Sự soi dẫn Kinh Thánh. Inspiration de la Bible.

        


      Trong Kinh Thánh La-tinh (vulgate), ché p động từ inspiro dịch trong Sáng thế ký 2:7 "hà sanh khí vào" II Ti-mô-thê 3:16 "soi dẫn", II Phi-e-rơ 1:21 "cảm động"; và tiếng chỉ tên inspiratio dịch trong II Sa-mu-ên 22:16 "gió", Gióp 32:8 "hơi thở", Thi Thiên 18:15 "gió", và Công vụ các sứ đồ 17:25 "hơi sống". Bởi sự mở mang bảng kê danh từ thần học, chữ nầy được một nghĩa riêng về những người chép Kinh Thánh hoặc chính các sách đó. Các sách Kinh Thánh được gọi là soi dẫn (inspiratio) vì là kết quả nhứt định của Ðức Chúa Trời bởi những người được Ðức Chúa Trời hà hơi. Những người chép Kinh Thánh gọi là được soi dẫn vì có Ðức Thánh Linh hà hơi vào, nên kết quả các công việc họ vượt quá quyền loài người mà thành ra quyền Chúa. Vậy, soi dẫn thường được định nghĩa là một ảnh hưởng siêu phàm hành động trên các người chép Kinh Thánh bởi Thần Ðức Chúa Trời, và những lời chép đó kể là đáng tin cậy vì từ Chúa. Kết luận, Kinh Thánh được soi dẫn tức là công việc của thần Ðức Chúa Trời trên những người chép các sách Kinh Thánh để họ không chép tự mình song "từ Chúa" và những lời chép đó, Ðức Chúa Trời tỏ cho loài người biết bổn thể, ý muốn, công việc, và mưu định của Ngài.
       Nên chú ý: Các bản mới dịch từ nguyên bản Hy-lạp dùng chữ "théopneustos" trong II Ti-mô-thê 3:16. Có người nói "théopneustos" không có ý Kinh Thánh được "hà hơi vào" bởi Ðức Chúa Trời, hoặc Kinh Thánh là kết quả của Chúa "hà hơi vào" những người chép; song ý thật là Kinh Thánh từ Ðức Chúa Trời "thở ra", là kết quả của hơi thở sáng tạo Ngài. Dầu vậy, không thể chọn một danh từ nào khác chỉ định rõ hơn Kinh Thánh là công việc Chúa làm ra. "Hơi thở của Ðức Chúa Trời" trong Kinh Thánh làm hình bóng về quyền toàn năng Ngài, là sứ giả đem lời sáng tạo của Chúa như ở trong Thi Thiên 33:6 "Bởi lời Ðức Giê-hô-va các từng trời được làm nên, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có". Bởi đó thấy hơi thở của Ðức Chúa Trời là quyền năng của Ngài lưu xuất không ngăn lại được. Vậy, khi Phao-lô trong II Ti-mô-thê 3:16 chép "Cả Kinh Thánh" hoặc dịch là "Mỗi sách thuộc Kinh Thánh" hoặc dịch là "Mỗi sách thuộc Kinh Thánh" là kết quả của hơi thở Ngài, thì hết sức xưng rằng Kinh Thánh là kết quả của một việc rất đặt biệt của Chúa.
       Sứ đồ Phi-e-rơ trong II Phi-e-rơ 1:19-21 hiệp ý với Sứ đồ Phao-lô về Ðức Chúa Trời là căn nguyên của Kinh Thánh. Trong câu 16, Phi-e-rơ chép: "Chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Ðức Chúa Jêsus Christ...chẳng phải là theo những truyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài". Sau lại thêm rằng: "chúng tôi càng tin lời tiên tri chắc chắn hơn", và trong hai câu tiếp cứ làm chứng về Kinh Thánh "chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được", tức Kinh Thánh không phải là kết quả của người nào tra xét điều gì hoặc kết quả của tư tưởng người chép. Ấy dường như nói Kinh Thánh là sự ban cho của Chúa. Phi-e-rơ theo ý đó cứ chép trong câu 21: "Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra (nguyên văn: đem đến), nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời". Ðây thêm ý là Chúa bởi người chép Kinh Thánh, tức là Ðức Thánh Linh cảm động người chép, hoặc như có người nói: Ðức Thánh Linh đem Kinh Thánh đến cho người. Bởi đó, Kinh Thánh hoặc là phần được bởi sự khải thị trực tiếp (như cho Giăng trong Khải Huyền và tỏ ra cho Phao-lô, I Cô-rinh-tô 12:1; Rô-ma 16:25), hoặc là phần lịch sử được bởi Chúa soi dẫn người chép, đều chắc chắn cả.
