Thí dụ. Parabole.

        

      Thí dụ là một lối nói, trong đó lẽ thật về đạo đức và tôn giáo được minh chứng bởi sự tương tự của sự từng trải thông thường. Sự so sánh có thể bày tỏ bởi lời "giống" hoặc ám chỉ nghĩa đó. Sự khác nhau giữa ví dụ, lời tương tự, và lời nói bóng có khi khó phân biệt rõ. Có khi dường như không có sự khác nhau, chỉ trừ lời tương tự và lời nói bóng thì ngắn, còn ví dụ, so với hai lối trên, thì dài. "Các ngươi là sự sáng của thế gian," ấy là lời nói bóng. "Giống như chiên con câm ở trước mặt kẻ hớt lông," ấy là lời tương tự. Song "nước thiên đàng giống như men mà người đờn bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên" (Ma-thi-ơ 13:33), ấy là thí dụ.
       Có thí dụ, ngụ ngôn và giả thác: Ngụ ngôn mượn các loài động vật, thực vật để phát ra lời nói, song không phải là sự thật, như Các quan xét 9:8 chép các cây muốn lập một vua, và II Các vua 14:9 chép cây gai nói với cây hương nam; và giả thác mượn những sự khác thường để thí dụ về việc thuộc linh. Trong các sự vật mượn để nói giả thác có ngụ ý bóng bẩy sâu xa, như Ê-xê-chi-ên 16 nói về con trẻ bị bỏ, Ô-sê 1:-3: nói về đờn bà tà dâm, và Nhã Ca nói về chàng rể cùng vợ mới.
       Thí dụ có vài điều ích lợi kia: Một là, bởi thí dụ có thể bày tỏ lẽ thật để làm cho ký ức dễ ghi nhớ hơn là chỉ một lời dạy dỗ suông. Như, không có lời dạy dỗ suông nào có thể tỏ ý muốn Chúa tình nguyện tiếp nhận những tội nhơn ăn năn rõ hơn và hiệu quả hơn thí dụ về con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32). Hai là, khi một tiên tri hoặc thầy truyền đạo cần quở trách một người có quyền thế, là người không chịu ai trực tiếp nói mình có lỗi, thì có thể khéo đặt một thí dụ khiến người đó nghe chăm chỉ, song tự lên án cho mình trước khi nhận biết rằng chính mình là kẻ đáng bị lên án đó. Khi Na-than đến quở trách Ða-vít tội lớn lao về U-ri, người Hê-tít, thì đã dùng cách đó (II Sa-mu-ên 12:1-6).
       Những bài sau đây là các thí dụ chính của Cựu Ước: các cây xức dầu một vua (Các quan xét 9:8-20), chiên cái nhỏ (II Sa-mu-ên 12:1-14), đờn bà góa, một trong hai con bà đánh đứa khác chết (II Sa-mu-ên 14:4-20), người lính cho phu tù trốn đi (I Các vua 20:35-42), cây gai hỏi con gái cây hương nam làm vợ cho con mình (II Các vua 14:9-11); vườn nho (Ê-sai 5:1-7), hai chim ưng và cây nho (Ê-xê-chi-ên 17:1-10), con của sư tử (19:1-9), Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba (23:1-49), và nồi nước sôi (24:1-14).
       Phần nhiều những sự dạy dỗ của Chúa ta là bằng thí dụ; và khi nói đến các thí dụ Kinh Thánh thường có nghĩa là thí dụ của Chúa Jêsus. Ðấng Christ dùng thí dụ trong mỗi kỳ của chức vụ công khai Ngài (Mác 3:23; Lu-ca 6:39; 7:40-50), song thời giờ đến có sự thay đổi rõ ràng và Ngài phán thí dụ trong sự dạy dỗ công khai nhiều hơn (Ma-thi-ơ 13:3; Mác 4:2). Ấy vì hai duyên cớ: 
       (1) vì ứng nghiệm lời tiên tri (Ma-thi-ơ 13:34,35; so Thi Thiên 49:4; 78:2,3); 
       (2) vì không cho các thính giả Ngài biết các sự mầu nhiệm về nước thiên đàng, vì cớ họ xem mà chẳng thấy, nghe mà chẳng hiểu (Ma-thi-ơ 13:10-16). Có người cắt nghĩa rằng Ngài lấy những hình ảnh mặc cho lẽ thật của nước như thế để cho thính giả dễ hiểu hơn, và không thể nào bôi xóa khỏi ký ức mình. Song ấy chỉ thật về một hạng thính giả kia, và trong hạng đó cũng có người mới hiểu sau khi thí dụ đã được giải nghĩa rồi. Thật ra, Chúa có ý rằng các thính giả không sắm sẵn nghe và hết lòng tin những lẽ thật thuộc linh về nước; song vì đã tới thời phải dạy các lẽ đạo ấy cho những môn đồ Ngài cứ tiếp tục công việc sau khi Ngài đã từ giã (Mác 4:33,34), nên phải dạy lẽ thật bởi thí dụ để giấu cho người nào đã nghe và không chịu ăn năn. Vậy, Ngài cẩn thận phán thí dụ đó khi có một số kẻ thù cứng cỏi rình đợi bắt bẻ lời Ngài để dùng nghịch cùng Ngài; và lẽ thật cũng che khỏi đoàn dân hay thay đổi không chịu nghe lời dạy nếu hiểu ngay cả ý nghĩa. (Mác 4:11,12).
