Sự sống lại của Ðấng Christ. Résurrection du Christ.

      


      Sự sống lại Ðấng Christ giống như hòn đá chót của một nhịp cầu, vì đạo Tin lành đứng vững hay sụp đổ là nhờ thực sự đó có thật không. Hết thảy người phản đối đạo Tin Lành hầu như bao giờ cũng tập trung những sự công kích vào đó, và các tín đồ cũng lấy đó làm trung tâm điểm để binh vực. Ðáp lại vấn đề Ðấng Christ thật sống lại không, có kết quả rất quan hệ về số phận đời đời của người, nên xin kể mấy chứng cớ trong nhiều để tỏ ra là thật.
       I. Ðời Chúa Jesus là chứng cớ thứ nhứt. -- Khi một đời sống đã khởi sự tốt đẹp mà kết liễu một cách thảm hại, bao giờ cũng là một sự thất vọng, đến nỗi dầu chỉ trong sự giả định, lương năng cũng đòi một sự tích nên kết cuộc tốt đẹp. Một đời sống hoàn toàn đặc biệt vì sự tự xưng là từ Ðức Chúa Trời, tận cùng giữa thời niên thiếu, song chết một cách ác nghiệt và xấu hổ, -- đời sống Chúa có nên kết liễu như vậy không? Cảm ơn Chúa, cả bốn sách Tin lành đều làm chứng không, vì chép sự sống lại như làm đầy trọn bức tranh Ðấng Christ. Chính Ðấng Christ trông đợi trước sự sống lại Ngài. Trước hết, Ngài chỉ dùng những danh từ không rõ như: "Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại" (Giăng 2:19). Sau, Ngài phán rõ hơn: "Con người... đến ngày thứ ba phải sống lại: (Ma-thi-ơ 12:38-40; 16:21; 17:9,23; 20:19; 27:63; Mác 8:31; 9:9,31; 10:34; 14:58; Lu-ca 9:22; 18:33; Giăng 2:19-21). Vậy, nếu Chúa không phục sanh thì lời Ngài không thật. Vì cả đời Ngài vẫn hoàn toàn chân thật, hoặc lời nói hoặc việc làm, thì chắc chắn chối lời Ngài phán mình sẽ sống lại là vô lý. Nếu sự chết trên thập tự là cuối cùng một cuộc đời tốt đẹp, lạ lùng, trọn lành, giống Ðức Chúa Trời như thế, thì ta phải đương đầu với một lẽ bí mật không giải nghĩa được: điều quấy hằng đắc thắng hơn điều phải, và không thể tin có lẽ thật và công lý trong thế gian. Vả lại, sự sống lại không phải là một biến động riêng, song có quan thiệp với điều xảy ra trước và sau. Vậy, những thực sự ta biết trong đời Ðấng Christ đều đáp lại Ðấng Christ thật đã phục sanh.
       II. Mồ mả không, là chứng cớ thứ nhì.-- Chứng cớ khác là mồ mả không, và không thấy thân thể Ngài. Thực sự Chúa Jesus đã chết, bị đem chôn, và ngày thứ ba mồ mả không, ngày nay không ai đố thách nữa. Thuyết lý Ngài bất tỉnh nhân sự trên cây thập tự và sau hồi lại trong mồ mả không ai tin nữa. Khi đem chôn Ngài thì lăn một hòn đá trước cửa mộ, mồ mả đóng dấu, và có lính canh gác. Nhưng, đến buổi sáng thứ ba, xác đã biến mất và mồ mả không. Chỉ có một trong hai cớ xác Ngài bởi tay người đem ra khỏi mộ, hoặc bởi quyền phép siêu phàm. Nếu bởi tay người thì hoặc là bạn, hoặc là kẻ thù. Nếu là bạn thì thế nào họ có thể đem ra được, vì có hòn đá, dấu ấn, và quân canh đó? Nếu bởi kẻ thù thì thật vô lý: vì ấy là phương pháp để lan tràn tin đồn về sự sống lại Ngài. Ngoài ra, các vải liệm để lại trong mộ tỏ ra chắc không kẻ nào đến ăn trộm xác Ngài (xem nguyên văn Giăng 20:6-7; so 11:44). Lại nữa, vì cớ nào mà người Do-thái không thể tìm chứng cớ để tỏ ra không có sự sống lại của Ngài. Không hơn bảy tuần lễ nữa, Phi-e-rơ giảng trong thành đó về thực sự Ðấng Christ đã sống lại. Rất dễ cho người Do-thái đem xác Chúa ra là làm cho Phi-e-rơ ngậm miệng. "Sự làm thinh người Do-thái có ý nghĩa quan hệ như lời làm chứng của các tín đồ."
