Tha tội. Pardonner.

       



      Ngoài ba tiếng Hê-bơ-rơ (xem bài Scojield ở dưới), còn có bốn tiếng Hy-lạp cũng bày tỏ ý tha tội, như Apoluein (Lu-ca 6:37), "tha thứ" dùng ở đây vì có sự tương tự giữa tội và nợ, và tỏ ra được thoát khỏi. Trong Rô-ma 3:25, Phao-lô dùng Paresis dịch là "bỏ qua," tức "dẹp một bên," "không nhìn đến," thế chữ thường dùng aphesis, tức "bỏ đi" cách hoàn toàn, và không giữ lại gì. Bỏ qua tội như thế hay dẫn người đến sự hủy ý về sự công bình của Ðức Chúa Trời, và để khỏi có sự đó, thì Ðấng Christ được tỏ ra là tế lễ chuộc tội, cho nên sự Ðức Chúa Trời bỏ qua tội lỗi (paresis) trở nên sự tha tội thật (aphesis); so Công vụ các sứ đồ 14:16; 17:30. Charizesthai chỉ dùng trong sách Lu-ca và thơ Phao-lô, có nghĩa "tha tội" (II Cô-rinh-tô 2:7; 12:13; Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 2:13; 3:13), và tỏ ra sự nhận tín của Phao-lô về ơn điển tha tội của Ðức Chúa Trời. "Xóa" cũng đồng ý với tha (trong Thi Thiên 51:1,9; Ê-sai 43:25; Giê-rê-mi 18:23; Công vụ các sứ đồ 3:19).
       II. Ý người Do-thái xưa đối với sự tha thứ.-- Nhờ Phục truyền luật lệ ký 23:6; so Ê-xê-chi-ên 9:12 biết người Do-thái không coi sự tha thứ kẻ thù là một đức hạnh, và người nào xin tha thứ, ấy dường như xin điều mình không có quyền (Sáng thế ký 50:17; Xuất Ê-díp-tô ký 10:17; I Sa-mu-ên 15:25; 25:28). Các Thi Thiên trù rủa làm chứng như thế, và chính Chúa Jêsus tóm tắt ý thông thường người Do-thái khi phán: "Các ngươi có nghe lời phán rằng:....hãy ghét kẻ thù nghịch mình" (Ma-thi-ơ 5:43), ấy tỏ ra thái độ và cách hiểu biết của họ đối với sự dạy dỗ Cựu Ước.
       III. Sự dạy dỗ của Ðấng Christ.-- Ðấng Christ dạy rằng sự tha thứ là một nghĩa vụ vô hạn (Lu-ca 17:4). Ngài không nhận có tội nào lớn và phạm luôn đến nỗi không thể tha thứ. Ðối với Ngài, tinh thần không tha thứ là một trong các tội đáng gớm ghiếc nhứt, là một tội Ðức Chúa Trời không tha (Ma-thi-ơ 18:34,35), là chính thể yếu của tội không được tha (Mác 3:22-30). Ấy là một vết của người con cả làm hư một đời sống không chỗ trách (Lu-ca 15:28-30). Chúa Jêsus tìm cách thay thế tinh thần không chịu tha thứ bởi tinh thần khoan dung và tha thứ. Vậy, Ngài phán cùng Phi-e-rơ chẳng những chỉ tha thứ bảy lần một ngày, song bảy mươi lần bảy (Ma-thi-ơ 18:21,22).
       Chúa Jêsus nhận rằng có điều kiện phải làm trọn trước khi có thể tha thứ, ấy vì một phần ở sự giao thông lẫn nhau; và một phần ở sự ăn năn của người mắc lỗi. Nếu không ăn năn, Ðức Chúa Trời không tha, về người cũng vậy. Hiệu quả sự tha thứ là lập lại sự giao thông trước bị tội làm đứt. Sự lập lại đó cần đến sự thỏa thuận cả hai bên, tức phải có sự ban cho và sự nhận lãnh sự tha thứ. Thật lòng buồn bã sâu xa về tội tạo ra sự ăn năn (II Cô-rinh-tô 7:10), là điều kiện bảo lãnh sự nhận tha thứ. Bởi vậy, Chúa truyền phải tha thứ khi kẻ có tội quay lại và nói rằng "Tôi ăn năn" (Lu-ca 17:3,4). Ấy là tâm trạng dẫn người cha vui mừng hoan nghênh con hoang đàng trước cả lúc con đó nói ra ý định mới của mình (Lu-ca 15:21).
