Thầy tế lễ. Sacrificateur (từ Hê-bơ-rơ: Côhên; Hy-lạp Presbutéros, tức trưởng lão).

       


      I. Căn nguyên.-- Ý nghĩa của chức tế lễ tự mình có quan thiệp, trong mọi hình thức, tinh sạch, hay hư xấu, với ý thức, rõ nhiều hay ít, về tội. Người đã cảm biết mình phạm một luật. Quyền trên họ là thánh hơn họ, và họ không dám đến gần. Người yêu cầu sự can thiệp của một người mà họ tưởng rằng là xứng đáng hơn chính mình. Người đó phải dâng những lời cầu nguyện, tạ ơn, tế lễ của mình. Người đó trở nên đại biểu cho mình "trong những sự thuộc Ðức Chúa Trời." Người đó cũng có thể trở nên (song không phải luôn luôn như vậy) đại biểu của Ðức Chúa Trời đối với người. Những chức vụ của thầy tế lễ và tiên tri có thể ở trong cùng một người. Không thấy có dấu tích của một chúc tế lễ cha truyền con nối, hoặc có đẳng cấp tế lễ trong sự thờ phượng đời các tổ phụ Cựu Ước. Một lần, chỉ một lần thôi, thấy chữ Côhên như thuộc về một nghi lễ sớm hơn thời Áp-ra-ham. Mên-chi-xê-đéc là "thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời Chí Cao" (Sáng thế ký 14:18). Trong sự thờ phượng của chính những tổ phụ, người gia trưởng hành chức tế lễ. Chức vụ truyền lại với quyền trưởng nam và dường như cũng có thể thuyên chuyển với quyền đó. Chức tế lễ trước nhứt được lập trong gia đình của A-rôn, và hết thảy con cái A-rôn đều làm chức tế lễ. Họ đứng ở giữa, thầy tế lễ Thượng phẩm ở một bên, còn Lê-vi ở bên kia.
       II. Cách ăn mặc.-- Lễ lập những con trai đó biệt riêng ra thánh được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô ký 29:; Lê-vi ký 8:. Y phục mà họ bận trong những khi hành chức gồm có quần cụt bằng vải gai mịn, với một áo dài cắt rất đúng kích thước, cũng bằng vải gai mịn, trắng, song với hình quả chám, hoặc hình bàn cờ. Áo đó dài gần sát chơn, và được mặc như hình một áo (so Giăng 19:23). Áo dài trắng đó quấn quanh thân thể với một dây lưng thêu cực xảo, trong đó, như trong dây lưng đẹp hơn của Thầy tế lễ Thượng phẩm, xanh, tím, đỏ sặm có lẫn màu trắng, và tết thành hình các bông hoa (Xuất Ê-díp-tô ký 28:39,40; 39:2; Ê-xê-chi-ên 44:17-19). Trên đầu họ đội mũ hình một bông hoa nở như chén, cũng bằng vải gai mịn. Trong hết cả mọi việc thờ phượng, thầy tế lễ phải đi chơn không. Trước khi vào trong Hội mạc, thì phải rửa tay và chơn (Xuất Ê-díp-tô ký 30:17-21; 40:30-32). Trong thời kỳ hành lễ, họ không được uống rượu, hoặc rượu mạnh (10:9; Ê-xê-chi-ên 44:21). Trừ trong trường hợp các bà con thân thích nhất (sáu trật được biệt riêng, Lê-vi ký 21:1-5; Ê-xê-chi-ên 44:25), họ không được để tang cho kẻ chết. Họ không được phép cạo đầu. Suốt cả lúc làm lễ, họ phải đi một cách trang nghiêm, sợ sệt bởi tôn kính, không phải mọi rợ say sưa như các thầy tế lễ Ba-anh lúc thất vọng thì cắt thịt mình (Lê-vi ký 19:28; I Các vua 18:28). Thầy tế lễ bị cấm không được cưới một đờn bà ô uế, một người đã bị để, trừ ra vợ góa một thầy tế lễ nào (Lê-vi ký 21:7,14; Ê-xê-chi-ên 44:22).
