Thi Thiên. Les Psaumes.

        


      I. Nghĩa tên.-- Tên Hê-bơ-rơ của sách là Tehillim (trên chữ i thứ hai có dấu ^), "những bài ngợi khen." Song thật ra những nhan đề ở trên các thiên, chữ Tehillâh, chỉ có một thôi, Thi Thiên 145:, quả thật là một bài ca ngợi khen. Bản Septante đặt nhan đề là psalmoi, hoặc Thi Thiên. Hội Thánh Ðấng Christ rõ ràng nhận sách nầy từ người Do-thái chẳng những chỉ là một phần trong Kinh Thánh, song cũng là sách ca hát làm lễ mà Do-thái-giáo đã dùng trong Ðền thờ.
       II. Ðược công nhận.-- Các Thi Thiên là thuộc phần thứ ba trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Vậy, chẳng hề có ai phản đối công nhận sách Thi Thiên vào Kinh Thánh. Có lẽ tín đồ Ðấng Christ quí sách Thi Thiên hơn người Do-thái. Nếu các tín đồ được phép chỉ giữ một sách trong Cựu Ước, thì chắc chắn họ sẽ chọn Thi Thiên. Gần 100 T.C., và có lẽ vào một niên hiệu sớm hơn, các Thi Thiên được nên trọn và được công nhận là phần của Hagiographa, phần thứ ba của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.
       III. Các đầu đề.-- Các đầu đề Thi Thiên là cổ. Không những chỉ có khi người ta dịch bản Septante, song đã có lâu rồi, vì các danh từ âm nhạc và các danh từ khác, dịch giả cũng không hiểu rõ.
       Các danh từ nguyên văn dùng là Neginah một nhạc khí bằng dây, số nhiều là Neginoth; và Nehiloth, nhạc khí gió (4:; 5:; 61:). Những danh từ có lẽ thuộc âm nhạc: A-la-mốt, các gái trẻ, hoặc chỉ về tiếng hát gái trẻ (46:; I Sử ký 15:20); Ghi-tít, là một thứ đờn bằng dây của Gát, hoặc hát lúc lính canh người Gát bước đi (Thi Thiên 8:; 81:; 84:); Sê-la, một chỗ âm nhạc nghỉ, hoặc đổi giọng từ nhỏ lên to (3:2); Sê-mi-nít, thứ tám (6:; 12:; I Sử ký 15:21). Những danh từ chỉ về tánh cách của Thi Thiên như: Maschil, bài thi ca dạy dỗ và suy gẫm (32: và mười hai thiên khác); Michtam, có lẽ là thơ phúng thích (16:; 56:-60:); Mizmor, một thi thư tình, thường dịch là Thi Thiên (3:); Shiggaion, có lẽ là một bài thư chúc tụng (7:; Ha-ba-cúc 3:1). còn các danh từ khác là chỉ về những điệu hát quen biết như: Aijeleth hash-Shahar, "nai cái rạng đông" (22:); Giô-nát Ê-lem Rô-hô-kim, "chim bò câu yên lặng của người ở phương xa" (56:); Ma-ha-lát, nặng nề (53:; 88:); Mút-la-bên (9:); Sô-san-nim và Sô-san-nim Eduth, và Su-san Eduth, "bông huệ chứng cớ" (45:; 60:; 80:). Những điệu hát hoặc bài ca "đi lên từ bậc" có lẽ chỉ cho người đi viếng nơi thánh tới Giê-ru-sa-lem (120:-134:).
