Sự Xuất Ai-cập . Exode.

       


      Là sự khởi hành của Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập theo Fausset độ 1652 T.C.. Cũng xem bài Niên Hiệu. Là một thời kỳ lớn trong lịch sử cứu chuộc loài người. Thời đại các tổ phụ đã mãn, nay khởi đầu luật pháp từ đây. Ðức Chúa Trời bởi sự dự bị sẵn sàng Ngài đã làm phép lạ dẫn dắt người Hê-bơ-rơ đến trú ngụ trong xứ Ai-cập; và ở đó quên thói tục du mục và học nghề nông và nghề của một dân sống đời nhứt định, bây giờ Ngài cũng xen vào bởi việc lạ lùng như thế nữa để dẫn họ ra khỏi xứ Ai-cập vào đồng vắng. Ðịa vị cao quí của Giô-sép đã cho họ được ở vững vàng trong phần tốt nhứt của xứ, biệt riêng khỏi người Ai-cập; dầu vậy cũng ở trong một địa thế thuận tiện cho sự học nhiều của một dân tộc văn minh rất sớm đó, cũng thuận tiện sự sanh sản và gìn giữ dân tộc mình. Có nhiều duyên cớ hiệp nhau để ngăn trở họ nhiễm sự thờ hình tượng và sự bại hoại của người Ai-cập. Từ buổi đầu, vì người Hê-bơ-rơ vốn là kẻ chăn chiên, và họ dâng chính súc vật mà người Ai-cập thờ lạy làm của lễ (so Xuất Ê-díp-tô ký 8:26), lại nữa, của lễ bằng huyết cũng vậy, thảy đều là gớm ghiếc cho người Ai-cập. Gia-cốp và Giô-sép trên giường lúc sắp qua đời dặn phải đem xác mình về chôn tại xứ Ca-na-an (Sáng thế ký 50:), bởi đó ấn tượng trên dòng dõi mình rằng xứ Ai-cập chỉ là một chỗ tạm trú nên họ phải ngưỡng trông về xứ Ca-na-an là cơ nghiệp và quê hương họ.
       Có người nói Pha-ra-ôn mới không biết Môi-se là Aahmès I, 1706 T.C., chừng cùng niên hiệu sự chết của Lê-vi là người cuối cùng của thế hệ Giô-sép, nói đến có quan thiệp với một vua mới. Sự Xuất Ai-cập xảy ra nhằm buổi đầu đời vua Thothmès II. Có học giả khác nói, trong Công vụ các sứ đồ 13:19,29 ta thấy rằng sau khi chiếm xứ Ca-na-an, các quan xét chừng khoảng thời gian là 450 năm, và tính (kể cả sự cai trị của Sa-mu-ên) là gần 415 hay 420 năm, thay đổi tùy chỗ trong Cựu Ước. Tùy theo Ngũ kinh và các sách chép sau (A-mốt 5:25; Công vụ các sứ đồ 7:30), Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng là 40 năm. Bởi đó, ta thấy rằng Giô-suê xâm chiếm xứ độ 1480 T.C., và Xuất Ai-cập chừng 1520 T.C.. Tùy theo Niên hiệu sửa lại của dòng vua thứ XVIII xứ Ai-cập, căn cứ trên các vua Kassites đồng thời tại Ba-by-lôn, như vậy dường như Pha-ra-ôn hà hiếp Y-sơ-ra-ên là Thothmès III -- kẻ thù lớn của người Á-châu -- và Pha-ra-ôn của Xuất Ai-cập có lẽ là Amenophis II hoặc Thothmès IV. Nếu Môi-se lên 80 tuổi hồi Xuất Ai-cập, thì phải sanh khi Thothmès III còn là con trẻ và khi chị danh tiếng của người, Hatasu, làm nhiếp chính và lấy danh hiệu là Ma-ka-Ra. Bởi vậy, nàng có thể là "con gái của Pha-ra-ôn" (Xuất Ê-díp-tô ký 2:5), người nhận Môi-se làm con -- khúc đó không nói đến vua nào song dường như (câu 15), nói chỉ khi Môi-se đã "khôn lớn;" vì quyền nhiếp chính của bà dài hơn 20 năm cho đến khi Thothmès III trưởng thành.