       III. Phận sự.-- Những phận sự chính của thầy tế lễ là phải coi lửa trên bàn thờ của lễ thiêu, để giữ lửa cứ cháy luôn cả ngày lẫn đêm (Lê-vi ký 6:12; II Sử ký 13:11), để đổ dầu vào chơn đèn vàng ngoài cái màn (Xuất Ê-díp-tô ký 27:20,21; Lê-vi ký 24:2), dâng của lễ buổi sáng và buổi chiều, mỗi của lễ đó cùng với của lễ chay và lễ quán, tại nơi cửa hội mạc (Xuất Ê-díp-tô ký 29:38-40). Thầy tế lễ buộc phải dạy con cái Y-sơ-ra-ên những lẽ thật của Ðức Giê-hô-va (Lê-vi ký 10:11; Phục truyền luật lệ ký 33:10; II Sử ký 15:3; Ê-xê-chi-ên 44:23,24). Trong cuộc hành trình trong đồng vắng, về phần họ phải che phủ hòm giao ước và mọi khí dụng trong nơi thánh với một tấm vải tím hoặc đỏ sặm trước khi người Lê-vi có thể tới gần (Dân số ký 4:5-15). Lúc dân sự mỗi ngày khởi đi đường, họ phải thổi "tiếng vang" với những ống loa bằng bạc (Dân số ký 10:1-8). Các nhạc khí khác có thể dùng bởi những người Lê-vi, huấn luyện bậc cao, và trường các tiên tri, song loa chỉ thuộc riêng về thầy tế lễ. Các thầy tế lễ có mặt ở các bãi chiến trường (I Sử ký 12:23,27; II Sử ký 20:21,22) dẫn đến, trong hồi sau của lịch sử Do-thái, sự bầu cử đặc biệt trong thời đó một thầy tế lễ chiến tranh. Các chức việc khác được nói đến trong Phục truyền luật lệ ký cho thể cho thầy tế lễ một ảnh hưởng lớn hơn như là các người dạy dỗ và giáo hóa dân chúng. Họ cũng phải hành động (hoặc từng cá nhơn, hoặc từng đoàn thể nói rõ), như một tòa thượng phẩm, trong các vấn đề rất khó về trọng tội hoặc về việc dâng (Phục truyền luật lệ ký 17:8-13).
       IV. Sự cung cấp.-- Dầu vậy, không biết chắc ban thầy tế lễ còn vững cho đến chừng nào trải qua những cơn bão tố hoặc sự biến cải theo sau đó. Những chức phận kể ở trên rõ ràng không thích hợp với những sự hoạt động thường của người. Bởi đó, phải có một sự cung cấp riêng cho họ. Ấy gồm có 
       (1) một phần mười mà dân chúng trả cho người Lê-vi, tức là một phần trăm về cả sự sản xuất của xứ (Dân số ký 18:26-28). 
       (2) Cứ ba năm lại có một phần mười riêng (Phục truyền luật lệ ký 14:28; 26:12). 
       (3) Về tiền chuộc con đầu lòng, cứ năm siếc-lơ một hoặc về người hoặc vật (Dân số ký 18:14-19). 
       (4) Về tiền chuộc trả giống như thế cho người hoặc đồ vật, nhứt là để dâng cho Chúa (Lê-vi ký 27:). 
       (5) Về của cướp, những người phu tù, bầy vật, cái gì như thế, bắt được trong cơn chiến trận (Dân số ký 31:25-47). 
       (6) Về bánh trần thiết hoặc thịt của lễ thiêu, của lễ thù ân, của lễ mắc tội (Dân số ký 18:8-14; Lê-vi ký 6:26,29; 7:6-10), và đặc biệt cái o dâng đưa qua đưa lại và giò dâng giơ lên (Lê-vi ký 10:12-15). 