       Chính Chúa Jêsus, trong Giăng 10:34-35, khi tự bênh vực mình trước mặt người Giu-đa, nhờ lời họ làm chứng về Kinh Thánh là "Không thể bỏ được", tức Kinh Thánh có quyền không chối được, vậy vẫn nhờ được. Bởi đó, ba lần quỉ Sa-tan cám dỗ Chúa, ba lần Chúa nhờ lời Kinh Thánh đáp lại mà đắc thắng (Ma-thi-ơ 4:1-10; Lu-ca 4:1-13). Trong Lu-ca 24:44, Chúa cũng phán mọi sự chép về Ngài trong Cựu Ước "phải được ứng nghiệm". Xem câu 25 thì dường như Chúa lấy làm lạ vì: "những kẻ dại dột, có lòng chậm tin mọi lời các đấng tiên tri nói"; và trong câu 27 cắt nghĩa là "cả Kinh Thánh". Vậy, đủ biết Ðức Chúa Jêsus vẫn nhờ quyền Kinh Thánh cách trọn vẹn, ấy vì Ngài biết Ðức Chúa Trời là Tác giả.
       Các Sứ đồ làm chứng về Kinh Thánh như Chúa. Khi các Sứ đồ đi truyền đạo vẫn "lấy Kinh Thánh cắt nghĩa" (Công vụ các sứ đồ 17:2; 18:24-28); và kết quả là "những người ... đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng". Sứ đồ dạy "hãy nên thánh", là nhờ Kinh Thánh (I Phi-e-rơ 1:16), khuyên "hãy yêu người lân cận như mình", là nhờ Kinh Thánh (Gia-cơ 2:8), và mọi việc làm hằng ngày cũng là nhờ Kinh Thánh (Công vụ các sứ đồ 23:5; Rô-ma 12:19). Các Sứ đồ thường nhờ Kinh Thánh để hiểu nghĩa những biến động xảy ra xung quanh mình và những cảnh ngộ trong đời sống mình (Rô-ma 2:26; 8:36; 9:33; 11:8; 15:9, 21; II Cô-rinh-tô 4:13). Giống như Chúa, các Sứ đồ dạy "Kinh Thánh... phải được ứng nghiệm" (Công vụ các sứ đồ 1:16). Các sứ đồ vẫn nhờ Kinh Thánh như thế, bởi vì biết nếu chép tại đó thì đủ rồi (I Phi-e-rơ 2:6), ấy vì nhận có quyền không sai được, và Kinh Thánh chép gì đều là bởi Ðức Thánh Linh là hơi thở Ðức Chúa Trời đem đến cho người. Vậy, khi Kinh Thánh có phán cùng Pha-ra-ôn (Rô-ma 9:17) và rao truyền trước cho Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:8), thật ra là Ðức Chúa Trời. Cũng như chép trong Hê-bơ-rơ 3:7 "Cho nên, như Ðức Thánh Linh phán rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài", là lời trích từ Thi Thiên 95:7 (xem Công vụ các sứ đồ 4:25 trích Thi Thiên 2:1 và Công vụ các sứ đồ 13:34 trích Ê-sai 55:3 với Thi Thiên 16:10), những lời chép dường như từ miệng Chúa đó, thật ra là lời chép trong Kinh Thánh. Về phần các Sứ đồ như vậy, mong rằng về độc giả Kinh Thánh như giáo phụ Hội Thánh đầu tiên là Saint Cyprien viết: "Khi tín đồ cầu nguyện thì thưa với Chúa; khi xem Kinh Thánh thì Chúa phán với tín đồ".
