I. Ý nghĩa tế lễ.-- Trong Cựu Ước luận về tế lễ, đại ý là cung phụng, dâng biếu. Còn tôn chỉ cúng tế thì có thể gồm tóm trong ba điều nầy: cầu phước, tránh cơn giận, và ta ơn. Về việc cúng tế, cả thế gian đại để giống nhau; duy sự dâng tế lễ cho Ðức Chúa Trời là khác thôi. Như Sáng thế ký 4:4 tt so với 11:4 làm chứng "A-bên đã dâng cho Ðức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình." Xét lịch sử thì biết việc tế lễ đời thượng cổ không nhứt định làm vào một chỗ nào; của lễ thì giản dị mộc mạc. Chỉ có lòng người ta là hăng hái sốt sắng: không cứ đời nào, không ai không lấy sự dâng của lễ để tỏ lòng tôn kính Ðức Chúa Trời, và nhờ đó mà giao thông với Ðức Chúa Trời, và mong được tha tội. Kinh Thánh chép rằng: "Lại chẳng ai nên tay không đến trước mặt ta" (Xuất Ê-díp-tô ký 23:15; 34:20). Vì vậy, người Y-sơ-ra-ên có tế lễ trong một ngày (Xuất Ê-díp-tô ký 29:38; II Các vua 16:15), trong một năm (I Sa-mu-ên 20:6), trong một tiết (Xuất Ê-díp-tô ký 23:14; 34:22), cùng là những việc như lập vua, mời khách, cưới, làm phép cắt bì, dứt sữa, đổi chỗ ở (Phục truyền luật lệ ký 20:5), lập giao ước (Sáng thế ký 34:54), khai chiến (I Sa-mu-ên 7:7-17), và việc thề nguyện đã nên trọn (Sáng thế ký 28:20-22; I Sa-mu-ên 1:11; II Sa-mu-ên 15:7) đều có tế lễ cả.
II. Tên các của lễ.-- Dách sách các của tế lễ như Cựu Ước đã nói đại để là tùy theo hình thức và duyên cớ khi dâng mà đặt ra. Kế tóm lại có 14 thứ sau nầy:
1. Của lễ thiêu.-- (Lê-vi ký 1:3-17; 6:8-12; Xuất Ê-díp-tô ký 29:15-18). Theo tiếng Hê-bơ-rơ, thì của lễ thiêu có nghĩa là "khói hương xông lên." Song Lê-vi luận rằng của lễ thiêu là nghiêm trang nhứt trong các của lễ. Các vật dâng tế đều phải thiêu hết trên bàn thờ. Ý nghĩa bóng chỉ sự thờ phượng đầy đủ: tức gồm cả thờ phượng, sùng bái, kính dâng, cầu ơn, và đồng thời sự chuộc tội.
2. Của lễ các con sinh dâng trọn.-- (Thi Thiên 51:19), là của lễ phải thiêu hết trên bàn thờ.
3. Của lễ chay.-- (Lê-vi ký 2:; 6:14-23). Theo tiếng Hê-bơ-rơ thì nghĩa là đem "quà lễ" cho ai vì muốn người đó đối đãi tử tế với mình; cũng chỉ dấu về tình bằng hữu (Ê-sai 39:1), một việc tôn kính (I Sa-mu-ên 10:27; I Các vua 10:25), lễ cống (Các quan xét 3:15-17), của lễ dâng cho anh hoặc bạn (Sáng thế ký 32:13,18 so 14:19, Hê-bơ-rơ) để cầu ơn hoặc sự cứu giúp (Sáng thế ký 43:11; Ô-sê 10:6). Trước nhứt trong Sáng thế ký 4; 5 chỉ của lễ có huyết và không huyết. Song đời Môi-se, chỉ hạn chế về ngũ cốc, hoặc để nguyên hoặc rang, xay thành bột và làm bánh lẫn với dầu và nhũ hương. Ngũ cốc là sản vật của công lao người với đất chớ không phải trái cây, v.v.. Như vậy, chỉ về những sự cần thiết và kết quả của đời sống, nếu không phải là chính sự sống.
4. Lễ quán.-- (Sáng thế ký 35:14) là lễ đổ rượu (Xuất Ê-díp-tô ký 29:40; Ô-sê 9:4; Phục truyền luật lệ ký 32:38), hoặc lễ đổ dầu (Sáng thế ký 28:18; Mi-chê 6:7), hoặc đôi khi cũng đổ nước làm tế lễ (I Sa-mu-ên 7:6; II Sa-mu-ên 23:16).
5. Của lễ thù ân.-- (Lê-vi ký 7:11-21; 28:34; 17:1-9). Có người nói ý nghĩa là Ðức Chúa Trời và người hòa thuận nhau; cũng chỉ về những sự giao thông phải lẽ với Ngài, tức sự thông công mật thiết, biết ơn, và nhờ cậy. Nếu coi Châm Ngôn 7:14, thì dường là ý nghĩa thù ân.