       (7) Một số không nhứt định về lúa mì, rượu, và dầu (Xuất Ê-díp-tô ký 23:19; Lê-vi ký 2:14; Phục truyền luật lệ ký 26:1,10). Về mấy điều đó, vì "rất thánh," chỉ có thầy tế lễ được phép dùng (Lê-vi ký 6:29). Theo luật pháp, ấy để cho các con trai, con gái họ (Lê-vi ký 10:14) và cả đến các tôi mọi sanh ra ở trong nhà, cũng được phép ăn (Lê-vi ký 22:11). Người khách lạ và tôi mọi bất cứ là thế nào, không được phép ăn (Lê-vi ký 22:10). 
       (8) Khi ăn ở trong xứ Ca-na-an, các chi họ thầy tế lễ có 13 thành được chỉ định cho, với các "ngoại ô," hoặc những đồng cỏ cho bầy vật (Giô-suê 21:13-19). Những sự cung cấp đó rõ ràng có ý làm vững vàng tôi giáo của Y-sơ-ra-ên chống với những sự nguy hiểm của một giai cấp tế lễ nghèo khó, cần và nhờ vả, nên không có thể làm chứng về đức tin chơn thật. Một mặt khác, họ càng xa địa vị một ban tế lễ giàu có thì càng hay. Mẫu lợi tức của một thầy tế lễ ngay từ hồi đầu sau khi ở trong xứ Ca-na-an thật là rất hạ (Các quan xét 17:10).
       V. Sự phân chia ban thứ.-- Dấu tích lịch sử sớm nhứt của sự phân chia ban thứ tế lễ, và tương hiệp phạm vi làm việc, thuộc vào thời Ða-vít. Chức vụ tế lễ sau đó được chia làm 24 ban thứ (I Sử ký 24:1-19; II Sử ký 23:8; Lu-ca 1:5), và mỗi ban thứ đó phải lần lượt mà hầu việc trong một tuần, còn sự chỉ định về sau của các sự thờ phượng trong tuần lễ được quyết định bằng thăm (Lu-ca 1:9). Mỗi ban thứ dường như bắt đầu vào ngày Sa-bát, thầy tế lễ đi ra lấy của lễ buổi sớm và để của lễ buổi chiều cho người kế tiếp (II Sử ký 23:8). Dầu vậy, trong sự phân chia ban thứ nầy, hai nhà thầy tế lễ lớn không đứng ngang hàng nhau. Những con cháu của Y-tha-ma thấy có ít người đại diện hơn là con cháu của Ê-lê-a-sa, và mười sáu ban thứ được chỉ định cho dòng dõi thứ nhì, còn tám được chỉ định cho dòng dõi thứ nhứt (I Sử ký 24:4). Sự phân chia ra như vậy được chứng quyết bởi Sa-lô-môn, và cứ tiếp được công nhận như là số mẫu của chức tế lễ.
       Khi từ phu tù về chỉ còn tìm được bốn trong số hai mươi bốn ban thứ, mỗi ban gồm có, tính chẵn, chừng một ngàn người (E-xơ-ra 2:36-39). Vả lại, ngoài những ban thứ đó, để phục hưng lại ý của sự tổ chức xưa, thì có hai mươi bốn ban thứ được lập lại (so Lu-ca 1:5), cũng lấy như những danh trước, và như vậy cứ tiếp tục cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Nếu ta có thể nhờ số của các tác giả Do-thái thì phần của chức thầy tế lễ với dân số tại Pha-lê-tin, trong thế kỷ sau chót mà các thầy tế lễ còn là một ban thì rất nhiều hơn số người có chức trong Hội Thánh ở một dân tộc nào có đạo Chúa. Ngoài và trên những người bị tan lạc trong xứ và đến lượt họ, không ít hơn 24.000 người có ở luôn mãi tại Giê-ru-sa-lem; và 12.000 người tại Giê-ri-cô.
