Tàu. Vaisseau.

     



      I. Ðời Cựu Ước.-- Bờ cõi nước Y-sơ-ra-ên có bờ biển dài lắm, song từ núi Cạt-mên trở xuống phía Nam, không có vịnh hoặc hải khẩu hay cửa sông để cho tàu trú ẩn khỏi bão, và làm cảng cho tàu đậu. Bởi vậy, người Y-sơ-ra-ên thường làm nghề nông, vốn không am hiểu nghề hàng hải. Về sự giao thông bằng đường thủy trong nước, ngoài các thuyền đánh cá trên biển Ga-li-lê thuộc riêng đời Tân Ước, chỉ một lần nói đến chiếc đò ở trên sông Giô-đanh (II Sa-mu-ên 19:18), song nghĩa không rõ, có lẽ chỉ về một chỗ cạn của sông Giô-đanh lội qua được. Duy các chi phái phía Bắc như Ðan và A-se sống và hoạt động trên mặt biển (Các quan xét 5:17), song chỉ dùng để đánh cá và vận tải ven mé biển chớ không thể vượt Biển Lớn được. Nơi người Phê-ni-si thông thương sớm hơn hết tại Pha-lê-tin là Si-đôn, sau họ dùng Sa-bu-lôn làm nơi tàu đậu. Theo hai bài chúc phước của Gia-cốp và Môi-se, chi phái Y-sa-ca được cùng với Sa-bu-lôn đồng hưởng mối lợi dư dật về hải sản (Sáng thế ký 49:13; Phục truyền luật lệ ký 33:19). Trong đời tiên tri của Ba-la-am nói "sẽ có những tàu từ gành Kít-tim Chíp-rơ, (so Ða-ni-ên 11:30) đến" hủy diệt A-sy-ri (Dân số ký 24:24).
       Vào đời quân chủ, Ða-vít mở cuộc giao thông về thương mại giữa Y-sơ-ra-ên và Ty-rơ (II Sa-mu-ên 5:11). Ðến đời vua Sa-lô-môn, nhờ sự cộng tác của vua Hi-ram cứ tiếp nối nghề hàng hải đã thạo, vua sai người đến Li-ban đốn cây bá hương và đánh đá, chở đến Gia-phô rồi từ Gia-phô chở đến Giê-ru-sa-lem (I Các vua 5:9; II Sử ký 2:3-18). Vua lại sắm sửa một đoàn tàu tại Ê-xi-ôn Ghê-be để vượt biển chở vào nước những đồ vàng bạc, chim quí và vật báu (I Các vua 9:11,12). Sau khi Sa-lô-môn băng, việc thông thương với nước ngoài lần lần suy kém. Ðến đời Giô-sa-phát lại muốn chấn hưng nghề hàng hải. Vua đóng tàu để đi Ô-phia chở vàng, song vì vua kết giao với A-cha-xia, vua Y-sơ-ra-ên, là người ăn ở gian ác nên Ðức Giê-hô-va hủy diệt công việc vua, và những tàu bị vỡ nát không thể đi đến đó được (I Các vua 22:49; II Sử ký 20:36,36 so Thi Thiên 48:7). Vào đời Giô-xia và Giô-tham, hai vua đó chấn hưng nghề hàng hải của Ta-rê-si và các tàu mà Ê-sai kể vào hàng các vật vĩ đại có quyền lực và vinh hiển mà sự kinh khiếp của Ðức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến trên (Ê-sai 2:16). Dân A-sy-ri và Ba-by-lôn là hai dân phần nhiều ở nội địa, song các sông giúp đỡ nhiều trong nghề hàng hải. Ê-sai tả vẽ Ðức Giê-hô-va là Ðấng bảo hộ Giu-đa hơn là các sông ngòi của A-sy-ri và Ai-cập (Ê-sai 33:21,23). Xem khúc đó thì biết tàu buôn và tàu trận bấy giờ không dễ phân biệt được. Ðến đời họ Macchabées, Simon dùng Gia-phô làm hải cảng đổ tàu; ấy là "hải cảng đầu tiên và duy nhứt của người Do-thái."
