Sự Tái lâm của Chúa Jêsus Christ. L'Avènement de Jésus-Christ.

        


      I. Chứng cớ chắc chắn.-- Vấn đề Chúa Jêsus Christ tái lâm không phải là thuyết lý mới trong Hội Thánh, song suốt cả Cựu Tân Ước đều nói đến. Ấy được tỏ cách rõ ràng và đơn sơ trong những khúc sau nầy: khi Chúa vừa thăng thiên, hai thiên sứ làm chứng: "Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy" (Công vụ các sứ đồ 1:11). Hê-bơ-rơ 9:28 chứng nữa: "Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài." Vấn đề nầy nói đến hơn 300 lần trong Tân Ước, trung bình một trong 25 câu. Dầu vậy, có người chỉ trích biến động nầy không cần thiết và không được kể đến trong chương trình Ðức Chúa Trời; song thái độ chính người đó là một chứng cớ Ðấng Christ chắc trở lại, vì trong II Phi-e-rơ 3:3-5a chép: "Trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê... nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?" vì... muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế." Kinh Thánh tỏ ra chắc chắn Ðấng Christ trở lại bằng ba cách: 
       a) Như thấy ở trên Công vụ các sứ đồ 1:11 và Hê-bơ-rơ 9:28, Kinh Thánh cũng có nhiều câu chép trực tiếp về Ðấng Christ tái lâm. 
       b) Cựu Ước mô tả hai bức tranh về sự Ðấng Mê-si đến: 
             (1) Như Ðấng đau khổ, khiêm nhường, tự hạ, bịnh khinh dể, là "Ðầy tớ của Ðức Giê-hô-va" tự dâng mình hầu việc, và làm của lễ như thấy trong Thi Thiên 22:; 69:; Ê-sai 53:. 
             (2) Như một Vua, nhân cách oai nghi, quyền phép và uy thế, bắt phục những kẻ phu tù của Ngài và của dân Ngài như thấy trong Thi Thiên 2:; 45:; 72:; Ê-sai 11:. Chỉ có một trong hai bức tranh được ứng nghiệm khi Chúa giáng sanh; nên hãy "tìm cho biết thời kỳ nào,... về sự vinh hiển sẽ theo sau" (I Phi-e-rơ 1:10,11), tức bức tranh thứ hai về sự Ðấng Christ tái lâm sẽ được ứng nghiệm. 
       c) Suốt cả Kinh Thánh, có nhiều câu liên lạc hai sự giáng lâm Ðấng Christ như những vòng xích. Ðây, xin lấy những câu tương hiệp với nhau, theo phần c nầy, để tỏ chứng cớ chắc chắn về Ðấng Christ tái lâm.
       1. Gót chơn của dòng dõi người nữ và đầu con rắn (Sáng thế ký 3:15). Khi Ðấng Christ giáng thế thì đã làm ứng nghiệm phần dưới lời tiên tri thứ nhứt trong Kinh Thánh nầy tức Sa-tan đã làm gót chơn Ngài đau thương ở Chỗ Sọ. Khi Ngài tái lâm thì sẽ giày đạp đầu con rắn (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8). Cả tấn thảm kịch đó được mô tả trong Khải Huyền 12:1 đến 20:3.
       2. Ca-in và A-bên; Hê-nóc và Nô-ê (Sáng thế ký 4:-6:). Truyện Ca-in và A-bên làm hình bóng về Ðấng Christ giáng thế, vì A-bên chỉ về Ðấng đổ "huyết nói tốt hơn của A-bên" (Hê-bơ-rơ 11:4; 12:24); còn Ca-in chỉ về những kẻ ghét Ngài vô cớ đến nỗi giết Ngài (Thi Thiên 35:19; 69:4; Giăng 15:25). Hê-nóc và Nô-ê là kiểu mẫu về những tín đồ, khi Chúa tái lâm, được cất lên với Ngài và thoát khỏi cơn giận của Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:37; Giu-đe 14).
       3. Chúa Con bị chối bỏ và trị vì (Thi Thiên 2:). Sứ đồ Phi-e-rơ trích lại hai câu đầu vì được ứng nghiệm nơi thập tự (Công vụ các sứ đồ 4:25-28), là khi "Hê-rốt và Bôn-xơ-Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Ðầy tớ thánh Ngài là Chúa Jêsus... để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước." Thi Thiên 2:6-9 đòi Ngài phải tái lâm để được ứng nghiệm, như Khải Huyền 19:15 chép Ngài sẽ "cai trị họ bằng một cây gậy sắt."
