Thơ Giăng I. Première Épitre de Saint Jean.

       



      I. Chứng cớ tỏ ra thơ là thật.--
       Polycarpe, môn đồ Giăng, trích 4:3 của thơ, và Eusebius nói về Papias, thính giả của Giăng: "Ông hay rút từ thơ Giăng I để làm chứng". Irénée trích nhiều, mà nói rõ là thuộc về Giăng I. Clément ở Alexandrie, Tertulien, Cyprien cũng vậy. Bản liệt kê của Muratori chép rằng: "Có hai sách (Tin lành và Thơ) của Giăng được gọi là chung". Origène chứng rằng Giăng I là thật và trích 1:5; Dionysius ở Alexandrie, học trò của Origène cũng làm chứng như thế. Eusebius chép rằng: "Những tín đồ ngày nay cũng như xưa đều công nhận Giăng I và Tin lành Giăng là thật, không hồ nghi gì. Jérôme cũng quyết định như thế.
       Lối chép Tin lành Giăng và Giăng I giống nhau, nhưng không phải là lấy ở sách nọ chép thành sách kia. Vì là một thơ tín chung, nên Giăng chép về cá nhân ít hơn Phao-lô trong thơ mình. Giăng dường như ám chỉ chức Sứ đồ mình (2:7,8,26,27), nói đến sách Tin lành mình (1:1 so Tin lành 1:14; 20:27), và tình yêu thương thắt chặt mình là Mục sư cao tuổi với "các con cái" thuộc linh (2:18-19). Trong 4:1-3; Giăng nói đến các giáo sư giả mà độc giả thời bấy giờ quen biết; và trong 5:21, ông răn: "Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!" Khi đó chỉ có mầm của một phái có hòa hiệp tà giáo Trí huệ (Gnosticisme) với Tin lành, dầu mãi đến đầu thế kỷ thứ II mới gọi là phái Docétisme (Cô-lô-se 1:15-19; I Ti-mô-thê 3:16; Hê-bơ-rơ 1:1-3). Nên Giăng 4:1-3 tố cáo "Thần nào không xưng Chúa Jêsus lấy xác thịt mà ra đời, chẳng phải là bởi Ðức Chúa Trời" (so I Giăng 2:22,23). Bởi sự biết trước, Ðức Thánh Linh bởi Giăng phòng bị Hội Thánh chống với tà giáo sắp tới đó.
       2. Thơ đạt cho ai.-- Augustin (345-430 S.C.) viết thơ nầy trước đạt cho những anh em trong Hội Thánh dưới quyền Giăng tại địa hạt Ê-phê-sô, là những Hội Thánh Phi-e-rơ nói đến trong I Phi-e-rơ 1:1 là Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, v.v...; và cho những tín đồ ở xứ Parthie (Bạt-thê, Công vụ các sứ đồ 2:9), bên kia sông Ơ-phơ-rát, ngoài đế quốc La-mã, là "Hội Thánh được chọn tại Ba-by-lôn" (Phi-líp 5:13). Như Phi-e-rơ đạt thơ I mình cho bầy chiên ở xứ A-si mà trước có Phao-lô và sau có Giăng lo, cũng vậy, Giăng, bạn thân của Phi-e-rơ, đạt thơ mình cho bầy chiên mà Phi-e-rơ đã lo trước. Như vậy, "bà được chọn" (II Giăng 1) hiệp với "Hội Thánh được chọn".
       3. Nơi và niên hiệu chép thơ.--
       Vì trong thơ chép dường như tác giả quen biết những thiệt sự về Ngôi Lời trở nên xác thịt, là Ðức Chúa Trời tỏ ra trong xác thịt, với những bài giảng của Ðấng Christ trong sách Tin lành thứ tư, chắc Giăng chép thơ nầy sau sách Tin lành mình. Giăng chép thơ dường như cha nói với "các con cái bé mọn" ấy tỏ ra Giăng chép lúc cao tuổi, có lẽ độ 90 S.C.. Giăng nói những giáo sư giả nghịch đạo Ðấng Christ nổi lên là dấu hiệu chỉ về "giờ cuối cùng", ấy tỏ ra không có thời đại khác trước khi Ðấng Christ tái lâm là cảnh tượng Hội Thánh đương chờ đợi. Ðịa hạt Ê-phê-sô là nơi có tà giáo Trí huệ, nên chắc là nơi Giăng chép thơ nhằm phần chót trong thời các Sứ đồ.