       Ngày nay thường công nhận có đủ chứng cớ mồ mả trống không, và ấy là một phần tín ngưỡng của Hội Thánh đầu tiên. Ðiều nầy là quan hệ vì là lời chứng cho Phao-lô dùng "ngày thứ ba", và cho các tín đồ giữ ngày thứ nhứt trong tuần lễ. Có mấy người chỉ trích giải nghĩa sự sống lại Ngài chỉ là sự phục hưng ảnh hưởng thuộc linh Ngài trên các môn đồ, vì đã bị tiêu tan khi Chúa chết. Bởi thế, họ giữ lẽ đạo sự sống lại, còn tín ngưỡng về thân thể Ngài sống lại khỏi mồ mả thì bác bỏ. Song các môn đồ đã thấy mồ mả không, và tin rằng Ngài đã sống lại. Thế nào tín ngưỡng thì chơn thật mà nền tảng là giả dối được? Một thuyết lý khác, ấy là các môn đồ được một loại sự hiện thấy, song tại sao cần đến, và sao thình lình thôi? Các môn đồ trước chắc đã biết sự hiện ra của một thần, giống như của Sa-mu-ên, và cũng biết sự sống lại của một xác chết như La-xa-rơ; song điều họ chưa tưởng tượng hoặc từng trải, ấy là thực sự của một "thân thể thuộc linh" tức là sự kết hiệp thân thể và tinh thần bởi một cách hoàn toàn mới lạ. Vậy, phái chỉ trích dẹp bỏ thuyết lý về sự hiện thấy, và thay vào đó có thuyết lý về sự tỏ ra thuộc linh của Ðấng Christ phục sanh, vì sự ước ao xui giục họ trừ bỏ điều gì giống như chính thân thể Ngài đã sống lại. Song đối với người tin Ðấng Christ hằng sống, thuyết đó cũng không được; vì như Orr nói: "Sự linh hồn còn sống không phải là sự sống lại. Ai đã từng nghe về thần linh bị đem chôn?" Theo lời chép trong bốn sách Tin lành và lời chứng của Tân Ước thì không thể nào nghi ngờ về phép lạ sự sống lại của thân thể Ðấng Christ. Ðấng đã chết nay lại sống và cai trị!
       Có người nói đức tin ngày hôm nay chỉ nên hành động trong Chúa đã được tôn cao và vinh hiển, -- song thật ra, cuối cùng đức tin phải căn cứ vào thực sự. Thật khó hiểu thế nào đức tin tín đồ Ðấng Christ có thể "bất khả tri" (agnostique, tức không tin sự siêu nhiên) đối với điều chép rất rõ trong Tân Ước và là một phần cốt yếu của lời chứng các Sứ đồ. Vậy, những lần thử làm cho đức tin và chứng cớ lịch sử phản đối nhau, thì phải thất bại luôn trước bức tường ngăn cách của mồ mả trống không và thân thể sống lại Ðấng Christ, cùng với lời chứng các Sứ đồ đều đứng vững không hề dời đổi mà chống với mọi thuyết lý.