       4. Sự đau thương và vinh hiển của Chúa Con (Thi Thiên 22:; 23:; 24:). Thi Thiên 22: tả tỉ mỉ sự thương khó của Ngài trên thập tự; Thi Thiên 23: tả Ðấng Christ hằng sống, đã sống lại, mà được vinh hiển, là "Ðấng Chăn chiên Lớn" (Hê-bơ-rơ 13:20,21) đang yêu thương và nuôi dưỡng các chiên. Thi Thiên 24: dự ngôn về Chúa lấy quyền năng và vinh hiển mà tái lâm; "kìa, mọi mắt sẽ trông thấy" Ngài trên đất lần nữa (Khải Huyền 1:7), "khi Ðấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra" (I Phi-e-rơ 5:4). Cả ba Thi nầy mô tả chức Tiên tri, Thầy Tế lễ, và Vua của Ngài.
       5. "Năm" ban ơn và "Ngày" báo thù. (Ê-sai 61:1,2). Câu 1 và 2a đã được ứng nghiệm khi Ngài giáng thế, và Ngài đọc trong nhà hội tại Na-xa-rét (Lu-ca 4:17-21), hoặc về phần tâm thần hoặc về phần chức vụ Ngài. Song khi đọc đến "năm ban ơn của Ðức Giê-hô-va" thì Ngài ngừng lại giữa câu, vì năm ban ơn đó cứ tiếp. Nhưng khi Ngài tái lâm, ta sẽ đến những lời tiếp theo mà Chúa không đọc đến, tức "Ngày báo thù của Ðức Chúa Trời" là "Ngày thạnh nộ" Ðức Chúa Trời là cơn đại nạn.
       6. Chúa Jêsus dự ngôn về sự thương khó và vinh hiển (Ma-thi-ơ 16:21-27). Lần thứ nhứt Ngài đến thì phán với các môn đồ kết cuộc Ngài phải đau khổ và phải chết (câu 21), còn về phần các môn đồ phải được hoạt động bởi đồng một tâm thần với Ngài để dâng mình làm của lễ (câu 24-26). Sau câu 27, Ngài dẫn các môn đồ đến hy vọng về Chúa lấy vinh hiển mà tái lâm "để thưởng cho từng người tùy việc họ làm." Trong câu 28 và đoạn sau cũng dùng sự hóa hình làm bức tranh về sự tái lâm vinh hiển Ngài (II Phi-e-rơ 1:16-18). Ma-thi-ơ 23:37-39 cũng chỉ về hai sự giáng lâm của Ngài: Vì dầu Giê-ru-sa-lem làm cho Ngài than phiền vì chối bỏ Ngài (câu 37,38), nhưng Ngài trông cậy ngày họ sẽ nói rằng: "Phước cho Ðấng nhơn danh Chúa mà đến!" (39) là ngày Chúa tái lâm.
       7. Tiệc Thánh (I Cô-rinh-tô 11:23-26). Tín đồ giữ lễ Tiệc Thánh nầy thì "nhớ" đến Ngài (câu 23-25) và bởi thế "thì rao sự chết của Chúa" (26a), song trông đợi sự tái lâm Ngài khi đọc "cho tới lúc Ngài đến" (26b). Vậy, tín đồ trở nên một vòng xích liên lạc hai sự giáng lâm Chúa.
       8. Những việc Thầy tế lễ thượng phẩm (Hê-bơ-rơ 9:24-28). Ðây, tả vẽ ba sự hiện đến của Ngài: Thời quá khứ trên đất (câu 26); thời hiện tại trên trời (câu 24); thời tương lai trên đất (câu 28). Ấy là những việc của Thầy tế lễ thượng phẩm để làm trọn sự cứu chuộc cho dân sự, như hình bóng trong ngày lễ Chuộc tội (Lê-vi ký 16:).
       Sự hiện đến lần thứ nhứt.Thầy tế lễ thượng phẩm ra ngoài đến nơi bàn thờ làm lễ đã chỉ định. Kế đó thì lấy huyết vào nơi chí thánh, trước sự hiện diện Ðức Chúa Trời dâng huyết chuộc tội thế cho dân sự. Trong lúc đó, dân sự đứng ở ngoài chờ đợi cách mong mỏi. Sự hiện đến lần thứ hai. Khi thầy tế lễ đi ra, dân sự thỏa lòng vì biết phép chuộc tội đã làm xong. Thái độ tín đồ đời Tân Ước cũng nên như thế. Xem Hê-bơ-rơ 9:28.
       9. Lời chứng kết luận (Khải Huyền 21:-22:). Trong lời chép sau cùng của Kinh Thánh, hai sự giáng lâm tả vẽ một cách lạ lùng đáng chú ý. Về Chúa đến lần thứ nhứt, thì danh từ "Con Chiên" Chúa dùng bảy lần trong Khải Huyền 21:9,14,22,23,27; 22:1,3), ấy khiến ta chú ý về Ngài chết chuộc tội. Song về sự Chúa đến lần thứ hai cũng được chép ba lần trong Khải Huyền 22:7 "kìa, ta đến mau chóng;" 22:12, "Nầy, ta đến mau chóng:" và 22:20, "Ðấng làm chứng cho những điều ấy, phán rằng: phải ta đến mau chóng." Bởi đó lời cầu nguyện của tác giả là: "A-men, lạy Ðức Chúa Jêsus xin hãy đến."
