Sự sống. Vie.

      

      I. Ðịnh nghĩa.-- Trong Cựu Ước có mấy lời Hê-bơ-rơ dịch ra "sự sống" là: động từ hayah (trên 2 chữ a có dấu-), tức "sống", "có sự sống", hoặc "sinh hoạt nguyên tố" (principe vital) để "cứ sống", danh từ hayyim (trên chữ i có dấu-), hay dùng số nhiều tức "sự sống", nghĩa là có sinh hoạt nguyên tố với những sự hoạt động và việc làm; nephesh thường có nghĩa "sanh vật" hoặc "vật thọ tạo", và khi thì chỉ về "nơi có linh hồn, ngôi vị, tình cảm, ưa thích, với những cử động của trí khôn", khi thì chỉ về "sự sống", "nơi của sự sống", và trong Cựu Ước chép độ 170 lần, chỉ về sinh hoạt nguyên tố trong cả người và vật; Ruah (trên chữ u có dấu-) chỉ về "gió", "hơi thở", là nguyên tố hoặc nguồn sự sinh hoạt, song chẳng hề chỉ về chính sự sống.
       Trong Tân Ước, có ba trong mấy lời Hy-lạp dịch "sự sống". Bios hiệp với hayyim, (trên chữ i có dấu-) chỉ về sự sống lan rộng, thời gian người có sự sống, và đời người, cũng chỉ về những thức cần cho sự sống, như của cải, v.v.. Psuche (trên chữ e có dấu-) có khi hiệp với hayyim (trên chữ i có dấu-), và nhiều lần với nephesh và ruah (trên chữ u có dấu-). Vậy có nghĩa sinh hoạt nguyên tố, sanh vật, phần vô hình thể của người, nơi có những tình cảm, ước ao, và ham muốn, v.v..Danh từ zoe (trên chữ e có dấu-) hiệp chặt chẽ với hayyim (trên chữ i có dấu-), có nghĩa sinh hoạt nguyên tố, địa vị người hoạt động, hết cả sự hoạt động và quan thiệp về phần vật chất và thuộc linh.
       II. Cựu Ước.--
       1. Nghĩa thông thường. -- Ấy chỉ về sự sống trong thân thể, sự thực hữu và mọi phần hoạt động của người, là người đầy đủ, ý thức, và hành động. Trong Cựu Ước không coi thân thể như là nhà tù của linh hồn, song một người chỉ thật sống khi làm mọi việc trong ánh sáng của sự hiện diện và ơn điển của Ðức Chúa Trời. Vậy, bí quyết và nguồn của sự sống người như thế là nhờ sự giao thông với Ngài, ngoài ra không có điều gì tốt lành hoặc đáng ước ao. Bởi đó, sự cần thiết của sự sống là người phải thắng hơn tội lỗi và lìa bỏ. Nơi trung ương của sự sống là vào phần đạo đức luân lý được bởi sự giao thông với Ðức Chúa Trời là Nguồn của mọi sự sống và hoạt động.
       2. Nghĩa phức tạp của sự sống. -- Trong Cựu Ước,
             (1) sự sống nhiều lần chỉ về chính sinh hoạt nguyên tố, ngoài ra những sự bày tỏ của nó (Sáng thế ký 2:7). Ðây, là hơi thở của sự sống, hoặc hơi thở từ Ðức Chúa Trời, chứa và thông đồng sinh hoạt nguyên tố cho người trở nên nephesh hoặc một sanh vật (Sáng thế ký 1:30; 6:17; 7:22; 45:5, v.v..).
             (2) Sự sống chỉ về thời gian người thật có sự sống, tức trọn đời người (Sáng thế ký 23:1; 25:7; 47:9; Xuất Ê-díp-tô ký 6:16, v.v..).
             (3) Sự sống người là sự ban cho trực tiếp của Ðức Chúa Trời và hoàn toàn nhờ Ngài để cứ có (Sáng thế ký 1:11-27; 2:7; Dân số ký 16:22)
             (4) Mấy lần chỉ về thời bắt đầu thọ thai (Sáng thế ký 18:10,14; II Các vua 4:16,17)
             (5) Nhiều lần chỉ về tổng số mỗi sự quan thiệp và hoạt động của người, hợp thành đời người (Phục truyền luật lệ ký 32:47; I Sa-mu-ên 25:29; Gióp 10:1, v.v..).
