I. Ðối với luật pháp.-- Sự biệt riêng A-rôn làm chức vụ thầy tế lễ, khi trước thuộc về con trưởng nam, được phép trong Xuất Ê-díp-tô ký 28:. Ta thấy ngay từ lúc đầu tiên những thuộc tánh đặc biệt của A-rôn và các thầy tế lễ thượng phẩm khác nối chức người, như phân biệt với các thầy tế lễ khác.
1. Chỉ A-rôn được xức dầu (Lê-vi ký 8:12), bởi đó một trong các tiếng đệm đặc biệt của thầy tế lễ thượng phẩm là "thầy tế lễ chịu xức dầu" (Lê-vi ký 4:3,5,16; 21:10, xem Dân số ký 35:25). Ðiều đó cũng tỏ ra trong Xuất Ê-díp-tô ký 29:29,30. Sự xức dầu cho các con trai A-rôn tức các thầy tế lễ thường, dường như chỉ hạn chế trong sự rảy dầu thơm trên áo họ (Xuất Ê-díp-tô ký 29:21; 28:41, v.v.). Sự xức dầu cho thầy tế lễ thượng phẩm có nói đến trong Thi Thiên 133:2.
2. Thầy tế lễ thượng phẩm có một bộ áo đặc biệt, lúc chết thì giao lại cho người kế tự. Bộ áo đó gồm lại 8 phần như các thầy Ra-bi vẫn nói: bảng đeo ngực, ê-phót với chiếc dây lưng da, áo dài của ê-phót, mũ, áo lá trong thêu hoặc dệt có hoa, và dây lưng, và các vật liệu bằng kim tuyến, chỉ màu tím, đỏ điều, đỏ sặm, và vải gai trắng và mịn (Xuất Ê-díp-tô ký 28:). Thêm vào những phần ở trên, trong câu 42, một quần lót bằng vải gai (Lê-vi ký 16:4); để tính cho đủ số 8, có người tính mũ thầy tế lễ thượng phẩm hoặc cái thẻ riêng khỏi cái mũ; còn người khác thì tính đai để cột ê phót ở phía ngoài riêng với ê phót. Trong số 8 thứ của bộ áo, có 4 tức là cái áo, dây lưng, quần lót, và cái mũ hoặc khăn cũng thuộc về các thầy tế lễ thường. Xét những phần của bộ áo thầy tế lễ thượng phẩm theo trật tự, đã kể ra ở trên, ta thấy:
a) Bảng đeo ngực, hoặc như sau có nói đến (câu 15,29,30) bảng đeo ngực về sự xét đoán. Bảng đeo ngực nguyên dài hai gang, và ngang một gang, song khi gấp đôi lên thì thành hình vuông, là hình mà người ta đeo.Trên đó có mười hai viên ngọc quí, xếp thành bốn hàng, mỗi hàng ba viên, như vậy hiệp với mười hai chi phái, và các trại cũng chia theo cách đó; trên mỗi viên ngọc có chạm tên con cái Y-sơ-ra-ên. Tùy theo bản Septante, và Josèphe, và theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, chính những viên ngọc đó làm thành U-rim và Thu-mim.
b) Ê-phót.-- Ê-phót chia làm hai phần, một phần che phía sau lưng, còn phần khác đằng trước, tức là ngực và phần trên của thân thể. Hai phần đó được móc vào nhau ở trên vai bằng hai viên bích ngọc, mỗi viên đó có tên 6 chi phái Y-sơ-ra-ên. Cũng có hiệp lại bởi một cái đai bằng kim tuyến, chỉ đỏ điều, đỏ sặm, và vải gai mịn quấn ngang lưng.
c) Áo của ê-phót.-- Ấy là một thứ vật liệu kém thứ của chính ê-phót, vì hoàn toàn màu xanh (câu 31), tỏ ra chỉ bằng "vải thường" (39:22). Áo đó mặc ở dưới ê-phót, và là dài hơn. Áo xanh không có tay, song chỉ khoét ở hai bên nách để tay có thể xỏ qua. Cũng có một lỗ để đầu có thể chui qua, với một viền xung quanh bằng vải thường, cho khỏi rách. Nơi biên dưới có thắt trái lựu màu tím, đỏ điều, đỏ sặm, cùng chuông vàng nhỏ xen vào giữa mỗi trái lựu. Chuông dùng để phát thanh khi thầy tế lễ thượng phẩm vào ra nơi thánh.
d) Mũ.-- Mũ hoặc khăn ở trên, với cái thẻ bằng vàng, khắc con dấu rằng: Thánh Cho Ðức Giê-hô-va, buộc vào đó bằng một sợi băng màu xanh.
