Thần linh người. L'esprit de l'homme.

       



      Suốt cả Kinh Thánh, chẳng những chép có "hồn," nhưng cũng có "thần linh" (có khi dịch tâm thần hoặc linh). Tân Ước lấy lẽ thật nầy làm quan hệ và mở mang ý nghĩa, nhứt là trong các thơ Phao-lô. Thần Linh là gì và làm công việc gì thì khó hiểu rõ, ấy là vì cớ hai điều: 
       (1) Vì Kinh Thánh tỏ ra Ðức Chúa Trời là Thần, nên chép nhiều về "Thần của Ðức Chúa Trời" (Tân Ước chép "Thánh Linh," hoặc "Ðức Thánh Linh," hoặc "Thánh Linh" của "Ðấng Christ.") Nhưng nhiều lần chỉ chép "thần" không phân biệt chỉ rõ về Thần Chúa hoặc thần linh người. Dầu vậy, Kinh Thánh chép đủ để có thể giải nghĩa thần linh người là một sở năng riêng của người. 
       (2) Vì "thần" và "hồn" có quan hệ mật thiết với nhau về nguyên gốc và ý nghĩa theo tâm lý, nên rất khó phân biệt hai danh từ đó. Bởi vậy nhiều người có ý mờ mờ và coi hai danh từ đó như đồng nghĩa với nhau, cũng có người thêm ý quá lẽ nữa. Cho nên muốn biết Kinh Thánh dạy người chia làm hai hoặc ba nguyên tố, phải nhờ Chúa mà so sánh rất kỹ càng những câu chép về hồn và thần linh, mới biết đúng thế nào.
       1. Thần linh và sự sống.-- Vấn đề cốt yếu là: Thần linh quan thiệp với sự sống người thế nào? Trong bài "hồn" đã tỏ rõ hồn trước nhứt là sự sống riêng của mỗi người. Vậy thì, thần linh trong người đang sống là gì? Theo Cremer, ấy là nguyên tắc của sự sống (principe de vie). Hồn là phần sống trong mỗi người, thần linh là quyền lực hoặc nguyên tắc người nhờ mà sống. Nguyên tắc cốt yếu đó trong người là bởi sự hiện diện và quyền năng của Thần Ðức Chúa Trời mới có. Hồn là sự sống trong thân thể, thần linh là sự sống đến từ nơi Ðức Chúa Trời. Về thể yếu (essence) không khác nhau. Hồn là sự sống tự nhiên của người, thần linh là sự sống từ Chúa ban. Khi suy xét sự dựng nên người chép trong Kinh Thánh, thì phải công nhận thật như thế, Ðức Chúa Trời "lấy bụi đất nắn nên hình người," và cũng "hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh" (Sáng thế ký 2:7). Câu nầy tỏ ra hai điều: Nguyên tắc hoạt động trong người được dựng nên là thần linh từ Ðức Chúa Trời; kết quả của sự hoạt động đó là một hồn sống. Dầu trong Sáng thế ký 6:17; 7:15,22 chép về "sanh khí" trong mọi xác thịt, song có nhiều câu chứng rằng nguyên tắc sự sống trong người ta là nhờ sự hiện diện của Thần Ðức Chúa Trời, như "Thần Ðức Chúa Trời đã sáng tạo tôi, hơi thở của Ðấng Toàn năng ban cho tôi sự sống" (Gióp 33:4).
       Trong Tân Ước cũng xem có thần linh là nguyên tắc của sự sống. Chúa Jêsus phán: "Ấy là thần linh (pneuma) làm cho sống" (Giăng 6:63); và Gia-cơ 2:26 chép: "xác chẳng có hồn (pneuma) thì chết." Trong hai câu sau nầy, có so sánh thần linh với hồn là sự sống trong thân thể: "Người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống (psyché) mình" (Giăng 10:11,15), tức là sự sống riêng của một người; và về sự chết Chúa: "Ngài gục đầu mà trút linh hồn" (pneuma), tức là nguyên tắc của sự sống (Giăng 19:30 so Ma-thi-ơ 27:50; Mác 15:37; Lu-ca 23:46).