6. Của lễ cảm tạ.-- (II Sử ký 20:21; A-mốt 4:5; Thi Thiên 50:14,23; Lê-vi ký 7:13-15) có nghĩa là Ðức Chúa Trời ban ơn phước đặc biệt nên người nhận ơn dân của lễ để cảm tạ Ngài.
7. Của lễ thường nguyện.-- (Lê-vi ký 7:16; Dân số ký 15:8) tức là của lễ dâng sau khi việc thề nguyện đã nên trọn.
8. Của lễ lạc ý.-- (Lê-vi ký 22:18,23; Phục truyền luật lệ ký 12:6) tức là của lễ dâng thật lòng để tỏ ý người ta vui vẻ.
9. Của lễ chuộc tội.-- (Lê-vi ký 4:1-5:13; 6:24-30; Xuất Ê-díp-tô ký 29:11-14; Dân số ký 15:22-29) là của lễ đặc biệt, nói đến trước hết trong luật lệ Môi-se. Ý nghĩa thiết yếu là chuộc tội, cốt để lập lại những sự giao thông bởi giao ước với Ðức Chúa Trời. Có hai đặc sắc là: (1) Huyết phải rảy trước nơi thánh, bôi trên các sừng bàn thờ xông hương, và đổ nơi chơn bàn thờ của lễ thiêu. (2) Thịt là thánh, người dâng tế lễ không nên rờ đến, chỉ thầy tế lễ ăn mà thôi. Lễ nghi đặc biệt ngày Ðại lễ chuộc tội tập trung ở của lễ nầy.
10 Của lễ mắc lỗi.-- (Lê-vi ký 5:14-6:7; 7:1-7; Dân số ký 5:5-8). Thể lệ dâng của lễ nầy giống với của lễ chuộc tội. Nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là dâng của lễ nầy để đền bù cái lỗi mình đã phạm với người khác. Ấy chỉ tỏ sự chuộc tội và bồi thường. Các tội cần đến của lễ nầy với sự thường tìm là: (1) Lỗi phạm đến các vật thánh cách vô ý. (2) Phạm điều răn Luật pháp cấm mà không tự biết. (3) Nói dối cùng kẻ lân cận về đồ vật gởi hay giao cho, hoặc tài vật trộm cắp hoặc giựt của người khác. (4) Thề dối về đồ vật đã mất. (5) Cám dỗ nằm với gái trẻ đã hứa gả (Lê-vi ký 19:20-22). Hai tội đầu là tội phạm không tự biết, còn các tội sau không phải. Chỗ khác, trong Dân số ký 15:30 nói rõ hơn là "cố ý phạm tội," (bản Anh dịch là "tay cao," tức loạn nghịch với giao ước, thì sẽ không có của lễ nữa). Các tội cố ý nầy buộc phải thường đầy đủ vì phạm đến quyền sở hữu và về vấn đề tiền bạc. Của lễ chuộc tội về phần Ðức Chúa Trời để được tha tội, và phải đền bù và thêm một phần năm mới đầy đủ về phần người. Không được thường như vậy đối với tội phạm bằng "tay cao." Về sự cám dỗ nằm với gái trẻ thì phạm đến quyền sở hữu (so Dân số ký 5:5-8; Phục truyền luật lệ ký 22:29). Trong Ê-sai 53:10 chép: Tôi tớ Ðức Giê-hô-va dâng mạng sống làm "tế chuộc tội" tỏ giá trị của tế lễ nầy.
11. Của lễ lửa.-- (Phục truyền luật lệ ký 18:1; Lê-vi ký 2:3,10; 6:18; I Sa-mu-ên 2:28), chỉ về các của lễ làm bằng lửa; và thường là các của lễ có huyết, song về của lễ chay tức bánh thánh và nhũ hương để trên bàn làm kỷ niệm thì phải đốt một phần với nhũ hương, còn phần lớn thuộc về thầy tế lễ. Của lễ được dâng lên bởi lửa như vậy như một thứ của ăn bằng hơi không thể chất.
12. Của lễ giơ lên.-- (Xuất Ê-díp-tô ký 29:28) tức là giơ lên, hoặc đúng hơn là biệt riêng khỏi phần sót mà dâng. Có người nói danh từ của lễ giơ lên chỉ về trái đầu mùa là thổ sản của đất, và những của cướp trong cơn chiến tranh dâng lên. Các tế phẩm như vai hữu hoặc đùi đều thuộc về thầy tế lễ (Lê-vi ký 6:17; 7:32).