       Sự soi dẫn không có nghĩa người chép Kinh Thánh mất lối văn riêng của mình, song cứ giống như các giáo sư Hội Thánh đầu tiên được Chúa soi dẫn, không phải như một cái máy (I Cô-rinh-tô 14:31). "Thánh Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó" (II Cô-rinh-tô 3:17). Ý muốn các người chép đó trở nên một với Chúa; Thánh Linh của Chúa hành động trên tâm thần đến nỗi mỗi người chép cứ giữ nhân cách riêng của mình. Trong suốt cả Kinh Thánh, có sự hiệp một của Tác giả về những lẽ thật thuộc linh; về những sự khác thì tỏ ra khác nhau bằng số người chép. Vậy, về phần người chép có sự khác nhau; về phần Tác giả là Chúa có sự hiệp một. Nếu bốn người chép các sách Tin lành chỉ như là máy, theo một trật tự thuật các biến động giống như nhau, cùng một lời, thì tỏ ra không phải là người làm chứng độc lập nữa. Vì chép khác nhau thì tỏ ra bốn người không lập mưu trước. Có khi phải so sánh truyện chép trong bốn sách đó mới thấy mọi thiệt sự, như muốn biết cả các chữ viết trên bảng phía trên đầu Ngài treo trên thập tự, phải so với nhau mới biết hết chữ ghi vào bảng đó. Theo bảng tiếng Anh (Revised) thấy có chỗ sai lầm, như II Các vua 8:26 so II Sử ký 22:2. Sự sai lầm đó không phải từ nguyên bản, song chỉ là lối người sao lại, hoặc dịch giả, hoặc người in, v.v.... Chỉ có một phép lạ vẫn hành động khiến người sao lại đúng như thế. Có sự hơi khác nhau giữa mười điều răn chép trong Xuất Ê-díp-tô ký 20: so Phục truyền luật lệ ký 5:, giữa Thi Thiên 18: so với II Sa-mu-ên 22:, giữa Thi Thiên 14: so với Thi Thiên 53:, và trong những lời Tân Ước trích ra từ Cựu Ước ấy vì phần nhiều trích theo bản Septant hoặc bản Hê-bơ-rơ; nhưng không một lời làm sai lẽ đạo nào. Dầu mỗi sách chỉ tỏ một mặt về lẽ thật Chúa, nhưng Kinh Thánh tỏ ra cả thảy.
       Sự công kích của kẻ thù về những chỗ dường như là nhược điểm trong Kinh Thánh chỉ thấy kết quả là tỏ ra những lẽ thật càng hay Kinh Thánh là một đồn lũy không phá được, và những sự công kích đó chỉ "giúp thêm cho sự tấn tới của đạo Tin Lành" (Phi-líp 1:12). Ấy vì Phao-lô, một trong số người chép Kinh Thánh, xưng rằng: "Ta không cậy lời nói và sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Ðức Thánh Linh đã dạy". Lại thêm: "Ðiều tôi viết cho anh em đây là mạng lệnh của Chúa" (I Cô-rinh-tô 14:32). Nên nhớ Phao-lô đạt thơ tín mình cho các người có ân tứ Chúa để "phân biệt các thần"; bởi vì những người đó công nhận, ấy làm chứng chắc chắn các thơ tín đó thật có quyền Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng xưng là "các phần Kinh Thánh" (II Phi-e-rơ 3:16). Vì được chép ra như thế, Kinh Thánh là "lời hằng sống và bền vững của Ðức Chúa Trời... còn lại đời đời" (I Phi-e-rơ 1:23, 25). Cho nên những sự công kích đó chỉ giống như các búa hư hỏng xung quanh một cái đe của người thợ rèn!
       Kinh Thánh là hơi Ðức Chúa Trời thở ra, nên từng lời trong nguyên bản đều là đúng và có quyền Chúa. Vì vậy, không nên nói "trong Kinh Thánh có lời Chúa", song nên nói "Kinh Thánh là lời Chúa" mới đúng. Dầu các bản chánh của Kinh Thánh không còn, nhưng vì so sánh các bản sao với nhau, nên có thể quyết định không có lời sai lầm nào làm hư lẽ đạo hoặc luân lý. Như có chép: "Các lời Ðức Giê-hô-va là trong sạch, dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần" (Thi Thiên 12:6). Hãy nhớ Chúa đã hứa Ðức Thánh Linh cho các môn đồ để dạy cách nói làm sao và nói lời gì trước mặt tòa án (Ma-thi-ơ 10:19-20), huống chi Ðức Thánh Linh "ở với" Hội Thánh "đời đời" (Giăng 14:16), đã cho những lời chép của Chúa được đúng về cách chép và về tài liệu, -- chỉ có lời vô ngộ đó còn lại! -- Cũng xem Giăng 14:26; 16:13-14, Chúa hứa Ðức Thánh Linh sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật, sẽ dạy dỗ mọi sự, nhắc lại cho nhớ mọi điều mà Chúa đã phán, và sẽ lấy mọi điều thuộc về Chúa mà rao bảo cho.