       II. Mục đích.-- Kinh Thánh quyết rằng chỉ sự tái lâm Ðấng Christ mới giải quyết được các vấn đề khó của thế gian, và loài người ngoài Ðức Chúa Trời không thể làm trọn sự dự định thật của mình. Những đề nghị sau nầy luận đến mục đích của sự tái lâm Ngài, và mọi điều sẽ được nên trọn lúc đó.
       1. Sự tái lâm Ngài sẽ kết liễu Thời đại hiện tại, là thời đại khởi sự với sự giáng sanh Ngài.-- Thời đại nay chỉ một trong những thời nối tiếp nhau. Nhiều nhà tư tưởng công nhận Sử-ký có nghĩa sâu nhiệm hơn chỉ là những biến động nối tiếp nhau. Có một khoa triết lý về Sử-ký đòi người phải thấu hiểu những duyên cớ để làm chìa khóa giải nghĩa những biến động đó. Vậy, Kinh Thánh tỏ ra Ðức Chúa Trời đối đãi thế nào với loài người trong bảy thời đại nối tiếp nhau. 
             a) Thời đại vô tội (Sáng thế ký 1:26-3:24); 
             b) lương tâm (Sáng thế ký 3:22-8:14); 
             c) quyền hành chính (Sáng thế ký 8:15-11:26); 
             d) Lời hứa cho tổ phụ (Sáng thế ký 11:27-Xuất Ê- díp-tô Ký 19:8); 
             đ) luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 19:8-Công vụ các sứ đồ 2:); 
             e) ơn điển (Công vụ các sứ đồ 2:-Khải Huyền 3:22); 
             ê) nước (Khải Huyền, đến đời đời; I Cô-rinh-tô 15:24-28).
       Giới hạn thời đại nay được chỉ dẫn trong Kinh Thánh bởi lời "cho đến," như trong I Cô-rinh-tô 11:26 và Ê-phê-sô 1:14. Cũng vậy, cuối cùng của thời đại luật pháp Môi-se được chỉ dẫn bởi lời "cho đến" trong Hê-bơ-rơ 9:10.
       Chúa Jêsus gọi cuối cùng thời đại nầy là "Mùa gặt." Trong thời nầy, có hai thứ hột giống phải mọc lên với nhau cho đến kỳ mùa gặt, và đến hết thời đó mới được phân rẽ (Ma-thi-ơ 13:39 so 12:30; Khải Huyền 14:14-16).
       2. Sự tái lâm Ngài sẽ quan hệ về các hạng người trong xã hội.-- Kinh Thánh phân chia xã hội làm ba phần: người Do-thái; các Dân ngoại; Hội Thánh. Xem I Cô-rinh-tô 10:32 chỉ về cả ba; và Công vụ các sứ đồ 15:14 chỉ về Hội Thánh, 15:16 Y-sơ-ra-ên, và 17:18 các Dân ngoại.
             1. Hội Thánh.-- Về thời ký Hội Thánh cũng dùng "cho đến" (Rô-ma 11:25). 
                   a) Ðấng Christ sẽ đến để cất Hội Thánh lên với Ngài ngay lúc đó có sự biến hóa trên thân thể các tín đồ: tín đồ nào ngủ trong Chúa, thân thể sẽ được sống lại không hay hư nát; còn tín đồ đang sống, thân thể sẽ biến hóa giống như thân thể vinh hiển Ngài (I Cô-rinh-tô 15:25; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; I Cô-rinh-tô 15:51-53; Phi-líp 3:20,21). 
                   b) Ðấng Christ tái lâm xét đoán công việc tín đồ cốt để thưởng cho tùy theo việc thiện hay ác đã làm lúc còn trong xác thịt (Khải Huyền 22:12; II Cô-rinh-tô 5:10; Ma-thi-ơ 16:27; Lu-ca 14:14; I Cô-rinh-tô 4:5; II Ti-mô-thê 4:6-8). 
                   c) Ngài sẽ xưng Hội Thánh là Tân phụ mình (Ma-thi-ơ 25:6; Khải Huyền 19:7-9); vì Tân phụ có phần với Tân lang về danh, cơ nghiệp, và vinh hiển, nên chắc chắn sẽ đồng trị với Ngài (Khải Huyền 3:21; 20:6).