       IV. Cách chia sách.-- Sách có 150 Thi Thiên, và có thể chia làm năm phần lớn. Có người tưởng ấy hiệp với lối chia Ngũ kinh Môi-se như trong bản Septante. Nhưng chắc vốn trước tác vào các thời khác nhau. Vậy, có sự khác nhau lạ giữa mấy phần sách về lối dùng danh Giê-hô-va và Ê-lô-him để chỉ về Ðức Chúa Trời Toàn năng. Trong quyển I (1:-41:), danh Giê-hô-va nhiều hơn: thấy trong nguyên văn 272 lần, còn Ê-lô-him chỉ 15 lần. Trong quyển II (42:-72:) thấy Ê-lô-him chép gấp năm lần nhiều hơn Giê-hô-va. Trong quyển III (73:-89:), phần ưu thắng Ê-lô-him trong phần trên ngang với Giê-hô-va trong phần dưới. Trong quyển IV (90:-106:) chỉ dùng nguyên danh Giê-hô-va thôi, và quyển V (107:-150:) cũng vậy. Vì chỉ thấy hai khúc dùng Ê-lô-him trích từ các thiên đầu.
       Năm quyển phân biệt với nhau, một phần lớn là bởi những đầu đề ở trên các thiên. Quyển I., theo các đầu đề ở trên, hoàn toàn thuộc Ða-vít, ngoài ra không có dấu tích nào bởi trước giả khác. Có thể tin rằng soạn giả quyển I. cũng là việc Ða-vít. Quyển II. tỏ ra niên hiệu bởi thiên cuối cùng (46:) được soạn trong đời vua Ê-xê-chia. Quyển nầy gồm lại: thứ nhứt, hầu hết các thiên trước thời đó thuộc sự thờ theo sách Lê-vi; và thứ hai, các thiên của Ða-vít chưa sưu tập. Sau khi soạn giả đã thêm chỉ một thiên của Sa-lô-môn, thì cho biết: "Chung các bài cầu nguyện của Ða-vít, con trai Y-sai" (72:20). Theo nguyên văn các đề đầu, số Thi Thiên thật của Ða-vít là 73 (so Hê-bơ-rơ 4:7), nhưng trong quyển III., IV., V., còn có thiên có tên Ða-vít nữa. Tại sao vậy? Trong mấy phần Kinh Thánh khác, tên Ða-vít dùng để tỏ ra, sau sự chết của Ða-vít, người đứng đầu của nhà đó; và như vậy, trong tiên tri, cũng tỏ ra Ðấng Mê-si của dòng dõi Ða-vít, là Ðấng ngồi trên ngôi Ða-vít (I Các vua 12:16; Ô-sê 3:5; Ê-sai 55:3; Giê-rê-mi 30:9; Ê-xê-chi-ên 34:23,24). Bởi thế, ta có thể giải nghĩa các đầu đề Thi Thiên sau có tên Ða-vít. Các thiên có tên Ða-vít như thế là bởi Ê-xê-chia, Giô-si-a, Xô-rô-ba-bên và các dòng dõi khác của Ða-vít. Ấy cất hết thảy mọi sự khó hiểu về lịch sử của các quyển sau trong sách nầy. Quyển III phần nhiều thuộc đời Ê-xê-chia, lan rộng bởi hai thiên chót cho đến đời Ma-na-se, và có lẽ được thâu lại trong đời Giô-si-a. Quyển IV gồm có phần còn lại của các thiên cho đến ngày Y-sơ-ra-ên bị phu tù. Quyển V, gồm có các thiên hồi từ phu tù về. Hai quyển chót nầy có lẽ thâu góp trong ngày Nê-hê-mi.