       2. Thần linh và trí khôn.-- "Thần linh" người, trong Tân Ước có ý chỉ về nguyên lý của sự sống (principe de vie) trong trí khôn, như trong Cựu Ước cũng có: "Có thần linh ở trong loài người, và hơi thở của Ðấng Toàn năng cho chúng sự khôn sáng" (Gióp 32:8). Có khi có ý mờ mờ về tánh nết, như trong Lu-ca 1:17 chép rằng Giăng "sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa," hay là như trong Ma-thi-ơ 5:3, "Phước cho những kẻ có lòng khó khăn" (pneuma), so với Lu-ca 6:20, "Phước cho các ngươi nghèo khó." Chắc Ma-thi-ơ 5:3 thêm "có lòng" để chỉ rõ có nói về phần thuộc linh và luân lý hơn là về phần vật chất trong xã hội. Họ "có lòng khó khăn" vì biết cần Chúa giúp, và chỉ Chúa giúp được mà thôi.
       Vậy, dùng thần linh như thế, thì chỉ về phần bề trong như so sánh với phần bề ngoài của người (so với I Phi-e-rơ 3:4). Hiện nay, khi nói cách chung, người có thân thể và trí khôn, thì có ý nói người có hai phần: bề ngoài có hình thấy được, bề trong vô hình không thấy được. Theo Kinh Thánh thì nói người có thân thể và hồn, hay là có xác thịt và thần linh. Ở đây, hồn và thần linh dùng lẫn với nhau để tỏ ý chung về trí khôn. Ấy vì dường như ý khác nhau ít lắm, nên có thể dùng chỉ về tánh thuộc linh bề trong của người so sánh với thân thể vật chất bề ngoài. Vậy, Chúa Jêsus phán về người có thân thể và linh hồn (Ma-thi-ơ 10:28), hay là xác thịt và tâm thần (Ma-thi-ơ 26:41). Vả lại, không cần phải nói đến thân thể song cứ dùng hồn và thần linh chỉ về sự sống bề trong. So Giăng 12:27 với 13:21, và xem Lu-ca 1:47 với Phi-líp 1:27 thấy dùng tâm thần và linh hồn lẫn với nhau. Cựu Ước có nhiều câu cũng thế để tỏ ra tánh bề trong của người.
       Song khi Tân Ước dùng thần linh (pneuma) để tỏ ra những công việc và quyền phép của trí khôn người, thì có ý cao thượng hơn linh hồn. Hồn trong Tân Ước, trừ ra sự sống thân thể, chỉ về phần cảm biết và ước ao của người. Thần linh trong Tân Ước có ý rộng hơn hồn, và gồm lại mọi cơn cảm giác. Tâm lý học hiện nay phân tách mọi trạng thái của trí khôn, tức là cảm biết, suy nghĩ và ước muốn. Tùy theo lối dùng trong Tân Ước, hồn chỉ về cảm biết mà thôi, nhưng mà thần linh gồm lại mỗi một và cả ba nữa.
       Nên chú ý, Phao-lô chẳng hề nói về thân thể và linh hồn, song nói "lòng" hay là "tâm thần" chỉ về sự sống bề trong của người so với sự sống bề ngoài, như I Cô-rinh-tô 5:3 và Cô-lô-se 2:5 chỉ có một lần nói về người có tâm thần, linh hồn và thân thể. Xác thịt và linh hồn là cả người trong I Cô-rinh-tô 5:5 và II Cô-rinh-tô 7:1; và thân thể và thần linh trong Rô-ma 8:10 và I Cô-rinh-tô 7:34.
