Thần quyền. Théocratie.

        



      Josèphe khởi dùng chữ thần quyền để mô tả chính phủ thiết lập tại núi Si-na-i. "Ðấng lập pháp của chúng ta... truyền lịnh cho chính phủ chúng ta trở nên điều mà tôi có thể gọi bằng một danh từ sát nghĩa là thần quyền, vì xưng nhận quyền thế và phép tắc là thuộc Ðức Chúa Trời." Giê-hô-va là Ðầu của dân tộc, ngự ở giữa các chê-ru-bin (Xuất Ê-díp-tô ký 25:22). Hết thảy quyền phép của quốc gia: lập pháp, hành chính, tư pháp đều hiệp lại trong Ngài. Như Ðấng lập pháp, Ngài công bố luật nền tảng quốc gia cho Hội chúng nghe. Sau sự tỏ mình cách trực tiếp đó cho dân tộc, Ngài hành chức của chính phủ phần rất nhiều bởi những người Ngài đã dấy lên. Giống như mọi quan trưởng, Ngài ủy nhiệm chức vụ tư pháp cho hầu hết các quan xét, chỉ những vấn đề rất khó mới nhờ cậy đến Ðức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô ký 18:19). Về chức vụ lập pháp thì Ngài làm bởi Môi-se và các đấng tiên tri (Phục truyền luật lệ ký 18:15-19). Sự lập pháp là từng hồi, từng lúc; toàn thể luật pháp đã ban cho là một bộ luật đủ, và hiếm khi cần sửa đổi hoặc mở rộng. Những chức phận thông thường giống thế được thi hành trong nhiều năm bởi các lãnh tụ, gọi là quan xét, là những người thỉnh thoảng Chúa đã dấy lên, và được công nhận bởi những việc lớn lao đã làm bởi tay họ, để làm vững sự tin cậy của dân chúng và trở nên người cầm đầu trong các việc quốc gia.
       Thần quyền được đề xướng bởi Ðức Chúa Trời tại núi Si-na-i có điều kiện là phải vâng phục (Xuất Ê-díp-tô ký 19:4-9). Những đề nghị được nhận bởi các trưởng lão của dân sự (câu 7,8). Mười điều răn hợp thành nền tảng của giao ước được công bố bởi chính Ðức Giê-hô-va bằng cách cho cả dân sự có thể nghe (Xuất Ê-díp-tô ký 20:1,19,22; Phục truyền luật lệ ký 4:12,33,36; 5:4,22), hầu cho họ có thể tin được (Xuất Ê-díp-tô ký 19:9). Vì dân sự xin, các phần luật pháp còn lại, là ứng dụng thực hành và giải nghĩa mười điều răn, không được phán trực tiếp với họ, song bởi Môi-se (20:18-21). Kế đến giao ước được công nhận. Môi-se viết mọi lời của Chúa, lập một bàn thờ và mười hai cột trụ, truyền dâng hy sinh, và rảy nửa phần huyết trên bàn thờ. Môi-se đọc sách của giao ước trong chỗ dân sự nhóm lại nghe, và khi nhận cách đúng phép, thì rảy phần huyết còn lại trên dân sự, nói rằng: "Ðây là huyết của giao ước Ðức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi y theo mọi lời nầy" (24:3-8). Thần quyền được lập như vậy.
       Sách nầy của giao ước gồm có hiến pháp và các luật sớm nhứt của Y-sơ-ra-ên. Mười điều răn họp lại thành luật nền tảng của quốc gia. Theo lối suy tưởng và danh từ đời nay, thì đáng gọi là hiến pháp; theo ý của người Hê-bơ-rơ mười điều răn thật là một giao ước giữa Ðức Chúa Trời và dân sự. Có một hòa ước, không phải giữa nhiều hội chúng, song giữa hội chúng và Ðức Chúa Trời. Ðã là luật căn bản, thì mười điều răn được khắc trên đá và để trong hòm giao ước; và gọi là giao ước (Phục truyền luật lệ ký 4:13; 9:9,11; I Các vua 8:9-21; cũng xem Dân số ký 10:33; Các quan xét 20:27; I Sa-mu-ên 4:3), hoặc lời chứng (Xuất Ê-díp-tô ký 31:18; 32:15,v.v.). Những luật theo sau mười điều răn là những phần nhỏ phụ hoặc điều lệ. Những điều lệ đó là hiến pháp, không gồm có nguyên tắc nào trái với luật pháp đã tổ chức của quốc gia; cốt để giải nghĩa, vì là ứng dụng những lẽ đạo về hiến pháp đối với những việc hằng ngày; là tạm thời, vì có thể hủy bỏ, sửa lại, hoặc thêm lên để hợp với những địa vị mới và sự cần dùng riêng cho mỗi đời. Những điều lệ đó trình ra theo hình thức một bộ luật, không phải là tập sưu tầm những điều lệ rời rạc, song đã được sắp đặt thứ tự hẳn hoi. 