13. Của lễ đưa qua đưa lại.-- (Xuất Ê-díp-tô ký 29:26; Lê-vi ký 7:34; 10:14) giống với của lễ giơ lên. Thường ngực là phần của lễ thù ân thuộc về thầy tế lễ được đưa qua đưa lại trước bàn thờ bởi cả người dâng cùng thầy tế lễ (không biết rõ cử động thế nào) chỉ bóng rằng của lễ dâng cho Chúa và Ngài ban lại cho người dâng để giúp thầy tế lễ. Cứ như Xuất Ê-díp-tô ký 35:22, thì có khi của lễ người ta dâng là đồ trang sức. Theo Dân số ký 8:11,13 thì đại ý chỉ về dâng người Lê-vi.
14. Của lễ kỷ niệm.-- (Lê-vi ký 2:2,9,16). Ðại khái là dâng của lễ làm kỷ niệm Ðức Chúa Trời.
III. Các thứ tế lễ.-- Danh mục các tế lễ dầu nhiều, nhưng chỉ có năm loại, tức của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ thù ân, của lễ chuộc tội, và của lễ chuộc lỗi. Trong năm loại đó cũng có thể chia làm hai: (1) Thiêu trọn vẹn cả trên bàn thờ tức là của lễ thiêu. (2) Không thiêu trọn vẹn cả tức là của lễ chay, của lễ thù ân, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc lỗi. Trong loại thứ hai nầy chia làm ba: a) Trừ chỗ thịt mà thầy tế lễ đáng được ra, còn thì người tế chủ ăn cả, tức là của lễ thù ân (Lê-vi ký 7:15-18; 19:5-8; I Sa-mu-ên 1:3-7; 9:22-25). b) Thầy tế lễ ăn tại hành lang của hội mạc, tức là của lễ chay, của lễ chuộc lỗi và của lễ chuộc tội thường (Lê-vi ký 2:3; 6:16,25,29; Ê-xê-chi-ên 42:13; 46:20). c) Thiêu hết con sinh tức là của lễ chuộc tội cần yếu hơn hết (Lê-vi ký 4:; 6:30; Xuất Ê-díp-tô ký 29:1-25). Của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, và của lễ chuộc lỗi cả ba đều chỉ về ý chuộc tội. Phàm ai đã dâng của lễ đó thì mới được chuộc. Của lễ thù ân tức là người dâng tế lễ và Ðức Chúa Trời cùng ăn, kẻ dâng tế lễ như là khách quí của Chúa được Ngài ban ơn cho (so 1:7).
IV. Phẩm vật tế lễ.-- Theo Lê-vi ký 1:-7:, thì chia các của lễ làm hai thứ: Mặn và chay. Của lễ mặn thì dùng những vật sạch trong loài súc vật và chim bay (Sáng thế ký 8:20). Của lễ chay thì dùng bột mịn, dầu, muối, nhũ hương luôn với lúa và trái đầu mùa (Lê-vi ký 2:1,13,14). Của lễ nào nên dùng phẩm vật nào đều có lệ định. Phần nhiều thường dùng bò, chiên, song phải lựa lấy những con chưa đầy năm và không tì vít (Lê-vi ký 9:3; 12:6; 14:10; Xuất Ê-díp-tô ký 29:38). Phàm các con sinh tàn tật và có thương tích đều không được dâng làm của lễ (Lê-vi ký 22:22). Con sinh đẻ được hơn tám ngày thì mới dâng làm của lễ (Lê-vi ký 22:27). Như dâng của lễ thiêu phải lựa con sinh đực không tì vít. Người nghèo thì thay bằng chim cu, chim bò câu. Như dâng của lễ thù ân thì không cứ con sinh đực hay cái đều dùng được cả. Phẩm vật lễ chuộc tội và lễ chuộc lỗi giống với của lễ thiêu. Duy của lễ chuộc tội thông thường thì có thể dùng con mái hay con cái (Lê-vi ký 4:28,32). Như dâng của lễ chay thì nên bỏ men và mật, nhưng nêm thêm muối (Lê-vi ký 2:11,13). Lại dùng rượu làm lễ quán (Xuất Ê-díp-tô ký 29:40). Phẩm vật dâng tế chia làm hai thứ: thánh và chí thánh. Thánh thì như vật đầu lòng, trái đầu mùa, nộp phần mười, và những vật mà thầy tế lễ được khi làm lễ thù ân . Chí thánh thì như bánh trần thiết (Lê-vi ký 24:9), hương trước hòm bảng chứng (Xuất Ê-díp-tô ký 30:36), thứ còn thừa trong của lễ chay (Lê-vi ký 2:3; 10:12), và thịt con sinh trong của lễ chuộc tội, chuộc lỗi (Lê-vi ký 6:25,29; 10:17; Dân số ký 18:9,10). Theo Lê-vi ký 6:16; Ê-xê-chi-ên 42:13; 46:20 đã chép, thì những đồ chí thánh chỉ có thầy tế lễ là được ăn ở nơi thánh thôi. Vì vật đã là chí thánh, thì người ăn đến cũng sẽ nên thánh (so Dân số ký 18:11; Lê-vi ký 10:14; 22:3, 10-16).