       4. Tài liệu.-- Tín đồ giao thông với Ðức Cha và Ðức Con là chủ đề và mục đích của thơ nầy (1:3). Ngoài lời chứng của Giăng, trong thơ có ba phần lớn:
             (1). 1:5-2:28, "Ðức Chúa Trời là Sự Sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu", cho nên muốn được giao thông với Ngài, tín đồ buộc phải bước đi trong sự sáng. Nhưng trước hết tín đồ phải xưng tội và được tha tội bởi Ðấng Christ, là Ðấng làm lễ chuộc tội và cầu thay cho. Còn một bước, tín đồ phải giữ điều răn Chúa tóm tắt lại tức là sự yêu thương, so sánh với sự ghen ghét là kết quả của sự không vâng lời. Giăng khuyên những bậc thuộc linh lớn lên, như con, cha, kẻ trẻ tuổi, đều là tín đồ được tha tội, từng biết Ðức Cha, và thắng hơn ma quỉ, đừng yêu thế gian vì không hiệp với sự yêu thương của Ðức Chúa Trời ngự trong lòng mỗi tín đồ. Sự yêu thương ngự trong tín đồ được xức dầu bởi Chúa, và tín đồ cứ ở trong Ðức Cha và Ðức Con, ấy là hai cách để thắng hơn những giáo sư giả, nghịch cùng đạo Ðấng Christ trong thế gian, là những giáo sư thật thuộc thế gian, không phải thuộc Hội Thánh, nên đã lui đi khỏi Hội Thánh.
             (2) 2:29-5:5. Phần nầy luận về vấn đề: "Chúa là công bình" cho nên "người nào đã làm theo sự công bình, ấy là kẻ bởi Ngài sanh ra". Phận làm con hiện giờ phải "tự mình làm nên thanh sạch": thứ nhứt, vì muốn giống Ngài ngay bây giờ, "cũng như Ngài là thanh sạch"; thứ nhì, vì mong rằng về sau sẽ hoàn toàn giống như Ngài. Hiện nay "các con Ngài sẽ ra thể nào, điều đó chưa được bày tỏ", song khi Ngài hiện đến, vì sẽ "thấy Ngài như vốn có thật vậy", các con sẽ hóa ra giống như Ngài (hiệp với Cô-lô-se 3:) so với II Cô-rinh-tô 3:18; Phi-líp 3:21. Các con cái ma quỉ thì ghen ghét, trái lại các con cái Chúa thì yêu thương. Tình yêu thương đó bảo lãnh Chúa sẽ nhận chúng ta và lời cầu nguyện, vì cũng sẽ có sự vâng điều răn Ngài: "Phải tin đến danh Con Ngài tức là Chúa Jêsus Christ, và phải yêu mến lẫn nhau". Ấn chứng việc đó là "Ðức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta" (I Giăng 3:24). Trái lại, giống như phần trên, sự chối bỏ Ðấng Christ và hiệp theo thế gian là hai điều tỏ ra thuộc về các thần giả (4:1-6). Ðiều cốt yếu của người trở nên con cái sanh bởi Ðức Chúa Trời và yêu mến Chúa vô hạn, ấy "vì Chúa đã yêu chúng ta trước" và "sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta" (4:10). Bởi đó, kết quả là chúng ta sẽ yêu anh em vì là con cái Chúa như mình, vậy "sẽ thắng hơn thế gian...vì tin Jêsus là Con Ðức Chúa Trời" (5:4,5).
