Thỉ (Thủy) tổ phạm tội. Pêché des premiers ancêtres.

      



      Sáng thế ký chép Ðức Chúa Trời dựng nên ông bà thỉ tổ là A-đam và Ê-va. Không bao lâu, thình lình bị ma quỉ bày mưu cám dỗ, ông bà ăn trái cấm, biết phân biệt điều thiện và điều ác. Thế là không tin đức tốt của Ðức Chúa Trời mà trái nghịch mạng lịnh Ngài vậy. Ngài bèn giáng hình phạt trên họ: đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen, Ngài lại đặt chê-ru-bin và thanh gươm để canh giữ con đường đi đến cây sự sống. Xem chỗ luận về thỉ tổ phạm tội thấy có bốn ý.
       I. Khi Ðức Chúa Trời dựng nên người, Ngài vốn muốn cho người ta được hưởng sự yên vui, không có nguy hiểm. Vì thỉ tổ phạm tội mới có ba sự khổ sở lớn giáng trên thân muôn người! Ðó là cái báo ứng xứng hiệp với sự phạm tội, chớ vốn không hiệp với ý Ngài. Theo (Sáng thế ký 3:14-19), thì Ngài rủa sả, tức là rủa sả con rắn cám dỗ người ta phạm tội, và chỗ đất người ta mưu sống. Còn sự khó khăn Ngài rủa sả đó sẽ đổ trên thân người ta.
       II. Một mình A-đam phạm tội, phạt đến dòng dõi muôn đời. Hỏi: Ðó là tội gì? Ðáp: Kể về mặt ngoài, thì là tội trái mạng; xét về trong lòng thì là tội vượt phận làm càn. Nầy, A-đam đã vâng mạng Ðức Chúa Trời không ăn trái cấm, thế mà sau dám trái nghịch mạng đó, muốn thêm khôn ngoan, ngang hàng với Ngài! Nào có biết tội nặng nhứt là tội vượt phận mà lấn quyền của Ðức Chúa Trời đó.
       III. Về sự người ta biết phân biệt điều thiện, điều ác trong Sáng thế ký 3:22, mỗi thuyết giải nghĩa một khác: Có người nói: Trước khi phạm tội, thỉ tổ không khác gì hạng con trẻ: trai gái trần truồng, không biết hổ thẹn, không động tình dục. Sau khi ăn trái cấm, thỉ tổ sáng mắt ra, biết rằng mình lõa lồ rồi động tình dục. Có người nói: Sau khi phạm tội, thỉ tổ mới nảy lương tâm, biết rõ việc nào hiệp đạo, việc nào không. Còn tình dục là lẽ tự nhiên của người đời, không cần luận đến. Thuyết trên gần như cố chấp. Thuyết dưới thì gần đúng đạo lý. Xét vấn đề khác trong Kinh Thánh, cũng có chỗ tương tự với ý đó, như I Các vua 3:9 nói Sa-lô-môn cầu xin Chúa ban cho tấm lòng khôn sáng để phân biệt điều lành điều dữ; Hê-bơ-rơ 5:14 khuyên người dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều hiệp đạo đức và không hiệp đạo đức, tức là phân biệt điều thiện và điều ác, chớ không phải luận về sự động tình dục. Rốt lại, lời đó, đối với nghĩa phân biệt thiện ác vẫn còn chưa hết. Ðành rằng người ta biết việc nầy là hiệp đạo, việc kia không hiệp đạo, thế là phân biệt rõ ràng lắm; song từ khi thỉ tổ biết phân biệt thiện ác trở về sau, người ta đối với lời nói và việc làm thường hay đổi thuận ra nghịch, xoay phải ra quấy! Vậy, nên Sa-lô-môn nói: "Nầy là điều ta tìm được: Ðức Chúa Trời đã dựng nên loài người ngay thẳng, song loài người có tìm kiếm ra lắm mưu kế" (Truyền đạo 7:29).
       IV. Sáng thế ký nói rõ thỉ tổ phạm tội là vì con rắn cám dỗ người nữ; song Cựu Ước chưa nói rõ con rắn là vật gì. Duy đạo Do-thái cho rắn là ma quỉ; Tân Ước cũng nói thế (Rô-ma 16:20; Khải Huyền 12:9; 20:2). Về lời Ðức Chúa Trời rủa sả rắn (Sáng thế ký 3:15), xem cách nông nổi, thì người ta rất thường ghét loài rắn; xét kỹ ra thì dòng dõi người nữ chỉ về Chúa Jêsus phải chiu nỗi đau thương khổ sở trên thập tự giá. Như con rắn bị giày đạp, tức là chỉ về Chúa Jêsus từ sự chết sống lại khiến quyền ma quỉ phải tiêu diệt, không làm mê hoặc người ta được nữa (Rô-ma 16:20; Hê-bơ-rơ 2:14; Khải Huyền 20:1,2,3,10). Bởi đó, sự giày đạp rắn tức là hình bóng về Ðấng Mê-si cứu đời vậy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.