       V. Thi Thiên quan thiệp với lịch sử Y-sơ-ra-ên.-- Thi Thiên 90: của Môi-se, là thiên sớm nhứt, phản chiếu cách trung tín những cuộc hành trình lâu dài và mỏi mệt, những sự làm Chúa mất lòng, và những sự hình phạt của Ngài ở trong đồng vắng. Dầu vậy; có thể quyết rằng các Thi Thiên Y-sơ-ra-ên bắt đầu thật bởi Ða-vít. Tài gảy đờn cầm trước đã dọn đường, nên khi chịu xức dầu bởi Sa-mu-ên và nhận Thần Chúa, Ða-vít đầy ơn Chúa soạn và hát các Thi Thiên cách đặc biệt. Sau đó, trong cung điện, Ða-vít dùng tài đó để thắng hơn sự buồn bã của Sau-lơ, và ở bãi chiến trường thắng hơn lực sĩ khoe khoang của cơ binh Phi-li-tin, Ða-vít hát thế nào "Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú, mà lập nên năng lực Ngài" (Thi Thiên 8:2). Các thiên sau của Ða-vít có tính cách khác hẳn. Sự bắt bớ bởi tay Sau-lơ đã bắt đầu. Khi Ða-vít đã khởi sự trị vì cũng còn có những biến động rất xúc động trong lịch sử người, riêng hoặc chung, mà các thiên sau mô tả. Ðây không thiên nào có thể quyết rằng chép lúc Ða-vít trị vì tại Hếp-rôn. Song sau khi chiếm lấy thành Giê-ru-sa-lem, Ða-vít bắt đầu chép Thi Thiên lần nữa lúc thỉnh hòm giao ước lên núi Si-ôn. Trong các thiên 24:-29: hiệp ý với nhau, ta thấy ý định Ða-vít để soạn và sắp đặt các thiên cho công chúng dùng và hát. Cả đến những Thi Thiên không hiệp với biến động nào, nhưng cũng phản chiếu cảnh ngộ chung của lịch sử thời đó. Vậy thiên 9: là bài tạ ơn vì Chúa đã giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp chế của dân ngoại. Thiên 10: là bài cầu nguyện vì đã được giải cứu khỏi sự ức hiếp bởi người từ bên trong. Những thiên tiếp nối cũng ở cùng một đại đề đó, tức sự ngoại đạo ức hiếp ở trong giáo hội Do-thái. Chỉ có mấy thiên như 15:-17:; 19:; 32: (với bài ca chung phụ vào 33:): và 37: mà không có thể liên lạc với một truyện nào trong lịch sử. Gần cuối đời, Ða-vít có một thời gian nghỉ ngơi, chịu cảm động soạn những bài tạ ơn riêng vì đã được giải cứu nhiều lần trong đời sống mình (thiên 18:). Ấy được biết bởi nơi xen vào trong lịch sử (II Sa-mu-ên 22:). Có lẽ vào thời đó, Ða-vít lần cuối cùng sắp đặt sự thờ phượng tại nơi thánh, nên có các Thi Thiên nay họp thành quyển I.
       Song đời Ða-vít chưa xong. Ða-vít triệu tập hội chúng trọng thể để làm lễ dâng các vật liệu xây Ðền thờ về sau (I Sử ký 28:; 29:), chắc chịu cảm động cố hết sức soạn các thiên để làm sáng danh Ðức Chúa Trời. Vậy, vào dịp đó, có mấy bài ca lớn (Thi Thiên 65:-67:; 68:) bao gồm sự ôn lại lịch sử quá khứ, địa vị hiện tại, và những sự vinh hiển tương lai của dân lựa chọn Ngài. Những sự nài xin chép ở thiên 69: rất thuận hiệp với những cơn khốn khổ của Ða-vít, gây ra bởi sự phản bội của A-đô-ni-gia. Thiên 71:, với 70:, là phần của một thiên trước làm tiểu dẫn, là bài từ giã của Ða-vít. Nhưng để khỏi ý các Thi Thiên của Y-sơ-ra-ên dường như xong trong đời Ða-vít, nên con người là Sa-lô-môn chép Thi Thiên 72: về những sự vinh hiển tương lai. Tạm thời chỉ có thiên đó thêm vào thôi. Song để làm phục hưng sự hát Thi Thiên, đến kỳ nhóm họp lớn của vua A-sa (II Sử ký 15:); dường như chép Thi Thiên 50:, vì ấy thuận hiệp với dịp đó. Thi Thiên 45:, với đại đề tiên tri, thuận hiệp với những sự sang trọng đời Giô-sa-phát trị vì. Sau đó, trong thời khó khăn, cũng có thiên 49:, tỏ ra sự tin cậy trong thời lo lắng. Thiên 42:-44:; và 74: hiệp với đời vua A-háp. Ðời vua Ê-xê-chia rất giàu về Thi Thiên: Thiên 46:; 73:; 75:; 76: quan thiệp với hồi Chúa hủy diệt đạo binh A-sy-ri.