       Hầu như không thể tránh được, số đông của ban thứ ở dưới mọi hoàn cảnh đó, đã suy kém về tánh nết và danh tiếng. Ðời trị vì của hai vua Ða-vít và Sa-lô-môn là thời tột bực của sự vinh hiển các thầy tế lễ Do-thái. Ðịa vị của các thầy tế lễ dưới đời quân chủ của Giu-đa đáng phải xem xét một cách kỹ lưỡng hơn. Mỗi tuần lễ làm việc trong Ðền thờ, thì theo sau có 23 tuần họ không có công việc chỉ định. Vậy, họ phải làm việc gì? 
       (1) Những thầy tế lễ mộ đạo và đứng đắn thấy trong trường của các tiên tri việc làm cho mình thỏa lòng. Họ trở nên những thầy tế lễ dạy dỗ (II Sử ký 15:3), học sanh, và những người giảng nghĩa luật pháp của Ðức Chúa Trời. 
       (2) Có lẽ có người trong đạo binh của vua. 
       (3) Một số ít người được chọn, có thể vào sau hơn trong đời sống thuộc linh, và như vậy, giống như Xa-cha-ri, Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên, nhận lãnh tiếng kêu gọi đặc biệt cho chức tiên tri. 
       (4) Ta khó mà tránh sự kết luận rằng có nhiều thầy tế lễ làm việc trong Ðền của Ðức Giê-hô-va với hai lòng, và lúc khác làm việc như thầy tế lễ cho các nơi cao. Những người đã thôi không còn là kẻ chăn chơn thật của dân sự không thấy gì trong lễ nghi mình để gìn giữ và tôn mình lên. Họ thành ra người tình dục, tham lam, tàn bạo, và như những người có chức trong Hội Thánh vào những thời kỳ tối tăm nhứt, được tỏ ra là người say rượu hoặc tà dâm (Ê-sai 28:7,8; 56:10-12). Hàng các tiên tri, đáng lẽ là hành động để ngăn trở, thì lại trở nên kẻ dự phần trong sự bại hoại (Giê-rê-mi 5:31; Ca Thương 4:13; Sô-phô-ni 3:4).
       VI. Ðời Tân Ước.-- Cũng là hay mà xét chung vài thực sự thầy tế lễ để  chỉ địa vị của họ trong lịch sử Tân Ước. Số người được tan lạc khắp cả xứ Pha-lê-tin, như đã nói trên, rất đông. Trong số đó, phần nhiều là nghèo và dốt. Ban thầy tế lễ, giống các dân tộc, bị chia ra từng các phái cạnh tranh nhau. Cảnh tượng của tấn thảm kịch chót của lịch sử Do-thái là ban thứ qua đi, không được tôn trọng, "chết như kẻ ngu dại" (II Sử ký 3:33). Chức thầy tế lễ thượng phẩm được ban cho phái đê hèn và hạ đẳng nhứt là phe Xê-lốt cuồng tín. Các thầy tế lễ khác dường như cũng lìa bỏ và hiệp với kẻ thù. Sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem trong một lúc cất khỏi ban thầy tế lễ mọi sự, chỉ trừ sự tôn trọng. Chức vụ họ mất hết. Có nhiều chi họ đã mất những gia phổ nữa. Tiếng các văn sĩ Tân Ước dùng quan thiệp về chức tế lễ không nên bỏ qua. Các trước giả nhận trong Ðấng Christ là Con đầu lòng, Vua, Ðấng chịu xức dầu, và đại biểu của chức tế lễ thật đầu tiên theo ban Mên-chi-xê-đéc (Hê-bơ-rơ 7:; 8:), và từ ban đó có ban thứ của A-rôn ra. Song không có dấu tích của một ban thứ trong xã hội mới của đạo Ðấng Christ, lấy danh và hành chức giống như chức thầy tế lễ giao ước cũ. Nghĩa suốt cả thơ tín là về chức tế lễ phổ thông. Ấy là tư tưởng của một thời gian kế tiếp mà sự sắp đặt xưa của thầy tế lễ thượng phẩm, các thầy tế lễ, người Lê-vi, được đổi thành chức mục sư, trưởng lão và chấp sự trong Hội Thánh.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về thầy tế lễ như sau nầy:
       Xuất Ê-díp-tô ký 19:5.-- So I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6; 5:10. Ðiều gì dưới luật pháp là điều kiện thì ở dưới ơn điển được ban cách nhưng không cho mỗi tín đồ. Chữ "nếu" của câu 5 là thể yếu của luật pháp như là một phương pháp của Ðức Chúa Trời dùng đối đãi, và là lý cớ căn bản tại sao "luật pháp không làm trọn chi hết" (Rô-ma 8:3; Hê-bơ-rơ 7:18,19). Giao ước với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:18 lời chua), và giao ước mới (Hê-bơ-rơ 8:8-12, lời chua) chỉ cho được sự Cứu rỗi và sự vững vàng vì chỉ cần một điều kiện, tức đức tin.