       Sự bắt bớ, theo sau lúc Y-sơ-ra-ên sanh sản gấp bội theo lời dự ngôn, ít lâu trước khi Môi-se ra đời, được cai trị bởi Chúa để cho họ không còn cảm tình với Ai-cập và để thắt chặt họ làm một dân. Sự cung cấp đều cần dùng sẵn sàng cho phần thân thể họ tại xứ Ai-cập (Dân số ký 11:5) và trũng giàu có của sông Ni-lơ, khiến cần đến sự sửa dạy đó, hầu cho họ được thúc giục nhận biết số phận cao siêu của mình và tình nguyện mà đi. Cả đến Môi-se là người được huấn luyện cách lạ lùng để làm lãnh tụ cũng thất bại không tỉnh thức họ được; cả Môi-se và dân sự đều cần một sự sửa dạy nghiêm nhặt hơn trong 40 năm. Khi thời gian đó mãn, người ta tôn Môi-se làm lãnh tụ. Song Pha-ra-ôn vào hồi đó chối bỏ cách chế giễu Môi-se và A-rôn xin phép để khởi hành; "Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết, cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa" (Xuất Ê-díp-tô ký 5:2). Sau đó đến mười tai vạ giáng trên các hình tượng, cả đến sản nghiệp và người của Pha-ra-ôn và dân sự, tóm kết trong sự giết con đầu lòng của dân và chính Pha-ra-ôn (Thothmès II) bị hủy diệt tại Biển Ðỏ.
       Lời đề nghị thứ nhứt của Môi-se tâu với Pha-ra-ôn là xin cho người Hê-bơ-rơ đi vào nơi đồng vắng phụ cận của Gô-sen, không qua biên giới, ba ngày vừa đi vừa về để dâng tế lễ. Pha-ra-ôn từ chối lời tâu hiệp ý đó (Xuất Ê-díp-tô ký 3:18), và tận cùng với lời nài xin của Môi-se cho dân sự để giải phóng hoàn toàn và khởi hành (11:; 12:31-33).
       Y-sơ-ra-ên khởi hành từ Ram-se (Sáng thế ký 47:11), và buổi sáng sớm ngày 15 tháng giêng (Dân số ký 33:3). Họ tới Biển Ðỏ trong ba ngày đường. Tại đây, trong khi họ đang đi qua biển đó cách yên ổn thì Pha-ra-ôn chết chìm trong nước (Thi Thiên 136:15). Những duyên cớ tự nhiên không đủ giải nghĩa những thực sự của việc đó, nhứt là nếu liên lạc với lời tiên tri của Ðức Chúa Trời bởi Môi-se. Thực sự về sự xuất ngoại của một dân chưa từng chiến tranh đương đầu với các chủ thiện chiến cần phải được cắt nghĩa. Không có cách nào khác giải nghĩa cho thỏa lòng hơn là bởi Ðức Chúa Trời lấy các phép lạ xen vào như chép trong sách Ngũ kinh. Sự nghiêm nhặt càng ngày càng tăng về các tai vạ hiệp với tánh cách tư pháp của Ðức Chúa Trời trong sự đối đãi với một tội nhơn càng ngày càng cứng cỏi cho đến chừng bị tiêu diệt không còn phương cứu chữa (Thi Thiên 7:11-13; Châm Ngôn 29:1). Cả Y-sơ-ra-ên và Ai-cập đều từng trải sự hiểu biết Ðức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô ký 6:7; 7:5). Kết quả là người Ai-cập lo sợ đến nỗi khi Y-sơ-ra-ên đi, họ dám "xin người Ai-cập những đồ bằng bạc, bằng vàng cùng áo xống," và nhận được vì cớ được ơn trước mặt người Ai-cập (12:35,36). Ấy là của cầm về sự đắc thắng cuối cùng của Hội Thánh và Y-sơ-ra-ên trên thế gian bắt bớ nầy, "chúng nó sẽ bóc lột những kẻ đã bóc lột mình, và cướp giựt những kẻ đã cướp giựt mình" (Ê-xê-chi-ên 39:10; Xa-cha-ri 14:14).
