Thành Ni-ni-ve. Ninive.

       


      Là Kinh đô của đế quốc A-sy-ri xưa. Dường như tên Ni-ni-ve gồm một phần chỉ vị thần A-sy-ri "Nin", người ta đoán là thần Hy-lạp, Hercule, cũng thấy trong nhiều tên vua A-sy-ri như Ninus, người sáng lập thành nầy theo lời truyền khẩu Hy-lạp.
       I. Lịch sử.-- Ni-ni-ve được chép lần thứ nhất trong Cựu Ước có liên lạc đến căn nguyên dòng giống loài người tan lạc và di cư. A-su-rơ, cũng gọi bằng Nim-rốt (Sáng thế ký 10:11), là người đã mở rộng thành mình từ đồng bằng Si-nê-a hay Ba-by-lôn về phía nam, cho đến A-sy-ri phía Bắc, và lập 4 thành phố, mà một danh tiếng nhất là Ni-ni-ve. Vì cớ đó, sau người Do-thái gọi A-sy-ri là "xứ của Nim-rốt" (so Mi-chê 5:5), và người ta tin rằng trước nhất có một nhóm người từ Ba-by-lôn đến ở. Trong Cựu Ước, nước và dân A-sy-ri quan thiệp đến người Do-thái từ hồi rất sớm, như trong Dân số ký 24:22,24 và Thi Thiên 83:8. Song sau khi nói đến sự lập Ni-ni-ve trong Sáng thế ký thì không còn nói cho đến sách Giô-na, chừng thế kỷ thứ VIII T.C.. Trong sách Giô-na không nói đến xứ và dân A-sy-ri; vua mà tiên tri được sai đến gọi là "vua Ni-ni-ve", và những bộ hạ gọi là "dân thành Ni-ni-ve". A-sy-ri thứ nhứt gọi là một nước trong đời Mê-na-hem, chừng 770 T.C.. Na-hum (645 T.C), nói tiên tri nghịch cùng Ni-ni-ve ; chỉ một lần nghịch cùng vua A-sy-ri (3:18). Trong II Các vua 19:36; Ê-sai 37:37, thành trước nhứt được phân biệt làm nơi hoàng đế ngự. Sanh-chê-ríp bị giết trong đền của thần mình là Nít-róc thờ phượng. Sô-phô-ni chừng 630 T.C., gồm cả thành và nước làm một (2:13); và đây là lần cuối cùng nói đến Ni-ni-ve là một thành còn tồn tại.
       Sự hủy phá Ni-ni-ve chừng vào 606 T.C; thành bị bỏ hoang, các đài kỷ niệm bị tiêu hủy, còn dân cư tan lạc và bị bắt làm phu tù. Ni-ni-ve chẳng bao giờ còn dấy lên lần thứ hai. Những sách sử ký ngoài làm chứng đầy đủ về sự Ni-ni-ve hoàn toàn biến mất. Sử gia Hérodotus nói về Tigre là sông xưa có thành Ni-ni-ve ở trên bờ. Những sử gia của Alexandre, trừ Arrian, không nói đến thành dầu vua chinh phục đó đã đi qua nơi đổ nát đó. Chắc các văn sĩ Hy-lạp và La-mã sau, như Strabo, Ptolémée và Pliny, chỉ góp nhặt sự hiểu biết độc lập về Nê-hê-mi từ những lời truyền khẩu không bằng chứng.
       Lịch sử chính trị của Ni-ni-ve là của A-sy-ri. Xem bài A-sy-ri.
       II. Chứng cớ khảo cổ.-- Trước chưa có những cuộc đào bới và tìm tòi, những chỗ hoang tàn mà người ta đoán đã che lấp thành Ni-ni-ve chỉ là những đống hoặc gò đất hoặc rác. Trái với những tảng gạch lớn xây lên làm dấu nơi thành Ba-by-lôn xưa, nhưng chỗ đó bề ngoài không tỏ dấu xây cất bởi tay người, chỉ trừ đây đó có những vết tích một tường xấu xí bằng gạch nung dưới mặt trời. Vài đống nầy có những bề rất to lớn , nhìn xa giống những gò cao thiên nhiên hơn là công việc bởi tay người. Những đống đó rất khác nhau về hình thể, diện tích và bề cao. Có đống giống hình cái nón, cao từ 15 đến 45 thước, đống khác có ngọn bằng phẳng và dốc đâm thẳng xuống, có những khe sâu thành những luống chứa đầy nước mùa đông. Những gò như vậy rất nhiều tại miền đông sông Tigre, tại đó xưa xây Ni-ni-ve, vài đống chắc là di tích của kinh đô A-sy-ri. Chỉ có một sự khó là chỉ rõ những nơi đổ nát nào còn ở trong địa phận thành xưa.