       I Phi-e-rơ 2:9.-- Chức tế lễ Tân Ước. Tóm tắt: 
       (1) Cho đến luật pháp được ban ra, người đứng đầu mỗi gia đình làm thầy tế lễ của gia đình (Sáng thế ký 8:20; 26:25; 31:54). 
       (2) Khi luật pháp được đề nghị, lời hứa vâng phục trọn vẹn là Y-sơ-ra-ên nên làm một "nước thầy tế lễ cho Ðức Chúa Trời" (Xuất Ê-díp-tô ký 19 :6); song Y-sơ-ra-ên phạm luật pháp, và Ðức Chúa Trời đã đóng cửa chức vụ tế lễ chỉ cho nhà A-rôn, chỉ định chi phái Lê-vi để hầu việc, như vậy làm mẫu chức thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô ký 28:1) 
       (3) Trong thời đại ơn điển, mọi người tin lập nên, không điều kiện, một "nước thầy tế lễ " (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6), là sự phân biệt mà Y-sơ-ra-ên không thể làm trọn vẹn bởi công việc.Vậy, chức tế lễ của tín đồ là quyền trưởng nam; đúng như mỗi dòng dõi A-rôn sanh ra làm chức thầy tế lễ (Hê-bơ-rơ 5:1). 
       (4) Ðặc quyền chính của thầy tế lễ là được vào nơi Ðức Chúa Trời . Dưới luật pháp, thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể vào "nơi chí thánh," và một năm chỉ một lần (Hê-bơ-rơ 9:7).Song khi Ðấng Christ chết,bức màn, hình bóng về thân thể Ðấng Christ, (Hê-bơ-rơ 10:20), bị xé hai đến nỗi nay tín đồ làm thầy tế lễ, ngang hàng với Ðấng Christ là Thầy Tế lễ Thượng phẩm, được vào tới Ðức Chúa Trời trong nơi chí thánh (Hê-bơ-rơ 10:19-22).Thầy Tế lễ Thượng phẩm thật đích thân ở đó (4:14-16; Hê-bơ-rơ 9:24; 10:19-22). 
       (5) Trong sự hành chức mình, tín đồ kiêm thầy tế lễ trong Tân Ước là: 
             (1) người dâng tế lễ có ba phần: 
                   a) chính thân thể hằng sống của mình (Rô-ma 12:1; Phi-líp 2:17; II Ti-mô-thê 4:6; I Giăng 3:16; Gia-cơ 1:27); 
                   b) lời ngợi khen cho Ðức Chúa Trời, "bông trai của môi miếng xưng danh Ngài ra," phải "hằng dâng" (Hê-bơ-rơ 13:15; Xuất Ê-díp-tô ký 25:22, "Ta sẽ gặp ngươi tại đó trên nắp thi ân"); 
                   c) thể chất người tín đồ (Hê-bơ-rơ 13:16; Rô-ma 12:13; Ga-la-ti 6:6; III Giăng 5-8; Hê-bơ-rơ 13:2; Ga-la-ti 6:10; Tít 3:14. 
             (2) Thầy tế lễ Tân Ước cũng là người cầu thay (I Ti-mô-thê 2:1; Cô-lô-se 4:12).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.