       Vả lại, khi thần linh chỉ về sự cảm biết của trí khôn người, thì không gồm lại những sự ham muốn hèn hạ, chỉ gồm lại những sự cảm biết cao thượng mà thôi, như trong Mác 8:12; Giăng 11:33 với những sự cảm biết vui vẻ (Lu-ca 1:46), sốt sắng (Công vụ các sứ đồ 18:25; Rô-ma 12:11), và dịu dàng (I Phi-e-rơ 3:4). Ngoài những sự cảm biết đó, thần linh có thể thấy (Mác 2:8), muốn (Ma-thi-ơ 26:41; Mác 14:38), và quyết định (Công vụ các sứ đồ 19:21; 20:22).
       Cuối cùng, bởi thần linh mà người "biết những sự trong lòng mình" (I Cô-rinh-tô 2:11). Bởi vậy, người ta thường gọi thần linh người là trí khôn người về mặt cảm biết, trí thức và ước muốn. Thật ra, bởi thần linh đó mà người mới biết những sự trong lòng mình, và biết mình từng trải những sự đó nữa. Bởi linh hồn, người thấy những sự về mình cách mờ mờ, song bởi thần linh, người hiểu biết mọi sự đó cách trọn vẹn. Ấy là công việc cốt yếu và quan hệ hơn hết về nhân cách người.
       3. Thần linh và Ðức Chúa Trời.-- Việc cao thượng nhứt của thần linh người chép trong Tân Ước về phần thuộc linh là sự giao thông với Ðức Chúa Trời. Ấy giống như việc cao thượng nhứt của linh hồn. Song Cremer cứ phân biệt hồn là chủ động (sujet) của sự sống, và thần linh là nguyên tắc (principe) của sự sống. Người có thần linh là vì Thần Ðức Chúa Trời hà hơi vào: "Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần" (Giăng 3:6). Vì thần linh người hiệp một với Thần Chúa như thế, người mới có thể thờ lạy Ngài, như Chúa Jêsus phán: "Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần mà thờ lạy" (Giăng 4:24). Thần linh là cơ quan của sự vui thuộc linh (Lu-ca 1:47); và lời sống và linh nghiệm Chúa có thể thấu vào được (Hê-bơ-rơ 4:12). Vì Chúa ban nguyên tắc đó cho, nên Gia-cơ 4:5 chép: "Ðức Thánh Linh mà Ðức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta." Laidlaw viết: "Tâm thần mà Chúa ban cho, ấy là nguyên tắc của đời sống người về phần thân thể, trí khôn và thuộc linh."
       Thần linh người không phải là thể chất, có thể ở riêng ngoài thân thể, như Chúa làm chứng: "Thần thì không có thịt xương" (Lu-ca 24:39). Người chết thì thần linh lìa xác, như Ê-tiên cầu Chúa: "Xin tiếp lấy linh hồn (pneuma) tôi" (Công vụ các sứ đồ 7:59); và đời sau gọi là linh hồn (I Phi-e-rơ 3:9; 4:6, nguyên văn: pneumasi), và ở trên trời cũng gọi là linh hồn nữa (Hê-bơ-rơ 12:23, nguyên văn: pneumasi). Bởi thế, đủ biết dầu tín đồ chết, song linh hồn (pneuma) cứ giao thông với Chúa.