       Nay đến loại các thiên đặc biệt (80:-83:), vì quan hệ đến lịch sử chính trị và tôn giáo của mười chi phái riêng. Niên hiệu thật soạn là trước thời vua Ê-xê-chia. Thiên 80: có lẽ là sớm hơn hết, là bài nài xin cho dân Y-sơ-ra-ên lúc bị Sy-ri ức hiếp. Trong đề đầu loại thiên đó nói đến các người Lê-vi ca hát, và bởi thế chứng rằng người Lê-vi thử làm cho hai ngành Y-sơ-ra-ên hòa thuận nhau. Vua Ma-na-se bị bắt chỉ là tạm thời, song sự phạt tội người trên Giu-đa và Y-sơ-ra-ên phải cứ thi hành, nên ngăn trở cái hy vọng Ðức Chúa Trời giải cứu dân cho đến sự đoán phạt xong rồi. Bởi thế, đời đó phải chịu đau đớn và buồn bực; dầu là thỉnh thoảng thấy ánh sáng của sự thương xót Ngài, nhưng sự vinh hiển mới được tỏ ra cho dòng dõi đời đó mà thôi. Các thiên trong quyển IV, phần nhiều tỏ ra tình cảm nầy.
       Trong quyển V., Thi Thiên 107 là thiên chép lúc từ phu tù về, có lẽ hát khi giữ lễ Lều tạm thứ nhứt ngay sau (E-xơ-ra 3:). Các thiên sau có tên Ða-vít có lẽ là của Xô-rô-ba-bên chép. Ðây không luận đến Thi Thiên 119: (khởi đầu mỗi khúc theo trật tự từng chữ cái Hê-bơ-rơ); song về Thi Thiên 120:-134: có tánh cách lịch sử và gọi là các "Bài ca đi lên từ bậc." Trong các thiên đó, có chứng cớ là thuộc khoảng người Do-thái dưới Nê-hê-mi, đối đầu với kẻ thù, đương tu bổ các vách thành Giê-ru-sa-lem, nên đề đầu rất nên chỉ về "bài ca đi lên trên các vách tường," vì ngắn và tiện cho người làm công và canh gác hát lúc làm việc phận sự. Có lẽ thiên 137: là sớm hơn, và mấy thiên có tên Ða-vít sau cũng thế. Về các thiên đó, 139: là thiên của Y-sơ-ra-ên lại sanh, tức từ lòng dạ phu tù Ba-by-lôn được một sự sống công bình. Thiên 140:-143: là một bức tranh tả vẽ những sự thử rèn mà các người phu tù về còn phải chịu từ người ngoại bang. Từ đó trở đi, đến gần hết sách, giọng hát càng thêm lên trong sự vui vẻ; và thiên 147:-150: đáng dùng để kết thúc sách vì có lẽ hát lúc có đám rước tạ ơn thuật trong Nê-hê-mi 12:; là sau khi đã xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem rồi.
