Tân Ước. Nouveau Testament.

        


      Căn nguyên, lịch sử và những đặc sắc của các sách đã làm thành Tân Ước và của các bản dịch, những sự tương quan của bốn sách Tin lành với nhau, và sự hợp thành sách Công nhận, sẽ luận đến trong các bài khác. Xem bài "Kinh Thánh." và bài "Tin lành, Bốn sách." Ðề mục tất nhiên tự chia làm ba đầu đề xét liên tiếp nhau. (I) Lịch sử của bản viết. (II) Lịch sử của bản in. (III) Tiếng dùng trong Tân Ước.
       I. Lịch sử của bản viết.--
       1. Lịch sử sớm của các bản viết bởi các Sứ đồ, như có thể biết về phần bề ngoài, cũng là một với lịch sử các sách đồng thời. Thánh Phao-lô, giống Cicéron hay Pliny, thường dùng thơ ký, đọc cho người đó viết các thơ, kèm lời chào thăm bởi "chính tay" mình (I Cô-rinh-tô 16:21; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:17; Cô-lô-se 4:18). Có một lần, thầy thơ ký thêm một câu ghi tên mình (Rô-ma 16:22). Nếu ta bước qua một bước, thì dường như không có sự chăm lo đặc biệt trong đời đầu tiên để giữ gìn các sách Tân Ước khỏi sự hư hại bởi thời gian, hoặc để chắc chắn sao lại cho thật rất đúng. Các sách đó được ban như một cơ nghiệp cho loài người, và khỏi ít lâu, người ta mới biết chơn giá trị của sự ban cho đó. Các nguyên bản dường như chẳng bao lâu hư nát.
       2. Theo lẽ tự nhiên của tạo vật, các bản chép tự chính tay các Sứ đồ chẳng bao lâu cũng hư đi như vậy. Vật liệu thường dùng để chép ấy là giấy papyrus mà Giăng có lần ngụ ý đến (II Giăng 12; so III Giăng 13), thì mỏng manh lạ lùng, cả đến thứ bền nhứt cũng vậy, dùng để chép các sách Sử-ký, chẳng thế nào chịu nổi sự dùng đến luôn. Các tàn bản bằng giấy papyrus còn giữ được cho đến ngày nay là nhờ những cảnh ngộ đặc biệt ở Herculaneum (năm 79 S.C., bị phủ lấp bởi diêm sinh của hỏa Diệm sơn Vésuve), hoặc trong phần mộ xứ Ai-cập giữa sa mạc.
       3. Trong sự bắt bớ đời Dioclétien (303 S.C.), bản sao các sách đạo Ðấng Christ nhiều đủ để thành một vật đặc biệt cho những kẻ bắt bớ, và một tên đặc biệt cho những kẻ phản gián là kẻ tự cứu mình bằng cách giao lại các sách thánh đó. Có lẽ một phần bị thiêu hủy vì đó, song công hiệu của thời gian còn tai hại hơn nhiều, cho nên chẳng còn một bản thảo nào của Tân Ước từ ba thế kỷ đầu tiên S.C.. Dầu không có tàn bản nào thuộc thế kỷ thứ nhứt còn lại, nhưng các giấy papyrus của người Ý-đại-lợi và Ai-cập vào niên hiệu đó cho biết rõ các lối viết thời bấy giờ. Trong các giấy đó, bài thì viết trong các cột, chia không ngay thẳng, bằng lối chữ hoa xấu xí (uncials), không có chấm, phết, hoặc cũng không chia lời ra. Chấm (iota) thường là sau thêm vào cũng chẳng thêm luôn; và không có dấu chỉ giọng đọc.
       4. Thêm vào bản thảo sau các bản dịch sớm nhứt và các lời trích của giáo phụ cũng có lời chứng quan hệ về chữ và lịch sử của bản trước giáo hội nghị Nicée (325 S.C.). Quả thật, những lời giải nghĩa các sách đó rõ ràng bởi các văn sĩ đạo Christ cổ nhứt cũng là chứng cớ trực tiếp thứ nhứt nên là chứng cớ quan trọng nhứt. Song không có những sách của các văn sĩ đó trước phần tư chót của thế kỷ II S.C. nữa. Không những chỉ các bản văn chương đạo Ðấng Christ còn lại trước đời đó rất hiếm, song những lời trích miệng từ Tân Ước cũng chưa có. Vừa khi xảy ra những cuộc biện luận nhứt định giữa các tín đồ, thì bản Tân Ước mời được tỏ rõ chơn giá trị mình.