             2. Y-sơ-ra-ên.-- Ðối với sự Chúa tái lâm, cũng có chép hai lần "cho đến" về phần Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 23:39; Lu-ca 21:24). 
                   a) Khi Ðấng Christ tái lâm, dân Y-sơ-ra-ên sẽ phục hưng phần thuộc linh. Ấy vì lần thứ nhứt Ðấng Mê-si đến, "dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng," song bấy giờ Ðấng Mê-si sẽ đến từ Si-ôn cất sự vô đạo ra khỏi họ (Rô-ma 11:25,26). 
                   b) Y-sơ-ra-ên sẽ được lập lại thành dân tộc. Ðấng tiên tri Ê-sai vui mừng chờ đợi ngày đắc thắng đó (Ê-sai 62:1-7).
       Xa-cha-ri mô tả dân Y-sơ-ra-ên lúc cuối cơn Ðại nạn, đang cầu xin một Ðấng Giải cứu, và Chúa nhờ dịp đó để phán: "Họ sẽ nhìn xem Ta là Ðấng họ đã đâm" (Xa-cha-ri 14:1-5 với 12:10). A-mốt mô tả một bức tranh vinh hiển và phước lành khi Y-sơ-ra-ên được lập lại thành một dân tộc (A-mốt 9:11-15 so Công vụ các sứ đồ 15:14).
       Ðây, nên chú ý, sự tái lâm Chúa chia hai phần: trước là vì Hội Thánh, sau là vì Y-sơ-ra-ên.
             3. Các dân ngoại.-- 
                   a) Các dân ngoại cứ hành động "cho đến" kỳ Chúa tái lâm, song lúc đó sẽ bị đoán xét. Nên chú ý về lời "cho đến" như chép trong Ða-ni-ên 2:34 tt; 7:9 tt, 7:25 tt vì Lời Chúa tỏ ra chính phủ các dân ngoại có giới hạn. Các dân ngoại là cơ nghiệp Ngài (Thi Thiên 2:8). Vì họ không chịu phục Ngài cai trị bởi đạo Tin lành, nên Ðức Chúa Trời đã bảo Ngài phải dùng phương pháp khác -- tức võ lực. Xem Thi Thiên 2:8.9. 
                   b) Chính Ðấng Christ tái lâm để cai trị thế cho họ. Xem Ða-ni-ên 2:; 7:, v.v. c) Khi tái lâm, Ngài sẽ đem ơn phước thuộc linh cho mọi dân (Xa-cha-ri 14:16).
             4. Sự tái lâm Ngài là kỳ muôn vật đổi mới khỏi sự rủa sả.-- Xem Công vụ các sứ đồ 3:19-21, và chú ý lời "cho đến" lần nữa. Ấy là lúc Chúa hiện ra cách tỏ tường (Ma-thi-ơ 24:30; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8). a) Lúc tái lâm, Chúa hiện ra để trừ diệt quỉ Sa-tan và sự chết (I Cô-rinh-tô 15:26). Ðể diệt sự chết, Ngài phải "bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ" (Hê-bơ-rơ 2:14). Ấy đã bắt đầu từ nơi thập tự (Giăng 12:31), sẽ kết liễu trong sự Khải thị và nước Ngài (Khải Huyền 19:20,21; 20:1-3,10,14). b) Ngài tái lâm để cất sự rủa sả khỏi muôn vật (Rô-ma 8:19-22). c) Ngài tái lâm để đem lại sự trị vì công bình, vinh hiển, bình an và thịnh vượng (Ê-sai 11:1-10) câu 1-5 tỏ ra một Vua công bình; câu 6-9, muôn vật được lập lại; câu 10, cả dân Do-thái và dân ngoại được lãnh phước như nhau. Bởi vậy, theo Kinh Thánh, thấy Ðấng Mê-si được gọi là "Cây gậy" và "Gốc" của Y-sai sẽ thật nhận lấy sự vinh hiển đã hứa lúc Ngài mới giáng sanh (Lu-ca 1:32,33).
       III. Những đặc sắc.-- Nguyên văn Tân Ước dùng ba tiếng Hy-lạp để mô tả sự tái lâm của Ðấng Christ: "parousia" sự hiện diện của Ngài; "apokalypse" sự khải thị của Ngài; "epiphany," sự hiện đến của Ngài. Khi nghiên cứu các khúc Kinh Thánh dùng ba tiếng đó và mấy tiếng khác, thì thấy những đặc sắc kia về sự tái lâm Ngài như sau nầy:
       1. Sự tái lâm Ngài xảy ra thình lình và bất ngờ.-- Ma-thi-ơ 24: mô tả parousia của Ðấng Christ như: "chớp nhoáng"... thình lình thấy rõ, và lan khắp cả. Không ai ngờ, vì giống như nước lụt đời Nô-ê. Giữa những việc thường hằng ngày, người ta ăn uống, cưới gả, cho đến nước lụt tới mà họ chết hết thảy, chỉ trừ mấy người đã vào tàu với Nô-ê. Cũng vậy, trong Lu-ca 17: apokalypse của Ðấng Christ được phát họa "nhanh như chớp" để dẫn "Ngày của Con người" đến. Ngày đó sẽ giống ngày của Nô-ê và Lót, vì đem sự phán xét cho những người ở ngoài tàu và những người ở Sô-đôm, song đem sự yên ổn cho những người ở với Nô-ê và Lót.