V. Lễ nghi tế lễ.-- Xét I Sa-mu-ên 2:13-16 chép cái qui tắc cúng tế ở đời thượng cổ của người Do-thái thế nào, rất khó biết được kỹ càng đích xác. Bấy giờ, chức thầy tế lễ không trọng yếu lắm. Một người gia trưởng, một vị quốc quân đều có thể tự do dâng của lễ, chớ không cần thầy tế lễ làm thay. Thầy tế lễ chỉ vâng theo ý chỉ Ðức Chúa Trời dạy bảo muôn dân, hầu việc đền thờ, thâu lấy phần mình đáng được thôi. Về sau, đặt ra lễ nghi do thầy tế lễ chuyên coi giữ việc tế lễ, nên lễ càng thêm phiền phức. Người dâng của lễ phải giặt sạch áo mình mới có thể đến bàn thờ được (Xuất Ê-díp-tô ký 19:10; I Sa-mu-ên 16:5). Con sinh dâng tế phải do người coi quản hành lang hội mạc xem xét mới được. Lễ nghi tế lễ như dưới đây:
(1) Dắt con sinh đến bàn thờ, giao cho thầy tế lễ.
(2) Nhận tay lên đầu con sinh, tỏ nó là tế phẩm nên thánh, song không phải tỏ ý lấy con sinh thay người.
(3) Giết con sinh ở phía Bắc bàn thờ, trước hết phải vặn cổ nó.
(4) Rảy huyết là việc cần yếu hơn hết trong tế lễ. Thầy tế lễ lấy chậu chứa huyết rồi trút trên nền bàn thờ. Nếu muốn tỏ ý lấy con sinh thay người thì rưới huyết ở chỗ gần đền thờ, tức là tỏ ý gần gũi cùng Chúa. Ðiều trọng yếu hơn hết là lễ chuộc tội trọng thể, lấy huyết rảy trên nắp thi ân ở nơi chí thánh (Lê-vi ký 16:14,15).
(5) Lột vai, cắt thịt và lấy mỡ (Lê-vi ký 3:3,4; 4:8). Da thuộc về thầy tế lễ. Duy của lễ chuộc tội thì phải đốt hết cả da (Xuất Ê-díp-tô ký 29:14).
(6) Khi dâng của lễ thiêu, phải đốt hết thịt trên bàn thờ.
(7) Ðốt thịt tức là đốt ở trên bàn thờ. Lửa trên bàn thờ cháy mãi không tắt (Lê-vi ký 6:13).
Các tế nghi kể trên, chỉ có từ số 1 đến số 3 là người chủ tế được phép tự làm thôi, còn thì do thầy tế lễ giữ làm hết.
VI. Sự quan hệ của tễ lễ.-- (1) Cựu Ước nói về tế lễ có ý dâng phẩm vật cho Ðức Chúa Trời. Tế phẩm bấy giờ chọn lấy món thực vật quí nhứt mà dâng. Vậy, theo nguyên văn trong Ê-xê-chi-ên 44:7; Lê-vi ký 3:11,16; 21:6; Dân số ký 28:2 thì gọi tế phẩm là bánh và đồ ăn của Ðức Giê-hô-va. Lại Ma-la-chi 1:7 xưng bàn thờ là bàn của Ðức Giê-hô-va. (2) Ngoài tế phẩm là đồ ăn của Ðức Chúa Trời còn có ý nghĩa trọng yếu khác nữa. Trước khi bị bắt làm phu tù, ý nghĩa cốt yếu hơn hết của tế phẩm là thù ân, nghĩa là đem tiệc yến ở Ðền thờ sau khi đã tế. Ý chừng là Ðức Chúa Trời và người ta giao thông với nhau, tỏ ra người lại lập minh ước với Chúa lần nữa. Vả, nhờ Ngài mà được minh ước nên trọn và được chúc phước (3) Nghĩa tế lễ, sau khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù, coi trọng về mặt chuộc tội hơn về mặt giao thông. Về nghĩa đó, của lễ nào cũng có, chớ chẳng những của lễ chuộc tội mới có đâu. Của lễ chuộc tội lấy huyết làm trọng yếu hơn hết. Sao huyết lại chuộc tội được? Vì trong huyết có sự sống, nên có thể vì sự sống mà chuộc tội (Lê-vi ký 17:11). Tóm lại, các của lễ đều là vô công, chẳng qua làm hình bóng về Ðấng Christ thôi. Ðấng Christ lấy huyết của Ngài, dâng một lần có thể chuộc tội người ta đời đời. Huyết của chiên, bò, còn có thể khiến người ta trở nên sạch thay, huống chi Ðấng Christ nhờ thân linh hằng có, dâng thân Ngài cho Ðức Chúa Trời, thì huyết Ngài há lại chẳng hay làm sạch lòng người, trừ bỏ sự chết, khiến người thờ phượng Ðức Chúa Trời hằng sống sao? (Hê-bơ-rơ 9:12-14).