       VI. Ðặc sắc đạo đức của Thi Thiên.-- Trong các đặc sắc đó, điều thứ nhứt là sự cần thiết phổ thông, ấy là được giao thông với Ðức Chúa Trời. Quan thiệp với điều đó, là trước giả sống trong đức tin nơi Ðức Chúa Trời hơn là nơi mình. Thể yếu của đức tin như thế là tác giả phải thấy những sự trọn lành của Ðức Chúa Trời cách chơn thật và rõ ràng. Vậy, các tác giả Thi Thiên mô tả Ðức Chúa Trời thật như Ngài có: nên các thiên chiếu sáng bởi những lời làm chứng về quyền năng và sự săn sóc Ngài, sự yêu thương và trung tín Ngài, sự thánh khiết và công bình Ngài. Các thiên chẳng những bày tỏ những sự trọn lành của Ngài song cũng tuyên bố việc bổn phận buộc người phải thờ phượng Ngài, bởi sự công nhận và khen ngợi những sự trọn lành Ngài. Các thiên giục lòng ta nhờ mọi lễ nghi bề ngoài và mọi phương pháp bề trong để thờ phượng Ngài. Trong những phương pháp đó, các thiên nhận biết mạng lịnh của lễ như lối bày tỏ người thờ phượng dâng mình cho Chúa để hầu việc Ngài. Song các thiên cũng chối bỏ những lễ bề ngoài khi cách xa điều mà lễ nghi đó có ý tỏ ra. Cũng vậy, các thiên lấy tội lỗi người làm gớm ghiếc. Về luật pháp, các thiên dầu nhận biết là tốt, nhưng biết không thể dẫn dắt người từ mình khỏi phạm tội (Thi Thiên 19:). Các thiên vẫn làm chứng về nghĩa vụ dạy người khác đi đường thánh khiết (Thi Thiên 32:; 34:; 51:). Ấy cuối cùng dẫn chúng ta nhận thấy rằng đức tin của các trước giả Thi Thiên về sự báo ứng mọi người cách công bình là tùy theo việc làm (Thi Thiên 37:, v.v.).
       VII. Ðặc sắc tiên tri của Thi Thiên.-- Sự đua tranh đạo đức giữa sự tin kính và vô đạo mô tả rất linh động trong các Thi Thiên như thế, tóm kết, trong Kinh Thánh, trong đời sống của Con Ðức Chúa Trời thành nhục thể trên thế gian. Chỉ còn cần tỏ ra chính các thiên trông đợi rất rõ sự tóm kết đó. Trong sách Thi Thiên. ít nhứt có ba thiên rất chú trọng về một người ngoài tác giả, ấy là Ðấng Mê-si. Ấy là thiên 2:; 45:; 110: và có lẽ thêm thiên 72:. Nếu chỉ có ít thiên nầy, tùy theo nghĩa tiên tri, đứng đặc biệt riêng ra khỏi phần sót lại, ấy thật lạ lắm. Bởi thế, nên không thể coi các thiên chung với nhau, bất cứ thuộc về lịch sử thời nào, như chỉ là sự mộ đạo quá khứ của Ða-vít hay Y-sơ-ra-ên. Các bài quốc ca của Y-sơ-ra-ên cũng trông về hướng tương lai; song xét chung, các thiên tỏ trước những sự đua ganh và đắc thắng của Hội Thánh Ðấng Christ hơn là chính Ðấng Christ.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho sách Thi Thiên như sau nầy:
       Lời mô tả đơn sơ nhứt của năm quyển Thi Thiên là sách nầy là sách cầu nguyện và ngợi khen của Y-sơ-ra-ên được soi dẫn bởi Ðức Chúa Trời. Các quyển đó là những sự khải thị của lẽ thật, không phải trừu tượng song bằng những danh từ của sự từng trải người. Lẽ thật bày tỏ được hành động trong những cảm tình, ước ao, và đau khổ của dân Ðức Chúa Trời bởi những cảnh ngộ mà họ gặp. Song những cảnh ngộ đó đều tỏ trước những sự tương tự Ðấng Christ trong sự thành nhục thể Ngài, và dân sót Do-thái trong cơn đại nạn, cũng phải từng trải (Ê-sai 10:21); đến nỗi có nhiều thiên dự ngôn về những sự đau đớn, đức tin,và sự đắc thắng của cả hai. Thi Thiên 22: và 60: là như vậy. Thiên 22:, tức nơi Chí thánh của Kinh Thánh, tỏ ra mọi sự trong tâm trí Ðấng Christ khi Ngài kêu tiếng thảm thiết: "Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi." Thiên 60: dự ngôn về những điều sẽ ở trong lòng Y-sơ-ra-ên khi quay lại cùng Ðức Giê-hô-va lần nữa (Phục truyền luật lệ ký 30:1,2). Có thiên khác nói tiên tri trực tiếp về "Ðấng Christ chịu thương khó, mới được vào sự vinh hiển mình" (Lu-ca 24:25-27,44). Thi Thiên 2: rất rõ như thế, vì bày tỏ Ðấng xức dầu của Ðức Giê-hô-va bị chối bỏ và đóng đinh (câu 1-3; Công vụ các sứ đồ 4:24-28), song sau được tôn làm vua tại Si-ôn.