       2. Sự tái lâm Ngài hợp với Chương trình.-- (I Cô-rinh-tô 15:22-24). "Như trong A- đam, mọi người đều chết,... trong Ðấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng thứ tự riêng của mình." Người thứ nhứt trong cuộc đắc thắng khải hoàn lớn là Ðấng Christ sống lại sau khi bị đóng đinh; sau đó, đến những người hội họp với Ðấng Christ là những người dự phần với sự đắc thắng Ngài khi tái lâm (parousia); cuối cùng đến phần chót cuộc khải hoàn là "lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Ðức Chúa Trời là Cha."
       Những mục đích Ðức Chúa Trời dần dần được làm trọn trải qua các đời. Muôn vật thảy đều sẽ phục Ngài lần nữa, và kẻ thù cuối cùng bị diệt là chính sự chết (I Cô-rinh-tô 15:26).
       3. Sự tái lâm Ngài là lúc mọi thánh đồ sẽ nhóm họp trước mặt Ngài.-- Dường như có hai phần trong sự nhóm họp đó: (1) Các thánh đồ được cất lên đến sự hiện diện Ngài lúc tái lâm (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19) (2) Các thánh đồ được Ðấng Christ giới thiệu với Ðức Chúa Trời là Cha (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13).
       Những tiểu tiết về sự nhóm họp lớn đó được tả rất linh động trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18 và I Cô-rinh-tô 15:51-58. Sẽ có tiếng hô lớn truyền lịnh bởi chính Chúa; tiếng của thiên sứ trưởng; tiếng kèn của Ðức Chúa Trời. Bấy giờ Chúa từ trời xuống; thân thể các thánh đồ đều sống lại; các tín đồ còn sống trên đất sẽ được biến hóa, và hết cả đều được cất lên trong đám mây để gặp Chúa nơi không trung. Ấy sẽ là Hội Thánh rất lớn trong lịch sử, và dân sự Ðức Chúa Trời sẽ ở với Ngài mãi mãi. Một hy vọng như thế vẫn giục lòng tín đồ khỏi sờn ngã, nên Kinh Thánh khuyên "anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau."
       4. Sự tái lâm Ngài thúc giục hãy hoàn toàn nên thánh.-- Lời cầu nguyện Phao-lô cho các tín đồ hội Tê-sa-lô-ni-ca được "nên thánh trọn vẹn" là nhờ hy vọng "anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Ðức Chúa Jêsus Christ đến." (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23,24 so I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13; I Cô-rinh-tô 1:8; I Giăng 3:3).
       Thánh Giăng cũng viết trong câu sau cùng có dùng "parousia" trong Kinh Thánh. "Hãy ở trong Ngài, hầu cho nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ then và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến" (I Giăng 2:28). Vậy, ta biết phải cần một lời đắc thắng cứ ở trong Ngài để được đứng vững trước mặt Ðấng Christ khi tái lâm.
       5. Sự tái lâm Ngài sẽ vinh hiển.-- Trong các tho gởi cho Ti-mô-thê và Tít, Phao-lô dùng "epiphany" để tả vẽ sự táilâm Ngài. Ấy gợi ý về sự sáng láng và vinh hiển khi Ngài đến. Trong các thơ nầy, Phao-lô nói về ba cục diện đặc biệt về sự tái lâm:
             a) Ngài đến như Ðấng Cứu thế.-- (II Ti-mô-thê 1:9,10). Hai câu nầy chỉ về Ðấng Christ giáng thế để đem sự sống và sự không hề chết được chiếu sáng bởi Tin lành. Tin lành vinh hiển nầy của ơn điển Ðức Chúa Trời và của sự sống đời đời phải được rao để làm chứng cho muôn dân trước khi Ngài tái lâm (Ma-thi-ơ 24:14).
             b) Ngài đến như Ðấng đoán xét.-- (II Ti-mô-thê 4:1-8). Nhiều câu Kinh Thánh chép về Tòa án Ðấng Christ, là nơi các tín đồ sẽ chịu đoán xét để nhận lời khen và phần thưởng (II Cô-rinh-tô 5:10; Ma-thi-ơ 16:27; Gia-cơ 1:12; I Phi-e-rơ 5:4; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19; Khải Huyền 2:10). Ấy khác hẳn với sự phán xét người không được cứu trước Tòa án trắng (Khải Huyền 20:11-15).
             c) Ngài đến như vua (II Ti-mô-thê 4:1). "Trên áo tơi là trên đùi Ngài, có đề danh là:VUA CỦA CÁC VUA Và CHÚA CỦA CÁC CHÚA " (Khải Huyền 19:16). Trong I Ti-mô-thê 6:14, Phao-lô kết luận lời khuyên Ti-mô-thê cách nghiêm trang nầy: "Ta khuyên con, trước mặt Ðức Chúa Trời... và trước mặt Ðấng Christ,... con phải giữ điều răn nầy, không vết tích, không chỗ trách được, cho đến kỳ hiện ra (epiphany) của Chúa Jêsus Christ."
