Sự thờ lạy hình tượng. l' Idolatrie. Xem bài "Hình Tượng."

        



      Giáo Hê-bơ-rơ từ Áp-ra-ham bỏ sự thờ cúng tổ tiên và thần tượng (Sáng thế ký 12:1). Sự thờ lạy Chơn thần bắt đầu từ Môi-se dạy cách công khai cho người Y-sơ-ra-ên nhận Ðức Chúa Trời làm Chúa. Song bây giờ số người phạm tội thờ lạy hình tượng còn nhiều.
       I. Cớ thờ lạy hình tượng.--
       1. Người Y-sơ-ra-ên đối với đạo thờ lạy Ðức Chúa Trời chưa được rành rẽ. Khi Y-sơ-ra-ên bước chân vào xứ Ca-na-an thì người thổ dân còn là một dân thờ hình tượng, nên dễ bị lay động.
             a) Miếu các thần Ca-na-an đều có sản nghiệp. Khi Y-sơ-ra-ên muốn cướp lấy phải xung đột với họ, có khi thất bại. Nhơn thế mà người Y-sơ-ra-ên lay chuyển mê hoặc ở trong đó.
             b) Người Y-sơ-ra-ên thường kết hôn với người Ca-na-an. Ðó cũng là một cớ dễ bị mê hoặc. Như vua Sa-lô-môn, vua A-cha đều có cuộc hôn nhơn với họ, lần lần bèn lây theo thói họ thờ hình tượng (I Các vua 11:1; 18:21).
             c) Ai-cập và A-sy-ri đều là hai nước thờ lạy hình tượng. Dân Y-sơ-ra-ên có quan hệ về chính trị với hai nước đó, nên cũng chịu ảnh hưởng với họ.
       2. Có đặc tánh của Do-thái:
             a) Thói tục xứ Ca-na-an, họ cho rằng sông, ngòi, giếng, cây đều có chủ cả. đối với trụ đá, cây sào, họ cũng thờ lạy như thần. Khi chiếm lấy được, người Y-sơ-ra-ên thờ ngay thần của các chỗ đó.
             b) Thần trong nhà của người Ca-na-an cũng là hình tượng.
             c) Khuôn phép người Ca-na-an thờ lạy hình tượng rất hung dữ. Ðối với những sự ô uế, họ cũng không ngăn cấm.
       Coi vậy, người Y-sơ-ra-ên mắc vào tội thờ lạy hình tượng, là vì cớ họ rất xao lãng sơ xuất tấm lòng thờ lạy Ðức Chúa Trời.
       II. Tánh chất thờ lạy hình tượng.--
       1. Các đạo ở Ca-na-an đều thờ thần Ba-anh. Họ cho Ba-anh là dương thần của muôn vật trên thế gian. Họ lại bảo Át-tạt-tê là âm thần của muôn vật trên thế gian. Lễ nghi thờ hai thần đó: một đàng thì dâng người làm của lễ, một đàng thì làm việc dâm ô. Về sau, người Y-sơ-ra-ên cũng nhận Ba-anh làm thần. Ðến đời Giê-sa-bên, hạng người thờ lạy Ðức Chúa Trời bèn hóa ra những người thờ lạy thần Ba-anh.
       2. Thờ lạy vật thiên nhiên, đó là cội gốc của các đạo xưa. A-rôn đúc bò vàng, khiến người Y-sơ-ra-ên thờ lạy nó. Các đạo Ai-cập cũng vậy. Duy những thứ ở Ai-cập thờ lạy là vật thiên nhiên, chớ không phải hình tượng. Nước khác lại còn lấy bức vẽ con thú làm thần mà thờ.
       3. Thói người Y-sơ-ra-ên thờ lạy thiên trượng cũng từ nước khác truyền đến. Có thần mặt trời, họ dâng xe, ngựa, cho nó (II Các vua 23:11). Khi thờ lạy mặt trời, họ hướng về hường Ðông (Ê-xê-chi-ên 8:16). Có thần "nữ vương trên trời" (Giê-rê-mi 7:18), Song không thể chỉ rõ đó là thần nào. Có thần Mạng gọi là Gát; có thần Số gọi là Mê-ni (Ê-sai 65:11). Có thần Tham-mu, nghĩa là thần mặt trời (Ê-xê-chi-ên 8:14), được người Phê-ni-xi thờ lạy.