       Người khác gợi ý sự sống lại Ngài chỉ có nghĩa là Ðấng Christ phục sanh đã hiện ra cho môn đồ thấy, song thật ra thân thể Ngài không được lại sống. Song đây điều khó hiểu là ý nghĩa thật của danh từ "sự sống lại". Nếu có nghĩa là sự trở lại từ kẻ chết, sống lại lần nữa, chắc phải có sự đồng nhất giữa thân thể chôn trong mồ mả với thân thể hiện ra cho các môn đồ xem. Nếu ta tin lời chứng của các Sứ đồ về mồ mả không, thì sao không thể nhận chứng cớ về sự sống lại thật của Ngài. Các môn đồ nhận biết Chúa mình, cả đến Thô-ma cũng vậy, và sự công nhận đó chắc là nhờ quen biết hình dạng Ngài. Lẽ tự nhiên rất rõ là thân thể phục sanh của Chúa Jesus không đúng hoàn toàn với thân thể chôn trong mồ mả; song cũng rất rõ có sự đồng nhứt chắc chắn như có sự khác hẳn nữa, và cả hai điều nầy đáng được chú ý. Song nếu ta tin sự sống lại Ðấng Christ là một sự duy nhứt, thì không có sự khó đến nỗi không tin được, ấy vì cả đời sống và công việc Ngài đã vượt qua sự khó đến nỗi không tin được, ấy vì cả đời sống và công việc Ngài đã vượt qua sự từng trải ta, nên không thể hạn chế quyền Ðức Chúa Trời khiến sống lại trong giới hạn luật thiên nhiên và lịch sử người. Vậy, vấn đề thân thể sống lại của Ngài được nuôi dưỡng thể nào là ngoài sự hiểu biết ta, dầu trưng dẫn đến "thịt và xương", so với lời Phao-lô về "thịt và huyết" không thể vào được nước Ðức Chúa Trời, thì gợi ý thân thể phục sanh đó không nhờ huyết nữa, song "có mọi điều thuộc về bổn tánh trọn lành của người." Có lẽ không thể giải quyết vấn đề nầy, song phải cứ nắm giữ các thực sự tóm tắt được: "thân thể vẫn chỉ là một dầu khác, khác dầu vẫn là một". Nói rằng Ðấng Christ đã hiện ra trong một thân thể phục sanh mới với môn đồ, ấy không cắt nghĩa trong ba ngày đã làm gì với thân thể chôn trong mồ mả.
       III. Các môn đồ được đổi mới là chứng cớ thứ ba.-- Các môn đồ đã thấy Chúa chết, và bởi đó mất hết hy vọng; dầu vậy, hy vọng trở lại ba ngày sau. Ngày Chúa chịu đóng đinh, lòng họ đầy sự phiền não; đến "ngày thứ nhứt" thì đầy dẫy sự vui mừng. Khi mới nghe tin Ngài sống lại, họ không tin, thật khó chịu là thật; song một khi họ đã chắc chắc là thật, thì chẳng bao giờ còn nghi ngờ nữa. Thế nào cắt nghĩa được sự thay đổi đó trong một thời gian ngắn ngủi như thế. Nếu chỉ là sự dời xác Ngài khỏi mồ mả ấy không thể đổi mới đời sống và tánh nết các môn đồ đó. Cũng nên nhớ, ba ngày không đủ cho một truyện hoang đường xuất hiện để đổi mới như vậy. Không gì trong Hội Thánh đầu tiên lạ lùng hơn sự mới rất lạ hành động trong các môn đồ, vì tin Chúa mình đã sống lại. Ấy là một thực sự về tâm lý học đòi phải giải nghĩa. Các môn đồ sẵn lòng tin sự hiện ra của một thần, song chẳng hề nghĩ đến sự sống lại có thể xảy ra (Mác 16:11,13). Ðờn ông không quen tưởng tượng điều mình không tin, và đờn bà có ý đến xông thuốc thơm cho xác Chúa tỏ ra cũng không ngờ Ngài sống lại. Vả lại, 500 người đồng một lúc có ảo tưởng, và lập lại mấy lần trong bốn mươi ngày, là điều không suy nghĩ được.