             (6) Mấy lần đồng nghĩa với thức cần cho sự sống (Phục truyền luật lệ ký 24:6; Châm Ngôn 27:27).
             (7) Nhiều lần đồng nghĩa với sự khoái lạc và hạnh phúc (Phục truyền luật lệ ký 30:15,19; E-xơ-ra 6:10; Thi Thiên 16:11; 30:5; Châm Ngôn 2:19, v.v..).
             (8) Vẫn được tỏ ra là một ân tứ rất quí (II Các vua 10:24; Ê-xơ-tê 7:7; Gióp 2:4; Châm Ngôn 4:23; 6:26), và ai làm hại sự sống ắt bị phạt nặng (Sáng thế ký 9:4,5; Lê-vi ký 17:14; 24:17). Ðây là tử hình và "mạng đền mạng" (Xuất Ê-díp-tô ký 21:23; Phục truyền luật lệ ký 19:21; so Lê-vi ký 24:18). Ấy vì cớ sự sống là trong huyết, nên cấm ăn (Lê-vi ký 17:15; Phục truyền luật lệ ký 12:23). Mười điều răn cấm giết người. Nghĩa thiết yếu của con hy sinh là ở thiệt sự có sự sống (nephesh) trong huyết, vậy khi đổ huyết thì mất sự sống (Phục truyền luật lệ ký 12:23; Lê-vi ký 17:11).
             (9) Y-sơ-ra-ên ưa sống lâu (Thi Thiên 91:16; Xuất Ê-díp-tô ký 20:12; Thi Thiên 21:4; 34:12; 61:6, v.v..), và khi vâng phục cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12; Phục truyền luật lệ ký 5:16), và Ðức Chúa Trời, thì có thể được. Người khôn ngoan (Châm Ngôn 3:16; 9:11). có lòng tinh sạch (Thi Thiên 34:12-14; 91:1-10; Truyền đạo 3:12,13), kính sợ Ðức Chúa Trời (Châm Ngôn 10:27; Ê-sai 65:18-21; 38:2-5, v.v..) cũng có thể được sống lâu.
             (10) Khởi đầu Cựu Ước có gợi ý thủy tổ có thể sống mãi mãi nếu ăn trái "cây sự sống giữa vườn" (Sáng thế ký 2:9; 3:22-24). Vì thủy tổ phạm tội ăn trái cây "biết điều thiện và điều ác", thì bị đuổi khỏi vườn Ê-đen kẻo ăn trái cây sự sống và được sống mãi mãi trong địa vị tội lỗi chăng. sự sống không hề chết trong khi không có sự thánh khiết là một sự rủa sả, nên Ngài đặt các "thần chê-ru-bin... để giữ con đường đến cây sự sống" (Sáng thế ký 3:24), mà ngăn trở loài người ăn cây sự sống mà sống mãi mãi. Song, ấy không ngăn trở người được sự sống không hề chết trong một cõi khác như Hê-nóc và Ê-li. Ðức Chúa Trời phán Ngài là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, ấy tỏ ra các tổ phụ đó thật còn sống, dầu đã chết mấy trăm năm rồi. Trong Ê-sai 26:19; Ða-ni-ên 12:2 chép tiên tri người sẽ sống lại. Thi Thiên 16:11; 17:15; 23:6; 49:15; 73:24,25 đều tỏ ra bấy giờ người tin kính tin rằng sự chết không thể tiêu hủy hoặc làm đứt quãng sự sống giao thông với Ðức Chúa Trời.