       Có thể lấy lời nói của Cai-phe trong Giăng 11:50 làm thí dụ tỏ ra Chúa công nhận và soi dẫn những lời Kinh Thánh chép. Cai-phe không biết nghĩa sâu nhiệm của lời mình nói, vì "nói điều đó chẳng phải tự mình". Cũng vậy, các đấng tiên tri Cựu Ước có khi không biết cả ý nghĩa của lời mình chép (I Phi-e-rơ 1:11), ấy là vì Ðức Thánh Linh soi dẫn. Song nên nhớ, có khi Kinh Thánh chép lời người ác, nhưng không công nhận, chỉ ghi mà thôi.
       Có khi Chúa cùng các Sứ đồ nhờ chỉ một lời chép trong Kinh Thánh để tỏ rõ một lẽ thật rất quan hệ. Khi Chúa bị cám dỗ thì ba lần chỉ nhờ "lời chép" để đáp lại với ma quỉ (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10). Ðể đáp lời người Sa-đu-sê, Chúa trích từ Cựu Ước nhưng chỉ nhờ một lời chép "là" đủ chứng về sự sống lại: "Ta là (không phải "đã là") Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham" (dầu chết độ 2.000 năm song còn). Chúa nhờ lời chép "tôi" đủ chứng minh là Ðức Chúa Trời: "Chúa phán cùng Chúa tôi" (Ma-thi-ơ 22:43 trích từ lời chép của vua Ða-vít trong Thi Thiên 110:1). "Nếu vua Ða-vít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thế nào?". Chắc lúc vua Ða-vít chép lời "tôi" đó không hiểu nghĩa sâu nhiệm quan hệ dường nào! Ða-vít chép Thi Thiên 22: chắc cũng không hiểu rõ sẽ được ứng nghiệm từng lời khi Chúa bị treo trên thập tự. Phao-lô cũng hết lòng nhờ quyền của lời chép Chúa như khi trích "dòng dõi" từ Cựu Ước để tỏ rõ ấy chỉ về một người mà thôi (Ga-la-ti 3:16 trích Sáng thế ký 13:15; 17:8). Cũng vậy Hê-bơ-rơ 2:8 trích "mọi" dịch "muôn vật" ở Thi Thiên 8:6; Hê-bơ-rơ 2:11 trích "anh em" từ Thi Thiên 22:22; và Hê-bơ-rơ 4:1-11 trích "sự yên nghỉ" từ Thi Thiên 95:11. Ðến cuối cùng Kinh Thánh, để tóm kết lẽ quan hệ nầy về từng lời một trong Kinh Thánh, thì Khải Huyền 22:19 chép: "Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Ðức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy".
       Nếu Kinh Thánh không có Ðức Chúa Trời công nhận hết cả và từng tiếng, từng lời một (về nguyên bản) thì chắc không có thể dắt dẫn chắc chắn trong mọi vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp về lẽ đạo và sự thực hành; vì thế nào phân biệt thực với hư, chân với giả được? Chúa đã coi sóc Kinh Thánh một cách lạ lùng vì giữ người Giu-đa khỏi làm hư Cựu Ước đến nỗi người sao lại thường đếm mỗi tiếng, mỗi chữ cho khỏi sai lầm, và hai giáo La-mã với Hy-lạp khỏi làm hư Tân Ước dầu có lời chép không hiệp với sự tin kính riêng của mình, Giáo phụ Igénée viết: "Tại những âm thanh khác nhau trong những thành ngữ Kinh Thánh vẫn chỉ có một điệu đờn du dương" Origène cũng viết: "Như trong các cây không cây nào là không có đặc sắc tốt riêng của mình... cũng vậy, người học khoa thảo mộc thuộc linh sẽ không tìm gì trong lời chép của Chúa, lời nào thừa không cần có".
