I. Trong II Các vua 12:10; E-xơ-ra 4:8 nguyên văn Sophar dịch là một thầy thơ ký, thuộc chính phủ hay một thầy ký khác. Những người Lê-vi được dùng như các thầy thơ ký để lo sửa lại Ðền thờ (II Sử ký 34:13).
II. Một người sao luật pháp và các phần khác của Kinh Thánh (Giê-rê-mi 8:8). Người rất trứ danh trong các thầy thông giáo sớm hơn là thầy tế lễ E-xơ-ra, người đã thông thạo luật pháp Môi-se và để lòng tìm kiếm luật pháp của Chúa để làm theo, và như vậy cốt để dạy trong Y-sơ-ra-ên những luật lệ và sự phán xét (E-xơ-ra 7:6,10). Về phương diện chót nầy, E-xơ-ra là tiêu chuẩn cho các thầy thông giáo trong thời sau, là người chuyên môn giải nghĩa luật pháp. Trong Tân Ước, nguyên văn là grammateis, hoặc đúng hơn là nomikoi, dịch là luật sư và nomodidaskaloi, là giáo sư của luật pháp. Họ chuyên chú:
(1) Học và giải nghĩa luật pháp, cả về công dân và tôn giáo, và nhứt định ứng dụng vào những tiểu tiết của đời sống hằng ngày. Những sự quyết định của thầy thông giáo lớn trở nên luật bằng miệng hoặc truyền khẩu.
(2) Kê cứu Kinh Thánh chung đối với những vấn đề lịch sử và lẽ đạo.
(3) Ðể dạy dỗ, mỗi thầy thông giáo danh tiếng đều có một số môn đồ ở xung quanh mình. Chức nghiệp thầy thông giáo có một ảnh hưởng lớn sau khi người Do-thái từ phu tù trở về, khi lời tiên tri đã thôi và chỉ còn lại để học lời Kinh Thánh đã trọn, và lấy đó làm căn bản cho đời sống của quốc gia. Vào thời Macchabée, và đến thời Ðấng Christ đã đến tột bậc ảnh hưởng của chức thông giáo giữa vòng dân sự. Tòa Công luận cũng có nhiều thầy đó làm nhơn viên (Ma-thi-ơ 16:21; 26:3). Dầu có người ngay thẳng ở giữa họ tin lời dạy dỗ của Ðấng Christ (8:19), nhưng số đông đã hết sức nghịch cùng Ngài. Họ lằm bằm và thấy nhiều lỗi trong lời nói việc làm của Ngài và môn đồ Ngài (21:15), và họ có một phần lớn trong trách nhiệm về sự chết Ngài. Họ cũng hiệp với các nhà cầm quyền và các trưởng lão trong sự bắt bớ Phi-e-rơ và Giăng (Công vụ các sứ đồ 4:5, v.v.) và trong sự dẫn Ê-tiên đến nơi tử vì đạo (6:12); song một phe họ hiệp với người Pha-ri-si binh vực quan niệm của Phao-lô đối với sự sống lại (23:9).
Ma-thi-ơ 2:4.-- Tiếng Hy-lạp Grammateis "văn sĩ." Tiếng Hê-bơ-rơ là sopherim tức là "viết," "sắp trật tự," "đếm." Các thầy thông giáo được gọi như vậy vì cớ chức vụ của họ là sao lại Kinh Thánh, sắp đặt và dạy những lời giáo huấn của luật pháp truyền miệng (xem Pha-ri-si, Ma-thi-ơ 3:7, lời chua), và đếm cách cẩn thận từng chữ viết Cựu Ước. Một chức vụ như thế rất cần trong một tôn giáo của luật và lời giáo huấn, và là một nhiệm vụ của Cựu Ước (II Sa-mu-ên 8:17; 20:25; I Các vua 4:3; Giê-rê-mi 8:8; 36:10,12,26). Ðối với công việc chính đáng nầy các thầy thông giáo thêm một bản chép về các ý quyết định của các thầy Ra-bi về những vấn đề lễ nghi (Halachoth); bộ luật mới là do từ các ý quyết định đó (Mishna), các chuyện huyễn mà người Hê-bơ-rơ coi là thánh (Gemara, hợp với Mishna thành Talmud); những lời giải nghĩa về Cựu Ước (Midrashim); các luận lý trên các lời giải nghĩa đó (Hagada), và cuối cùng những sự giải nghĩa mầu nhiệm thấy trong những ý nghĩa Kinh Thánh ngoài những nghĩa rõ về văn pháp, tự điển, và giống với lối giải nghĩa (Kabala); bằng lối dùng hình bóng của Origène, hoặc lối giải nghĩa của các nhà cải chánh ngày nay bằng cách "thuộc linh." Trong đời Chúa, nhận toàn thể các thứ sách đó đặt lên trên Kinh Thánh, ấy là chánh giáo, trở lại chính Kinh Thánh là tà giáo -- theo ý họ đều xúc phạm lớn đối với Chúa.