       IV. Sự thực hữu Hội Thánh đầu tiên là chứng cớ thứ tư.--
       "Chắc chắn Hội Thánh đầu tiên tin có sự phục sanh của Chúa". Hội Thánh được thành lập là kết quả của tín ngưỡng về sự Chúa sống lại. Trong sách Công-vụ các Sứ-đồ có hai thực sự không thể chối cãi được:
       (a) Hội Thánh hấp dẫn lẫn nhau bởi sự truyền đạo;
       (b) và điều cốt yếu của việc truyền đạo là sự sống lại của Chúa Jesus Christ. Chúa Jesus chịu chết trên thập tự, nên bởi đó chắc người Do-thái chối bỏ Ngài như Ðức Chúa Trời rủa sả (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:23). Dầu vậy nhiều người Do-thái tin và thờ phượng Ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41), và "có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa" (Công-vụ các Sứ-đồ 6:7). Chỉ có một sự cắt nghĩa được, ấy là Ðức Chúa Trời đã khiến Ðấng Christ sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 2:36), chỉ có điều đó mới có thể dẫn người Do-thái tin rằng Chúa Jesus là Ðấng Mê-si mình. Hội Thánh đời Sứ đồ là kết quả sự tin Chúa Jesus đã sống lại. Truyện Chúa sống lại đâu phải là truyện thần tiên, hoang đường sao? Những thực sự tỏ ra chẳng hề như vậy, vì không có sự gì viễn vông hoặc không hiểu được về chứng cớ của các Sứ đồ và các tín đồ Hội Thánh đầu tiên, như Tổng giám mục Alexander đã viết: "Hội Thánh là thánh khiết quá đỗi mà lập trên nền tảng của sự hư xấu, cũng như là hiển nhiên quá đổi mà lập trên nền tảng của sự huyền ảo."
       V. Lời làm chứng của Phao-lô là chứng cớ thứ năm. Sự tin đạo và chức vụ của Phao-lô, người Tạt-sơ, là chứng cớ nhứt định. Xin chú ý về chứng cớ đời sống và lời chép của Phao-lô về sự Chúa sống lại. Trước hết, hãy xem một người ngoại có ý kiến gì khi đọc các bản viết sớm nhứt còn có của Phao-lô, tức I Tê-sa-lô-ni-ca. Có một quan điểm rõ ràng: Chúa Jesus bị giết (2:15; 4:14), và được sống lại từ kẻ chết (4:14). Vì thơ nầy chép độ 51 S.C., tức độ 22 năm sau Ngài sống lại, và vì thơ nầy hoàn toàn qui nhận rằng Chúa Jêsus Christ hành chức vụ của Ðức Chúa Trời đối với loài người (1:1,6; 2:14; 3:11), nên ta có thể thấy sức mạnh của lời chứng nầy về sự sống lại. Kế đó, chỉ vài năm sau (trong I Cô-rinh-tô 15:), Phao-lô nói càng đầy đủ hơn về Ðấng Christ sống lại, và bởi đó tỏ ra các tín đồ cũng sẽ sống lại. Phao-lô tỏ bằng cớ sự sống lại là thật bởi những lần Ðấng Christ hiện ra, và lần cuối cùng cho chính mình: "Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem" (15:8). Nên cẩn thận nghiên cứu lời chứng của Phao-lô. "Trước hết tôi đã dạy dỗ anh em đều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh" (15:3). Ấy là lời chép trong vòng 30 năm sau khi Chúa sống lại. Song còn nữa, theo nghĩa câu đó, Phao-lô độ 5 năm sau khi Chúa bị đóng đinh đã quyết định Ðấng Christ đến "ngày thứ ba" đã sống lại. Ấy là chứng cớ của một học giả Phao-lô. Phao-lô tin sự sống lại Chúa nhằm buổi thoạt tiên, nên chắc đã hỏi những người khác và tra xét cho mình; lúc kẻ phản đối đạo Tin lành có thể ngăn trở nói những sự không đúng và thật. Vậy, vì lời chứng riêng của Phao-lô về mình tin đạo, về những cuộc hội kiến với những người đã thấy Ðấng Christ trên đất trước và sau sự phục sanh và vì Phao-lô là người thế nào và mọi việc làm cũng đều do sự đã thấy Ðấng Christ phục sanh, nên ta có thể chắc chắn quyết rằng: "Ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh."
