Tên riêng. Nom propre.

        



      Trong thời chép Kinh Thánh, tên người không những chỉ có nghĩa, song như một luật, mỗi người nghe đến tên thì biết nghĩa ngay, không cần đọc về nguyên ý tên đó. Sa-ra, Gia-cốp, Mi-ri-am, Giô-sa-phát, Ma-thê, Rô-đơ, Ðô-ca nghĩa đều rõ cho hết thảy.
       Người Hê-bơ-rơ có lẽ đặt tên cho con vào ngày thứ tám từ lúc mới sanh (Sáng thế ký 17:12; 21:3,4; Lu-ca 1:39; 2:21). Có thể đặt cho đứa trẻ tên của một vật thiên nhiên; như Ta-rách, dê rừng; Lê-a, bò rừng, Giô-na, bò câu; Tha-ma, cây kè; Ta-bi-tha, hoàng dương. Có thể là một tên bày tỏ điều kiện hình thức: thí dụ Siếp-ra, tốt đẹp; hoặc nguyện vọng của cha đối với con, như Nô-ê, yên nghỉ (Sáng thế ký 5:29). Có tên được đặt theo ý tiên tri, như tên Jêsus, vì Ngài sẽ làm Cứu Chúa (Ma-thi-ơ 1:21). Có nhiều tên chứng thực lòng mộ đạo, biết ơn của cha mẹ, như Si-mê-ôn, đang nghe (Sáng thế ký 29:33), hoặc Nê-tha-nia, Chúa Giê-hô-va đã cho, hoặc Ê-lít-su, Ðức Chúa Trời là vầng đá. Có các tên khác dùng để ghi nhớ các biến động của quốc danh, như Y-ca-bốt (I Sa-mu-ên 4:21); còn các tên khác là thuộc họ hàng (Lu-ca 1:59-61 so 3:23,28). Khi tánh nết càng mở mang thì có thể đặt một tên khác để bày tỏ ra; như Y-sơ-ra-ên và Sê-pha. Trong thời sau, khi trong Pha-lê-tin dùng mấy tiếng khác nhau, thì có khi tên được dịch ra, và người có hai tên để gọi, như Sê-pha theo tiếng Aramaique, và Phi-e-rơ, tiếng Hy-lạp, Thô-ma và Ði-đim, cả hai tên cũng có nghĩa là sanh đôi; Mê-si và Christ cả hai đều nghĩa là xức dầu. Vào hồi đó, cũng có tên được thay đổi như tên Hê-bơ-rơ, Giô-ha-nan thành tên Hy-lạp Giô-a-nan, và Giô-sép thành Giô-sê.
       Các biệt danh không có trong vòng người Hê-bơ-rơ, muốn phân biệt rõ người nào chỉ thêm vào tên người, tên thành, như Jêsus ở Na-xa-rét, Giô-sép ở A-ri-ma-thê, Ma-ri Ma-đơ-len, Na-hum người Ên-cốt; hoặc bởi cách chỉ rõ thuộc dòng dõi nào, như Si-môn, con Giô-na; bởi tâm tính, nghề nghiệp, hoặc các đặc sắc khác, như Si-môn Phi-e-rơ, Na-than, đấng tiên tri, Giô-sép, thợ mộc, Ma-thi-ơ, người thâu thuế, Si-môn Xê-lốt, và Ðê-ni, quan tòa nơi A-rê-ô-ba. Mỗi người La-mã có ba tên: praenomen, là tên riêng đứng trước, nomen, là tên người quyến thuộc, hoặc nhà, đứng thứ nhì, và cognomen hoặc biệt danh, là tên của họ hàng đứng sau hết. Như vậy, M.Antonius Phê-lít, quan tổng đốc, là Marcus, thuộc thị tộc Antonia, và họ gọi là Phê-lít. Thường chỉ ghi nomen và cognomen, còn tên riêng thì bỏ qua như Jules César, Bôn-xơ Phi-lát, Cơ-lốt Ly-sia.
       Tên trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng có khi dùng để tỏ tánh nết và thể yếu. Ðức Chúa Trời đã thề bởi danh Ngài làm trọn ý định Ngài (Giê-rê-mi 44:26), tức là Ngài thề bởi quyền phép chứng thực làm trọn lời Ngài. "Danh Chúa được sáng cả trên khắp trái đất" (Thi Thiên 8:1), là câu văn bày tỏ sự hiện hữu Ngài được giải tỏ trong cuộc sáng tạo và cuộc cứu chuộc. Danh Ðức Chúa Trời của Gia-cốp tôn vua lên cao (Thi Thiên 20:1) là quyền phép tỏ ra của Ðức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên. Danh Ðức Chúa Trời ở trong vị thiên sứ dẫn dắt Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô ký 23:21) vì trong thiên sứ đó, ngự sự cao sang của chính Ðức Chúa Trời. Danh Ðức Chúa Trời ở trong nơi thánh Ngài (II Sa-mu-ên 7:13); nơi mà Ngài tỏ mình ra. Biết danh Ðức Chúa Trời là làm chứng sự tỏ ra của thuộc tánh và hiểu được đức tánh mà danh đó tỏ ra (Xuất Ê-díp-tô ký 6:3 với 7; I Các vua 8:43; Thi Thiên 91:14; Ê-sai 52:6; 64:2; Giê-rê-mi 16:21).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.