đ) Áo.-- Áo thêu là một thứ áo dài bằng vải gai dệt có hoa, giống như một bức xây bằng đá. Dây lưng cũng dùng bằng vải gai, quấn xung quanh thân mấy vòng từ ngực trở xuống, và hai đầu thì thả thòng xuống mắt cá. Quần lót, bằng vải gai, che ngang lưng và đùi; mũ là một thứ khăn bằng vải gai, chỉ che một phần đầu, song không phải như hình nón giống mũ của thầy tế lễ thượng phẩm khi thêm mũ vào đó. Còn bốn thứ sau thì các thầy tế lễ thường cũng có.
3. A-rôn và các chức phận riêng của người.-- Chỉ mình A-rôn, một mình người thôi, được phép vào trong nơi chí thánh, mỗi năm một lần, vào ngày Ðại lễ chuộc tội, khi người rảy huyết của lễ chuộc tội trên nắp thi ân và xông hương ở bên trong bức màn (Lê-vi ký 17:)
4. Thầy tế lễ thượng phẩm có một chỗ đặc biệt về luật sát nhơn ẩn mình trong các thành ẩn náu. Kẻ sát nhơn không được bỏ thành ẩn náu trong lúc sanh tiền của thầy tế lễ đương niên là người đã được xức bằng dầu thánh (Dân số ký 35:25,28). Cũng nghiêm cấm thầy tế lễ thượng phẩm đi đưa đám xác, hoặc xé áo cho kẻ chết, tùy theo chỗ trước trong Lê-vi ký 10:6. Các thầy Ra-bi thường nói đến một người thứ hai trong trật của thầy tế lễ thượng phẩm, mà gọi là Sagan, có khi hầu việc thế cho thầy tế lễ cả. Người Sagan đó ở trong Cựu Ước gọi là thầy phó tế (II Các vua 23:4; 25:18). Như vậy, ấy dùng cắt nghĩa về An-ne và Cai-phe (Lu-ca 3:2), An-ne là Sagan. Có người tưởng A-na-ni-a cũng là Sagan, làm việc thế thầy tế lễ thượng phẩm (Công vụ các sứ đồ 23:2).
Không được tỏ ra bởi quyền nào mà thầy tế lễ thượng phẩm được cử định làm việc trước khi có các vua Y-sơ-ra-ên. Song vì thấy trong các thời sau ấy vẫn bởi quyền công dân, nên có thể đoán hồi trước thời quân chủ là bởi các trưởng lão hoặc một Tòa Công luận. Cũng nên thêm rằng, tuổi thường được sung vào chức tế lễ, tùy theo II Sử ký 31:17 là 20 tuổi, dầu thầy tế lễ hoặc thầy tế lễ thượng phẩm đủ tư cách miễn đã đến tuổi thành nhơn. Lại nữa, tùy theo Lê-vi ký 21: không có người nào có dấu vết được hành chức nơi bàn thờ.
II. Ðối với thần đạo.-- Về mặt thần đạo của chức thầy tế lễ thượng phẩm không có ở trong phạm vi của bài nầy. Chỉ cần tỏ rằng chức vụ, y phục, phận sự và hành lễ của thầy tế lễ thượng phẩm đều làm hình bóng cho chức tế lễ của Chúa Jêsus Christ; và chỉ bóng những sự dạy dỗ mà nay tỏ ra cách công khai dưới Tin lành. Ấy được tỏ rất rõ trong thơ Hê-bơ-rơ. Ấy cũng gồm lại mọi sự dạy dỗ về đạo đức và thuộc linh chỉ định bởi nghĩa các hình bóng đó.
III. Ðối với lịch sử.-- Lịch sử của thầy tế lễ thượng phẩm gồm lại một thời kỳ chừng 1370 năm và một chuỗi độ 80 thầy tế lễ thượng phẩm nối tiếp nhau, bắt đầu từ A-rôn và tận cùng với Phannias. Hết thảy tự nhiên sắp đặt thành ba hàng:
a) những người trước vua Ða-vít;
b) từ Ða-vít cho đến phu tù;
c) từ phu tù cho đến chức vụ đó thôi khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá (70 S.C.). Các thầy tế lễ thượng phẩm thuộc hàng thứ nhứt được chép một cách rõ ràng như là:
(1) A-rôn,
(2) Ê-lê-a-sa,
(3) Phi-nê-a,
(4) Hê-li,
(5) A-hi-túp (I Sử ký 9:11; Nê-hê-mi 11:11; I Sa-mu-ên 14:3).