             (3) 5:6-21.-- Cuối cùng, lẽ thật mà chúng ta nhờ để giao thông với Chúa là Ðấng Christ đã lấy nước trong lễ báp-têm Ngài và lấy huyết của sự chuộc tội mà đến, và lời chứng Ðức Thánh Linh là lẽ thật, ấy hiệp với lễ báp-têm của chúng ta bằng nước và Thánh Linh và nhận sự chuộc tội bởi huyết Ngài và lời chứng của Thánh Linh Ngài. Trong lời mở đàng, tác giả nhận lẽ thật nầy là nhờ chứng cớ của những điều mình là Sứ đồ, "đã nghe, đã thấy, đã ngắm, đã rờ"; nay đến cuối thơ, tín đồ nhờ lời chứng của Chúa mà tin, và nếu không tin "thì cho Ngài là nói dối". Trong 5:13, tác giả cho biết vì cớ nào chép thơ, vậy trả lời 1:4, lời mở đàng, tức là hầu cho tín đồ "biết mình có sự sống đời đời", là nguồn của sự vui mừng (so Giăng 20:31). Vậy có thể biết mình "cầu xin việc gì, thì Ngài nghe (I Giăng 5:14,15 so 3:22), cũng như "khi cầu thay cho một anh em phạm tội". Miễn là tội anh em đó "chưa đến nỗi chết" (5:16).
       5:18-21.-- Kết luận, Giăng quyết định rằng: vì sự hiểu biết Ðức Chúa Trời là Ðấng Chơn Thật, bởi sự ban cho của Ngài; vì chúng ta ở trong Ðấng Chơn thật đó, là bởi ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ; vì sanh bởi Ðức Chúa Trời, nên chúng ta tự giữ lấy mình, ma quỉ chẳng làm hại được. Ấy trái với thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ. Bởi cớ đó, "hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!" hoặc theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.
       5. Lối viết.-- Giăng trong thơ thường dùng những luận ngữ ngắn, và nhiều câu lập lại. Những lời khuyên giọng yêu thương, những câu theo lối văn Hê-bơ-rơ trùng nhau để cảm động hơn (trái với lối văn lý luận Hy-lạp của Phao-lô), và tinh thần đơn sơ tập trung một đại ý, đều sanh lối lặp lại những lẽ thật cốt yếu để cho ý rộng hay đẹp hơn và dạy dỗ rõ hơn. Giăng hay suy gẫm hơn là biện luận, và dạy về đời sống bên trong hơn bề ngoài của tín đồ Ðấng Christ. Những tư tưởng không mở mang từng bực như trong thơ Phao-lô, song đi vòng quanh để dẫn đến một trung tâm điểm, có khi thấy mặt phải hay mặt trái. Những câu so sánh mà Chúa thường dùng trong sách Tin lành, Giăng cũng có chép trong thơ mình: "xác thịt" và "Thánh Linh", "sự sáng" và "tối tăm","sự sống" và "sự chết", cùng là "ở trong Ngài". "chúng tôi...giao thông với Ðức Cha và với Con Ngài" và "giao thông cùng nhau" không có trong sách Tin lành song trong Công vụ các sứ đồ và thơ Phao-lô. Ấy tỏ ra tín đồ có thể sống và từng trải những lẽ đạo Ðấng Christ, vì những lẽ đó thật có linh nghiệm, chớ không phải là thuyết trơn. Trong thơ sự sốt sắng thiêu đốt, sự yêu thương đầy dẫy, đều tỏ ra chung với sự suy gẫm sâu nhiệm của Giăng. Lối viết đơn sơ song sâu sắc, mềm mại, an ủi, yêu thương, như thế phản chiếu Chúa mình. Éwald nói: "Giọng văn của Giăng có sự an nghỉ như ở trời.., như cha nói với con, như một thánh đồ đã được hóa vinh hiển từ trên cao nói".
