Thành ẩn náu. Ville de refuge.

       



      Vị trí.-- Có sáu thành ẩn náu cốt để che chở cho người vô ý phạm tội sát nhơn bị kẻ báo thù huyết đuổi theo (Dân số ký 35:9-14; Xuất Ê-díp-tô ký 21:13). Môi-se chỉ định ba thành ở phía Ðông sông Giô-đanh; Bết-se trong địa phận của Ru-bên, Ra-mốt tại xứ Ga-la-át trong địa phận của Gát, và Gô-lan trong Ba-san thuộc chi phái Ma-na-se (Phục truyền luật lệ ký 4:41-43). Sau sự chinh phục xứ Ca-na-an, Giô-suê và các người cầm đầu của chi phái chỉ định ba thành ở phía Tây sông để riêng Kê-đe trong địa phạn Nép-ta-li, Si-chem trên núi Ép-ra-im, và Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn trong miền núi Giu-đa (Giô-suê 20:7). Không có phần nào trong xứ Pha-lê-tin xa thành ẩn náu.
       Mục đích.-- Từ thời rất cổ ở phương Ðông, nếu một người bị giết, thì sự báo thù cho người bị giết là một phận sự thánh của người bà con gần hơn hết. Trong các miền mà những địa vị cổ tục hơn, cả cho đến ngày nay, sự phân biệt giữa tội vô ý hoặc cố ý sát nhơn không phân biệt cách nghiêm nhặt, và người ta thường lấy sự sát nhơn giả tử mà báo lại những tai nạn thật vô cố xảy ra. Muốn ngăn trở một sự như vậy, và muốn chuẩn bị một sự cai trị đúng mực của công lý, những thành nầy được lập nên. Có những đường cái mở rộng để cho người sát nhơn không bị ngăn trở trong khi chạy đến cửa thành ẩn náu.
       Ðiều lệ.-- Người sát nhơn chạy đến thành nào gần nhứt. Người đó có thể bị đuổi kịp trên đường và bị kẻ báo thù huyết giết đi; song nếu đã vào trong thành ẩn náu thì được nhận vào, và được tra xét cách ngay thẳng. Nếu phạm tội cố sát, thì người đó bị nộp cho kẻ báo thù huyết giết đi, và không có phép trả tiền đền tội (Dân số ký 35:32). Song nếu đã giết kẻ lân cận bởi tình cờ hoặc để tự binh vực, thì người đó được phép ở trong thành. Song nếu người đó bỏ thành trước khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời, thì tự mình chịu trách nhiệm. Khi thầy cả thượng phẩm qua đời thì có thể tự do về nhà, và được các nhà cầm quyền che chở (Dân số ký 35:; Phục truyền luật lệ ký 19:; Giô-suê 20:). Việc nầy vẫn ở giữa người và Ðức Chúa Trời, và nếu thầy tế lễ thượng phẩm là người thay mặt dân sự trước Ðức Chúa Trời qua đời thì kết liễu một đời thuộc thần quyền (so sự buông tha trong năm hân hỉ).
       Dường như một quyền ẩn náu tương tự đó được công nhận trong Y-sơ-ra-ên như quan thiệp với bàn thờ của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem (I Các vua 1:50; 2:28; so Xuất Ê-díp-tô ký 21:12). Ðiều đó có thể so sánh với quyền trú ẩn quan thiệp với đền thờ của dân ngoại.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.