       5. Có mấy lời kết luận quan hệ theo sau từ sự nghiên cứu sớm nhứt về bản. Trước hết, tự nhiên có lối đọc khác nhau trong sách Tân Ước, vào hồi trước các nguyên bản đã mất. Lịch sử không chỉ cho biết về các nguyên bản thật bởi tay các Sứ đồ chép ra. Lại nữa, vì có sự giữ lại các điều khác nhau thứ nhứt đáng chú ý, có khi rất nhỏ mọn, trong một vài bản cổ nhứt còn lại, có thể chắc chắn không có sự gì thay đổi quan hệ xảy ra trong bản thánh mà nay không thể dò xét được.
       6. Từ những lời trích riêng đó, ta thấy những chứng cớ lớn nhứt về bản các Sứ đồ trong các bản Syriaque và La-tinh dịch ra sớm nhứt, và trong các lời trích nhiều của Clément ở Alexandrie (chừng 220 S.C.) và Origène (184-254 S.C.).Chỉ riêng các sách của Origène viết, cũng đủ thấy một phần lớn Tân Ước được chép sang.
       7. Có hai duyên cớ chính đặc biệt làm hư bản văn các sách Tin lành: ấy là sự thử làm hòa hiệp các truyện tích chép ngang hàng với nhau, và ảnh hưởng của truyền khẩu.
       8. Song Origène nhờ có thiên tài nghiên cứu mà đứng đầu hàng các giáo phụ trước hội nghị Nicée, và các sách của giáo phụ hầu như một kho vô tận cho lịch sử bản Tân Ước.
       9. Trong 13 chỗ, Origène bày tỏ lối đọc khác nhau đáng chú ý về các sách Tin lành (Ma-thi-ơ 8:28; 16:20; 18:1; 21:5; 21:9,15; 27:17; Mác 3:18; Lu-ca 1:46; 9:48; 14:19; 23:45; Giăng 1:3,4,28). Ba trong các câu đó mà Origène đã chú thích nay không thấy trong bản sao Hy-lạp nữa Ma-thi-ơ 21:9 hay 15; Mác 3:18 (2:14); Lu-ca 1:46. Trong bảy câu bản quốc văn còn chia làm hai (Ma-thi-ơ 8:28; Giăng 1:28), lối đó chỉ thấy trong ít bản thảo nay truyền rộng ra; còn lại chỗ Ma-thi-ơ 27:17 có một số ít bản sao không lâu cũng giữ lời xen vào trong thời giáo phụ, tức "các bản sao cổ nhứt."
       10. Chắc rằng trong đời Origène chỗ khác nhau giữa các bản thảo Tân Ước đã khởi dẫn đến sự họp thành mấy loại riêng các bản sao.
       11. Các bản thảo và các bản dịch cổ nhứt còn lại đến bây giờ tỏ ra những đặc sắc khác nhau đã thấy trong các phần khác nhau của công việc Origène. Các sự khác nhau chắc có trước đầu thế kỷ thứ III và có lẽ còn sớm hơn nhiều. Bengel là người thứ nhứt (1734) đã chỉ ra sự hiệp nhau của mấy loại bản thảo kia, và tin rằng đã xảy ra từ trước khi có các bản dịch đầu tiên.Tùy theo Griesbach, có hai lần sửa lại các sách Tin lành rất rõ đầu thế kỷ thứ III S.C.: tức theo các học giả Alexandrie, và theo Tây giáo hội.