       Những di tích chính là:
       1. Những đống đối ngang Mosul, gồm có gò Kouyunijik và Nebbi Yunus.
       2. Những đống gần nơi hai sông Tigre và Zab hiệp lại, gồm hai đống Nimroud và Athur.
       3. Khorsabak, chừng 16 cây số về phía Ðông sông Tigre.
       4. Shereef Khan, chừng 8 cây số về phía Bắc Kouyunjik.
       5. Selamiyah, chừng 5 cây số phía Bắc Nimroud.
       Xin tả khu quan hệ nhứt. Những đống đổ nát đối ngang Mosul là nơi có những đống xung quanh giống như một đê rất rộng, song chứng tỏ dấu những phần tường còn lại, mặt Tây thì ngắt quãng bởi gò lớn Kouyunjik và Nebbi Yunus. Ở phía Ðông nơi đó còn có những phần các đồn lũy, rất nhiều hố và các tường thành. Tường bên trong có hình chữ nhựt không đều nhau, chu vi tổng cộng chừng 12 cây số. Bề cao hiện nay của tường đất đó là từ 12 đến 15 thước. Nimroud là một khu cũng giống như thế, song thành lũy để phòng thủ thì rất kém so với Kouyunjik. Các tháp canh giữ xưa nay còn chừng 108 cái ở phía Bắc và phương Ðông. Diện tích Nimroud chừng 405 mẫu (hectares). Phía Bắc và phía Ðông có những hồ để phòng thủ, phía Tây và Nam có tường xây trên bờ sông. Mặt Tây nam có một đống chừng 24 mẫu, hình cái nón cao chừng 42 thước và vượt hẳn lên về góc Tây bắc. Mặt Ðông nam, có khu những đống cao mà người A-rạp gọi theo tên quan tướng của Nim-rốt là Athur (Sáng thế ký 10:11).
       Du khách thứ nhất là Rich, năm 1820, từ Bagdad đến các đống gọi là Kouyunjik, thì thấy thật là những di tích của Ni-ni-ve xưa. Năm 1843, Botta, lãnh sự Pháp tại Mosul, bắt đầu đào những đống để khảo cổ, tìm được nhiều tượng chạm nay để trong viện bảo tàng Louvre ở Paris; và năm 1845-50 có Layard khảo cổ cả Kouyunjik và Nimroud cách xa đó chừng 25 cây số về phía Nam.
       Gò Nimroud có nhiều di tích những tòa nhà xây cất vào các hồi khác nhau. Theo mẫu chung, và sự xây cất thì giống như các di tích ở Khorsabad, có nhiều nhà quán, phòng và hành lang có những tường với những vách đá hoa trắng khắc chữ, và có cửa thông qua các phòng; tại cửa thường có một đôi tượng bò đực hoặc sư tử đầu người có cánh. Mặt ngoài các dinh thự đó không thể tả vẽ được. Những tòa nhà của người A-sy-ri gần giống như kiểu chung, lối làm và lối trang hoàng, chỉ nói một lần thì đủ cho cả.
       Những nhà đều xây cất trên các gò bởi người ta đắp lên hoặc nền cao thấp khác nhau, thường từ 9 đến 15 thước cao hơn các miền chung quanh, và xây rất chắc chắn bằng những gạch nung dưới mặt trời. Nền bằng phẳng nầy có lẽ có những tường đá kê cho khỏi lở, vì còn nhiều mảnh tìm được tại Nimroud, và có những bậc đá rộng hay đường thoai thoải dẫn lên đỉnh. Dầu chỉ có một kiểu mẫu chung về nền dưới đất, chắc những tòa nhà có nhiều từng lầu cất bằng gỗ hoặc gạch nung dưới mặt trời, mà khi nhà bỏ hoang thì bị hư sập, dần dần lấp những phòng thấp và những nơi đổ nát, che phủ những vách tường khỏi nắng mưa. Vậy, những bảng đá hoa trắng có khi đất và rác lấp đến 6 thước. Chỉ vì bị vùi sâu như vậy mà những bức chạm nổi còn giữ được cách lạ lùng. Những phần các tòa nhà còn lại chỉ là những phòng, hành lang phần nhiều trông ra các sân lộ thiên. Tường phía trên những lớp đá trắng có trát và họa nhiều hình và nhiều đồ bài trí. Những bức chạm trừ những sư tử hoặc bò đực, đầu người có cánh, còn chạm nổi nữa. Những hình khổng lồ thường dùng để chỉ vua, những quan trong triều và các thần; những bức chạm nhỏ hơn hoặc phủ cả bề mặt, hoặc chia làm hai phần bởi những bảng khắc họa hình những chiến trận, vòng vây, săn bắn, người địch với thú dữ, lễ nghi tôn giáo, v.v... Hết thảy đều ngụ ý đến những biến động chung hoặc của quốc gia. Những quan cảnh săn bắn đều tỏ lòng dũng cảm và tài trí riêng của một vua là đầu dân sự, "thợ săn can đảm trước mặt Ðức Giê-hô-va". Những bức chạm dường như sơn, phần nhiều còn có màu trên. Trang hoàng như vậy, cả trong lẫn ngoài, những lâu đài A-sy-ri tỏ ra vẻ đẹp mọi rợ, song không mất sự lớn lao và tốt đẹp mà có lẽ cổ kim không nhà nào sánh kịp. Những dinh thự lớn như vậy, là nơi chứa những sách của quốc gia, dường như cũng là nơi vua ngự và đền thờ của các thần.