       Những đại đề của Thi Thiên là: Ðấng Christ, Ðức Giê-hô-va, Luật pháp, Cuộc Tạo thành, tương lai Y-sơ-ra-ên, và những sự hành động của lòng đổi mới trong cơn đau đớn, vui vẻ, bối rối. Những lời hứa trong Thi Thiên thứ nhứt là cho người Do-thái và thuận hiệp với một dân ở dưới Luật pháp, song về phần thuộc linh cũng thật trong sự từng trải tín đồ Ðấng Christ, theo nghĩa các thiên bày tỏ tâm trí Ðức Chúa Trời và những sự hành động của lòng Ngài đối với những người bối rối, đau khổ, hoặc ngã lòng.  Những thiên nguyền rủa là tiếng kêu của những kẻ bị ức hiếp trong Y-sơ-ra-ên xin sự công bình, -- một tiếng xứng hiệp và phải lẽ của dân Ðức Chúa Trời trên đất, và nhờ lời hứa rõ ràng trong giao ước với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:18); song là một tiếng không xứng hiệp với Hội Thánh, là một dân thuộc về trời, chung phần với Ðấng Christ bị chối bỏ và đóng đinh (Lu-ca 9:52-55).
       Các Thi Thiên chia làm năm quyển, mỗi quyển tận cùng với lời chúc phước: 
       I. Thi Thiên 1:-41:. 
       II. Thi Thiên 42:-72:. 
       III. Thi Thiên 73:-89:. 
       IV Thi Thiên 90:-106:. 
       V. Thi Thiên 107:-150:.
       Những thiên chỉ về Ðấng Mê-si là:
       Thi Thiên 40:1.-- Thiên thứ 40: nói về Ðấng Mê-si, Tôi tớ của Giê-hô-va, vâng phục cho đến chết. Thi Thiên khởi sự nói về sự vui vẻ của Ðấng Christ trong sự sống lại (câu 1,2). Ngài đã ở trong hố ghê gớm của mồ mả, song đã được đem lên. câu 3-5 là chứng cớ sự sống lại Ngài, "bài ca mới" của Ngài. Câu 6 và 7 là đoái trông lại. Khi của hy sinh và của lễ đã trở nên gớm ghiếc vì cớ sự gian ác của dân sự (Ê-sai 1:10-15), thì Tôi tớ vâng phục đến để làm của lễ tinh sạch (câu 7-17; Hê-bơ-rơ 10:5-17). Xem Thi Thiên 41: là thiên sau theo trật tự các thiên về Ðấng Mê-si.
       Thi Thiên 41:9.-- Thi Thiên 41: là thiên dự ngôn về Con Người bị phản bội, như chính Chúa Jêsus dạy (Giăng 13:18,19).