       VI. Các sách Tin lành là chứng cớ thứ sáu.-- Hội Thánh đã tin sự sống lại Ðấng Christ một thời gian trước khi các sách Tin lành được chép ra. Bởi vậy, tùy theo trật tự hợp lý, ta để dành đến cuối cùng sự xem xét những lần Ðấng Christ phục sanh hiện ra theo lời chép trong bốn sách Tin lành. Ngày nay có nhà học giả Kinh Thánh tin rằng Mác là sách Tin lành đầu, và Ma-thi-ơ và Lu-ca có nhờ sách đó mà chép. Cũng có học giả xướng lên thuyết lý cuối sách Mác là 16:8, vì câu 9-20 thiếu trong hai bản cổ nhứt. Dầu vậy, ta có thể xem xét những lần Chúa phục sanh hiện ra, vì thuyết lý đặc biệt về căn nguyên và những sự tương quan của các sách Tin lành không quan thiệp mấy. Trong các sách Tin lành, có hai loại sự hiện ra của Chúa phục sanh: một ở thành Giê-ru-sa-lem, và một ở Ga-li-lê. Ðây là tài liệu cho người tin, vì nếu chỉ có một loại sự hiện ra, thì có lẽ lời chép đó bị chối bỏ bởi thiếu loại thứ hai. Trong bài nầy không thể tra xét từng loại sự hiện ra, chỉ có thể chú ý về hai lần trong hết cả. Không ai đọc truyện đi đường về làng Em-ma-út (Lu-ca 24:), và truyện Phi-e-rơ và Giăng đến thăm mộ (Giăng 20:) mà không nhận thấy những dấu tích rất tỏ rõ thực sự và lời chứng riêng trong mỗi truyện là chơn thật. Truyện thứ nhứt có các chứng cớ bề trong rất sâu nhiệm đáng tin theo văn tự, vì thuật lại sự giao thông của "Ðức Chúa Trời phục sanh" với hai người tầm thường, đến nỗi như đặt sự tự nhiên và sự siêu nhiên bên cạnh nhau một cách hòa hiệp hoàn toàn. "Ðấng Christ phục sanh trên đường Em-ma-út là một thực sự tối cao, và thầy truyền đạo Lu-ca chỉ chép đúng như đã xảy ra" (Moule).
       Chính những sự khó được xem xét trong bốn sách Tin lành trải qua gần mười chín thế kỷ về Ðấng Christ sống lại và một chứng cớ cho Hội Thánh Ðấng Christ trải qua các đời tin quyết truyện Chúa sống lại như thuật lại tại đó. Bởi thế, Hội Thánh đã lưu lại những truyện tích y nguyên, vì nếu không có những sự khó đó, chắc người chỉ trích có có thể nói đã sửa lại bởi tay người. Còn nữa, ai cũng biết lời tường thuật của các người chứng kiến thường khác nhau về tiểu tiết, song không có sự hồ nghi về chính biến động. Cho nên, ta tin, vì sự nghiên cứu kỹ càng những lần Chúa hiện ra sẽ tỏ ra chứng cớ những cảnh ngộ liên tiếp từ mồ mả không cho đến ngày Chúa thăng thiên.
       Tiến sĩ Scofield chú thích ở phần Ma-thi-ơ 28:1 và Ma-thi-ơ 28:9.