       12. Từ lịch sử rất sớm của bản văn Tân Ước, bây giờ xin luận đến kỷ nguyên các bản thảo. Lời trích lược của Dionysius Alex (264 S.C.); Petrus Alex, (312 S.C.); Methodius (311 S.C.), và Eusèbe (340 S.C.), đều chứng quyết về sự lan rộng lối văn cổ của bản, nhưng khi đạo Ðấng Christ trở thành một quốc giáo thì tự nhiên dẫn đến những sự thay đổi quan hệ. Ấy vì có nhiều tín đồ thuộc phái thượng lưu cầu kỳ đòi các bản giá cao hơn. Vì vậy, lối viết chữ Hy-lạp xoàng của người Hê-lê-nít nhường chỗ cho lối thông dụng bấy giờ, và cũng có lý mà tin rằng cách viết văn thường của các Sứ đồ được thế cho bởi những phép đặt câu êm nhẹ và đầy đủ hơn. Bởi đó, mới có nền tảng của bản văn Byzantine (Constantinople). Trong khoảng đó có thêm nhiều bản sao ở Phi châu và Sy-ri cho đến bị ngăn trở bởi những cuộc chinh phục của Hồi giáo.
       13. Trong khúc 3 đã luận đến các bản thảo cổ nhứt. Các bản thảo trong thế kỷ thứ IV S.C., mà Codex Vaticanus làm mẫu, cũng có sự giống nhau mật thiết với các bản cổ đó. Lối viết bằng chữ hoa lịch sự dời nhau (uncials); chia làm ba cột, không có chữ lớn ở đầu với chấm ở dưới và ở sau. Có những khoảng nhỏ chừa lại dùng làm dấu phết thường; và không có dấu chỉ giọng đọc bởi tay người viết thứ nhứt, dầu sau có thêm. Lối viết toàn chữ hoa, cứ được thông dụng cho đến chừng giữa thế kỷ thứ X. Bắt đầu từ thế kỷ thứ XI, người ta ưa dùng chữ viết liền như ngày nay. Bản thảo Kinh Thánh sớm nhứt chép bằng chữ liền có từ năm 964 S.C.. Các bản thảo thuộc thế kỷ thứ XIV và XV S.C., có nhiều chỗ viết tắt mà sau cũng dùng trong các sách in đầu tiên. Các bản thảo cũ nhứt được viết trên giấy da chiên mỏng nhứt và nhẵn nhứt. Các bản sao về sau thì dùng giấy dày và thô hơn. Giấy papyrus thì ít khi dùng sau thế kỷ thứ IX. Trong thế kỷ thứ X, người ta dùng giấy bông ở Âu châu, và ít nhứt cũng có một lần dùng trong thế kỷ thứ IX. Trong thế kỷ thứ XII, người ta dùng giấy làm bằng vải bông hoặc giẻ rách. Có một thứ vật liệu nữa cần chú ý đến là giấy da làm mới lại. Ngay vào hồi rất sớm, nguyên văn của một bản thảo viết trên giấy da có khi bị bôi xóa để có thể dùng vật liệu đó lần nữa. Thời gian trôi qua, nguyên văn có khi lại hiển hiện cách mờ mờ dưới bài viết sau đó, và bởi đó có nhiều bản thảo Kinh Thánh, đã bị bôi một lần để dùng vào việc khác, được tìm ra.
       14. Sự chia các sách Tin lành ra từng "đoạn" được thông dụng ít lâu trước thế kỷ thứ V S.C.. Sự chia sách Công vụ các sứ đồ và các thơ tín ra từng đoạn là về sau. Ai nấy đều tưởng là Euthalius, song dầu vậy, người công nhận rằng mình mượn sự chia các thơ tín Phao-lô từ một giáo phụ trước; và cũng có lý mà tin rằng sự chia sách Công vụ các sứ đồ và các thơ tín chung thành từng đoạn mà người đã xuất bản vốn là công việc của Pamphilus, người tử vì đạo. Sách Khải Huyền chia thành từng phần lớn bởi Andreas ở Sê-sa-rê chừng 500 S.C.. Những nhan đề của các sách thánh là tùy theo tính cách mà thêm vào nguyên bản. Các tên biệt riêng của bốn sách Tin lành chỉ đến một sự sưu tập, và các nhan đề đặc biệt của các thơ tín là các lời chú thích bởi người đọc sách, không phải là lời đặt cho bởi các người chép.