       III. Cảnh thành phố.-- Có nhiều quan niệm khác nhau về sự đoán đúng nơi nào thật còn trong phạm vi thành Ni-ni-ve xưa. Theo Sir Rawlinson và những người khác thì nói khu gò đã nói trên là một thành đặc biệt. Mặt khác, người ta đoán rất hợp lý rằng những khu gò đó không phải là thành riêng biệt, song là các thành lũy chỗ vua ngự. Mỗi nơi có lâu đài, đền thờ, vườn và công viên; và hết thảy hiệp lại làm một thành lớn xây cất và mỗi thời kỳ lại thêm lên, gồm có những khu rải rác trên một diện tích rất rộng và thường cách xa nhau. Vậy, Ni-ni-ve có thể sánh với Ða-mách, Ispahan và Delhi (Ấn Ðộ) ngày nay. Cũng bởi thế, những di tích còn lại hiệp với những bài mô tả Ni-ni-ve xưa. Như Ba-by-lôn, một vách tường tiếp nối nhau xung quanh gồm hết cả thành Ni-ni-ve.
       IV. Những lời tiên tri về Ni-ni-ve và những bức tranh tả trong Cựu-ước.Nhiều nhứt là chép trong hai sách Na-hum và Sô-phô-ni vì dầu Ê-sai có dự ngôn về sự đổ nát của đế quốc A-sy-ri (10: và 14:), song không nói đến kinh đô. Na-hum ngăm đe sự đổ nát hoàn toàn của cả thành phố, vậy nên không còn dấy lên nữa: "Ngài dùng nước lụt hủy diệt chỗ nó", "Ngài sẽ diệt hết cả, sẽ chẳng có tai nạn dấy lên lần thứ hai" (Na-hum 1:8,9). "Dân sự ngươi tan lạc các nơi núi, không ai nhóm họp chúng nó lại" (3:18,19). Có người tin "nước lụt" chỉ về thủy tai hủy diệt thành bởi nước sông Tigre dâng lên cách lạ lùng, sau đó bị nước tràn ngập bởi những quãng đê vỡ; người khác cho rằng ấy là một đạo binh lớn và tàn hại. Phần đông của các dinh thự bị khám phá là đã bị lửa hủy diệt, song không có phần tường nào hoặc của Nimroud hoặc của Kouyunjik tỏ ra đã phá sạch bởi nước sông. Ni-ni-ve giống như một "ao chứa nước" (Na-hum 2:8), và người ta đoán là chỉ về các hố hoặc đập mà miền lân cận thành Ni-ni-ve bị ngập lụt. Thành một phần bị lửa thiêu hủy: "Lửa đã thiêu nuốt những then ngươi", "Lửa sẽ thiêu ngươi" (Na-hum 3:13,15). Cửa thành phía Bắc của khu Kouyunjik có tường bao, bị lửa thiêu cả cung điện. Dân cư bị hại thình lình không phòng bị. "Vì chúng nó mê man như say rượu, thì sẽ bị thiêu hủy hết như rơm khô" (Na-hum 1:10). Sử gia Diodorus giải nghĩa rằng cuộc xông hãm cuối cùng xảy đến khi dân đang say rượu. Có lời dự ngôn về dân sự bị bắt làm phu tù đem tới những thành phương xa (Na-hum 3:18). Những đền đài bị phá hủy hết thần tượng: "Ta sẽ trừ tượng chạm và tượng đúc khỏi nhà các thần ngươi" (1:14) và thành bị tàn phá mọi của báu: "Hãy cướp bạc, cướp vàng, vì của báu nó vô ngần, mọi đồ đạc quí nhiều vô số" (2:9). Vì lâu đời nên những dinh thự bị lột mất những hình tượng. Chỉ một vài mảnh những kim khí quí được tìm thấy trong những đống hoang tàn. Ni-ni-ve sau khi bị đỗ nát thì "trống không và hủy hoại" (2:10). "Xảy có ai thấy ngươi thì sẽ lánh xa và nói rằng: Ni-ni-ve đã hoang vu" (Na-hum 3:7). Những lời đó tả tình hình hiện nay của thành Ni-ni-ve.