       Vì chính dân Y-sơ-ra-ên hết lòng tin sự thật của truyện Xuất Ai-cập nầy, vì nói đúng địa dư và xứ sở, vì có chứng cớ rõ ràng là truyện người đã mục kích, cuối cùng vì cớ truyện tỏ ra những sự không xứng đáng của Y-sơ-ra-ên, hết thảy những lẽ đó làm chứng truyện Xuất là một thực sự không phải bởi tưởng tượng. Ðồng vắng hồi người Y-sơ-ra-ên đi qua có nhiều đồng cỏ và dòng nước hơn bây giờ, chắc họ đã tản ra cả miền. Vào hồi Xuất Ai-cập, cả người Hê-bơ-rơ và Ai-cập có một văn chương đồng thời với nhau, không thể hiệp với thuyết lý rằng ấy là truyện thần tiên. Thay vì đi thẳng đường tới Ca-na-an ngang qua xứ Phi-li-tin ở phía Nam, thì Ðức Chúa Trời lại dẫn Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng của Biển Ðỏ e rằng gặp người Phi-li-tin thiện chiến thì họ lại hối hận xảy có chiến tranh (13:17,18). Họ đi theo "trật tự của đạo binh," từng hàng năm người, "cầm khí giới" (13:18), kiên quyết để chiến đấu theo Gesenius, (ấy khó hiệp với địa vị tôi mọi của họ trước), song họ vẫn chưa quen khó nhọc, hoặc đã huấn luyện đủ để chiến tranh như về sau. Như Môi-se ở 40 năm trong đồng vắng để được làm lãnh tụ tại đó, cũng vậy 40 năm cũng đào luyện họ để chiến đấu chiếm lấy xứ Ca-na-an vậy.
       Ðường đi.-- Ngày 14 tháng Abib (đầu tháng Avril), người Hê-bơ-rơ nhóm lại tại Ram-se (Xuất Ê-díp-tô ký 12:37; Dân số ký 33:5), tại đó dường như Pha-ra-ôn thù nghịch cũng ở (Xuất Ê-díp-tô ký 12:31). Bởi Thi Thiên 78:12,43, dường như các phép lạ có trước hồi Xuất Ai-cập xảy ra "nơi đồng bằng Xô-an," tại đó là nơi khởi hành. Bác sĩ Naville gợi ý rằng triều đình ở tại Bubastis, không phải tại Xô-an, và đường đi ở gần Zagazig xuống đến Wâdy Tumeilât -- một đường rất thích hợp cho sự chăn bầy chiên và bò. Một mặt khác, chiều theo ý điểm khởi đầu là ở Xô-an, thì có chép, "đường đi về xứ Phi-li-tin" là đường "gần" (Xuất Ê-díp-tô ký 13:17). Ðường nầy, không đi qua e rằng dân sự chán nản vì sẽ thất bại tại Ga-xa là nơi bao giờ người Ai-cập cũng đóng quân, tới Ai-cập tại Mít-đôn, -- chạy dài từ đó đến Daphnai -- chừng 24 cây số -- và đến Xô-an bởi một chặng đường cũng dài như vậy. Ðường từ Bubastis đến Daphnai (chừng 75 cây số) không thể nói là "gần" được. Dầu một người A-rạp có thể đi bộ 48 cây số một ngày, song khi dẫn lạc đà với đờn bà và con nít cùng bầy vật, thì cũng chỉ đi được 18 hoặc 22 cây số một ngày. Vậy, ta không thể tưởng tượng rằng bầy vật của người Hê-bơ-rơ có thể đi xa hơn quãng đường đó mà không có nước khi đi một mạch.
       Kinh Thánh không nói đường đi từ Ram-se đến Su-cốt mất bao nhiêu ngày, dầu sự ấn tượng chung là các chặng nói đến (Dân số ký 33:) là quãng đi từng ngày đường. Ðo ngược lại từ trại quân thứ nhứt sau khi đi qua Biển Ðỏ, ta thấy Su-cốt có lẽ ở miền thấp của dòng Wâdy Tumeilât, tại đó có đầy đủ nước và cỏ. Ðường trực tiếp từ Xô-an dẫn đến Phakousa bởi một chặng chừng 24 cây số qua một miền có nước nhuần tưới. Một chặng thứ hai, qua sa mạc Heroopolis, và xuống đến trũng Su-cốt cũng dài chừng đó. Người Hê-bơ-rơ đi "vội vàng" và chắc rảo bước như mình có thể. Nếu toàn thể dân sự không phải ở trong Ram-se song tan lạc trên Gô-sen, có thể rằng mấy người xuống trũng gần Butastis, và toàn thể lực lượng tập trung tại Su-cốt.