       6. Cách gây dựng Hội Thánh.--
       Ðức Thánh Linh dùng Phi-e-rơ khởi lập, Phao-lô cổ động và Giăng làm trọn Hội Thánh của đời các Sứ đồ. Cựu Ước chú trọng về sự kính sợ Chúa; song Giăng, người chép cuối cùng Tân Ước, chú trọng về sự kính mến Ðức Chúa Trời. Nhưng như Cựu Ước cũng tỏ ra sự yêu thương, vậy Giăng con của sấm sét, trong Tân Ước cũng tỏ ra sự kinh khiếp Chúa trên những kẻ chẳng tin. Lẽ đạo Ðấng Christ được mở mang theo ba cách; theo sự dạy dỗ của Phao-lô, của Gia-cơ (có sự dạy dỗ Phi-e-rơ liên lạc hai cách đó), và của Giăng. Sự dạy dỗ của Phao-lô là cho những tín đồ ngoại bang trực tiếp theo đạo Ðấng Christ, chớ không nhờ đạo Giu-đa, Gia-cơ vốn đúc trong khuôn khổ của đạo Giu-đa, lấy luật pháp làm phương châm cho các tín đồ, song theo bằng tinh thần chớ không phải bằng chữ. Sự dạy dỗ của Gia-cơ và Phi-e-rơ là cho tín đồ thuộc linh từ đạo Giu-đa dẫn đến đạo Ðấng Christ. Sự dạy dỗ Giăng khác với Phao-lô, ấy vì về phần thuộc linh, Giăng được mở mang bởi nhìn xem Ðấng Christ và sự giao thông với Ngài, chẳng cần phải phấn đấu gì. Trong sự dạy dỗ Giăng cũng nhờ những sự trái nhau: sống tức là giao thông với Ðấng Christ, chết tức là xa cách Ngài; sự sống, sự sáng, lẽ thật trái với sự chết, sự tối tăm, sự nói dối. Vậy cách của Giăng làm cho cách dạy của hai Sứ đồ kia hòa hiệp với nhau, và là sự dạy dỗ cuối cùng của Hội Thánh trong đời các Sứ đồ.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn Giăng I như sau nầy:
       Tác giả.-- Lời truyền khẩu, những lẽ trong thơ, và sự so sánh thơ nầy với sách Tin lành Giăng đều chứng rằng Sứ đồ Giăng là tác giả.
       Niên hiệu.-- Có lẽ 90 S.C..
       Chủ đề.-- Thơ Giăng I là một bức thơ gia đình từ cha đạt cho "các con cái bé mọn" ở trong thế gian. Có lẽ chỉ trừ sách Nhã Ca của Sa-lô-môn, thơ nầy là thơ thân mật nhứt trong các sách được Chúa hà hơi. Thế gian kể như là ở ngoài gia đình. Tội lỗi tín đồ kể như là một sự lỗi đạo của con đối với Cha, và được xét xử như một vấn đề trong gia đình vậy (1:9; 2:1). Không có nói đến vấn đề cai trị vũ trụ theo luân lý. Thập tự giá đã lo đến tội lỗi con cái phạm luật pháp đó, và Jêsus Christ "Ðấng công bình" hiện nay là "Ðấng cầu thay" với Ðức Cha. Sách Tin lành Giăng dẫn tín đồ qua ngạch cửa nhà Cha; thơ Giăng I khiến tín đồ cư xử tại nhà đó. Nguyên văn Hy-lạp trong thơ dùng lời êm dịu "các con cái" tức là teknia, nghĩa là "các con đẻ" hay là "các con yêu dấu". Phao-lô lo về tín đồ làm con cách chung; Giăng lo về tín đồ gần gũi Cha như con đẻ.
       Thơ Giăng I chia làm hai phần chính:
       I. Gia đình với Cha, 1:1-3:24;
       II. Gia đình và thế gian, 4:1-5:21.
       Còn có một bố cuộc thứ hai trong mỗi phần có câu "Hỡi các con cái bé mọn ta" chia ra như sau nầy:
             1. Lời dẫn.-- Sự thành nhục thể 1:1,2;
             2. Các con cái bé mọn và sự giao thông, 1:3-2:14;
             3. Các con cái bé mọn đối với những sự ngoại đạo và tôn giáo trong thế gian, 2:15-28;
             4. Làm cách nào để các con cái bé mọn có thể nhận biết nhau, 2:29-3:10;
             5. Làm cách nào để cho các con cái bé mọn có thể ở chung với nhau, 3:11-24;
             6. Ý xen vào: Làm cách nào các con cái bé mọn có thể nhận biết là giáo sư giả, 4:1-6;
             7. Lời cảnh cáo để các con cái bé mọn được vững lòng, 4:7-5:21.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.