(6) A-hi-gia,
(7) A-hi-mê-léc.
Phi-nê-a là con của Hê-li, cha của Ê-hi-túp, chết trước cha mình, và như vậy không phải là thầy tế lễ thượng phẩm. Về phần 7 người trên, 3 thầy tế lễ cứ kế tiếp nhau theo trật tự, vì Na-đáp và A-bi-hu, các con trai lớn của A-rôn, đã chết trong đồng vắng (Lê-vi ký 10:). Song Hê-li, thầy tế lễ thứ tư, là thuộc dòng Y-tha-ma. Theo Kinh Thánh không thể quyết định khoảng đúng là bao nhiêu giữa sự chết của Phi-nê-a và nhậm chức của Hê-li, và có điều gì khiến cho chức thầy tế lễ thượng phẩm từ trong đời Ê-lê-a-sa chuyển sang dòng dõi Y-tha-ma. Josèphe quyết rằng cha của Bu-ki, mà sử gia gọi là Giô-sép, và A-bi-ê-xe, tức là A-bi-sua là thầy tế lễ thượng phẩm cuối cùng của dòng Phi-nê-a trước Xa-đốc. Nếu A-bi-sua chết để lại con hoặc cháu chưa đến tuổi, Hê-li, vì đứng đầu dòng dõi Y-tha-ma, lẽ tự nhiên có thể trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hoặc có lẽ được cử ra bởi các trưởng lão. Nếu A-hi-gia và A-hi-mê-léc không phải là những tên thay đổi cùng một người thì chắc là anh em, và cả hai đều là con của A-hi-túp. Vậy những thầy tế lễ thượng phẩm trước đời Ða-vít có thể quyết định với số 8, mà số 7 được nói đến trong Kinh Thánh là thầy tế lễ thượng phẩm, và một chỉ bởi Josèphe thôi.
b) Qua đến hàng thứ hai, khởi sự với tình cảnh khó giải quyết là có hai thầy tế lễ trong đời vua Ða-vít dường như cũng gần ngang nhau về phép tắc, tức là Xa-đốc và A-bia-tha (I Sử ký 15:11; I Sa-mu-ên 7:17). Có thể đúng là sau khi A-hi-mê-léc chết, và A-bia-tha bỏ mà đi với Ða-vít, Sau-lơ có lẽ tôn Xa-đốc làm thầy tế lễ, và Ða-vít muốn tránh sự khó quyết định giữa bạn trung tín là A-bia-tha và người đồng minh mới và quan hệ là Xa-đốc, thì cử cả hai người làm chức thầy tế lễ chung: là nơi thứ nhứt, cứ ở với A-bia-tha vì đã có ê-phót, U-rim và Thu-mim rồi. Ðiều khó lớn nhứt ta gặp trong sự xem xét các thầy tế lễ thượng phẩm theo lịch sử ở hàng thứ hai là nói chắc ai là thầy tế lễ thượng phẩm trong dịp lễ khánh thành Ðền thờ Sa-lô-môn. Josèphe nói rằng ấy là Xa-đốc, và Seder Olam đã cử người làm thầy tế lễ trong đời Sa-lô-môn; song trong I Các vua 4:2 nói rõ và I Sử ký 6:10 chép về A-xa-ria: "là kẻ làm chức tế lễ trong đền vua Sa-lô-môn đã xây ở thành Giê-ru-sa-lem," ấy rõ chỉ về lúc Ðền thờ mới hoàn thành. Bởi đó, chúng ta khó lầm khi nói rằng A-xa-ria, con trai A-hi-ma-ách, là thầy tế lễ thượng phẩm thứ nhứt của Ðền thờ Sa-lô-môn. Các thầy tế lễ thuộc hàng nầy tận cùng với Sê-ri-gia, là người đã bị Nê-bu-xa A-đan bắt làm phu tù, và bị Nê-bu-cát-nết-sa giết tại Ríp-la cùng với Sô-phô-ni là thầy phó tế hoặc Sagan sau khi thiêu Ðền thờ và cướp lấy khí dụng thánh (II Các vua 20:18). Con của Sê-ri-gia, Giô-xa-đác, là cùng thời gian đem đi làm phu tù (I Sử ký 6:15). Thời gian các thầy tế lễ thượng phẩm nầy hành chức là độ 454 năm, tính trung bình hơn 25 năm cho mỗi thầy tế lễ. Cũng đáng chú ý, không một lần nào được chép sau thời của Ða-vít về sự cầu hỏi bởi U-rim và Thu-mim. Chức vụ của các tiên tri dường như được thế cho chức thầy tế lễ thượng phẩm (Xem II Sử ký 15:; 18:; 20:14,15; II Các vua 19:1,2; 22:12-14; Giê-rê-mi 21:1,2).