VII. Tân Ước đối với tế lễ.-- Nên nhớ rằng trong đời Ðấng Christ, một phe Do-thái-giáo (Essenes) đã bước tới một trình độ cao nhứt về luân lý, và sống một đời tuyệt nhiên không vị kỷ như anh em và làm việc nghĩa, song không chịu tin các tế lễ bằng thú vật. Cũng nhớ rằng các tiên tri A-mốt, Mi-chê và Ê-sai cũng tôn phần luân lý lên trên lễ nghi rất cao, và cũng không chịu người dâng hy sinh mà không có lòng ái mộ và sự công bình (A-mốt 5:21; Ô-sê 6:6; Mi-chê 6:6; Ê-sai 1:11). Song những sự ngoại trừ đó chỉ tỏ rõ thực sự rằng ý của người về sự cần thiết dâng tế lễ dâng tế lễ cho Thần là hầu như phổ thông. Chỉ tế lễ của Ðấng Christ và sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem khiến đình chỉ không dâng của lễ hằng ngày, hằng tháng, hằng năm giữa vòng người Do-thái, và chỉ sự hiểu biết tế lễ của Ðấng Christ bằng chính Ngài cuối cùng sẽ hủy diệt mọi vết tích tế lễ bằng thú vật.
1. Thái độ Chúa Jêsus.-- Chúa Jêsus chẳng bao giờ công kích phương pháp tế lễ. Lại nữa, Ngài cho rằng người Do-thái cần dâng tế lễ (Ma-thi-ơ 5:24). Hơn thế, Ngài công nhận cả phương pháp tế lễ chép trong Cựu Ước, như có căn nguyên từ Ðức Chúa Trời; vậy Ngài truyền cho kẻ phung được sạch phải dâng tế lễ theo luật Môi-se dạy (Ma-thi-ơ 8:4). Không chỗ nào chép Chúa Jêsus tự mình thờ bằng cách dâng của lễ thường. Song Ngài thờ phượng trong Ðền thờ, chẳng bao giờ công kích phương pháp tế lễ như luật pháp truyền miệng (Mác 7:6). Một mặt khác, Chúa Jêsus hủy diệt phương pháp tế lễ vì dạy rằng luân lý còn tốt hơn nghi lễ, không phải chỉ về nguyên lý chung, song cũng về sự thờ phượng (Ma-thi-ơ 5:23,24), Ngài ưng thuận lời của tiên tri Ô-sê: "Ta muốn sự thương xót nhưng chẳng muốn của lễ (Ma-thi-ơ 9:13; 12:7). Ngài cũng truyền phán rằng thầy thông giáo ở gần nước vì biết đặt sự yêu thương Ðức Chúa Trời và người trên hết thảy của lễ (Mác 12:33). Song Chúa Jêsus không những chỉ dạy tế lễ là kém luật đạo đức, song cũng dạy thôi của lễ như là một phương pháp, khi phán: "Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước mới, đổ ra cho nhiều người" (Mác 14:24; Ma-thi-ơ 26:28; Lu-ca 22:20). Không những chỉ đạo đức hơn của lễ, song tế lễ bằng chính Ngài còn hơn của lễ xưa, như giao ước mới hơn giao ước cũ vậy.
2. Thái độ của Phao-lô.-- Dễ thấy ý của Phao-lô đối với tế lễ người Do-thái, dầu không nói đến nhiều. Chỉ một lần (Công vụ các sứ đồ 21:26) sau sự trở lại đạo, Phao-lô dâng tế lễ theo người Do-thái, song ấy là một vấn đề xứng hiệp để được lòng phe Do-thái-giáo tin đạo Ðấng Christ, hầu cho Tin lành của ơn điển được phổ thông. Phao-lô coi tế lễ Cựu Ước như hình bóng về của lễ thật mà Ðấng Christ dâng mình làm (I Cô-rinh-tô 5:7).