       Phao-lô thêm ý rất quan hệ, vì phần rất nhiều lần ông chỉ dùng thần linh về người tái sanh trong Ðấng Christ. Ấy vì trong người tái sanh, linh hồn và Thần Chúa quan thiệp nhau cách thân mật đến nỗi Ðức Thánh Linh là rất quan hệ cho "ai ở trong Ðấng Christ... là người dựng nên mới" (II Cô-rinh-tô 5:17). Chính Thần Chúa đến ngự trong người tái sanh, cảm động linh hồn để cai trị người, nên Phao-lô thường so sánh Ðức Thánh Linh trong người với xác thịt người. Vậy, ngoài sự cảm động của Ðức Thánh Linh, thần linh không có gì khác, và linh hồn người như lỗ tai trong một thế giới không có tiếng gì. Bởi thế, thật là chính Ðức Chúa Trời để sự thánh khiết vào trong người thay vì tội lỗi. Xin xem Rô-ma 7:14,25; 8:9 thì biết việc Ðức Thánh Linh làm cho người để cho được "buông tha khỏi luật pháp của sự tội và sự chết." Thần linh người nào nhờ Thần Chúa dẫn dắt, mới có thể nhận biết mình là thuộc về Chúa (Rô-ma 8:14,16; Ga-la-ti 4:6), và người tái sanh đó mới biết chính mình là người thế nào. Từ đó trở đi, thần linh là cơ quan người để hầu việc Ðức Chúa Trời (Rô-ma 1:9; 7:6). Trong sự thờ Chúa, thần linh có thể trổi hơn mọi sự người tự mình có thể biết, nhứt là về sự cầu nguyện và khợi khen (I Cô-rinh-tô 14:14,15). Trong Hội Thánh, thần linh có thể được tươi mới và được bổ sức bởi tình yêu thương giữa anh em (I Cô-rinh-tô 16:18; II Cô-rinh-tô 7:13), và bởi thần linh, tín đồ nhận lấy mọi ơn điển của Chúa (Ga-la-ti 6:18; I Phi-e-rơ 4:23; Phi-lê-môn 25; II Ti-mô-thê 4:22), Vậy, bởi những sự thần linh nhờ Ðức Thánh Linh làm đó, theo Tân Ước thì đủ biết công việc của thần linh trổi hơn công việc của hồn biết bao!
       4. Hồn và thần linh.-- Như trước đã tỏ ra, khi vâng phục Chúa hoàn toàn, thần linh trở nên cơ quan cho người giao thông với Chúa, và Ðức Thánh Linh hành động tại đó như nguyên tắc mới của sự sống trong người tái sanh đó để làm việc công bình và thờ phượng Chúa. Người sống theo thần linh như thế, Phao-lô gọi là người "có tánh thuộc linh" (pneumatikós, tức về thần), và so sánh với người "có tánh xác thịt" (psychikós, tức về hồn). Phao-lô nói: người có tánh xác thịt "không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thuộc linh" (I Cô-rinh-tô 2:14). Trái lại, Phao-lô chép: "Người có tánh thuộc linh (pneumatikós) xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán" (I Cô-rinh-tô 2:15). Phao-lô lại chép về sự chết và sự sống lại: thân thể "đã gieo ra là thể huyết khí (psychikón, tức hồn), mà sống lại là thể thuộc linh (pneumatikón, tức về thần linh)... Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống" (I Cô-rinh-tô 15:44,45).
       Trong hai câu kể trên, Phao-lô không có ý nói hồn và thần linh là hai phần biệt riêng ra trong người hoặc hai phần biệt riêng của bổn tánh người; song cả hai trong người có sự giao tiếp khác nhau. Lúc người sanh ra thì có hồn; lúc tái sanh, nhờ quyền phép cao cả ngự vào đó, thì hồn được thêm sự sống đầy dẫy hơn, giàu có của Ðức Thánh Linh, thì gọi là thần linh. Theo Phao-lô hồn là tánh xác thịt bởi tội lỗi, thần linh là thánh thuộc linh bởi Ðức Thánh Linh ngự trong và ban các ân tứ cho. Vậy, người vốn là một hồn sống, khi tái sanh có thể được đầy tràn sự sống giàu có của Ðức Thánh Linh. Theo Tân Ước, hồn là một đời sống hiệp với xác thịt và thế gian xung quanh; nhưng thần linh là một đời sống hiệp theo Chúa và sự sống trên trời, hay là như Giăng chép: Sự sống đời đời.
       Hiệp với ý hồn là sự sống theo xác thịt và thần linh là sự sống của Chúa ban cho, ta có thể hiểu rõ hơn Gia-cơ 3:15 chép: "sự khôn ngoan thuộc về đất, về xác thịt (nguyên văn psychiké, tức về hồn), và về ma quỉ," so với "sự khôn ngoan từ trên trời xuống." Giu-đe 19 quở trách nặng "kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt (nguyên văn: psychikói, tức về hồn) và không có Ðức Thánh Linh."
