Tạt-sơ. Tarse.

       


      Người A-sy-ri đọc tên nầy là Tarzi, và dường như in trên đồng tiền bằng tiếng Armaique là Trz. Tạt-sơ là đô thị của xứ Si-ly-si, phía Ðông Tiểu A-si. Thành ở trên cả hai bờ sông Cydnus, cách xa biển độ 18 cây số. Chừng 833 T.C., thành được nói đến bởi Sanh-ma-na-sa vua A-sy-ri. Khi người La-mã lập Si-ly-si thành một tỉnh năm 64 T.C., thì lấy Tạt-sơ làm nơi quan tổng đốc đóng dinh. Muốn đền ơn thành đã chịu khổ vì trung tín với một phe của Sê-sa, Marc Antonie cho thành được tự do và được miễn sưu thuế. Trong đời hoàng đế Au-gút-tơ, năm 19 T.C., Strabo viết về dân Tạt-sơ hăng hái theo đuổi nền học vấn, nhứt là khoa triết lý. Các học sanh phần nhiều là người Tạt-sơ, sau khi tốt nghiệp thường sang ngoại quốc du học thêm. Nói cách chung, người Tạt-sơ có tài hùng biện, hoạt bát. Như vậy, thành có danh tiếng đặc biệt về các trường đại học, và dường như ganh đua với A-thên và A-léc-xan-tri.
       Ấy là Tạt-sơ mà Phao-lô sanh trưởng (Công vụ các sứ đồ 22:3), và là công dân của thành đó (Công vụ các sứ đồ 9:11; 21:39). Những truyền khẩu xưa và sự lớn lao hồi đó về thành, giải nghĩa và binh vực lời của Phao-lô xưng mình là "công dân của một thành có danh tiếng" (21:39). Không biết tổ nào của Phao-lô đã được hưởng quyền công dân La-mã, chỉ biết Phao-lô có từ lúc mới sanh ra (Công vụ các sứ đồ 22:28). Không biết Tạt-sơ có ảnh hưởng gì trên Phao-lô, ngoài nghề chung của thành là may trại, song chính Phao-lô nói: "Tôi là người Do-thái sanh tại thành Tạt-sơ,... nhưng nuôi tại thành nầy (Giê-ru-sa-lem)" (Công vụ các sứ đồ 23:3). Sau khi tin Chúa, Phao-lô lên thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhứt bị người Do-thái lập mưu hại, nên phải trở về Tạt-sơ (9:30), và theo niên hiệu Ramsay ở đó 8 năm. Sau Ba-na-ba đến đó tìm người để giúp mình ở thành An-ti-ốt về vấn đề dân ngoại được nhập vào Hội Thánh v.v. (Công vụ các sứ đồ 11:25). Có lẽ Phao-lô đến thăm Tạt-sơ trong cuộc lưu hành thứ hai và thứ ba đi qua miền đó (so Công vụ các sứ đồ 15:41; 18:23). Giàu phần đồ sộ trước giảm kém nhiều, song nay cũng còn là một thành lớn. Một số ít thổ dân còn ở chỗ có thành cũ. Xem bài PHAO LÔ.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.