giăng 1:7); 
             (7) "ở trong sự sáng" (I Giăng 2:10); 
             (8) "sự vinh hiển chói lói của Tin lành Ðấng Christ," là "sự thông biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời" (II Cô-rinh-tô 4:4,6).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự sáng:
       Sáng thế ký 1:16.-- "Vì sáng lớn" là hình bóng về Ðấng Christ, "Mặt trời công bình" (Ma-la-chi 4:2) Ngài sẽ lấy tính cách đó lúc tái lâm. Về phần đạo đức, thế gian hiện nay ở giữa Sáng thế ký 1:3 và 1:16 (Ê-phê-sô 6:12; Công vụ các sứ đồ 26:18; I Phi-e-rơ 2:9). Không thấy mặt trời, song có sự sáng. Ðấng Christ là sự sáng đó (Giăng 1:4,5,9), song "soi trong tối tăm" mà chỉ hiểu bởi đức tin thôi. Như "Mặt trời công bình," Ngài sẽ trừ đuổi mọi sự tối tăm. Về thời đại, Hội Thánh ở trong chỗ của "vì sáng nhỏ," là mặt trăng phản chiếu sáng mặt trời không thấy được. Các ngôi sao (Sáng thế ký 1:16) là cá nhơn tín đồ, là "những vì sáng" (Phi-líp 2:15,16) Xem Giăng 1:5.
       I Giăng 1:7.-- "Ði trong sự sáng" được cắt nghĩa bởi câu 8-10. "Hết thảy mọi sự... được tỏ ra bởi sự sáng" (Ê-phê-sô 5:13). Sự hiện diện Ðức Chúa Trời cho biết về tội trong bổn tánh người (I Giăng 1:8), và về những tội lỗi trong sự sống (câu 9,10). Ði trong sự sáng là thành thật xưng cả hai điều đó. Huyết của Ðấng Christ là phương pháp của Ðức Chúa Trời. Tại cây thập tự, ("tội" bị đoán phạt (Rô-ma 8:3), và "những tội lỗi" được cất đi (Hê-bơ-rơ 9:26). "Trong sự sáng" nghĩa là công nhận những thực sự nầy, và có lòng tin Ðấng Christ bị đóng đinh là phương thuốc công hiệu.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.