       IV. Những sự liên lạc với sự tái lâm Chúa.-- Ðối với tín đồ, biến động chính khi Chúa tái lâm là sự sống lại của thánh đồ và sự nhóm hiệp chung của hết thảy tín đồ với Chúa ở nơi khoảng không. Ấy được tỏ rõ trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18 và I Cô-rinh-tô 15:22,23. Khi nghiên cứu các câu Tân Ước về sự tái lâm Ngài, thấy duờng như sắp đặt những điềm liên lạc với sự tái lâm Ngài như sau nầy:
       1. Thời bội đạo.-- (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Thơ thứ nhất Phao-lô gởi cho hội Tê-sa-lô- ni-ca cốt để cho biết về Chúa tái lâm và sự nhóm họp chung hết thảy tín đồ với Ngài. Song tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca có ý lẫn lộn về vấn đề nầy. Vì ở giữa cơn bắt bớ dữ dội, nên họ tưởng rằng thời kỳ Ðại nạn và cơn Thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đã tới. Bởi đó, trong thơ thứ hai, Phao-lô cải chính ý sai lầm đó, và nhắc lại cho họ biết: đối với các tín đồ, sự tái lâm Chúa nghĩa là "chúng ta hội hiệp với Ngài" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1). Ngày của Chúa tức ngày phán xét và thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, không thể khởi sự (hay không thể mở mang đầy đủ) trước khi Ðấng Christ chưa hiện đến và cất dân Ngài khỏi cảnh tượng thạnh nộ và phán xét đó. Nhiều điều khác cũng phải xảy ra trước khi sự tái lâm Ngài tỏ ra cơn giận của Ðức Chúa Trời nghịch cùng mọi quyền lực của sự dữ; trước hết là cơn bội đạo. Ấy chưa xảy đến trong thời hội Tê-sa-lô-ni-ca. Song dân sự Ngài trên đất ngày nay biết kỳ bội đạo đó đã bắt đầu rồi. Bổn phận tín đồ phải biệt mình riêng ra khỏi sự bội đạo đó trong sự hầu việc Ðấng Christ, và hết sức truyền lẽ thật của Tin lành khắp thế gian. Song le, ngày nay ta thấy phần đông Hội Thánh chung ở trong sự sai lầm và sự bội đạo.
       2. Ðấng Ngăn trở sẽ lui khỏi công việc loài người (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Về một mặt, câu nầy chỉ về quyền phép ngăn trở của Ðức Thánh Linh trong công việc quốc gia và tôn giáo. Trong mỗi thời đại, Ngài đã ngăn cản sự hành động trái luật pháp mà Sa-tan đã định để dọn đường cho Antichrist, tức kẻ nghịch cùng luật pháp. Chương trình Ðức Chúa Trời về sự nhóm họp từ các nước một dân biệt riêng cho danh Ngài phải được hoàn thành; Tin lành phải được giảng khắp thế gian; sau đó Ðấng Ngăn trở "cần phải cất đi" (Công vụ các sứ đồ 15:14; Ma-thi-ơ 24:14).
       3. Người tội ác sẽ hiện ra (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Nên chú ý, theo II Tê-sa-lô-ni-ca 2:, hai sự hiện đến và sự hành động của Antichrist được tả vẽ như sự hiện đến (parousia) và sự khải thị (apokalypse), là hai tiếng Hy-lạp cũng dùng để tả sự tái lâm của Ðấng Christ. Nhiều khúc trong Cựu Tân Ước tả vẽ rất tỉ mỉ công việc của kẻ hủy diệt đó (Ê-xê-chi-ên 28:1-10; Ða-ni-ên 7:8; 9:24-27; 11:36-45; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12; Khải Huyền 13:3-10; 19:20; 28:10).