             (11) Vậy, sự thông công với Ðức Chúa Trời là nền tảng cốt yếu của sự sống, vì mọi việc làm của người nên nhờ Thánh Linh của Ðức Chúa Trời. Khi Ngài sai Ðức Thánh Linh ra, mọi người được dựng nên và sống; khi Ngài rút lại Thánh Linh thì người chết (Thi Thiên 104:30). "Trong ơn của Ngài là sự sống" (Thi Thiên 30:5, bản Anh); "Nguồn sự sống ở nơi Chúa" (Thi Thiên 36:9; 63:3); "các suối tôi đều ở trong Ngài" (Thi Thiên 87:7). bí quyết của Gióp được thịnh vượng, khoái lạc là vì giao thông với Chúa là Ðấng gìn giữ mình (Gióp 29:2). Bởi thế, người đời Cựu Ước giao thông với Chúa, không thể công nhận ý phải cứ ở nơi âm phủ mãi, vì biết sự giao thông không thôi nên Ngài phải rút mình khỏi đó.
       III. Apocryphe. -- Các sách nầy về sự sống cứ dùng như trong Cựu Ước, và thường chép hai tiếng Hy-lạp zoe (trên chữ e có dấu-) và psuche.(trên chữ e có dấu-)
       IV. Tân Ước. -- Ý nghĩa zoe, (trên chữ e có dấu-) sự sống, là đại đề của cả Tân Ước. Cựu Ước chú trọng về sự giao thông với Ðức Chúa Trời; Tân Ước chú trọng về sự sống là được bởi Chúa Jêsus Christ, là Ðấng Trung Bảo. Trong Tân Ước, nghĩa sự sống trong Cựu Ước được mở mang bởi sự dạy dỗ của Chúa Jêsus và được đầy trọn.
       1. Ba sách Tin lành đầu. -- Ðây, nghĩa sự sống tự nhiên liên lạc với nghĩa trong Cựu Ước và Do Thái giáo, và dùng như sau nầy:
             (1) về sinh hoạt nguyên tố cho người thật sống trong thân thể (Mác 10:45; Lu-ca 12:22; 14:26).
             (2) Là đời người (Lu-ca 1:75; 16:25).
             (3) Một lần chỉ tổng số sự giao thông và việc làm của người (Lu-ca 12:15), ấy không gồm lại của cải người có.
             (4) Cách chung chỉ về sự sống thật, là sự liên lạc thiết yếu với đời và Ðức Chúa Trời, cũng gọi là "sự sống đời đời" (Ma-thi-ơ 19:29; 25:46). "hằng sống" (Ma-thi-ơ 18:8,9), và sự sống (Ma-thi-ơ 19:17; Mác 9:43,45,46). Ðây, Chúa dạy chất chứa của cải ở trên trời và vào nước Ðức Chúa Trời là đồng ý với vào sự sống.
             (5) Những sự quan thiệp và hành động của người trong thế gian phải phục sự sống cao thượng và thuộc linh từ Chúa (Ma-thi-ơ 10:39; 16:25; Lu-ca 9:24).
             (6) Chúa dạy sự sống đó như là tương lai mới được lúc trọn thời đại (Ma-thi-ơ 19:29; Lu-ca 18:30). Ấy không phản đối với ý trong đời nay có thể được sự sống đời đời như chính Chúa vẫn liên lạc với cõi thuộc linh và có sự sống đời đời đó, thì Ngài cũng muốn đem người khác vào địa vị phước lành đó nữa. Vậy, Chúa dạy sự thực hữu của sự sống đời đời có thể được ngay bây giờ, song kết quả đầy trọn sẽ được trong tương lai. Nếu bây giờ không có nụ, thì sau không thể có hoa.
             (7) Những điều kiện Chúa dạy để vào sự sống đó là phải tin đến Ngài là Ðấng Trung Bảo, và phải vâng theo Ngài. Chỉ Chúa Jêsus biết Ðức Chúa Cha và có thể tỏ ra cho người khác, để người đó biết thế nào phải sống (Ma-thi-ơ 11:27,28).
       2. Sách Tin lành Giăng . -- Trong sách nầy có sự dạy dỗ rất đầy đủ và giàu có về sự sống, và lời rất quan trọng là "sống". Sự dạy dỗ nầy không khác ba sách Tin lành đầu, song là phụ thêm vào để làm cho đầy đủ sự Chúa dạy về sự sống. Trong sách Giăng, sự sống không có nhiều nghĩa khác nhau, song suốt cả sách chú trọng một mục đích cao cả.
