I. Là một tên vắn tắt của A-si-ri bắt đầu dùng từ đời Alexandre le Grand, là dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ Aram, và từ tiếng Hy-lạp Zuria. Dường như Sy-ri vốn chỉ về Tsyria miền xung quanh Tsur, hay Ty-rơ, là một trong các thành Sy-ri thứ nhứt mà người Hy-lạp biết đến.
II. Ðịa dư.-- Giới hạn xứ Sy-ri khó định lắm. Giới hạn xứ Aram bằng tiếng Hê-bơ-rơ và những phần đất chia ra có cắt nghĩa trong bài A-ram. Bản thổ Sy-ri phía Bắc giáp núi Amanus và Taurus. Ðông giáp sông Ơ-phơ-rát và đồng vắng A-ra-bi, Nam giáp xứ Pha-lê-tin, Tây giáp Ðịa trung hải gần cửa sông Orontes, và sau đến xứ Phê-ni-xi. Dãi đất nầy dài từ Bắc chí Nam độ 480 cây số, và rộng từ 80 đến 240 cây số, và diện tích là 78000 cây số vuông. Tánh cách chung của dãi đất nầy là nhiều núi, như tên Hê-bơ-rơ Aram (từ một gốc nghĩa là "cao") đủ tỏ như vậy. Dãi đất phì nhiêu và giá trị của Sy-ri là trũng dài ở xen vào giữa núi Li-ban và An-ti-Li-ban. Về các núi khác nhau của Sy-ri, thì dãy Li-ban có quyền rất lớn. Núi đó ăn rộng từ sông Litany đến Arka, một khoảng chừng 160 cây số. An-ti-Li-ban, như tên tỏ ra, ở đối ngang Li-ban, chạy theo cùng một hướng, từ Bắc chí Nam và cùng lan rộng dài như vậy. Những sông chính của Sy-ri là Litany và Orontes. Sông Litany phát nguyên từ một hồ nhỏ ở giữa trũng Coele-Sy-ri chừng 10 cây số ở phía Tây nam Baalbek. Sông đó chảy vào biển chừng 8 cây số phía Bắc Ty-rơ. Nguồn của sông Orontes chỉ cách xa nguồn của Litany độ 24 cây số. Ngày nay gọi là Nahr-el-Asi, hoặc "dòng nước loạn nghịch", gọi như vậy vì có nhiều khúc sông chảy rất mạnh và dữ tợn. Trong số 20 thành chính, Samosta, Zeugma, Thapsacus, đều ở trên sông Ơ-phơ-rát; Sê-lơ-xi, Lao-đi-xê Poseideum, và Heraclea, trên bờ biển; An-ti-ốt, Apamea, Epiphania, và Emesa (Hems) ở trên sông Orontes; Héliopolis, Lao-đi-xê gần Libanum, ở trong trũng Coele-Sy-ri; Hériapolis. Chalybon, Cyrrhus, Chalcis và Gindarus ở các cao nguyên miền Bắc, Ða-mách ở trên giới hạn, và Palmyre ở trung tâm, của sa mạc phía Ðông núi An-ti-Ly-ban.
III. Lịch sử.-- Dòng dõi Cham là dân cư ở Sy-ri trước nhứt. Những dân tộc xứ Ca-na-an, người Hê-tít, người Giê-bu-sít, người A-mô-rít,v.v.. trong Kinh Thánh có quan thiệp với Ai-cập và Ê-thi-ô-pi, Cúc và Mích-ra-im (Sáng thế ký 10:6 và 15-18). Trong đời thái cổ, những dân tộc nầy chẳng những ở xứ Pha-lê-tin thôi, song cũng ở miền Hạ-lưu Sy-ri, vì Sáng thế ký 10-18 gồm lại họ Ha-ma-tít. Sau dường như những dân đó cũng ở Thượng lưu Sy-ri nữa. Rồi sau những dân nầy, bây giờ vẫn là dân du mục, cũng tiếp dòng dõi Sem, có lẽ đến từ phía Ðông nam. Chỉ một thành Sy-ri, là Ða-mách, hồi đó được chép đến (Sáng thế ký 14:15; 15:2), dường như là một thành quan hệ rồi. Sau Ða-mách thì đến Ha-mát (Dân số ký 13:21; 34:8). Lúc đó và trong mấy thế kỷ theo sau, Sy-ri bị phân chia thành một số nước nhỏ. Lần thứ nhứt người Do thái đánh nhau với dân Sy-ri chép bằng tên đó, là trong đời Ða-vít. Ða-vít đòi lấy sông Ơ-phơ-rát làm giới hạn nước mình như Chúa đã hứa với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:18), nên đánh Ha-đa-đê-xe, vua của Xô-ba (II Sa-mu-ên 8:3,4,13). Dân Sy-ri ở thành Ða-mách đến tiếp trợ Ha-đa-đê-xe cũng bị giết hại nhiều (câu 5). Dầu vậy, Xô-ba chưa chịu hàng phục. Mấy năm sau, khi dân Am-môn quyết định chiến trận với Ða-vít và xin người Sy-ri giúp đỡ, thì Xô-ba với Bết-Rê-hốt, phái 20.000 lính bộ, và hai nước khác trong Sy-ri giúp 13.000 người (II Sa-mu-ên 10:6). Ðạo binh nầy hoàn toàn thất trận bởi Giô-áp thì Ha-đa-đê-xe lại được xứ Mê-sô-bô-ta-mi giúp (câu 16), và thử giao chiến một lần thứ ba, song cũng bị thất bại, nên kết cuộc Sy-ri phải phục Ða-vít, vua Do thái. Như vậy, cuộc phục tòng cứ tiếp nối đến đời Sa-lô-môn trị vì (I Các vua 4:21). Dường như Sa-lô-môn chỉ mất một phần Sy-ri là thành Ða-mách; tại đó Rê-xôn, người sanh trưởng ở Xô-ba, dựng một nước độc lập (I Các vua 11:23-25). Khi nước Y-sơ-ra-ên chia làm hai, sau khi Rô-bô-am lên ngôi, thì phần Sy-ri còn lại không chịu phục nữa. Ða-mách bấy giờ trở nên một phần cầm đầu, Ha-mát đứng thứ nhì, và người Hê-tít, có kinh đô là Cạt-kê-mít, gần Bambuk, là thứ ba. Xem bài Ða-mách.