       4. Cơn Ðại nạn.-- Antichrist hiện ra sẽ dẫn đến cơn Ðại nạn; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4 chép về người: "Kẻ đối địch tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Ðức Chúa Trời, hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong Ðền Ðức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Ðức Chúa Trời." Trong Ma-thi-ơ 24:15, Chúa bảo khi nào "thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi Chí thánh," bấy giờ sẽ có cơn Ðại nạn. Ðây là thời kỳ Ðại nạn, nhứt là cho người Do-thái (Ða-ni-ên 12:1). "Ấy là kỳ tai hại của Gia-cốp" (Giê-rê-mi 30:7). Nhưng kết quả cơn đại nạn sẽ rải khắp thế gian.
       5. Ngày của Chúa.-- (Ma-thi-ơ 24:29,30). Ngày nay có trưng dẫn nhiều lần trong Cựu Ước. Khi Chúa tái lâm, cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời nghịch cùng điều ác và kẻ làm ác sẽ được tỏ ra, để sắm sẵn lập nước và quyền cai trị Ngài trên mọi dân tộc (Ê-sai 11:1-16; 12:1-6; 24:22-27:13; 35:1-10, v.v.).
       Trong Tân Ước chép về Ngày của Chúa như là sự ngự đến (epiphany) của sự hiện diện (parousia) Ðấng Christ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8), để phản kháng "người tội ác." Cũng có tả vẽ là sự khải thị (apokalypse) của Ngài từ trời, "với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Ðức Chúa Trời và không vâng phục Tin lành của Chúa Jêsus Christ" (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7).
       6. Cơn phục hưng đổi mới.-- (Công vụ các sứ đồ 15:16). Kinh Thánh dự ngôn rõ về sự giải cứu và lập lại nhiều dân tộc, kể cả người Do-thái, khi Ðấng Christ tái lâm. Ngôi Nước cùng sự trị vì Ngài sẽ đem sự giải cứu và phước lành cho hết thảy. Muôn vật đang chờ đợi Ngài đến (Rô-ma 8:19).
       7. Sự cất dân Ðức Chúa Trời lên.-- Ta dành đến phần cuối cùng nầy để luận đến sự cất các tín đồ (Anh: Rapture), hoặc đang ngủ hoặc còn sống, đều lên hội hiệp với Ðấng Christ nơi không trung lúc Ngài tái lâm, dầu thật ra, ấy là bước thứ nhứt, lúc Ngài tái lâm. Khi nào sự nầy xảy đến? Có phải là khi Ðấng Ngăn trở cần phải cất đi không? (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Có giống Hê-nóc trước nước lụt không? Hay là Lu-ca 17:37 có nói đến "xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó," tức ở giữa cơn đại nạn chăng? Kinh Thánh không chép đúng lúc nào sự cất lên sẽ xảy ra, song ta có thể chắc chắn về mấy điều sau nầy:
             a) Dân Ðức Chúa Trời sẽ thoát khỏi cơn thạnh nộ tỏ ra nghịch cùng những kẻ thù nghịch Ngài lúc Ngài đến. Ðúng như Nô-ê và Lót đã thoát khỏi, thì Chúa cũng khuyên chúng ta nên cầu nguyện để được tránh khỏi. Lời Ðức Chúa Trời hứa là chắc chắn cho những người "ở trong Ðấng Christ" (Lu-ca 21:36; Khải Huyền 3:10; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10; 5:9).
             b) Ta biết rằng Chúa muốn nhóm hiệp vừa khi mùa gặt đã sẵn sàng, "Vậy, hỡi anh em, hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy nhìn xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa" (Gia-cơ 5:7-9). Ðây là lời hứa về "mưa," ấy chỉ rằng có lời hứa quyền phép và sự phục hưng cho các tôi tớ Ngài, dầu sự tái lâm Ngài hoãn lại bao lâu cũng không hề gì.
             c) Chúa khuyên chúng ta phải sắm sẵn và tỉnh thức (Ma-thi-ơ 21:42) kẻo sự tái lâm xảy ra lúc bất ngờ. Ðức Chúa Trời mong rằng các đầy tớ Ngài đang hết lòng hầu việc Ngài lúc Chúa tái lâm (so Lu-ca 19:13).
       Không cứ trật tự các biến động về Chúa tái lâm thế nào, ta biết Chúa sẽ đem ơn điển và sự vinh hiển cho dân Ðức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:13; 4:13; 5:1). Như sự hóa hình Ðấng Christ trên núi, sự tái lâm cũng tỏ ra quyền phép Ngài như vậy (II Phi-e-rơ 1:16). Ấy sẽ là thời kỳ các con cái Ðức Chúa Trời được tỏ ra (Rô-ma 8:18,19); và mọi công việc chúng ta sẽ thử bởi lửa (I Cô-rinh-tô 3:13). Vậy, đối với hết thảy tín đồ yêu mến sự hiện ra của Ngài (epiphany), sự tái lâm Ngài là "sự trông cậy hạnh phước, và sự hiện ra của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Chúa Jêsus Christ" (Tít 2:13).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự tái lâm Ðấng Christ như sau nầy:
       Ê-sai 42:1.-- Truyện chép đây về Ðầy tớ hầu đến co hai mặt: (1) Ðầy tớ đó được mô tả là yếu đuối, bị khinh dể, bị chán bỏ, và bị giết; (2) và cũng là người chinh phục quyền năng, báo thù các dân tộc và lập lại Y-sơ-ra-ên (như 40:10; 63:1-4). Các khúc mô tả mặt thứ nhứt quan thiệp với sự Ngài đến lần thứ nhứt, và đã được ứng nghiệm; mặt thứ nhì quan thiệp với sự tái lâm Ngài, và chưa được ứng nghiệm.