       Khi hiểu rõ nghĩa các câu kể trên, vấn đề Kinh Thánh chia người có ba hay hai phần và tâm lý học Kinh Thánh dạy như thế nữa, ấy không có quan hệ mấy nữa. Có mấy tổ phụ Hội Thánh đầu tiên chịu cảm động bởi triết học của Platon và phái Stoicisme (trên chữ i thứ nhất có hai dấu chấm), nên hết sức thử tìm trong Kinh Thánh lẽ đạo chứng rằng người chia làm ba phần, song chỉ dẫn mình đến nơi lẫn lộn hơn đến nỗi phải bỏ đi. Hiện nay cũng có nhà thần đạo viện đủ cớ để quyết định người chia làm ba phần: "thân thể, hồn và thần linh." Song Bác sĩ Beck viết: "Kinh Thánh có chép về thân thể, hồn và thần linh... ba khác nhau: hồn cho thân và hồn hiệp nhau; hồn có thần linh ở trong và ở trên, song vì liên lạc với hồn thì thần linh không có độc lập riêng." Bác sĩ Delitzsch viết: "Có khi dường như Kinh Thánh chia người làm hai phần, có khi ba phần, nên không dám quyết định được." Song giám mục Ellicott giải nghĩa I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 rằng: "Phao-lô cầu mỗi một trong ba phần đó được giữ vẹn đến khi Chúa tái lâm, và mỗi phần độc lập riêng được giữ trọn vẹn và đầy đủ." Ý Phao-lô chắc là người chỉ có hai phần, vì hồn và thần linh là hai mặt của tánh nết trong người. Chỉ có Hê-bơ-rơ 4:12, dường như dạy người có ba phần nữa nhưng mà nên chú ý, vì không chia giữa hồn và linh, song thấu vào bên trong của hồn và bên trong của linh; không phải hai lưỡi gươm phân rẽ ra làm hai, song chỉ về quyền phép phân chia những phần tử nói đến.
       Người có hồn, các thiên sứ và Ðức Chúa Trời không có; ấy vì Chúa là Thần, và các thiên sứ là các thần. Người có thần linh. Bởi thân thể mình, người liên lạc với đất dưới mình, vì là bụi đất. Bởi hồn mình, người quan thiệp với các thú vật mà mình đứng làm đầu, và với người xung quanh mình. Bởi thần linh mình, người được hiểu biết những sự thật về chính mình, quan thiệp với các thiên sứ ở trên mình, và với Ðức Chúa Trời là Ðấng Cao cả. Trong hồn người nghe tiếng cám dỗ của thế gian, thú vật và đồng loại,--có khi cũng được nghe tiếng Chúa nữa. Song bởi thần linh người có thể nghe và trả lời trực tiếp tiếng của Thần Chúa gọi mình trở n?ên con của Ðức Chúa Trời để giao thông với Ngài mà được sự sống đời đời. Xưa, bố vi chung quanh hội mạc Y-sơ-ra-ên làm thí dụ về xác thịt, chính hội mạc với nơi thánh và nơi chí thánh làm thí dụ về hồn và thần linh, ấy vì cớ nơi chí thánh có sự hiện diện Chúa và mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm vào đó để giao thông với Ngài. Hiện nay, Ðấng Christ phán: "Hãy theo Ta" vào trong nơi chí thánh đó. Ấy là tiếng của Ðức Thánh Linh thử thách hồn trong người phải tự biết mình là thần linh và tìm nguồn của sự sống và sự, yêu thương, lẽ thật và quyền năng trong Ðức Chúa Trời là từ Ðấng đó mình đến và mình cần phải về.