       15. Hiếm có các bản thảo chứa cả Tân Ước, trong số các bản thảo dầu nhiều song thật ra chỉ có 27 bản có trọn bộ Tân Ước. Ngoài các bản thảo của Tân Ước ra, còn có sách gồm các bài trích ra và sắp đặt dùng trong sự thờ phượng của Hội Thánh.
       16. Số các bản thảo bằng toàn chữ hoa là ít, khi so sánh với số nhiều bản thảo cổ khác. Tischendorf kể có 40 bản thảo sách Tin lành. Thêm vào đó có bản Codex Sinaiticus, là trọn bản, một bản thảo mới của Tischendorf có gần trọn bộ, và Codex Zacynth có nhiều tàn bản của sách Lu-ca. Sách Công vụ các sứ đồ có 9 bản, các thơ tín chung có 5, thơ tín Phao-lô có 14, và Khải Huyền có 3.
       17. Ðây chỉ có thể nói đến các bản thảo quan hệ trước hết là bản mới tìm được và đầy đủ hơn hết là Codex Sinaiticus hiện ở viện bảo tàng nước Anh mà Tischendorf tìm được tại nhà dòng St.Catherine, trên núi Si-na-i, năm 1859. Có trọn bộ Tân Ước, và thêm thơ tín của Ba-na-ba và mấy phần sách Người chăn chiên bởi Hermas. Ấy có lẽ là cổ nhứt trong các bản thảo của Tân Ước, và của thế kỷ thứ IV. Codex Alexandrinus là một bản thảo trọn bộ Kinh Thánh Hy-lạp, và các thơ tín của Clément thêm vào. Cyril Lucar, trưởng lão ở thành Constantinople, đã dâng cho Charles I năm 1628, và nay ở viện bảo tàng nước Anh. Bản đó có đủ Tân Ước, chỉ thiếu vài chỗ. Có lẽ được chép nửa đầu thế kỷ thứ V. Codex Vaticanus (số 1209) là một bản thảo cả Kinh Thánh Hy-lạp, và dường như để trong thơ viện Tòa thánh La-mã, hầu hết từ buổi khởi lập (chừng 1450 S.C.). Bản nầy có trọn bộ Tân Ước cho đến Hê-bơ-rơ 9: câu 14 (sẽ), còn phần sót thơ Hê-bơ-rơ, Ti-mô-thê, Tít, và Khải Huyền được thêm vào trong thế kỷ thứ XV. Người ta định rằng bản thảo nầy có lẽ vào thế kỷ thứ IV. Codex Ephraemi rescriptus (trong viện bảo tàng Paris), là một bản thảo đã bôi để dùng lại, chứa những tàn bản thuộc bản Septante; và mọi phần Tân Ước. đến thế kỷ thứ XII, chữ viết nguyên văn bị bôi xóa, và có chữ Hy-lạp viết đè lên bởi Ephraem Syri. Bản thảo được đem từ phương Ðông sang Florence đầu thế kỷ thứ XVI, rồi từ đó đến Paris với Catherine de Medicis. Chỉ hai sách mất hẳn là II Tê-sa-lô-ni-ca và II Giăng.
       18. Số các bản thảo viết chữ liền (minuscules) hiện có thật không thể đếm đúng được. Tischendorf làm một biểu kê chừng 500 sách Tin lành, 200 sách Công-vụ và thơ tín chung, 250 thơ tín Phao-lô, và ngót 100 sách Khải Huyền (ngoài ra còn có các bài trích dùng để thờ phượng); song chỉ là kể đại khái tất cả.
       19. Nay ta khảo cứu về số và tánh cách những sự khác nhau trong các bản. Không thể tinh số cho đúng, song không dưới 120.000 tất cả; dầu một phần rất lớn ở lối đánh vần khác nhau và những điều sai lầm riêng của các thơ ký. Còn các chỗ thay đổi khác nữa, có lẽ số không hơn 1600-2000, thì có chỗ chưa chắc chắn.
       20. Các lối đọc khác nhau là do mấy duyên cớ: có khi vô ý, có khi cố ý đổi nguyên văn.
       21. Có chỗ khác nhau bởi thị giác sai lầm, có chỗ bởi sự lầm lẫn của cảm tình hoặc ký ức. Người sao lại, sau khi đọc một lời từ bản văn ở trước mình, có khi sơ sót chép không đúng. Phần rất nhiều là vì sự thay đổi trật tự.