3. Thái độ của tác giả thơ Hê-bơ-rơ.-- Tác giả thơ nầy luận nhiều về các của lễ Cựu Ước hơn trước giả Tân Ước nào khác. Người coi các tế lễ đổ huyết như hơn không huyết; và cả của lễ hằng năm ngày Ðại lễ chuộc tội bởi thầy tế lễ thượng phẩm là điểm tuyệt đích của chương trình Cựu Ước. Thầy tế lễ thượng phẩm dưới giao ước cũ là hình bóng Ðấng Christ trong giao ước mới. Các của lễ trong giao ước cũ không thể cất tội lỗi, và sanh ra sự thay đổi về phần đạo đức, vì cớ sự yếu đuối của người (10:1-11), tỏ ra bởi cần dâng của lễ mãi (5:2), và vì Ðức Chúa Trời đã cử một thầy tế lễ thượng phẩm khác là Con Ngài, để thay thế người trong giao ước cũ (5:5; 7:1-28). Yếu điểm của sự dạy dỗ thơ Hê-bơ-rơ là tế lễ bằng thú vật không thể chuộc tội và sanh sự thay đổi về đạo đức, vì các của lễ đó, theo Chúa định, chỉ là hình bóng về của lễ lớn là Ðấng Christ (8:7; 10:1).
Tóm lại, các trước giả sách Tân Ước, giống Chúa Jêsus, coi phương pháp tế lễ đời Cựu Ước như có căn nguyên từ Ðức Chúa Trời và rất cần hồi bấy giờ, song bất toàn và chỉ là hình bóng tế lễ Ðấng Christ, và bởi đó phải thay bằng của lễ trọn vẹn của Ngài.
VIII. Nghĩa tế lễ trong Tân Ước.-- Các tác giả Tân Ước tập trung trong một ý là tế lễ Ðấng Christ trên thập tự là tế lễ hoàn toàn và cuối cùng, để chuộc tội và cứu người. Các của lễ trong Cựu Ước làm hình bóng về tế lễ đó, và bị bỏ vì có tế lễ đó làm của lễ sau cùng. Chỉ Gia-cơ và Giu-đe trong các tác giả Tân Ước làm thinh về tế lễ Ðấng Christ, vì có ý chép về những phép cư xử hằng ngày.
1. Sự Giăng Báp-tít dạy.-- Giăng Báp Tít giới thiệu Chúa Jêsus như là Quan án hầu đến trong ba sách Tin lành đầu, song trong Giăng 1:29,36, Giăng nói về Ngài là "Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian." Wescott nói: "Danh từ đó tỏ ý sự thương khó thế cho, sự phục thuận nhẫn nại, hy sinh, và cứu chuộc, v.v" Thật Giăng thấy rằng Ðấng Christ "đang chịu cực khổ dưới gánh nặng của tội lỗi loài người."
2. Chúa Jêsus dạy.-- Trong ba sách Tin lành đầu, có hai chỗ Chúa trưng dẫn sự chết mình như một của lễ (Mác 10:45; 14:24 với Ma-thi-ơ 20:28; 26:28, so với I Cô-rinh-tô 11:25). Nghĩa câu đó là Chúa đến "làm giá trả để chuộc," vậy, có nghĩa là tế lễ. Mác 14:24 tỏ rõ hơn nghĩa tế lễ. Các nhà thần học đều tin Chúa Jêsus coi sự chết mình như là chuẩn y của lễ giao ước mới, đúng như của lễ dâng tại Si-na-i chuẩn y giao ước cũ (Xuất Ê-díp-tô ký 24:3-8). Theo Lu-ca 14:25,26 thấy Chúa Jêsus coi sự thương khó và sự chết mình như làm ứng nghiệm Cựu Ước.
3. Phi-e-rơ dạy.-- Dầu Sứ đồ nầy không nói trực tiếp về Ðấng Christ là của lễ chuộc tội, nhưng khi nghiên cứu Công vụ các sứ đồ 2:36; 3:18,19; 4:10-12 và 5:30,31 thấy có ý đó, vì tỏ Ngài là Chúa và Ðấng Christ, dầu đã bị đóng đinh, đã làm ứng nghiệm những tiên tri bởi sự đau thương, và bởi đó ai ăn năn thì được tha, và chỉ nhơn danh Ngài được cứu, v.v.. Trong I Phi-e-rơ 1:18,19 tỏ rõ ta được cứu chuộc bởi huyết của Chiên con không lỗi không vít, vậy tỏ ý tế lễ. So 1:2; 3:18.
4. Sự Phao-lô dạy.-- Phao-lô chứng rằng trong Rô-ma 3:25; 5:9; I Cô-rinh-tô 10:16; Ê-phê-sô 1:7; 2:13; Cô-lô-se 1:20 huyết Ðấng Christ có thể cứu rỗi. Phao-lô xưng Ngài là của lễ chuộc tội trong Rô-ma 8:3 và có lẽ trong II Cô-rinh-tô 5:21, và xưng Ðấng Christ "là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi." Trong Rô-ma 3:24-26; 5:10,11; 8:15-17, v.v.. Phao-lô tỏ ra Chúa bởi sự chết đã làm việc cứu chuộc, tha tội, xưng công bình, và nhận làm con nuôi.