       I Cô-rinh-tô 1:7.-- Có ba lời được dùng về sự tái lâm Chúa: (1) Parousia "sự hiện diện đích thân." Phao-lô cũng dùng chỉ về Sê-pha-na "đến" (I Cô-rinh-tô 16:17), về Tít (II Cô-rinh-tô 7:6,7), và về "sự đến" của chính Phao-lô với hội Phi-líp (Phi-líp 1:26). Lời đó chỉ có nghĩa sự hiện diện của người, và dùng về sự tái lâm của Chúa vì biến động đó quan thiệp với phước lành của các thánh đồ (I Cô-rinh-tô 15:23; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14,17), và sự hủy diệt "người tội ác" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8). (2) Apokalupsis, "cất màn cho lộ ra," "khải thị." Lối dùng lời đó chú trọng về sự mắt thấy Chúa trở lại. Chữ đó dùng về Chúa (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7; I Phi-e-rơ 1:7,13; 4:13); về các con cái Ðức Chúa Trời quan thiệp với Chúa tái lâm (Rô-ma 8:19), và về người tội ác (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3,6,8), và bao giờ cũng chỉ sự mắt thấy được. (3) Epiphaneia, "hiện ra," dịch là "sự chói sáng," hoặc "tỏ ra" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8), và chỉ có nghĩa sự hiện ra. Lời nầy dùng về cả hai sự giáng lâm Ngài (II Ti-mô-thê 1:10; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8; I Ti-mô-thê 6:14; II Ti-mô-thê 4:1,8; Tít 2:13).
       Ma-la-chi 3:1.-- Sự giáng lâm Chúa dự ngôn. Xem bài "Giăng Báp-tít."
       Xa-cha-ri 12:1.-- Sự tái lâm Chúa được dự ngôn. Xem bài "NƯỚC," phần Scofield.
       Ê-sai 59:20.-- Thời gian mà "Ðấng Cứu chuộc sẽ đến Si-ôn" là nhứt định, tùy sự so sánh bởi Rô-ma 11:23-29 như theo sau sự làm đầy đủ Hội Thánh bằng dân ngoại. Ấy cũng là thứ tự của khúc sách quan hệ về các thời kỳ (Công vụ các sứ đồ 15:14-17). Trong cả hai. Chúa trở lại Si-ôn là sau sự kêu gọi Hội Thánh ra.
       Ma-thi-ơ 24:3.-- Ma-thi-ơ 24: với Lu-ca 21:10-24 trả lời câu hỏi bằng ba mặt. Thứ tự như sau đây: "Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra?" Tức sự hủy phá Ðền thờ và thành. Lời đáp Lu-ca 21:20-24. Câu hỏi thứ nhì và thứ ba là: "Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?" Lời đáp: Ma-thi-ơ 24:4-33. Câu 4:14 có hai sự giải nghĩa: (1) về tính cách của thời đại, -- chiến tranh, nước nọ nghịch cùng nước kia, đói kém, dịch lệ, bắt bớ, và các Christ giả (so Ða-ni-ên 9:26). Ấy không phải mô tả một thế gian đã trở lại đạo. (2) Song lời đáp trong câu 4-24 ứng dụng cách đặc biệt cho kỳ tận thế, tức tuần lễ thứ 70 của Ða-ni-ên (Ða-ni-ên 9:24-27 lời chua). Hết thảy những sự đó chỉ đặc tánh của thời kỳ nầy họp lại trong sự tuyệt điểm tai hại lúc tận thế. Câu 14 trưng dẫn đặc biệt về sự rao truyền Tin lành một lần nữa bởi dân Do-thái sót lại rằng nước Ðức Chúa Trời đã "đến gần" (Ê-sai 1:9; Khải Huyền 14:6,7; Rô-ma 11:5, lời chua). Câu 15 cho ta biết một dấu về sự gớm ghiếc (Ða-ni-ên 9:27, lời chua),-- "người tội ác" hoặc "Con thú" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-8; Ða-ni-ên 9:27; 12:11; Khải Huyền 13:4-7).
       Ma-thi-ơ 25:1.-- Ba phương diện về sự tái lâm Chúa. Xem bài Nước.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.