       (1) Luật về lối thờ phượng (Xuất Ê-díp-tô ký 20:23-26). 
       (2) Luật binh vực quyền lợi của người:
             a) bảo vệ tự do (21:2-11) 
             b) Về sự làm hại cho nhân dân (12-36). 
             c) Về những quyền thuộc tài sản (22:1-17). 
       (3) Luật về sự cai trị hành vi riêng (22:18-23:9). 
       (4) Luật về những mùa thánh và dâng của lễ (10-19). 
       (5) Lời hứa phụ thêm (20-33).
       Khi lập chính phủ thần quyền tại núi Si-na-i, ý dân sự chỉ là Ðức Chúa Trời là Ðấng cai trị, và Môi-se là người đại diện Ngài được công nhận, bởi người Chúa hành quyền lập pháp, tư pháp, và hành chính. Môi-se đã có các quan xét phụ giúp đỡ (Xuất Ê-díp-tô ký 18:21-26), và cuối thời kỳ ở đồng vắng có lời hứa về sự lập pháp tương lai được ban cho, ấy là sự khải thị tiếp tục của ý muốn Ðức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 18:15-19). Môi-se cũng trông đợi Ðức Chúa Trời sẽ chỉ định những lãnh tụ kế tiếp mình, và cuối cùng, vì cớ dân thiếu đức tin, thì sẽ cần lập một vua như là đại biểu hữu hình trên đất giữ quyền hành chính khi dân sự đã ăn ở trong xứ Pha-lê-tin. Bởi đó, một luật chung về vua được thảo ra (27:14-20).
       Sự bền vững của quốc gia dưới hình thức chính phủ thần quyền là nhờ trước hết và sau hết ở sự trung tín của Ðức Chúa Trời, và lời hứa Ngài; song sự thành công của thần quyền trong bất cứ thời kỳ nào, phải nhờ thái độ của dân sự đối với Ðức Chúa Trời và những sự chuẩn bị của giao ước. Ðiều cốt yếu là dân phải vâng phục và nhờ cậy Ðức Chúa Trời. Thần quyền căn cứ vào ý Y-sơ-ra-ên như một hội chúng, và nên chú ý sự yếu đuối của dây liên hiệp Y-sơ-ra-ên thành một hội chúng. Y-sơ-ra-ên được chia làm 12 chi phái, liên lạc bởi huyết thống chung, và tiếng chung, bởi sự khổ sở chung, và sự cần dùng chung. Y-sơ-ra-ên cứ liên lạc theo đuổi mục đích lớn bởi sự hăng hái và trông đợi mà một người đã tỉnh ngộ, bởi hy vọng tự do và được xứ, bởi lời hứa và chứng cớ Ðức Chúa Trời bảo hộ. Bởi sự tiền định Chúa, Y-sơ-ra-ên hiệp một. Hết thảy những phần tử hợp nhứt đó, trừ phần tử cuối cùng, là yếu đuối, nên dây liên lạc dễ và bị đứt đoạn luôn luôn. Thiếu sức mạnh của sự đoàn kết là một sự ngăn trở thần quyền mà cả đến nền quân chủ lập nên cũng không gây dựng được.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về thần quyền như sau nầy:
       E-xơ-ra 6:14.-- Sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va lại được lập như vậy trong Giê-ru-sa-lem song thần quyền không được lập lại. Dân sót từ sự phu tù tại Ba-by-lôn trở về, sống ở trong xứ bởi dân ngoại cho phép; dầu chắc bởi sự săn sóc lo liệu trước của Ðức Giê-hô-va cho đến khi Ðấng Mê-si đã đến và bị đóng đinh bởi lính của cường quốc thứ tư trên thế gian (La-mã, Ða-ni-ên 2:40; 7:7). Khỏi ít lâu (70 S.C.) La-mã hủy diệt thành và đền thờ. Xem "thời kỳ dân ngoại" (Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.