       Dầu vậy, không nên giả định rằng vì người phạm tội không chịu ăn năn thì thoát sự bó buộc tha tội đâu, vì phải sẵn lòng tha thứ luôn. Như Chúa phán: "Nếu mỗi người... không hết lòng tha lỗi cho anh em" (Ma-thi-ơ 18:35), và "như chúng tôi cũng (nguyên văn, đã) tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi" (Ma-thi-ơ 6:12). Tinh thần tha thứ đó làm điều kiện Ðức Chúa Trời tha các tội phạm chúng ta (Mác 11:25; Ma-thi-ơ 6:14,15); ấy vì tinh thần không chịu tha thứ cũng không chịu ăn năn (Ma-thi-ơ 18:23-35).
       Người bị xúc phạm cũng nên tìm cách đem người phạm tội đến sự ăn năn. Ấy là mục đích của lời Chúa phán trong Lu-ca 17:3. Ngài dạy cách tỏ tường hơn: "Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có người với một mình ngươi" (Ma-thi-ơ 18:15-17).Vậy, người đó phải hết lòng cảm phục cách phải lẽ để được người phạm lỗi ăn năn, và chỉ khi đã hết sức mà vô hiệu mới thôi. Mục đích là được lại anh em mình.
       Quyền buộc và mở, nghĩa là cấm hoặc cho phép, được ban cho Phi-e-rơ (Ma-thi-ơ 16:19), và cho Hội Thánh chung (18:18; Giăng 20:23). Ấy tỏ rõ có phép tuyên bố sự tha tội, như Phi-e-rơ thi hành khi dùng những chìa khóa của nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 16:19). Ấy là ở sự rao giảng Tin lành, và nhứt là các điều kiện người phải nhờ để được giao thông với Ðức Chúa Trời (Công vụ các sứ đồ 2:38; 10:34 tt). Không phải chỉ hạn chế cho Phi-e-rơ thôi, song được chia cho các Sứ đồ khác (Ma-thi-ơ 16:19; 18:18). Ðấng Christ không để lại những điều lệ nhứt định, song những nguyên lý phải vâng theo để vào nước Ðức Chúa Trời, nên phải nhờ sự quyết định, phân biệt rõ rệt của toàn thể tín đồ để ứng dụng các nguyên lý đó (II Cô-rinh-tô 2:10). Ðây sự tha thứ không phải là phép giải tội từng cá nhơn, song là nhứt định những cử chỉ và cách thờ phượng được xứng hiệp (Westcott về Giăng 20:23).
       Sự ăn năn là một phần cần thiết cho sự tha thứ được bày tỏ cách đầy đủ. Sự cất hết mọi tội lỗi là kết quả của sự tha thứ Ðức Chúa Trời vẫn được tỏ trong Kinh Thánh (Ê-sai 38:17; Mi-chê 7:19; Giê-rê-mi 31:34; Ê-sai 43:25; Thi Thiên 103:12). Về sự tha thứ của người cũng nên như thế, song tiếc thay, bao nhiêu lần cứ ghi nhớ tội lỗi đã tha thứ rồi. Song khi Ðức Chúa Trời tha thứ thì Ngài lập lại người vào địa vị được ơn như trước. Sự nghi ngờ đổi thành sự tin cậy, và ấy sanh ra lòng bình an (Thi Thiên 32:5-7; Rô-ma 5:1); cảm biết sự yêu thương và thương xót Ngài (Thi Thiên 103:2), cất sự sợ hình phạt (II Sa-mu-ên 12:13), và yêu mến Chúa.