       4. Việc thờ cúng tổ tiên, không thấy Cựu Ước thường nói đến. Có lẽ Các quan xét 18:14 chừng nói về việc thờ cúng tổ tiên.
       5. Sau khi Y-sơ-ra-ên chia ra hai nước Nam và Bắc, nước Bắc bị nước A-sy-ri diệt mất rồi dân tộc khác đến ở. Bấy giờ, bên thờ Ðức Chúa Trời và bên thờ hình tượng bèn hiệp lại làm một nước (II Các vua 17:24-41). Thế rồi họ ăn chung, ở chạ, gả cưới lẫn cho nhau, tôn giáo nhơn đó cũng hỗn hợp láo nháo.
       III. Lịch sử phản đối hình tượng.--
       Pháp luật gốc từ Ngũ kinh, được người Hê-bơ-rơ công nhận, song họ chưa hiểu được một cách trọn vẹn, nên họ không khỏi bị dị đoan lay động và mê hoặc. Mãi đến năm 700 T.C., người Hê-bơ-rơ lần lần hiểu rõ nghĩa mười điều răn của Môi-se, bấy giờ pháp luật cũng lần lần đầy đủ, sự thờ lạy hình tượng cũng lần lần bị trừ bỏ. Nay thử thuật ra đây để chứng rõ cái dấu vết cải lương lần lần. Tiên tri Sa-mu-ên dâng của lễ ở bàn thờ (I Sa-mu-ên 9:12). Vua Ê-xê-chia phá bỏ các nơi cao, phá hủy hình tượng, cây trụ, chém tan hình tượng bằng gỗ, đập bể con rắn đồng của Môi-se làm ra (II Các vua 18:4). Tiên tri Ê-li rất ghéc sự thờ lạy thần Ba-anh, song chưa ngăn cấm việc thờ lạy con bò. Sau hết Ô-sê mới ngăn cấm được. Tiên tri Ê-sai biết trước rằng tương lai Ai-cập sẽ có cái trụ đá lập cho Chúa (Ê-sai 19:19). Vua Giô-si-a phá hủy các hình tượng bằng đá và bằng gỗ khắp trong nước (II Các vua 23:14). Giê-hu hủy diệt miếu Ba-anh, song không bỏ con bò vàng là việc hãm người sa vào tội lỗi (II Các vua 10:28). Vua A-sa trừ bỏ hết hình tượng, song không hủy phá các nơi cao (I Các vua 15:12-14). Năm 780 T.C., tiên tri đã dự định làm nên một cuộc cải lương lớn, như việc Giô-si-a đã làm (II Các vua 22:; 23:). Vua Giô-si-a đối với việc thờ lạy hình tượng thật không khác những lời Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên đã nói, sách Lê-vi ký đã chép, và lời lẽ người Y-sơ-ra-ên đã ghi sau khi từ Ba-by-lôn về nước. Nước Do-thái-giáo bấy giờ mới biến đổi ra nước của Ðức Chúa Trời; đạo đa thần hóa ra đạo Ðộc Thần, tôn giáo hỗn tạp lẫn lộn hóa ra tôn giáo độc lập hoàn toàn. Việc người Hê-bơ-rơ thờ lạy hình tượng đến đó là hết.
       IV. Ðời Tân Ước.--
       Do-thái-giáo không có sự thờ lạy hình tượng nên không nói đến. Duy điều gì Phao-lô gặp thấy thì ông chép sơ ở trong Công vụ các sứ đồ 17:22-31; Rô-ma 1:18-31; I Cô-rinh-tô 8: Theo nghĩa tinh túy trong đạo Ðấng Christ, thì cố nhiên phải nên hết sức trừ tuyệt sự thờ lạy hình tượng. Song những sự làm ngăn trở linh hồn giao thông với Ðức Chúa Trời cũng đều là loại thờ lạy hình tượng hết (Ê-phê-sô 5:5; Giăng 5:21; Ga-la-ti 5:20). Vậy đối với các sự đó, lại càng nên ghét sâu, ghét độc mà trừ tuyệt đi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.