       Phỏng theo M.S. FLETCHER, M.A. (Sydney), B. Litt (Oxon).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 như sau nầy:
       Người có ba phần. Hồn và thần linh không phải là một, ấy vì cớ có thể chia được (Hê-bơ-rơ 4:12), và hồn với thần linh được phân biệt rõ ràng trong sự chôn và sự sống lại của thân thể "...gieo ra là thể huyết khí (soma psuchikon tức thể có hồn), mà sống lại là thể "thuộc linh" (soma pneumatikon tức thể có thần linh). I Cô-rinh-tô 15:44. Vậy, khi nói hồn và thần linh không khác nhau thì như là nói thân thể hay chết và thân thể sống lại cũng không khác nhau. Trong Kinh Thánh có thể thấy sự khác nhau giữa thần linh và hồn. Kết luận, sự phân biệt đó bởi thần linh là phần người "biết" (I Cô-rinh-tô 2:11), tức là trí người; hồn là nơi của những tình thương, ước ao, bởi thế cũng là nơi của những tình cảm, và ý muốn hoạt động, tức là bản ngã. "Linh hồn ta buồn bực" (Ma-thi-ơ 26:38; cũng xem Ma-thi-ơ 11:19; và Giăng 12:27 nguyên văn là psyché: hồn).
       Chữ dịch hồn trong Cựu Ước (nephesh) đúng với chữ Hy-lạp dùng trong Tân Ước (psyché), và cách dùng hồn trong Cựu Ước cũng đúng như trong Tân Ước. Xem Phục truyền luật lệ ký 6:5; 14:26; I Sa-mu-ên 18:1; 20:4,17; Gióp 7:11,15; 14:22; Thi Thiên 42:6; 84:2. Chữ thần linh trong Tân Ước là pneuma giống chữ ruach trong Cựu Ước nghĩa là "không khí," "hơi thở" "gió" nhứt là "thần" hoặc của Chúa (Sáng thế ký 1:2; Ma-thi-ơ 3:16), hoặc của người (Sáng thế ký 41:8; I Cô-rinh-tô 5:5). Vì người là thần linh nên có thể hiểu biết về Chúa, và thông công với Ngài (Gióp 32:8; Thi Thiên 18:28; Châm Ngôn 20:27); vì người là hồn nên có thể tự biết mình (Thi Thiên 13:2; 42:5,6,11); vì người là thân thể nên, nhờ những giác quan, có thể biết thế gian (Sáng thế ký 1:26).
       Cũng có chú thích Sáng thế ký 1:26 như sau nầy:
       Người được dựng nên theo ảnh tượng của Ðức Chúa Trời. Hình ảnh nầy thấy rõ trong ba phần hợp một của loài người, và trong bản tánh đạo đức. Người có tâm thần, linh hồn và thân thể (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).Thần linh là một phần của người để "biết" (I Cô-rinh-tô 2:11), liên lạc người với cuộc tạo thành thuộc linh và cho người hiểu biết Ðức Chúa Trời. Linh hồn chỉ để biết sự sống của bản ngã, như phân biệt với thảo mộc là loài không có sự sống hiểu biết. Như vậy, súc vật cũng có hồn (Sáng thế ký 1:24). Song hồn của người có một thể yếu rộng hơn của loài vật. Hồn người là nơi của tình cảm, ước ao và tình thương (Thi Thiên 42:1-6). Lòng là tiếng Kinh Thánh dùng gần đồng nghĩa với hồn. Vì người tự nhiên là người theo phần hồn; hồn thường chỉ về một cá nhơn (Sáng thế ký 12:5). Thân thể biệt ra khỏi hồn và thần linh thì chết, song vẫn cứ là một phần của người, như sự sống lại chỉ rõ (Giăng 5:28,29; I Cô-rinh-tô 15:47-50; Khải Huyền 20:11-13). Ấy là nơi của những giác quan (tức những cách thần linh và hồn nhờ đó mà biết được thế gian), và là bản tánh sa ngã của A-đam (Rô-ma 7:23,24).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.