5. Sự thơ Hê-bơ-rơ dạy.-- Nghĩa của tế lễ được tỏ ra cách đầy đủ trong thơ Hê-bơ-rơ. Mục đích của thơ là bày tỏ các tế lễ Cựu Ước là hình bóng để dẫn đến Ðấng làm của lễ hoàn toàn cuối cùng, nên bởi đó có nghĩa thuộc linh. Thơ tỏ Ðấng Christ vừa làm Thầy tế lễ, Người dâng tế lễ, và Của lễ. Luận lý của tác giả để tỏ ra kết cuộc của đạo Ðấng Christ là: Ðấng Christ trổi hơn thầy tế lễ dòng A-rôn, vì thuộc dòng vua, làm thầy tế lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc, dâng mình làm của lễ cuối cùng để chuộc tội, và đổi mới người (4:14; 10:18).
6. Sự Giăng dạy dỗ.-- Trong I Giăng 1:7; 2:2; 5:6-8 xưng huyết Ðấng Christ chuộc tội và rửa sạch khỏi tội. Trong Khải Huyền 1:5 cũng vậy, như trong 13:8 chép về Ngài là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế."
Tóm lại, Tân Ước tỏ ra sự chết Ðấng Christ như là: (1) tế lễ của giao ước (Mác 14:24; Ma-thi-ơ 26:28; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:15-22); (2) của lễ chuộc tội Rô-ma 8:3; II Cô-rinh-tô 5:21; Hê-bơ-rơ 13:11; I Phi-e-rơ 3:18); (3) con chiên của lễ Vượt qua (I Cô-rinh-tô 5:7); (4) của lễ ngày Ðại lễ chuộc tội (Hê-bơ-rơ 2:17; 9:12).
IX. Ý nghĩa của lễ đối với tín đồ.-- Theo sự dạy dỗ trên, thì đời sống tín đồ phải hy sinh như Ðấng Christ đã phó mình cho. Ðấng Christ đã dâng mình là tế lễ cho tín đồ hiện nay cứ hy sinh trong đời sống tín đồ (Ga-la-ti 2:20; Phi-líp 1:21; so Phi-líp 3:10,11). Chúa Jêsus cũng chú trọng về lối sống như thế (Mác 8:23). Vậy, sự chết Ðấng Christ là duyên cớ, phương pháp, và quyền phép của đời sống hy sinh của tín đồ.
Tiến sĩ Scofield chú thích về tế lễ như sau:
Lê-vi ký 1:3.-- Của lễ thiêu,
(1) làm hình bóng về Ðấng Christ tự dâng mình không tì vít cho Ðức Chúa Trời cách vui lòng để làm theo ý muốn Cha Ngài mặc dầu phải chết.
(2) Của lễ đó chuộc tội, vì người tín đồ trước không có sự vui thỏa đó trong ý muốn Ðức Chúa Trời; và
(3) thay thế (câu 4), vì Ðấng Christ đã làm thế tội nhơn. Song ý tưởng của án phạt không rõ (Hê-bơ-rơ 9:11-14; 10:5-7; Thi Thiên 40:6-8; Phi-líp 2:8). Những lời đáng chú trọng (Lê-vi ký 1:3-5) là "của lễ thiêu," "dâng cách tình nguyện" (bản Anh cũ), nó "sẽ được nhậm thế cho" và "chuộc tội."
Có năm thứ thú vật đáng nhận làm của lễ là:
(1) Bò đực hoặc bò, hình bóng về Ðấng Christ, như Ðầy tớ nhẫn nại và chịu khổ (I Cô-rinh-tô 9:9,10; Hê-bơ-rơ 12:2,3), "vâng phục cho đến chết" (Ê-sai 52:13-15; Phi-líp 2:5-8). Về tính cách nầy, tế lễ Ngài có thể thay thế, vì ta không thể làm được.
(2) Chiên hoặc chiên con, hình bóng về Ðấng Christ không do dự, tự mình bằng lòng chịu chết trên thập tự (Ê-sai 53:7; Công vụ các sứ đồ 8:32-35).
(3) Dê đực, hình bóng về tội nhơn (Ma-thi-ơ 25:33), và khi dùng về của lễ, Ðấng Christ "bị kể vào hàng kẻ dữ" (Ê-sai 53:12; Lu-ca 23:33), "trở nên tội lỗi," và "nên sự rủa sả" (Ga-la-ti 3:13; II Cô-rinh-tô 5:21) thế cho tội nhơn.
