Kinh đô danh tiếng của thế giới xưa, ở trên bờ sông Tibre, cách cửa sông độ 24 cây số. "Bảy hòn núi" (Khải Huyền 17:9) làm nơi trung tâm của thành xưa ở tả ngạn sông đó. Bên kia sông có núi cao hơn là Janicule. Từ đời rất sớm, trên đây có một đồn lũy với một ngoại ô ở dưới lan rộng đến bờ sông. Thành La-mã ngày nay ở phía Bắc thành xưa, phần lớn trên một đồng bằng phía Bắc bảy hòn núi đó, trước gọi là Campus Martius, và bên kia sông trên đất thấp dưới Vatican miền Bắc Janicule xưa.
Trong Kinh Thánh, La-mã chỉ chép trong ba sách Tân Ước, tức Công vụ các sứ đồ, thơ La-mã và II Ti-mô-thê. Những cuộc chinh phục của Pompey dường như là dịp tiện cho người Do-thái ngụ tại thành La-mã lần đầu. Vua Aristobulus và con người dự phần trong sự khải hoàn của Pompey, và lúc đó có nhiều người Do-thái bị bắt và di dân được đem tới thành La-mã. Có một địa phận dành riêng cho họ, không phải là nơi ngày nay gọi là "Ghetto" ở giữa đến chiến thần và đảo sông Tibre, nhưng ở bên kia sông đó. Trong số người Do-thái đó có nhiều được giải phóng. Jules César tỏ ra lòng tốt với họ; Au-gút-tơ cũng vậy, và cả Tibère trong phần chót đời trị vì nữa. Khi trước Tibère dường như có trục xuất một phần lớn người Do-thái sang đảo Sardaigne. Cơ-lốt có "chỉ truyền mọi người Do-thái phải lánh khỏi thành La-mã" (Công vụ các sứ đồ 18:2), vì cớ sự lộn xộn, có lẽ quan thiệp với sự giảng Tin lành tại thành La-mã. Chắc sự trục xuất đó không lâu, vì sau thấy khi Phao-lô đến thăm viếng thì dường như có nhiều người Do-thái tại thành (Công vụ các sứ đồ 28:17).
Phần chính chép trong Kinh Thánh về thành La-mã là quan thiệp với Sứ đồ Phao-lô. Ðể minh chứng về truyện đó, thì đây mô tả thành La-mã trong đời Néron, là Sê-sa mà Phao-lô "kêu nài đến," và tử vì đạo trong đời Sê-sa đó.
1. Thành bấy giờ là một số nhà lớn không có trật tự và không có tường ngoài bao bọc. Thành đã lan ra ngoài đường Servian cũ từ lâu, song không thể biết đúng giới hạn các ngoại ô. Thấy thành từ ngoài không có đẹp mấy. Thành La-mã cổ không có những vòm, hoặc những tháp chuông lớn, và bảy núi không cao hoặc đồ sộ, nên các nhà và các đường phố bày một cảnh lộn xộn. Phao-lô đến La-mã giữa hai thời quan hệ trong lịch sử của thành, tức sự tu bổ lại bởi Au-gút-tơ và bởi Néron. Au-gút-tơ khoe khoang, "đã thấy thành bằng gạch và để lại bằng cẩm thạch." Chắc lúc đó có phần thành rất đẹp, nhứt là Forum và Campus Martius; song nhiều tòa nhà chính ngày nay rất đẹp lúc đó chưa có. Các đường phố thì hẹp và cong queo, hai bên có nhiều nhà trọ rất cao, đến nổi Au-gút-tơ phải hạn chế bề cao chừng 20 thước. Phao-lô thăm viếng lần thứ nhứt là trước vụ hỏa tai xảy ra trong đời Néron; song sau khi lập lại thành vẫn có nhiều sự xấu xa còn lại.
Số dân trong thành được tính khác nhau. Số 1.200.000 của Gibbon tính có lẽ đúng hơn hết. Chừng một nửa dân cư có lẽ là tôi mọi, và phần nhiều sót lại là người công dân nghèo túng mà nhà nước phải trợ cấp. Dường như không có người trung lưu, và những thợ tự do làm nghề. Bên cạnh những hạng nghèo còn có một đoàn thể nhỏ thuộc quí tộc giàu có, mà các tác giả ngoại đạo thời bấy giờ viết về sự xa xí và hoang phí. Ấy là dân cư mà Phao-lô gặp lần đầu thăm viếng thành.
Theo Công vụ các sứ đồ, ta thấy Phao-lô "ở trọn hai năm" tại La-mã, "trong một nhà trọ đã thuê, được phép ở riêng với một người lính canh giữ" (Công vụ các sứ đồ 28:16,30), bị xích chung với người lính theo thói người La-mã (Công vụ các sứ đồ 28:20; Ê-phê-sô 6:20; Phi-líp 1:13). Tại đây, vì không ai cấm đoán, Phao-lô giảng cho mọi người đến cùng mình (Công vụ các sứ đồ 28:30,31). Ai nấy đều tin rằng khi chống án lên Sê-sa, thì Phao-lô được tha, và sau ít lâu được tự do lại bị cầm tù lần thứ hai tại La-mã. Phao-lô chép năm thơ tín tức Cô-lô-se, Ê-phê-sô, Phi-líp, Phi-lê-môn và II Ti-mô-thê tại thành La-mã, bức thơ chót chép ít lâu trước khi chết (II Ti-mô-thê 4:6), và những thơ khác chép trong kỳ bị tù lần thứ nhứt. Hết thảy đều tin rằng Phao-lô chịu tử vì đạo tại La-mã.