c) Một thời gian chừng 52 năm qua giữa các thầy tế lễ thượng phẩm ở hàng thứ hai và hàng thứ ba, trong khoảng đó không có hoặc Ðền thờ, hoặc bàn thờ, hoặc hòm giao ước, hoặc thầy tế lễ. Giô-xa-đác như trong A-ghê chép (1:1,14 v.v.), nên được tiếp nối Sê-ra-gia, song chết tại Ba-by-lôn. Giê-sua, con Giô-xa-đác, là người có nói đến luôn trong E-xơ-ra, Nê-hê-mi, A-ghê và Xa-cha-ri, và bởi đó, người đứng đầu hàng thứ ba và chót, được tôn trọng đặc biệt bởi sự cộng tác sốt sắng với Xô-rô-ba-bên mà dựng lại Ðền thờ, và lập lại tài sản chung của Y-sơ-ra-ên đã sút kém. Dưới sự cai trị của Sy-ri chức thầy tế lễ thượng phẩm phải hạ xuống rất hèn hạ bởi sự bội đạo và các tội trọng của Onias và Menelaus, con của Ê-lê-a-sa,và sau một thời kỳ nghỉ 7 năm thì có Alcimus hành chức tế lễ ngắn ngủi, song cũng vô giá trị. Một cuộc tiếp nối mới và vinh hiển của chức thầy tế lễ thượng phẩm dấy lên từ chi họ Asmonéen, là các thầy tế lễ liên lạc chức quyền của quan cai trị công dân với chức quyền của thầy tế lễ, và có một thời gian là các vua độc lập. Chi họ Asmonéen là các thầy tế lễ về ban thứ Giê-hô-gia-ríp, ban thứ nhứt trong số 24 (I Sử ký 24:7) mà sự trở về của họ từ Ba-by-lôn được chép ở I Sử ký 9:10; Nê-hê-mi 11:10. Có lẽ chi họ nầy thuộc về nhà Ê-lê-a-sa dầu không thể quyết chắc. Dòng dõi Asmonéen cứ còn lại từ 153 T.C. cho đến bị hủy hại bởi sự chia rẽ bên trong, và sau bị Hê-rốt Lớn tiêu diệt. Aristobulus, là thầy tế lễ cuối của dòng dõi nầy, anh của Mariamne, bị giết bởi Hê-rốt, anh rể người, 35 T.C.. Không ít hơn 28 thầy tế lễ thượng phẩm từ đời trị vì của Hê-rốt cho đến Giê-ru-sa-lem bị hủy phá bởi Tít, một thời gian chừng 107 năm, Tân Ước giới thiệu với chúng ta một số ít thầy tế lễ về sau và hay thay đổi, như An-ne, Cai-phe và A-na-nia. Théophilus, con trai Ananus là thầy tế lễ cả mà Sau-lơ nhận thơ ở Ða-mách (Công vụ các sứ đồ 9:1,14). Phannias, là thầy tế lễ chót, được cử bằng thăm bởi phái Xê-lốt từ ban thứ các thầy tế lễ mà Josèphe gọi là Eniachim (có lẽ là Jachim).
Tiến sĩ Scofield chú thích về thầy tế lễ thượng phẩm như sau nầy:
Xuất Ê-díp-tô ký 29:5.-- Bộ áo của thầy tế lễ thượng phẩm mặc là trái ngược với trật tự của sự truyền dạy làm nên.
1. Áo lá.-- (Xuất Ê-díp-tô ký 28:39) là áo dài của phương Ðông mặc sát vào người, làm bằng vải gai mịn (Xuất Ê-díp-tô ký 27:9).
2. Áo dài của ê-phót.-- (Xuất Ê-díp-tô ký 28:31-35) là một áo dài không có đường khâu bằng vải gai màu tím với một lỗ khoét ở trên đầu, mặc ở trên "áo lá." Các trái lựu, hình bóng sự kết quả, được thêu ở nơi viền trôn áo bằng màu tím, đỏ điều, đỏ sặm, xen vào giữa các chuông bằng vàng, hình bóng sự làm chứng, và phát thanh khi thầy tế lễ ra vào nơi thánh. Áo dài được thắt chặt bởi một dây lưng thêu.
