Sự than khóc của người phương Ðông xưa và nay có tính cách phô trương. Những sự bày tỏ trước công chúng về sự buồn bã, phần chính là bởi cất bỏ những đồ trang sức và đày đọa thân thể (Xuất Ê-díp-tô ký 33:4; II Sa-mu-ên 14:2; 19:24; Ma-thi-ơ 6:16,18), xé áo và rạch áo dài ở cổ họng, hoặc xé áo trong, áo ngoài (Lê-vi ký 10:6; II Sa-mu-ên 13:31; Giô-ên 2:13), cạo đầu và nhổ tóc (E-xơ-ra 9:3; Giê-rê-mi 7:29), mặc bao (Giô-ên 1:8), vải tro hoặc bụi đất lên đầu (II Sa-mu-ên 15:32), kiêng ăn (Thi Thiên 35:13), khóc lóc và than thở (Giô-ên 1:8,13). Cũng có mấy lối khác như mặc áo đen, hoặc màu buồn bã (II Sa-mu-ên 14:2; Giê-rê-mi 8:21), để trần một phần thân thể (Ê-sai 20:2; 47:2,v.v.;), nhịn đói, hoặc kiêng thịt và uống (II Sa-mu-ên 1:12; 3:35; 12:16,22,v.v.). Cũng sự chỉ dạy đó nói đến sự giảm bớt của lễ cho Ðức Chúa Trời, và cấm không được dự phần vào huyết con sinh (Lê-vi ký 7:20; Phục truyền luật lệ ký 26:14), che "môi trên" tức là phần dưới của mặt, có khi che đầu, để làm dấu sự yên lặng (Lê-vi ký 13:45; II Sa-mu-ên 15:30; 19:4). Cắt thịt (Giê-rê-mi 16:6,7; 41:5), ngồi hoặc nằm yên lặng tỏ sự buồn bã (Sáng thế ký 23:3; Các quan xét 20:26). Một vài trong các lối đó thường dùng luôn một lúc (Sáng thế ký 37:34; II Sa-mu-ên 3:31,32; 13:19; 15:32; E-xơ-ra 9:3,5; Gióp 1:20; Giê-rê-mi 41:5). Bạn bè đến nhà có tang chế, cũng có những người thổi sáo và những kẻ khóc mướn nhứt là các đờn bà, thì than khóc lớn tiếng (Giê-rê-mi 9:17,18; Ma-thi-ơ 9:23; Công vụ các sứ đồ 9:39). Như ngày nay, người ta cũng đãi tiệc cho đoàn dân dự vào đám tang (Giê-rê-mi 16:7), và có chén sự yên ủi. Sau cuộc mai táng, những đờn bà đến rất sớm hôm sau để viếng mộ, như nay vẫn có thói quen làm, và cầu nguyện, khóc lóc, thổn thức, hoặc hát và đấm ngực (Mác 16:1,2). Có nhiều người trong bọn họ làm bởi nghề nghiệp, còn người khác là những người thật buồn bã, những quyến thuộc của người quá cố, và những bạn hữu thân thiết (Giăng 11:31). Những thói tục giống như thế có nhiều trong xứ Ai-cập, Ba-tư và Sy-the.
Thời gian tang chế có thay đổi: 30 ngày cho A-rôn và Môi-se (Dân số ký 20:29; Phục truyền luật lệ ký 34:8), và 7 ngày cho Sau-lơ (I Sa-mu-ên 31:13). Những người Ai-cập để tang Gia-cốp 70 ngày, và 7 ngày biệt riêng cho cả công chúng than khóc người tại sân đạp lúa của A-tát (Sáng thế ký 50:3,10).
Luật pháp cấm người Na-xi-rê và thầy tế lễ thượng phẩm đến dự tang chế dầu là cha hoặc mẹ (Lê-vi ký 21:10,11; Dân số ký 6:7). Các thầy tế lễ thường thì hạn chế tùy theo là quyến thuộc gần hay xa (Lê-vi ký 21:1,2,4). Các vật thực ăn trong kỳ tang chế bị kể là không sạch (Phục truyền luật lệ ký 26:14; Giê-rê-mi 16:5,7; Ê-xê-chi-ên 24:17; Ô-sê 9:4).
Lane nói về người Ai-cập hiện đại, có viết: "Khi có người chết, đờn bà trong gia quyến cất tiếng khóc thảm thiết gọi là welweléh, kêu tên người chết: "Ôi chủ tôi, ôi sự cứu giúp tôi, tai hại cho tôi! ôi sự vinh hiển tôi" (xem Giê-rê-mi 22:18). Nhưng đờn bà lân cận cũng đến mà đồng thanh kêu như thế. Cũng gọi hai hoặc hơn đờn bà khóc thuê đến. Mỗi người đem một trồng cơm, đánh và kêu: "Tội nghiệp cho ông (hoặc bà)." Những đờn bà ở trong gia tộc, đầy tớ, bạn bè, đầu tóc rối bù, và có khi xé áo, đánh mặt và kêu giống vậy: "Tội nghiệp cho ông (hoặc bà)." Những đờn bà ở trong gia tộc, đầu tóc rối bù, và có khi xé áo, đánh mặt và kêu giống vậy: "Tội nghiệp cho ông (hoặc bà)." Những bà đó không thay đổi quần áo song có khi nhuộm áo lót mình, lúp trên đầu, và khăn tay bằng màu xanh thẳm, tùy theo kỳ nhứt định, họ đi tảo mộ".