       Thi Thiên 45:1.-- Thi Thiên lớn nầy về Vua, với các thiên 46:-47: rõ ràng trông đợi sự Chúa tái lâm vinh hiển. Lời trưng dẫn trong Hê-bơ-rơ 1:8,9 không phải chỉ về việc xức dầu như là một biến động (Ma-thi-ơ 3:16,17), nhưng như là chỉ về địa vị vĩnh viễn của Vua. So Ê-sai 11:1,2. Những phần chia ra là: 
       (1) sự tốt đẹp cực điểm của Vua (câu 1,2); 
       (2) Vua đến trong sự vinh hiển (câu 3-5; so Khải Huyền 19:11-21); 
       (3) Thần tánh của Vua và tánh cách của sự trị vì Ngài (câu 6,7; Hê-bơ-rơ 1:8,9; Ê-sai 11:1-5); 
       (4) vì quan thiệp với Ngài trong sự cai trị thế gian, thì hoàng hậu được bày tỏ (câu 9-13), và trong sự quan thiệp đó, Vua không gọi là Ê-lô-him (Sáng thế ký 1:1, lời chua), như trong câu 6, song Adonai, tên giống đực của Thần (Sáng thế ký 15:2, lời chua); 
       (5) Những bạn đồng trinh của hoàng hậu dường như là dân Do-thái sót lại (Rô-ma 11:5; lời chua; Khải Huyền 14:1-4), được thấy sau đó (câu 14,15); và 
       (6) Thi Thiên tận cùng với một lời trưng dẫn về danh tiếng của Vua ở trên đất (câu 16,17). Xem Thi Thiên 68:, sau theo trật tự các thiên về Ðấng Mê-si.
       Thi Thiên 68:1.-- Trọn thiên nầy có sự vui vẻ của Y-sơ-ra-ên trong nước suốt cả, song có một trật tự rõ rệt hơn của những biến động khởi đầu với câu 18. Thiên nầy được trích (Ê-phê-sô 4:7-16) về chức vụ của Ðấng Christ thăng thiên. Câu 21-23 chỉ về sự thâu họp Y-sơ-ra-ên lại, và sự hủy diệt "Con Thú" và các đạo binh nó. Xem bài "Con Thú." Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20; bài "Ha-ma-ghê-đôn," (Khải Huyền 16:16; 19:17, lời chua). Câu 24-35 tả cảnh phước lành đầy đủ và phổ thông của nước. (Xem "Nước" (Cựu Ước), Sáng thế ký 1:26; Xa-cha-ri 12:8). Xem Thi Thiên 69: sau, theo trật tự các thiên về Ðấng Mê-si.
       Thi Thiên 69:1.-- Những lời trích Tân Ước từ, và trưng dẫn đến, thiên nầy đều chỉ rằng tỏ Ðấng Christ mờ mờ cách nào. Ấy là thiên của sự hạ mình và sự chối bỏ của Ngài (Câu 4,7,8,10-12). Câu 14-20 có thể mô tả rõ ràng những sự hành động của linh hồn thánh Ngài tại Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:36-45); còn câu 21 chỉ trực tiếp về thập tự (Ma-thi-ơ 27:34,48; Giăng 19:28). Những câu nguyền rủa (22-28) có quan thiệp (Rô-ma 11:9,10) với sự đui mù về tư pháp hiện thời của Y-sơ-ra-ên, câu 25 có chỉ đặc biệt về Giu-đa (Công vụ các sứ đồ 1:20), là người như thế làm hình bóng của đời người, là đời dự phần trong tội người đó (xem Thi Thiên 72: sau theo trật tự của các thiên về Ðấng Mê-si).