       VII. Tóm tắt và kết luận.--
       Theo chứng cớ và thực sự kể trên, sự sống lại là một phép lạ. Các Sứ đồ thật tin có sự sống lại về thân thể, không nghi ngờ gì. Dầu vậy, nhiều nhà tư tưởng hiện thời chối bỏ sự gì là phép lạ, vì lẽ đạo khoa học về sự nhứt mực và sự tiếp nối trong cõi thiên nhiên ngăn trở đến nỗi từ ban đầu đã kết luận rằng các phép lạ không thể có. Ta dám đố thách ý đó. Nếu ta không có phép tin đến Ðức Chúa Trời có thể can thiệp đến việc mà ta gọi là siêu nhiên, hoặc phép lạ, thì cũng không thể bàn chút gì về Ngôi vị Ðấng Christ được. "Một ngôi vị vô tội là một phép lạ trong thời gian." Vì đó chính đạo Ðấng Christ là duy nhứt, khai trương một kỷ nguyên mới trong các việc loài người. Vậy nên, không có tín đồ nào có thể thấy khó nhận sự trái luật tự nhiên, sự bất thường, và phép lạ. Ta há lại không cho phép Ðức Chúa Trời ít nhứt cũng có sự tự do bằng chính mình sao? Sao lại có thể tưởng rằng Ðức Chúa Trời kém sự tự ý hành động hơn ta chăng? Ta có thể ưa hoặc ghét, cho hoặc giữ lại, muốn hoặc không muốn, -- song cuộc chuyển vần của tạo vật phải cứ liên tục không hề ngừng. Chắc chắn ta không thể nào nhận rằng Ðức Chúa Trời đã lập vũ trụ để hạn chế quyền phép Ngài đến nỗi không được xen vào, dầu có cần và vì mục đích đầy đủ về công việc của chính tay Ngài. Chẳng những mọi sự là từ Ngài song mọi sự là bởi Ngài, và thuộc về Ngài. Sự sống lại là một phép lạ, và nếu ta không chịu nhận thì mọi sự giải nghĩa chứng cớ trong Tân Ước chỉ là mất thì giờ. Cuối cùng, mỗi kết quả phải có nguyên nhơn đầy đủ, và sự giải nghĩa chính đáng của Ðấng Christ hiện nay chỉ là sự sống lại của Ðấng Christ. "Sự sống lại là như một vầng đá mà những búa của những kẻ chỉ trích chẳng hề đập vỡ được một mảy may nào.
       VIII. Thần đạo về sự sống lại.-- Ấy có thể tóm tắt như sau nầy:
       (1) bởi chứng cớ: Sự sống lại là chứng cớ của sự Ðấng Christ chết để cứu chuộc, của Thần tánh, và sự tôn vinh Ngài (Rô-ma 1:4).
       (2) bởi truyền đạo: Tin lành đầu tiên gồm lại cả chứng cớ của sự sống lại, bởi đó tỏ cho những thính giả chắc chắn về sự cứu chuộc của Ðức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 15:1-4; Rô-ma 4:25).
       (3) bởi phần thuộc linh: Sự sống lại được coi là nguồn và mẫu mực về sự thánh khiết các tín đồ. Mỗi phương diện của đời tín đồ Ðấng Christ từ đầu chí cuối đều có quan hệ với sự sống lại (Rô-ma 6:).
       (4) bởi tương lai: Sự sống lại là bảo đảm và mẫu mực sự sống lại của tín đồ (I Cô-rinh-tô 15:). Như xưa, thân thể các thánh đồ sống lại (Ma-thi-ơ 27:52), cũng vậy, thân thể tín đồ sẽ được làm cho sống (Rô-ma 8:11), và làm nên giống như thân thể vinh hiển của Ðấng Christ (Phi-líp 3:21), bởi đó thành ra những thân thể thuộc linh, tức là thân thể được cai trị bởi thần linh mình, song vẫn là thân thể. Những quan điểm nầy chỉ gợi ý về sự dạy dỗ đầy đủ của Tân Ước về lẽ đạo Ðấng Christ sống lại.
Phỏng theo W.H. Griffith THOMAS.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự sống lại của Ðấng Christ.