Sy-ri trở nên một phần của đế quốc A-sy-ri lớn, sau thuộc đế quốc Ba-by-lôn, rồi thuộc đế quốc Ba-tư. Năm 333 T.C. thì Sy-ri hàng phục Alexandre không đánh trận nào. Khi Alexandre băng, Sy-ri lần thứ nhứt làm đầu một nước lớn. Khi chia các tỉnh giữa các quan tướng Alexandre (321 T.C.), Seleucus Nicator được Mê-sô-bô-ta-mi và Sy-ri. Thành An-ti-ốt bắt đầu xây năm 300 T.C., và khi hoàn thành thì trở nên kinh đô của nước Seleucus. Sy-ri trở nên giàu có vì là thương trường của các nước bốn phương. Song dưới quyền của vua kế vị Nicator, nước Sy-ri dần dần suy đồi và chia ra. Trong các vua đó đáng chú ý nhứt là Antiochus IV (Épiphanes), là người chắc là chinh phục Ai-cập song bị La-mã ngăn trở (168 T.C.). Antiochus cướp phá Ðền thờ Do thái, làm sỉ nhục nơi Chí thánh, bởi thế xui giục dân Do thái nổi loạn khiến nước mình yếu đuối hơn. Người Bạt-thê dưới Mithridates I xông vào các tỉnh phía Ðông Sy-ri, năm 164 T.C.. Sy-ri, năm 83 T.C., phục Tigranes, vua Arménie, và cuối cùng năm 64 T.C., khi Pompey thắng Mithridates và đồng minh là Tigranes, thì Sy-ri phục đế quốc La-mã.
IV. Ðời Tân Ước. -- Sy-ri giữ một địa vị quan hệ không những trong Cựu Ước, song cũng ở trong Tân Ước nữa. Khi Sy-ri trở nên một tỉnh La-mã năm 64 T.C. dưới quyền các quan tổng đốc, trước là quan tòa kho bạc, kế đến quan trấn thủ, và cuối cùng là quan khâm sai cai trị từ thành An-ti-ốt. Thứ nhứt có một số "thành được tự do" kia không ở dưới quyền trực tiếp của quan trấn thủ, song cứ tự trị, chỉ phải nộp thuế tùy theo phương pháp đế quốc La mã thi hành. Thứ nhì, một số thửa đất đã chia cho các quan trưởng nhỏ, thường là thổ dân, để cai trị theo ý riêng họ, song cũng nộp thuế như các thành tự do trên. Năm 27 T.C. khi Au-gút-tơ và Nghị viện chia các tỉnh, Sy-ri vì cớ ở xa thì được cai trị bởi quan khâm sai, hành chức chấp chính quan. Xứ Giu-đê đứng trong một địa vị đặc biệt, vậy có quan trấn thủ được cử đến để cai trị, song dưới quyền quan tổng đốc Sy-ri, dầu trong tỉnh mình có quyền khâm sai. Từ năm trục xuất người Bạt-thê (38 T.C.) cho đến xứ Giu-đê loạn nghịch cùng La mã 66 S.C., thì xứ Sy-ri cứ bình yên. Trong năm 44-47 S.C. có cơn đói kém lớn. Năm 70 S.C., La mã lập Giu-đê làm một tỉnh hoàn toàn dưới quyền quan khâm sai của hoàng đế. Ít lâu trước, đạo Ðấng Christ đã bắt đầu tràn ra xứ Sy-ri một phần bởi người bị tan lạc lúc Ê-tiên tử vì đạo (Công vụ các sứ đồ 11:19), và một phần bởi chức vụ của Sứ đồ Phao-lô (Ga-la-ti 1:21). Hội Sy-ri khỏi ít lâu lớn lên thành một trong các Hội Thánh rất thạnh vượng (Công vụ các sứ đồ 13:1; 15:23,35,41).