             (1) Mấy lần sự sống duy chỉ về sinh hoạt nguyên tố sanh ra sự sống hoặc một đời người (10:11; 15-18; 13:37; 15:13).
             (2) Sách tỏ ra Chúa Jêsus, là Ngôi Lời, là căn nguyên và phương pháp để người thế gian được sống, cũng như trước khi Ngài giáng thế thì là Nguồn của sự sống vũ trụ (1:4). Như Ngôi Lời trở nên xác thịt, Ngài làm chứng sự sống mình nguyên từ Ðức Chúa Cha (5:26; 6:57; 10:18). Vậy, Ngài là phương pháp cho người được sống (3:15-16; 4:14; 5:21; 39:40) và vì cớ mục đích đó Ngài giáng thế (6:33,34,51; 10:10).
             (3) Nhưng mà, sách vẫn chỉ về những công việc bày tỏ sự giao thông với Ðức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ. Ấy được gọi là "sự sống đời đời" (3:15,16,36; 4:14, v.v...). Trong Kinh Thánh, câu rất gần giải nghĩa "sự sống đời đời" là 17:3. Dầu không giải nghĩa theo khoa học hoặc siêu hình học, song ấy là lối chính Chúa Jêsus mô tả ý Ngài, tức "sự sống đời đời là nhìn biết Cha... cùng Jêsus Christ là Ðấng Cha đã sai đến." Hai lời "nhìn biết" đó không phải chỉ là về phần trí khôn và hiểu biết, song càng có ý rộng hơn, tức là sự giao thông của cá nhơn với Ngài, sự hiệp nhau với Ngài về sự từng trải của những tư tưởng, tình cảm, mục đích, duyên cớ, ước ao, và sự thay đổi với nhau những tình cảm trong phần rất sâu nhiệm của lòng. Sự nhìn biết đó lại có ý là cả phẩm vị người được liên lạc với ngôi vị Ðức Chúa Trời, và không thể phân rẽ được. Chúa Jêsus muốn dắt đem mọi người được sự sống đời đời như thế, vì ấy mới có thể cho người đói khát được thỏa nguyện (4:14; 6:35), vì ấy là nguồn của sự sáng cho mọi người (1:4; 8:12), vì ấy không thể diệt được (6:58; 11:26), vì ấy giống như một giếng nước trong linh hồn (4:14); vì mỗi người có thể nhận sự sống đời đời đó bởi sự nhận lấy các công đức của Chúa Jêsus (6:53).
             (4) Sự sống đó có thể nhận ngay bây giờ, và cũng có kết quả vẻ vang tương lai.
                   a) Người nào tin cây Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời, bởi thế được từng trải nhận sự sống đó (4:10; 5:24,40), có thể nhận cách "dư dật" (10:10), và từng trải quyền năng mới trong mọi việc làm.
                   b) Sự sống đó có kết quả vinh hiển trong tương lai (4:36; 5:29; 6:39,44,54). Giăng không chú trọng nhiều đến những sự dạy dỗ về đời sau của Chúa Jêsus bằng chú trọng đến sự thật hiện đang có sự sống ơn phước đó.
       3. Sách Công vụ các sứ đồ.-- Trong bài cầu thay (Giăng 17:), Chúa Jêsus phán sứ mạng mình là "ban sự sống đời đời cho những kẻ mà Cha đã giao phó cho Con" (17:2). Cả sách Công vụ các sứ đồ chép thế nào đạt tới mục đích đó. Trong Công vụ các sứ đồ, sự sống có mấy nghĩa:
             (1) chỉ về sanh hoạt nguyên tố hoặc sự sống thuộc thể (Công vụ các sứ đồ 17:25; 20:10,24; 27:10,22);
             (2) tổng số những sự quan thiệp và việc làm của người trên đất (5:20; 26:4);
             (3) Chúa Jêsus được kể là Nguồn và Nguyên bổn của sự sống, mà Phi-e-rơ gọi là "Chúa của sự sống" (3:15). Sách Công vụ các sứ đồ cũng chép về nghĩa sự sống đời đời hoặc vô cùng như chép trong các sách Tin lành.