       Song, Sô-phô-ni tả vẽ bức tranh bằng văn thơ đầy đủ và linh động nhất về sự đổ nát của Ni-ni-ve, có lẽ tiên tri đã sống và thấy sự suy đồi của Ni-ni-ve (Sô-phô-ni 2:13-15). Những sông ngòi đã làm cho đất phì nhiêu nay đã cạn. Trừ khi đất được xanh tươi bởi mưa thuận , thì cảnh thành phố cùng các miền xung quanh trở nên khô khan và bỏ hoang.
       Có nhiều lời trong Cựu-ước ngụ ý đến cách ăn mặc, khí giới, chiến trận và phong tục dân thành Ni-ni-ve, cũng như của người Giu-đa, được cắt nghĩa trong các đài kỷ niệm của Ni-ni-ve. Như vậy, "thuẫn của những người mạnh là đỏ, những lính chiến nó mặc áo màu điều" (Na-hum 2:3). Những thuẫn và y phục của các chiến sĩ thường vẽ màu đỏ trên bức chạm. Những lời tiên tri mô tả sự xông hãm thành Ni-ni-ve trong Na-hum 3:1-3 được ứng nghiệm cách đặc biệt.
       Những gò đắp dựa vào những tường của một thành bị vây (Ê-sai 37:33; II Các vua 19:32; Giê-rê-mi 32:24; v.v...). "Máy phá thành" (Ê-xê-chi-ên 4:2), những thứ khí giới mão trụ, thuẫn, giáo và gươm dùng trong chiến trận khi vây thành, xe và ngựa (Na-hum 3:3) đều thấy trên những bức chạm nổi khác nhau. Cách bài trí bên trong lâu đài A-sy-ri là bởi Ê-xê-chi-ên, một người phu tù làm chứng bởi mắt trông thấy sự rực rỡ của Ni-ni-ve (Ê-xê-chi-ên 23:14-15); những bức chạm cũng mô tả các vua và các chiến sĩ A-sy-ri như vậy. Những hình mầu nhiệm mà tiên tri thấy trong dị tượng (Ê-xê-chi-ên 1:) hiệp một người, sư tử, bò, phụng hoàng có lẽ được gợi ý bởi những tượng đầu phụng hoàng,và tượng bò và sư tử đầu người, còn cái "vòng khung giải ra trên đầu các vật sống" chắc gợi ý bởi những cánh tròn và quả địa cầu thường vẽ trong các hình chạm nổi.
       V. Mỹ thuật.-- Căn nguyên mỹ thuật A-sy-ri là vấn đề nay còn có vẻ bí mật. Những người coi căn nguyên chính thể và văn minh người A-sy-ri là từ Ba-by-lôn đều cho mỹ thuật cũng từ xứ đó. Một đặc tính của khoa kiến trúc, là những nền bằng phẳng nhân tạo, dùng làm nền xây các tòa lâu đài quốc gia, có thể theo kiểu của dân ngụ ở nơi đất bằng phẳng, như ở đồng bằng Si-nê-a hơn là những xứ gập ghình như tại xứ A-sy-ri. Không nghệ thuật nào của người A-sy-ri được thấy sự tấn bộ. Trên các tượng cũng như trên tranh, nếu có cách so sánh thì cũng thấy nhiều điều đáng chú ý như ở Ai-cập xưa. Những công trình sớm nhất tỏ ra kết quả của một thời kỳ dài có sự mở mang lần lần, xét ra đối với người không thầy dạy thì sự tấn bộ phải trải qua nhiều năm. Những công trình đó phô trương bậc tốt đẹp nhứt mà người A-sy-ri đã đạt tới. Chỉ có một sự thay đổi như trong Ai-cập là: "suy đồi". Mỹ thuật người A-sy-ri nhứt là nghề kiến trúc, lan rộng các miền lân cận và thường giao thiệp với một dân trình độ thấp hơn. Dường như họ đã qua sông Ơ-phơ-rát chịu ít hay nhiều ảnh hưởng của những xứ đó và các xứ trên bờ Ðịa Trung Hải.