       22. Dầu có sự cách mệnh lớn trong tư tưởng, tình cảm và thực hành Hội Thánh Ðấng Christ qua 15 thế kỷ, song các người sao lại Tân Ước vẫn trung tín đối với công việc thánh giao lại cho mình. Vậy, không có dấu gì tỏ ra cố ý sửa đổi gì để chiều theo tư tưởng đồng thời mặc dầu có (Ma-thi-ơ 17:21; Mác 9:29; I Cô-rinh-tô 7:5).
       23. Phần lớn các bản viết khác nhau chỉ do ở lối viết khác. Dầu vậy, có một hoặc hai sự khác nhau nữa là Giăng 7:53-8:12; Mác 16:9 đến hết đoạn; Rô-ma 16:25-27, mà mấy bản cổ không có. Về khúc thứ nhứt chắc có thật song có lẽ không phải bởi Sứ đồ Giăng. Hai khúc còn lại, khi so với đoạn chót của Tin lành Giăng, gợi ý rằng có lẽ có sự thay đổi được công nhận.
       24. Phải nhớ rằng các bản thảo chỉ là một trong ba nguồn để nghiên cứu bản văn Tân Ước. Hai nguồn khác là các bản dịch, và các lời trích bởi các giáo phụ.
       II. Lịch sử của bản in.-- 
       (1) Bản Comphutensian Polyglot. Năm 1502, Cardinal Ximenes tuyển mộ một số đông học giả giúp việc lo sưu tầm cả bộ Kinh Thánh bằng nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hy-lạp, với thêm sách Targum của Onkelos bằng tiếng Canh-đê, và bản dịch Septante và Gulgate. Bộ chứa Tân Ước được in trước hết bằng tiếng Hy-lạp, xong năm 1514; cả bộ Kinh Thánh xong năm 1517, và cả hai bộ mãi tới năm 1520 mới xuất bản. 
       (2) Bộ của Erasmus xuất bản. Ấy là bộ Tân Ước ấn hành trước nhứt. Erasmus đã chuyên chú kê cứu về Tân Ước, khi người quen biết. Froben một thợ in ở Bâle, thì lo sửa soạn in một bản Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp. Người làm xong và xuất bản tháng 2 năm 1516, và tới năm 1535 lại tái bản Tân Ước lần thứ năm. 
       (3) Bộ của Stephens xuất bản. Năm 1543 Simon de Colines xuất bản một Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp, có sửa lại chừng 150 chỗ nhờ bản thảo cổ mới tìm. Khỏi ít lâu, Robert Stephens xuất bản lần thứ nhứt (1546), nhờ sự so sánh các bản thảo trong viện bảo tàng của nhà vua với bản Complutensian. 
       (4) Bộ của Bèze xuất bản năm lần bản Hy-lạp Tân Ước: lần đầu 1565, và cuối 1598, nhờ Robert Staphens in. 
       (5) Bộ của Elzivir in, tại Leyden (16:24) giống bộ của Robert Stephens kể trên, song không biết ai là chủ bút. 
       (6) Walton (1657-1675) xuất bản bộ Hy-lạp Tân Ước in ngang với tiếng Anh, cuối sách có thêm mấy lối đọc khác theo mấy bản cổ mới tìm được; và năm 1675 giám mục Fell tại Oxford xuất bản lần nữa. 
       (7) Bác sĩ Mill nhờ bộ Hy-lạp của Stephens mà xuất bản Tân Ước Hy-lạp 1707. 
       (8) Wells xuất bản một bộ giữa 1709-1719 và dịch ra tiếng Anh. 
       (9) Bengel cũng xuất bản 1734. 
       (10) Wetstein xuất bản 1751-2. 
       (11) Griesbach nghiên cứu nguyên văn Hy-lạp và so với các bản thảo cổ lúc đó có, có lẽ cẩn thận hơn hết. GrieBsbach theo các bản rất cổ hơn các bản sau, và so việc mình với Wetstein, Birch, Matthxi, v.v.. 