       Có lẽ trừ ra một lần (Ma-thi-ơ 18:23-35), các thí dụ chép sau lối dạy dỗ mới đó khởi sự trong chức vụ công khai Ngài, có thể chia làm ba phần:
       1. Tám thí dụ minh chứng về bổn tánh của nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 13:1-50; Mác 4:26-29), tiếp theo có một thí dụ để ứng dụng (Ma-thi-ơ 13:51,52). Hết thảy đều phán ra trong một ngày trên bờ biển Ga-li-lê (13:1,53). Các thí dụ đó có năm lẽ thật cốt yếu: 
             a) Người gieo và hột giống: các hạng thính giả tiếp nhận Tin lành cách khác nhau. 
             b) Cỏ lùng và lúa mì: sự dữ ra từ sự tốt lành. 
             c) Hột giống lớn lên cách bí mật, hạt cải và men: sự lớn lên của Hội Thánh cách kín đáo, bề ngoài và bề trong. 
             d) Của báu chôn, và ngọc châu giá cao: giá trị của nước, cần phải hy sinh mới nhận được. 
             đ) Lưới kéo đủ các thứ cá: địa vị lộn xộn của Hội Thánh hữu hình cho đến ngày tận thế.
       2. Mười chín thí dụ, hoặc chừng đó, minh chứng về nước thiên đàng trong đời sống của cá nhơn (Lu-ca 10:25-19:, trừ ra 13:18-21). Hầu hết, nếu không hết thảy, được Ðấng Christ giảng sau khi Ngài lìa xứ Ga-li-lê, trong khoảng sáu tháng giữa lễ Lều tạm và lễ Vượt qua cuối cùng đời Ngài. Ấy gồm lại các thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành, bạn hữu đến lúc nửa đêm, người giàu và kho tàng, các tôi tớ chờ đợi chủ, cửa đóng, ngôi cao, bữa ăn tối và lời xin kiếu, con chiên lạc mất, đồng tiền mất, con hoang đàng, người quản gia bất trung, người giàu và La-xa-rơ, bổn phận của tôi tớ, đờn bà góa làm rầy, người Pha-ri-si và kẻ thâu thuế, và các nén bạc.
       3. Năm thí dụ, hoặc với Ma-thi-ơ 24:32-35 là sáu, được giảng trong tuần lễ chót tại Giê-ru-sa-lem, và chỉ đến sự phán xét và sự tóm kết của nước. Thái độ của những người được gọi minh chứng bởi thí dụ về hai con trai và người làm công gian ác (Ma-thi-ơ 21:28-46); và cần đến áo lễ cưới, sự tỉnh thức, và trung tín tỏ ra trong thí dụ về hôn phối của con vua, mười người nữ đồng trinh, và năm ta lâng (Ma-thi-ơ 22:1-14; 25:1-30).
       Cuối cùng, có một luật giải nghĩa phải theo. Có mấy nhà văn sĩ dạy rằng mỗi thí dụ có phạm vi hoặc mục đích, nên cần phải tìm cách phân biệt hai điều đó, không phải là tìm một ý nghĩa riêng trong mỗi tình cảnh hoặc tiểu tiết. Song ấy có thể ngăn trở tìm thấy toàn thể ý nghĩa của sự dạy dỗ trong các thí dụ Ngài. Phải nên nhớ rằng trong những mẫu mực giải nghĩa thí dụ mà chính Ngài đã để lại cho ta, thì có nhiều điều hơn. Không phải chỉ người gieo và hột giống cùng mấy thứ đất có các đối phương trong sự sống thuộc linh thôi, song chim trời, cây gai, sức nóng bỏng, mỗi điều cũng có ý nghĩa riêng. Bởi đó, ta có phép tìm nghĩa hợp lý trong các tình cảnh hoặc tiểu tiết. Chính lối dạy dỗ cũng tỏ rằng một thí dụ có thể có hơn một lời giải nghĩa chính đáng. Như một thí dụ có thể có nghĩa cao xa về mặt luân lý và mặt tiên tri. Vậy, một thí dụ có thể có nghĩa rộng cho người dạy, song cũng phải hạn chế sự giàu trí tưởng tượng. 
       a) Những sự tương tự phải là thật, không ép quá. 
       b) Phải coi mỗi thí dụ như một phần của toàn thể, và sự giải nghĩa một thí dụ không nên phản đối hoặc phá hại sự dạy dỗ các thí dụ khác. Sự dạy dỗ trực tiếp của Ðấng Christ lập mẫu mực mà ta rất cần đến để giải nghĩa các thí dụ.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về thí dụ như sau nầy:
       Xa-cha-ri 11:7.-- Tóm tắt các thí dụ như Cựu Ước. Một thí dụ là sự tương tự dùng để dạy dỗ hoặc tỏ rõ một lẽ thật. những thí dụ Cựu Ước chia làm ba hạng: 
       (1) Truyện làm thí dụ như trong Các quan xét 9:7-15; 
       (2) những bài giảng làm thí dụ như trong Ê-sai 5:1-7;
       (3) những công việc làm thí dụ như trong Ê-sai 37:16-22.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.