       Thi-thiên 22:22.-- Ðến câu 22 nầy, Thi-thiên 22: cách quãng từ lúc đóng đinh trên thập tự cho đến sự sống lại, được ứng nghiệm trong câu: "Hãy đi đến cùng anh em ta", v.v.. của Giăng 20:17. Ðấng Christ phục sanh phán cho các anh em Ngài biết danh "Cha."
       Thi-thiên 16:9.-- Xem bài "Nước", phần Tiến sĩ Scofield chú thích về nước thiên đàng.
       Ma-thi-ơ 28:1.-- Thứ tự của các biến động, gom góp cả bốn sách Tin lành, xảy ra như sau nầy: Ba đờn bà, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, mẹ Gia-cơ, và Sa-lô-mê, khởi đi đến phần mộ, có mấy đờn bà khác theo sau đem thuốc thơm. Cả ba bà thấy hòn đá đã lăn rồi, và Ma-ri Ma-đơ-len đi đến nói với các môn đồ (Lu-ca 23:55-24:9; Giăng 20:1-2). Ma-ri, mẹ Gia-cơ và Giô-sê, đến gần mộ hơn, và thấy thiên sứ của Chúa (Ma-thi-ơ 28:3). Bà quay lại để gặp các đờn bà đi sau đem theo thuốc thơm. Trong lúc đó, Phi-e-rơ và Giăng được Ma-ri Ma-đơ-len báo tin cho, đến, nhìn vào, và quay về (Giăng 20:3-10). Ma-ri Ma-đơ-len trở lại khóc lóc, thấy hai thiên sứ và kế đến Chúa Jesus (Giăng 20:11-18), vâng theo lời Ngài truyền đi nói với các môn đồ. Ma-ri, mẹ của Gia-cơ và Giô-sê, trong lúc đó đã gặp các đờn bà khác đem thuốc thơm đến, và trở về với họ, thì họ thấy hai vị thiến sứ (Lu-ca 24:4-5; Mác 16:5). Họ cũng nhận sứ mạng của thiên sứ mà đi tìm các môn đồ, thì Chúa Jesus gặp (Ma-thi-ơ 28:8-10).
       Ma-thi-ơ 28:9.-- Thứ tự của những lần Chúa hiện ra dường như sau nầy: Nhằm ngày Chúa sống lại:
       (1) Cho Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:14-18).
       (2) Cho các đờn bà từ mồ mả về với sứ mạng của thiên sứ (Ma-thi-ơ 28:8-10).
       (3) Cho Phi-e-rơ, có lẽ vào buổi chiều (Lu-ca 24:34; I Cô-rinh-tô 15:5).
       (4) Cho hai môn đồ làng Em-ma-út gần buổi tối (Lu-ca 24:13-31).
       (5) Cho các Sứ đồ trừ ra Thô-ma (Lu-ca 24:36-43; Giăng 20:19-24).
       Tám ngày sau:
       (1) Cho các Sứ đồ, Thô-ma có mặt (Giăng 20:24-29).
       Trong xứ Ga-li-lê:
       (1) Cho bảy Sứ đồ trên bờ biển Ti-bê-ri-át (Giăng 21:1-23).
       (2) Trên núi cho các Sứ đồ và năm trăm anh em (I Cô-rinh-tô 15:6).
       Tại Giê-ru-sa-lem và Bê-tha-ni lần nữa:
       (1) Cho Gia-cơ (I Cô-rinh-tô 15:7).
       (2) Cho mười một Sứ đồ (Lu-ca 24:50-53; Mác 16:19-20; Công-vụ các Sứ-đồ 1:9-12).
       Cho Phao-lô:
       (1) Gần Ða-mách (Công-vụ các Sứ-đồ 9:3-6; I Cô-rinh-tô 15:8).
       (2) Trong Ðền thờ (Công-vụ các Sứ-đồ 22:17-19; 23:11).
       Cho Ê-tiên, ngoài thành Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55).
       Cho Giăng tại Bát-mô (Khải-huyền 1:10-19).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.