(4) và (5) Chim cu hoặc bò câu, tự nhiên hình bóng về sự vô tội buồn bã (Ê-sai 38:14; 59:11; Ma-thi-ơ 23:37; Hê-bơ-rơ 7:26), là quan thiệp với sự nghèo khó trong Lê-vi ký 5:7, và nói về Ðấng đã vì chúng ta trở nên nghèo khó (Lu-ca 9:58); con đường của sự nghèo khó Ngài khởi sự bằng cách từ bỏ "hình Ðức Chúa Trời," và kết cuộc làm của lễ, để cho ta nhờ đó trở nên giàu (II Cô-rinh-tô 8:9; Phi-líp 2:6-8). Của lễ Người nghèo dâng trở nên tế lễ cho kẻ nghèo (Lu-ca 2:24.
Những bực đó của hình bóng tế lễ thử nghiệm chúng ta về sự hiểu biết cho phương diện khác nhau của tế lễ duy nhứt Ðấng Christ trên thập tự. Người tín đồ đã thành nhơn nên thấy Ðấng Christ bị đóng đinh theo mọi mặt như thế.
Ê-xê-chi-ên 43:19.-- Ðây là tế lễ trong nước tương lai. Chắc các của lễ nầy là kỷ niệm ngó lại thập tự, như các của lễ theo giao ước cũ đang trông đợi ngó trước đến thập tự. Trong cả hai trường hợp, tế lễ bằng thú vật không thể cất tội (Hê-bơ-rơ 10:4; Rô-ma 3:25).
Lê-vi ký 17:11.-- Ý nghĩa của hết thảy tế lễ được giải nghĩa ở đây. Mỗi của lễ là một sự thi hành án phạt của Luật pháp trên vật thế cho người phạm, và mỗi tế lễ như thế chỉ về sự chết thay tội của Ðấng Christ, duy nhờ đó mới có thể làm phu phỉ sự công bình của Ðức Chúa Trời, bỏ qua các tội của những người dâng tế lễ hình bóng đó (Rô-ma 3:24,25; Xuất Ê-díp-tô ký 29:36).
Sáng thế ký 4:4.-- Chỉ về Ðấng Christ, Chiên Con Ðức Chúa Trời, là hình bóng rất nhiều lần vẫn chỉ về Ðấng Mê-si đau khổ,--"Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi" (Giăng 1:29). Một chiên con thích hiệp làm hình bóng về sự vô tội của Chúa Jêsus, là Ðấng không kháng cự, không làm hại (Ê-sai 53:7; Lu-ca 13:9; Ma-thi-ơ 26:53,54). Hình bóng nầy được tỏ rõ bởi trái với của lễ Ca-in không huyết, tức trái cây là công việc riêng người, và tuyên bố, trong buổi sơ khai của nhơn loại, lẽ thật đầu tiên: "Không đổ huyết thì không có sự tha thứ" (Hê-bơ-rơ 9:22; 11:4).
Hê-bơ-rơ 10:18.-- Tóm tắt về tế lễ.
(1) Lời báo trước thứ nhứt của tế lễ là Sáng thế ký 3:21, "áo da thú" rõ ràng chắc đã từ một thú vật bị giết. Lần đầu tiên nói rõ về của lễ là Sáng thế ký 4:4, giải nghĩa trong Hê-bơ-rơ 11:4. Sự công bình của A-bên là kết quả của tế lễ người, chớ không phải bởi tánh nết người.
(2) Trước khi ban bố Luật pháp thì người gia trưởng là thầy tế lễ của gia đình. Bởi Luật pháp một ban thầy tế lễ được lập, và chỉ ban đó có quyền dâng tế lễ. Các của lễ đó là "những bóng," hình bóng, bày tỏ bằng nhiều cách tội lỗi và sự cần đến người dâng tế lễ đối với Ðức Chúa Trời, và hết thảy đều chỉ về Ðấng Christ và được ứng nghiệm trong Ngài.
(3) Như tả bóng bởi hình bóng về giải nghĩa bởi Tân Ước, tế lễ của Ðấng Christ là hình phạt (Ga-la-ti 3:13; II Cô-rinh-tô 5:21), thay thế (Lê-vi ký 1:4; Ê-sai 53:5,6; II Cô-rinh-tô 5:21; I Phi-e-rơ 2:24), tình nguyện (Sáng thế ký 22:9; Giăng 10:18); cứu chuộc (Ga-la-ti 3:13; Ê-phê-sô 1:7; I Cô-rinh-tô 6:20); chuộc tội (Rô-ma 3:25), giảng hòa (II Cô-rinh-tô 5:18,19; Cô-lô-se 1:21,22), linh nghiệm (Giăng 12:32,33; Rô-ma 5:9,10; II Cô-rinh-tô 5:21; Ê-phê-sô 2:13; Hê-bơ-rơ 9:11,12,26; 10:10-17; I Giăng 1:7; Khải Huyền 1:5), và khải thị (Giăng 3:16; I Giăng 4:9,10).