       (12) Scholz, Lachmann, Tischendorf, Tregelles, từ thời Griesbach đã cẩn thận nghiên cứu nguyên văn Hy-lạp và xuất bản Tân Ước. 
       (13) Wescolt và Hort nhờ các bản thảo cổ có đã lâu và mới có vào năm 1885 đầu xuất bản Tân Ước nguyên văn Hy-lạp, và nhờ bộ nầy để dịch Tân Ước quốc ngữ.
       III. Tiếng dùng trong nguyên văn Tân Ước.-- 
       (1) Trong các cuộc xâm lăng Ðông phương của Alecxandre le Grand (356-323 T.C.), mở một dịp cho sự mở mang tiếng Hy-lạp. 
       (2) Không chỗ nào tiếng Hy-lạp hư đi nhiều hoặc mau hơn ở Alecxandrie, tại đó có một dân tạp bất đồng, chuyên về thương mại hoạt động, nhận tiếng Hy-lạp là thứ tiếng chung dùng để giao thông với nhau. Tại Alecxandrie mới có thể tìm căn nguyên của thứ tiếng dùng trong Tân Ước có hai phần tử riêng biệt lẫn lộn trong thứ thổ ngữ lạ lùng đó, cốt để giữ lại mãi mãi những sứ mạng đầy đủ của Tin lành. Một phần tử là ý Hê-bơ-rơ, và một phần tử là câu văn Hy-lạp để tỏ ý đó. Các tư tưởng phương động được bày tỏ bằng những lời phương Tây. Ấy được thành công là bởi sự dịch lần lần các sách Kinh Thánh Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp mẹ đẻ. 
       (3) Tiếng Hy-lạp của Bản Septante, giống tiếng Anh trong bản Anh cũ và tiếng Ðức trong bản của Luther tự nhiên nhứt định thổ ngữ Hy-lạp của quần chúng Do-thái. Gọi thổ ngữ của Tân Ước là thuộc người Hê-lê-nít còn đúng hơn là thuộc Alecxandrie, dầu đặc sắc lối văn trước hết như tỏ là thuộc Alecxandrie. 
       (4) Ðịa vị của xứ Pha-lê-tin cũng đặc biệt. Tiếng Aramaique (Sy-rô Canh-đê) là thứ tiếng của người Do-thái sau khi từ phu tù về, dùng cùng một lúc với tiếng Hy-lạp, ta có thể tin ấy là thứ tiếng Chúa quen dùng để dạy dỗ dân sự; và tỏ ra Ngài cũng dùng tiếng đó trong đời từ Ngài (Mác 3:17; 5:41; 7:34; Ma-thi-ơ 27:46; Giăng 1:43 so 20:16). Song vì quen dùng bản Septante (Hy-lạp) đủ làm chứng cớ tỏ người Do-thái trong Pha-lê-tin quen dùng tiếng Hy-lạp. Chắc khi Chúa Jêsus ở trước Phi-lát thì cũng dùng tiếng Hy-lạp. 
       (5) Nghĩa văn tự của các bản viết bởi các Sứ đồ cũng phải được như từ các sách khác, tức phải nhờ hết cả phương pháp và tài năng của các học giả và nhờ sự nghiên cứu các lời chép và ý tưởng so sánh với nhau. Vậy, không có sự thay đổi nào hoặc về câu, hoặc về thổ âm, hoặc về thời giờ, hoặc về trật tự bị lãng bỏ. Lẽ thật chứa ở các câu văn, nên không câu nào có thể bị bỏ qua như tầm thường và không quan hệ. Sự quan hệ khi kê cứu là phải rất nhẫn nại, và rất trung tín tìm ý nghĩa văn tự thánh, phải cố gắng gấp mười lần. Phải nhớ rằng nghĩa văn tự đó chỉ là phần bề ngoài của một nghĩa thuộc linh bề trong làm linh hoạt cả mọi phần Kinh Thánh. "Người có tánh xác thịt... không thể hiểu được, vì phải xem xét cách thuộc linh" (I Cô-rinh-tô 2:14).
       Phỏng theo
       William Smith, L.L.D.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.