       Trong vòng các dân ngoại bang, có Phê-ni-xi giỏi nghề hàng hải hơn hết. Ðịa phận nước đó ở hẻo lánh nơi mé biển, có nhiều hải cảng đỗ tàu buồm. Bến tàu có tiếng nhứt là Ta-rê-si, một thuộc địa của Phê-ni-xi trên bờ Tartessus, cũng gọi là Baetis. Tuy theo lời chú thích của Davidson Ê-xê-chi-ên 27: mô tả các bộ phận của chiếc tàu Ty-rơ đời thái cổ: Những thợ đóng tàu đã làm rất đẹp bằng ván của cây tùng, cột buồm bằng cây bách, chèo bằng cây dẻ của Ba-san, ván lợp bằng cây hoàng dương, cẩn ngà voi, buồm làm bằng vải gai mịn có thêu của Ai-cập, màn cháng bằng vải sắc tía, sắc xanh, v.v.. Thuyền nước A-sy-ri làm bằng gỗ, ngoài bọc da, có thể phồng lên hay xẹp xuống được. Có khi họ dùng nhành liễu đang thành thứ thuyền nhỏ, rồi sơn dầu. Người Ba-by-lôn từ xưa đã có danh từ "chở thuyền." Năm 700 T.C., họ thông thương với nước Ấn-độ. Thuyền của Ai-cập thì làm bằng lau (cây papyrus như chép trong Ê-sai 18:2). Về thuật giương buồm, tàu của người Phê-ni-xi, trong đời Ê-xê-chi-ên và theo các hình vẽ của A-sy-ri, chỉ có một buồm với một cột cho một buồm vuông. Cột buồm làm bằng gỗ bá hương, hoặc cây thông, còn vải làm buồm thì bằng tơ cây papyrus lẫn với cây gia. Buồm cũng dùng làm bảng hiệu nữa (Ê-xê-chi-ên 27:5,7 so Ê-sai 33:23). Người Y-sơ-ra-ên dầu chưa quen nghề hàng hải, song họ cũng đã biết tới công dụng của tàu và thuyền rồi, như chép trong Ê-sai 33:23; Ê-xê-chi-ên 27:4-9; Thi Thiên 104:26; 107:23-27.
       Trong sách Châm Ngôn người đờn bà lý tưởng đem vật thực từ xa về như "chiếc tàu buôn bán" (34:14). Cũng trong sách đó, kẻ say rượu giống như "người nằm giữa đáy biển, khác nào kẻ nằm trên chót cột buồm vậy" (23:24); và trong số các việc diệu kỳ gồm có "lằn tàu chạy giữa biển" (30:19). Gióp 9:26 so các ngày mình "xớt qua như thuyền nan."
       II. Ðời Tân Ước.-- Sê-sa-rê vào đời Tân Ước là một nơi cho tàu đậu, và có một hải cảng mà Josèphe nói là lớn hơn Piraeus song thật là riêng của nhà Hê-rốt, người Hy-lạp và La-mã hơn là của người Do-thái; phần nhiều người Hy-lạp ở đó. Thuyền bè ở trên biển Ga-li-lê ban đầu dùng để đánh cá và thông tin cho hàng xóm dựa mé biển. Trong các Sứ đồ, có bốn người vốn làm nghề đánh cá, bỏ nghề đó mà theo Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 4:18-22). Chúa Jêsus đã từng xuống thuyền dạy dỗ mọi người (Ma-thi-ơ 13:1; Mác 4:1). Lại ở trong thuyền Ngài làm phép quở sóng gió, im lặng (Ma-thi-ơ 8:23-27), khiến môn đồ đánh được nhiều cá (Lu-ca 5:4). Phao-lô đi giảng đạo, hằng đi tàu; cũng nhiều phen gặp nguy hiểm. (II Cô-rinh-tô 11:25,26). Xét: Công vụ các sứ đồ 27: và 28: thì biết tàu bè bấy giờ đóng lớn lắm, đi lại chậm chạp. Cái nguy trong cuộc hàng hải hồi đó chẳng những tại sóng gió mà cũng đáng lo ở mưa dầm, mây ám, hoặc sa mù nữa. Vì địa bàn chưa có, chỉ nhờ mặt trời, hoặc ngôi sao để định phương hướng thôi.
       Tân Ước hằng dùng việc hàng hải để thí dụ về đạo: Trong Ngài, hy vọng của Tin lành được tả vẽ như "cái neo... vững vàng và bền chặt, thấu vào phía trong màn" (Hê-bơ-rơ 6:19). Gia-cơ cũng tỏ quyền lực của cái lưỡi, một vật nhỏ như bánh lái cũng đủ cạy bát một chiếc tàu lớn đến đâu, và giữa con sóng gió dập dồi (Gia-cơ 3:4). Trong Khải Huyền cũng mô tả sự sụp đổ của Ba-by-lôn bằng ngôn ngữ nhắc đến sự suy tàn của Ty-rơ (Ê-xê-chi-ên 27:) tại đó có những bài ca thương nổi lên từ các con buôn ở trên đất không thể mua hàng hóa của thành đó nữa, và các lái tàu, cùng người đi biển đều kinh hãi và sầu não vì thấy khói của sự cháy thành bay lên (Khải Huyền 18:12-18).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.