       Tiến sĩ Scofield viết về soi dẫn Kinh Thánh trong lời chú thích:
       II Phi-e-rơ 1:19.-- "Anh em nên chú ý lời đó", nghĩa là các lời tiên tri vì đã được ứng nghiệm một phần, thì phần còn lại đáng tin chắc chắn hơn. Tiên tri được ứng nghiệm là chứng cớ về Chúa soi dẫn vì những lời Kinh Thánh nói trước về các biến động sẽ xảy ra trong tương lai còn xa đến nỗi loài người không đủ sự khôn ngoan để có thể biết trước hoặc trông đợi, và những lời đó chép mọi tiểu ti và đúng đến nỗi không thể là những lời phỏng đoán được may mắn. Hằng trăm lời nói trước trong Kinh Thánh về Y-sơ-ra-ên, xứ Ca-na-an, Ba-by-lôn, A-sy-ri, Ai-cập và nhiều vĩ nhân rất cổ, rất lạ, dường như không thể xảy ra được, rất tỉ mỉ và đúng, đến nỗi chẳng một người nào có thể trông đợi, song đã được ứng nghiệm bởi Ngũ-hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), và bởi người không biết hoặc không tin lời nói trước đó, hay là tranh đấu hết sức để ngăn trở được ứng nghiệm. Bởi đó biết chắc Kinh Thánh là được Chúa soi dẫn. Xem II Phi-e-rơ 1:21.
       I. I Cô-rinh-tô 2:14.-- Những người chép Kinh Thánh, trong câu nào nói đến, vẫn chứng rằng lời mình chép là bởi Chúa dạy. Ấy chỉ có thể nói đến những nguyên bản chớ không phải về những bản dịch ra, v.v.... Song vì công việc các nhà khảo cứu có tài đã cho các bản tiếng Anh ngày nay được hoàn toàn cách lạ lùng đến nỗi có thể hết sức, hết lòng nhờ cả Kinh Thánh như có quyền Chúa.
       II. I Cô-rinh-tô 2:9-14.-- Tả lối làm để cho lẽ thật từ trí Chúa đến trí dân sự Ngài.
             a. Người có tánh xác thịt không thể nhận những điều giấu kín của Chúa (câu 9).
             b. Những điều giấu kín đó Chúa đã tỏ cho những người được chọn (câu 10-12).
             c. Những điều tỏ ra được giải bày bằng những lời do Ðức Thánh Linh dạy (câu 13). Tỏ ra không phải người chép như máy theo sự ám tả mà mất hẳn nhơn cách mình, song Ðức Thánh Linh chỉ dẫn cách đúng cho người chép chọn lựa những chữ dùng trong tự vựng mình (câu 13).
             d. Những lời của Ðức Thánh Linh dạy đó có sự khải thị được tỏ ra thì chỉ các tín đồ thuộc linh mới được biết ý thuộc linh thật mà thôi (I Cô-rinh-tô 2:15-16).
       I Cô-rinh-tô 7:12.-- Ðây Sứ đồ chẳng nói không được Chúa soi dẫn, song hợp tác sự dạy dỗ mình với sự dạy dỗ Chúa. Khi Tin Lành từ người Do Thái tràn đến dân ngoại, có sự xảy ra mới (xem câu 12-16) mà lời dạy của Chúa Jêsus, trước nhứt cho dân Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 5:31-32; 19:5-9), không nói đến. Cho nên chỉ lời soi dẫn của một Sứ đồ có thể nhờ quyền Chúa mà quyết định về các sự mới đó được. Xem câu 40.
       Khải 22:19.-- Tóm tắt những lời Kinh Thánh chép về sự soi dẫn.
             1. Những người chép Kinh Thánh, khi nào nói đến, xưng rằng mình chép bởi quyền trực tiếp của Chúa.
             2. Vẫn chứng rằng những lời không phải chỉ những ý thôi, đều được soi dẫn. Xem đoạn rất quan hệ là I Cô-rinh-tô 2:7-15.
             3. Cả thái độ của Chúa Jêsus Christ đối với Cựu Ước, như lời Ngài phán tỏ ra, cả lúc trước khi chết và sau sự sống lại, chứng quyết lẽ thật và căn nguyên Cựu Ước là bởi Chúa, và Ngài chỉ rõ Ngũ Kinh thật thuộc Môi-se.
             4. Khi hứa sẽ tỏ ra nhiều điều sau khi Ðức Thánh Linh đến (Giăng 16:12-15), Chúa dọn đường cho Tân Ước.
             5. Những người chép Tân Ước vẫn coi Cựu Ước như có quyền và soi dẫn bởi Chúa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.