       Thi Thiên 72:1.-- Toàn thể thiên nầy họp thành sự hiện thấy trọn vẹn về nước Ðấng Mê-si tùy theo sự khải thị Cựu Ước tỏ rộng ra. Hết cả những lời cầu nguyện của Ða-vít sẽ thấy sự ứng nghiệm trong nước (câu 20:; II Sa-mu-ên 23:1-4). Câu 1 chỉ về sự phong chức Con Vua với nước được mô tả đúng luật trong Ða-ni-ên 7:13,14; Khải Huyền 5:5-10. Câu 2-7, 12-14 tỏ tánh cách của nước (so Ê-sai 11:3-9). Lời chú trọng là sự công bình. Bài giảng trên núi mô tả sự công bình của nước. Câu 8-11 nói về sự phổ thông của nước. Câu 16 gợi ý về cách nào đem phước lành phổ thông vào. Y-sơ-ra-ên trở lại sẽ là: nắm lúa mì (A-mốt 9:9), như chính vua trong sự chết và sự sống lại là một "hột giống lúa mì" (Giăng 12:24). "Trước là người Do-thái" là trật tự của cả Hội Thánh và nước (Rô-ma 1:16; Công vụ các sứ đồ 13:46; 15:16,17). Bởi Y-sơ-ra-ên được lập lại mà nước sẽ được lan tràn trên trái đất (Xa-cha-ri 8:13, 20-23). Xem Thi Thiên 89: sau, theo trật tự của các thiên về Ðấng Mê-si.
       Thi Thiên 102:1.-- Những lời trưng dẫn câu 25-27 là về Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 1:11,12), nói chắc cho ta rằng trong những câu trên của Thi Thiên 102: ta thấy, về phần tiên tri, những sự hành động của linh hồn thánh Ngài trong những ngày Ngài bị hạ xuống và chối bỏ. Xem Thi Thiên 110: sau, theo trật tự của các thiên về Ðấng Christ.
       Thi Thiên 110:1.-- Sự quan hệ của Thi Thiên 110: được làm chứng bởi chỗ rất đáng chú ý trong Tân Ước. 
       (1) Thiên nầy chứng quyết thần tánh của Chúa Jêsus, bởi thế trả lời những người chối ý nghĩa đầy đủ thần tánh của danh hiệu Ngài trong Tân Ước là "Chúa" (câu 1; Ma-thi-ơ 22:41-45; Mác 12:35-37; Lu-ca 22:41-44; Công vụ các sứ đồ 2:34,35; Hê-bơ-rơ 1:13; 10:12,13). 
       (2) Thiên nầy báo cho biết chức tế lễ vĩnh viễn của Ðấng Mê-si, tức một trong những câu rất quan hệ của Kinh Thánh (câu 4; Sáng thế ký 14-18, lời chua; Hê-bơ-rơ 6:20; 7:1-28, lời chua; I Ti-mô-thê 2:5,6; Giăng 14:6). 
       (3) Về mặt lịch sử, thiên nầy bắt đầu với sự thăng thiên của Ðấng Christ (câu 1: Giăng 20:17; Công vụ các sứ đồ 7:56; Khải Huyền 3:21). 
       (4) Về mặt tiên tri, thiên nầy ngưỡng về: 
             a) thời Ðấng Christ sẽ hiện ra như là cây Roi của sức mạnh Ðức Giê-hô-va; là Ðấng giải cứu từ Si-ôn ra (Rô-ma 11:25-27), và sự trở lại đạo của Y-sơ-ra-ên (Câu 3; Giô-suê 2:27; Xa-cha-ri 13:9. Xem Phục truyền luật lệ ký 30:1-9, lời chua); và 
             b) sự đoán xét các cường quốc ngoại bang có trước sự lập nước (câu 5,6; Giô-suê 3:9-17; Xa-cha-ri 14:1-4; Khải Huyền 19:11-21). Xem bài "Ha-ma-ghê-đôn" (Khải Huyền 16:14; 19:17, lời chua); "Y-sơ-ra-ên" (Sáng thế ký 12:2,3; Rô-ma 11:26, lời chua); "Nước" (Xa-cha-ri 12:8, lời chua; I Cô-rinh-tô 15:28, lời chua). Xem Thi Thiên 2: lời chua trước nhứt, và Thi Thiên 118: sau hết, theo trật tự các thiên về Ðấng Mê-si.
       Thi Thiên 118:29.-- Tóm tắt những thiên về Ðấng Mê-si. Xem bài Ðấng Mê-si.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.