       Những bản khắc chữ A-sy-ri dường như chỉ một hồi rất sớm, xứ Giu-đê có nhờ người A-sy-ri. Từ những cảnh tả đền thờ và cung điện Sa-lô-môn (I Các vua 6:, 7:; II Sử ký 3:, 4:), dường như có sự giống nhau giữa những đền đài đó với lâu đài tại Ni-ni-ve, không bề ngoài thì chắc cũng bề trong. Những nhà của người Do-thái nhỏ hơn của A-sy-ri. Về mỹ thuật trong đền thờ, có tả cột trụ, biển đồng cùng các khí dụng bằng đồng và đồng bóng láng giống của người A-sy-ri. Ảnh hưởng của người A-sy-ri về phía đông rất lớn rất xa vào Châu Á. Những nghệ thuật giữa người A-sy-ri cùng các dân tộc văn minh sớm hơn thì dùng vào tôn giáo và quốc gia. Những hình đồ sộ tại cửa ra vào có vẻ bí mật tỏ những thuộc tánh của các thần. Tượng Người Bò Ðực và Người Sư Tử, người ta đoán là thần "Nin" và thần Nẹt-ganh coi sóc về chiến tranh và săn bắn; những hình đầu phượng hoàng và đầu cá là những hình trang hoàng khí dụng và làm các đồ thêu chỉ về thần Nít-róc và thần Ða-gôn. Các hình chạm nổi hầu hết tả công việc của vua là đầu dân sự trong chiến trận, cự địch thú dữ, lập đền thờ lớn cho các thần tỏ lòng sùng bái. Song không tìm được tượng nào tả đời riêng, trừ hai bức: người nướng bánh và người chăn ngựa. Chưa tìm ra dấu tích nghĩa địa họ, hoặc cách đối xử với người chết.
       VI. Chữ viết và tiếng nói.-- Những nơi đổ nát của Ni-ni-ve có nhiều bảng khắc trên đá cẩm thạch hoặc trên vách tường, phần thì in trên gạch hoặc trên các đống đất sét có 6 hay 8 cạnh, các thùng rượu, bàn con, v.v... làm khi còn ướt và nung trong lò (so Ê-xê-chi-ên 4:1). Những chữ dùng có hình đầu mũi tên hoặc gọi là cunéiforme, gọi như vậy vì mỗi chữ là dấu chỉ hình ngũ hành hoặc bằng đầu mũi tên hoặc cái chêm. Lối viết nầy có người tin gốc ở tại Turanian hoặc Si-then tràn qua các tỉnh trong A-sy-ri, Ba-by-lôn và phần lớn đế quốc Ba-tư, từ hồi rất cổ đã có một ít bản viết, hay ít ra cũng 20 thế kỷ trước Ðấng Christ, cho đến thời Alexandre chiến thắng. Những vần chữ cái, số trên 200 dấu rất rắc rối, không hoàn toàn và tự ý. Có nhiều chữ là giọng đọc, vần, hoặc theo ý, cũng những chữ đó dùng khác nhau. Dân Ni-ni-ve nói tiếng dòng dõi Sem, liên lạc với tiếng Hê-bê-rơ, tiếng gọi là Canh-đê trong Ða-ni-ên và E-xơ-ra, ấy làm chứng cho Cựu-ước. Những bản khắc của A-sy-ri chép lịch sử của vua xây cất hoặc sửa các đền đài, thuật chiến trận về các cuộc viễn chinh, những đền đài xây cất, và sự cầu các thần A-sy-ri. Những gạch in như thế có giá trị để cho biết các dòng vua. Quan hệ nhất là có liên lạc với lịch sử Kinh-thánh. Trên một đôi tượng bò đồ sộ nay để trong viện bảo tàng nước Anh, có những chữ viết bởi San-chê-ríp và tả chiến trận với Ê-xê-chia. Có một bức chạm nổi tả vẽ sự vây thành và chiếm lấy La-ki (II Các vua 18:14,17 ; so 19:8). Có số tên 19 hay 20 vua kế tiếp và giả sử một số lớn các vua, có lẽ để phụ thêm vào lịch sử đã mất của một đế quốc rất hùng cường xưa, và một nước dường như có ảnh hưởng rất lớn trên các nước hậu tiến và mở mang nền văn minh cho nhơn loại.
       Xem lời chú thích của bác sĩ Scofield về Ni-ni-ve trong bài Na-hum.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.