       Chặng đường sau đó (Xuất Ê-díp-tô ký 13:20; Dân số ký 33:6) dẫn Y-sơ-ra-ên đến Ê-tam "ở cuối đồng vắng," ở phía Tây các Hồ Nước Ðắng, không xa chỗ nước sông Ni-lơ chảy vào, và chắc đã làm cho nước đắng đó trở nên ngọt. Chắc ý định của Môi-se là đến đồng vắng Su-a bằng cách đi quanh đầu hồ đó; song có chép (Xuất Ê-díp-tô ký 14:2) rằng Ngài truyền Môi-se phải "trở lại" -- chắc là miền Nam -- và cắm trại tại đó trước cửa hồ để cho Pha-ra-ôn có thể luận rằng người Hê-bơ-rơ "bị khốn trong đồng vắng," và bị nhốt ở giữa hồ ở phía tả và các núi đồng vắng ở phía hữu. Trại quân nầy dường như ở phía Tây các hồ, chừng 16 cây số ở phía Bắc Suez. Có lẽ là hai ngày đường từ Ê-tam, vì các hồ dài chừng 45 cây số, hoặc nếu Ê-tam xa phía Nam hơn các đầu hồ, thì quãng đường đó có thể đi từ 30 đến 38 cây số, thú vật được nước hồ uống, nếu thật có đầy nước mát mẻ.
       Qua biển.-- Biển mà dân Y-sơ-ra-ên đi qua không nói đến khi chép cuộc hành trình, song ở trong bài ca của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 15:4) gọi là "Biển Ðỏ," tên Hê-bơ-rơ là Yam Suph hoặc "biển cỏ," một danh từ không những ứng dụng cho Vịnh Suez (Dân số ký 33:10), song cũng cho Vịnh 'Akabah (Phục truyền luật lệ ký 2:8; I Các vua 9:26). Cũng nói đến con đường được chọn là đường trong đồng vắng đi về hướng Biển Ðỏ (Xuất Ê-díp-tô ký 13:18). Ai nấy đều tin rằng dầu Vịnh Suez vào hồi Xuất Ai-cập đi xa về phía Bắc hơn ngày nay, và như các Hồ Nước Ðắng được đầy bằng nước sông Ni-lơ trước 600 T.C.. Có lẽ chỗ qua là một kinh nhỏ chừng 3 cây số rộng, bởi đó nước hồ chảy ra biển, và như vậy chừng 16 cây số ở phía Bắc Suez. Người ta nói nước bị lui lại phía sau bởi một cơn gió Ðông thổi mạnh tức gió "ngược" trong ban đêm (Xuất Ê-díp-tô ký 14:21), và biển (hoặc hồ như thường dịch yam trong Kinh Thánh) như vậy được chia ra, một đường cạn bày ra, và nước dồn cao lên (Xuất Ê-díp-tô ký 15:8) đến đỗi khi gió yên thì nước rút lại; cũng như, trong lúc đi qua, nước hai bên như một bức tường (14:22) chống với sự hãm đánh của người Ai-cập (so I Sa-mu-ên 25:16, tại đó người của Ða-vít được gọi là "tường che" cho những kẻ chăn chiên của Na-banh). Gió thổi trên chỗ khô cạn có thể thấy ở nơi cửa sông Ki-sôn, có một nơi cạn lúc gió phía Tây thổi, song có nước không thể đi qua khi gió thổi xuống sông. Năm 1882, Sir Alecxander Tulloch thấy nước hồ Menzaleh chia ra như thế bởi một cơn gió đông như tả trong Kinh Thánh. Người Hê-bơ-rơ đi qua buổi sáng và đi 24 cây số tới các suối của Vịnh Suez, là nơi bắt đầu có sự lưu lạc trong đồng vắng Su-a vậy.
       Dân số.-- Về số người Hê-bơ-rơ Xuất Ai-cập, Kinh Thánh chép: "Dân Y-sơ-ra-ên đi từ Ram-se đến Su-cốt, số không kể con nít, được chừng sáu mươi vạn người đờn ông đi bộ" (Xuất Ê-díp-tô ký 12:37). Có người nói khó hiểu thế nào trong 430 năm (Xuất Ê-díp-tô ký 12:40), một chi phái số 70 người nam (Sáng thế ký 46:26; Xuất Ê-díp-tô ký 1:5; 6:14) có thể thêm lên đến 600.000 người nam. Song Kinh Thánh chép đặt biệt trong Xuất Ê-díp-tô ký 1:7-20, "con cháu Y-sơ-ra-ên thêm nhiều lạ lùng, nảy nở ra, và trở nên rất cường thạnh; cả xứ đều đầy dẫy." Vậy, ấy thật bởi quyền phép của Chúa làm cho một dân tộc thanh niên cường tráng có thể sanh sản thêm nhiều như thế.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.