       IV. Quyền tha tội của Ðấng Christ.-- Ta không lấy làm lạ về Chúa Jêsus xưng mình có quyền tha tội. Ðiều đó gây nên cuộc biện luận cay đắng với người Do-thái, vì đối với họ, chỉ Ðức Chúa Trời có quyền tha tội (Mác 2:7; Lu-ca 5:21; 7:49). Ðiều đó Chúa Jêsus không bàn cãi, song cho họ biết Ngài có quyền tha tội bởi cách tỏ ra có quyền phép của Ðức Chúa Trời. Chúa xưng Ngài có quyền nầy trong hai chỗ thôi, dầu có người tưởng theo Giăng 5:14; 8:11 tỏ ra Ngài dường như quen tuyên bố sự tha tội cho những người Ngài chữa lành. Một trong hai chỗ đó, Ngài không những chỉ xưng là có quyền đó, song cũng chứng thật rằng có vì tỏ ra có quyền Ðức Chúa Trời để chữa lành. Dân chúng công nhận lý lẽ đó và "ngợi khen Ðức Chúa Trời đã cho người ta được phép tắc dường ấy" (Ma-thi-ơ 9:2-9; so Mác 2:3-12; Lu-ca 5:18-26). Chỗ khác, khi người ta bàn tán về Ngài có quyền tha tội (Lu-ca 7:36-50), thì Ngài chỉ lấy sự biết ơn của người đờn bà đã được tha tội làm chứng cớ.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự tha tội:
       Thi Thiên 103:12.-- Có ba tiếng Hê-bơ-rơ dịch là tha thứ, đã được tha: kaphar, che đậy; nasa, nâng lên; Salach, đuổi đi (so Lê-vi ký 16:21,22). Ý nền tảng của Cựu Ước về sự tha tội không phải là tha án phạt, song là phân rẽ tội nhơn khỏi tội. Thi Thiên 103:12 bày tỏ điều đó.
       Ma-thi-ơ 6:12.-- Ðây là mặt luật pháp. So Ê-phê-sô 4:32, ấy là ơn điển. Dưới luật pháp, sự tha thứ là nhờ một tinh thần như thế trong chúng ta làm điều kiện; dưới ơn điển là được sự tha tội vì cớ Ðấng Christ, và Chúa khuyên ta nên tha thứ vì đã được tha thứ. Xem Ma-thi-ơ 18:32; 26:28, lời chua.
       Ma-thi-ơ 26:28.-- Sự tha thứ. Tóm tắt. Lời Hy-lạp dịch là "tha tội" trong Ma-thi-ơ 26:28; Công vụ các sứ đồ 10:43, cũng dịch là "tha thứ" trong Hê-bơ-rơ 9:22. Lời đó có nghĩa gởi đi, đuổi đi. Và danh từ suốt cả Kinh Thánh là một ý nghĩa nền tảng của sự tha tội.-- tức phân rẽ tội khỏi tội nhơn. Phải có sự phân biệt giữa sự tha thứ của Ðức Chúa Trời và của người: (1) Sự tha thứ của người có nghĩa là tha án phạt. Suốt cả Cựu Tân Ước, trong hình bóng và ứng nghiệm, sự tha thứ của Ðức Chúa Trời theo sau sự thi hành án phạt. "Thầy tế lễ sẽ chuộc tội cho người đó, thì tội người sẽ được tha" (Lê-vi ký 4:35). "Nầy là huyết ta; huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha (đuổi đi, tha thứ) tội" (Ma-thi-ơ 26:28). "Không đổ huyết thì không có sự tha thứ" (Hê-bơ-rơ 9:22). Xem bài Của lễ (Sáng thế ký 4:4; Hê-bơ-rơ 10:18, lời chua). Tội của người tín đồ đã được xưng công bình đứt quãng sự giao thông của người, và khi xưng ra thì được tha, song bao giờ cũng phải nhờ cậy của lễ chuộc tội của Ðấng Christ (I Giăng 1:6-9; 2:2). (2) Sự tha thứ của người căn cứ và kết quả từ sự tha thứ của Ðức Chúa Trời. Trong nhiều khúc, điều đó được bày tỏ hơn là chép, song nguyên lý được phán trong Ê-phê-sô 4:32; Ma-thi-ơ 18:32,33.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.