3. Ê-phót.-- (Xuất Ê-díp-tô ký 28:5-12) sau được mặc đến. Mặc áo ngắn làm bằng vải gai, thêu bằng kim tuyến, chỉ tím, đỏ điều, và đỏ sặm, ê-phót gồm có hai miếng trước và sau, hiệp lại bởi hai miếng ở trên vai, và bởi một băng ở dưới cùng. Có hai viên bích ngọc, nạm bằng vàng và buộc trên các miếng ở vai của ê-phót, được khắc tên của 12 chi phái. "A-rôn sẽ mang tên của họ trên vai (chỗ của sức lực) mình làm kỷ niệm trước mặt Ðức Giê-hô-va" (so Ê-sai 9:6; Lu-ca 15:4,5).
4. Bảng đeo ngực là một túi vuông (Xuất Ê-díp-tô ký 28:16) bằng vải gai đựng U-rim và Thu-mim (Xuất Ê-díp-tô ký 28:30, lời chua). Buộc vào túi vải gai đó có hình bầu dục gồm có bốn hàng ngọc báu, mỗi hàng ba viên, với tên của mười hai chi phái khắc ở trên, mỗi viên đá có một tên chi phái. Bảng đeo ngực với những hàng ngọc quí đó được buộc vào những góc bên trên các miếng ở trên vai ê-phót bằng những sợi dây vàng. Những khoen vàng cũng được khâu ở trên ê-phót và băng đeo ngực, và bảng đó được buộc chắc vào ê-phót bởi những dây màu tím luồn qua các khoen. Hết thảy được gọi là "bảng đeo ngực của sự xét đoán" vì được mang bởi thầy tế lễ thượng phẩm khi đoán xét việc kiện cáo của dân sự (Xuất Ê-díp-tô ký 28:30, lời chua).
5. Mũ (hoặc khăn) bằng vải gai mịn (Xuất Ê-díp-tô ký 28:37) để che đầu, đeo ở trên trán có một thẻ bằng vàng khắc chữ, "Thánh cho Ðức Giê-hô-va" (28:36).
6. Thêm vào những đồ ở trên ở có một quần lót bằng vải gai, "mặc từ ngang lưng cho đến bắp vế" (Xuất Ê-díp-tô ký 28:42).
"Áo" và quần lót bằng vải gai được làm cho thầy tế lễ, cũng là các bộ áo thường của thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy tế lễ phân biệt với các bộ áo khác, là đồ để "được vinh hiển và trang sức."
Xa-cha-ri 6:11.-- Theo sau các sự phán xét của trái đất mà những cổ xe ngựa làm hình bóng (Xa-cha-ri 6:1-8) đến sự tỏ ra của Ðấng Christ trong nước vinh hiển Ngài (câu 9-15). Ðây là trật tự tiên tri không thay đổi: trước nhứt là những sự phán xét thuộc ngày của Chúa (Ê-sai 2:10-22; Khải Huyền 19:11-21), kế đến nước (so Thi Thiên 2:5 với Thi Thiên 2:6; Ê-sai 3:24-26 với 4:2-6; 10:33,34 với 11:1-10; Khải Huyền 19:19-21 với 20:4-6). Ðiều nầy được tỏ ra cách hình bóng bởi sự đội mão triều cho Giê-sua, không phải là một sự hiện thấy, song thật là việc xảy ra (so Ê-sai 8:3,4; Ê-xê-chi-ên 37:16-22). Sự ứng nghiệm trong Nhánh sẽ vượt qua hình bóng vô cùng. Ngài "sẽ được sự oai nghiêm" (câu 13; Ma-thi-ơ 16:27; 24:30; 25:31) như Thầy tế lễ kiêm chức Vua trên chính ngôi của Ngài (câu 12,13; Hê-bơ-rơ 7:1-3). Ðấng Christ nay làm Thầy tế lễ, song vẫn còn ở trong bức màn nơi chí thánh (Lê-vi ký 16:15; Hê-bơ-rơ 9:11-14,24), và ngồi trên ngôi của Cha (Khải Huyền 3:21). Ngài chưa đi ra mà nhận ngôi vị Ngài (Hê-bơ-rơ 9:28). Những mão triều thiên làm ra để chỉ bóng sự phong chức của Giê-hô-sua phải giữ trong Ðền thờ làm kỷ niệm hầu cho hy vọng lớn hơn đó của Y-sơ-ra-ên cứ sống.
Sáng thế ký 14:18.-- Xem bài "Jêsus Christ."
Hê-bơ-rơ 5:6.-- Xem bài "Mên-chi-xê-đéc."