       4. Các thơ tín Phao-lô.-- Ðây, sự sống có mấy nghĩa sau nầy:
             (1) Là sinh hoạt nguyên tố cho người có sự thực hữu và sự hoạt động thân thể (Rô-ma 8:11,38; 11:35; I Cô-rinh-tô 3:22; Phi-líp 1:20; 2:30);
             (2) Tổng số những sự quan thiệp và việc làm của người (I Cô-rinh-tô 6:3-4; I Ti-mô-thê 2:2; 4:8; II Ti-mô-thê 1:1; 3:10);
             (3) Những sự quan thiệp với Ðức Chúa Trời và Ðấng Christ trong cõi thuộc linh với những sự hành động từ đó ra, đều hợp thành sự sống thật và đời đời. Ấy được bởi Ðấng Christ (Rô-ma 5:10), trong Ðấng Christ (Rô-ma 6:11), là ơn tứ nhưng không của Ðức Chúa Trời (6:23), cũng được bởi Ðức Thánh Linh ban cho (Rô-ma 8:2,6,9,10; II Cô-rinh-tô 2:16; 3:6; Ga-la-ti 6:8), vì vâng theo lời Ngài (Rô-ma 7:10; Phi-líp 2:16), và nhơn đức tin (I Ti-mô-thê 1:16). Sự sống đời đời có thể nhận trong đời nầy (I Ti-mô-thê 6:12,19), tỏ ra bởi Tin lành (II Ti-mô-thê 1:10), là "đã giấu với Ðấng Christ trong Ðức Chúa Trời" (Cô-lô-se 3:3); là phần thưởng cho người nào "bền lòng làm lành mà tìm" (Rô-ma 2:7), ban quyền năng để thắng hơn tội lỗi và sự chết (Rô-ma 5:17,18,21), là mục đích hoặc phần thưởng của người nào biệt mình ra thánh (Rô-ma 6:22), là sự đang có và sự trông cậy (Tít 1:2; 3:7), và sẽ nhận lãnh cách đầy trọn đời sau (Rô-ma 2:7; II Cô-rinh-tô 5:4). Vậy, chắc về phần rất nhiều sự Phao-lô dạy về sự sống là nhờ các sách Tin lành.
       5. Thơ tín Giăng và sách Khải Huyền.-- Nghĩa sự sống ở đây cũng như trong Tin lành Giăng. Sự sống chỉ là sự hoạt động và đời người trong thế gian mà thôi (I Giăng 3:16; Khải Huyền 8:9; 11:11; 12:11). Nguồn sự sống là chính Ðấng Christ (I Giăng 1:1; 5:11,16). Sự sống đời đời phước hạnh trong Ðấng Christ, là sự hiện đang có của mọi người giao thông với Ðức Cha và Ðức Con (I Giăng 5:11-12). Ðây là tiếng vang của lời Chúa (Giăng 17:3), mà Giăng mô tả sự sống là sự sống đời đời đã ở với Ðức Cha và được tỏ ra cho ta. Ấy thật là sự giao thông với Ðức Cha và Ðức Con (I Giăng 1:2,4). Sự sống đã hứa cho người trung tín (Khải Huyền 2:7), và mão triều thiên sự sống đã hứa cho người trung tín cho đến chết (Khải Huyền 2:10). Ấy chắc chỉ về những sự vinh hiển có thể có bởi sự giao thông với Ngài. Người khao khát được mời đến uống nước sống cách nhưng không (Khải Huyền 21:6; 22:17); có sông nước sự sống chảy giữa các phố thành Giê-ru-sa-lem mới (22:1), và cây sự sống trổ mười hai mùa trên bờ sông đó (22:2,14).
       6. Các sách Tân Ước khác.-- Thơ Hê-bơ-rơ nói về đời ta trên đất (2:15; 7:3), về "quyền phép của sự sống chẳng hay hư hay hết" (Hê-bơ-rơ 7:16). Gia-cơ hứa mão triều thiên của sự sống cho ai trung tín (1:12). Ðời sống ta được mô tả "như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay" (4:14). Phi-e-rơ chép về vợ chồng như điều hưởng phước sự sống (I Phi-e-rơ 3:7,10) và II Phi-e-rơ 1:3 chép "quyền phép Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính".

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.