2. Những địa phương trong và quanh thành La-mã nhứt là quan thiệp với đời Phao-lô là: a) Phô-rum Áp-bi-u, là đường cái bởi đó Phao-lô vào thành La-mã (Công vụ các sứ đồ 28:15). b) Cung điện hoặc "chốn công đường" (Phi-líp 1:13) chỗ nầy có lẽ là trại quân lớn của đội thị vệ mà hoàng đế Tibère lập ngoài vách thành phía Ðông bắc, hoặc có lý hơn là một tòa nhà lớn cho lính ở liên lạc với cung điện hoàng đế trên núi Palatine. Không đủ chứng cớ tên "Praetorium" bao giờ dùng chỉ cung điện hoàng đế, dầu dùng chỉ về dinh của quan tổng đốc (Giăng 18:28; Công vụ các sứ đồ 23:35). Phi-líp 4:22 chép "nhà Sê-sa" chứng quyết rằng nơi Phao-lô ở là ngay cạnh nhà của hoàng đế trên Palatine.
3. Những nơi khác chép quan thiệp với Phao-lô là nhờ lời truyền khẩu mà thôi. a) Nhà ngục Mamertine, hoặc Tullianum, xây cất gần Forum, nay còn có dưới nhà thờ gọi là St.Giuseppe. Truyền khẩu nói tại đây Phao-lô cùng Phi-e-rơ bị tù chung trong chín tháng, dầu theo Tân Ước không có chứng cớ nào Phi-e-rơ bao giờ ở thành La-mã, miễn là "Ba-by-lôn" trong I Phi-e-rơ 5:13 không phải là tên chỉ bóng về La-mã. Dầu vậy, dường như chứng cớ và sự tin chung của Hội Thánh đầu tiên tỏ ra Phi-e-rơ chịu tử vì đạo tại đó. Nhưng truyện về Phi-e-rơ bị tù ở Mamertine dường như không hiệp với II Ti-mô-thê 4:11. b) Người ta nói rằng nhà thờ trên đường Ostian hiện nay là nơi hai Sứ đồ từ giã để lên đường chịu tử vì đạo. c) Cũng đoán rằng nơi Phao-lô tử vì đạo là nơi ngày nay có nhà thờ gọi bằng tên Sứ đồ trên đường Ostian, d) Cứ theo truyền khẩu, hiện nay có nhà thờ gọi theo tên Sứ đồ Phi-e-rơ ở tại Montorio trên Janicule, vì giả định là nơi Sứ đồ đó tử vì đạo. đ) Trên đường cái Appienne nay có nhà thờ Domine quo Vadis để chỉ nơi mà Phi-e-rơ, theo truyện hoang đường, Chúa hiện đến cùng Phi-e-rơ lúc Sứ đồ trốn để khỏi tử vì đạo. e) Người ta cũng đoán hai sứ đồ vốn chôn trong các hầm (Catacombes) dưới thành La-mã, song rồi sau thây của Phao-lô được chôn gần đường Ostian, còn thây của Phi-e-rơ được chôn dưới vòm nhà thờ rất danh tiếng gọi bằng tên Sứ đồ tại La-mã
4. Về những tín đồ tại La-mã trong đời các Sứ đồ, có thể thêm mấy nơi như sau nầy: a) Vườn của Néron, trong Vatican, không xa nhà thờ St.Pierre. Tại đây, nhiều tín đồ trong đời Néron bị bọc trong da thú mà quăng cho chó xé, hoặc mặc những áo tẩm dầu để đốt làm đuốc soi các cuộc chơi ban đêm; tín đồ khác bị đóng đinh. b) Các hầm chôn người (Catacombes) là những đường hầm dưới đất cao độ 3 thước và ngang độ 2 thước, và dài mấy cây số, lan đến đường Appienne và Nomentan chắc cũng dùng để làm nơi ẩn náu cho các tín đồ đầu tiên họp lại thờ phượng. Niên hiệu sớm hơn hết tìm trong các hầm đó là 71 S.C..
Không thể biết ai là người thứ nhứt sáng lập Hội Thánh tại La-mã. Có lẽ đạo Ðấng Christ được đem vào thành không lâu sau ngày Lễ Ngũ Tuần Ðức Thánh Linh giáng xuống vì chép "nào kẻ từ La-mã đến" Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 2:10) có chứng cớ rõ ràng có nhiều tín đồ ở La-mã trước khi Phao-lô thăm viếng thành (Rô-ma 1:8,13,15; 15:20). Trong lời chào thăm ở cuối bức thơ La-mã có chép tên của 24 tín đồ tại La-mã. Theo truyền khẩu giả dụ Li-nút (nói đến trong II Ti-mô-thê 4:21) và Cơ-lê-măn (Phi-líp 4:3) kế thừa Phi-e-rơ làm giám mục tại La-mã. La-mã dường như gọi bằng tên bóng Ba-by-lôn trong Khải Huyền 14:8; 16:19; 17:5; 18:2,21; và cũng gọi là thành của bảy hòn núi (Khải Huyền 17:9 so 12:3; 13:1).