Thơ Giăng II, III. Seconde et troisième Épitres de Saint Jean.

        



      Chứng cớ thơ và tác giả là thật.--
       Irénée chú thích II Giăng 10, 11 và 7 nói là Giăng chép. Clément ở Alexandrie (192 S.C.) nói về thơ dài của Giăng và II Giăng là thơ gởi cho người Parthie (Bạt-thê Công vụ các sứ đồ 2:9), và "bà được chọn" là một bà ở tại Ba-by-lôn. Dionysius ở Alexandrie viết: "Giăng chẳng hề xưng tên mình trong các thơ, dầu thơ thứ II và thứ III là ngắn song chỉ xưng mình là "trưởng lão". Papias, (đầu thế kỷ thứ II) chứng rằng có một trưởng lão kia tại Ê-phê-sô đồng thời với mình, tên cũng là Giăng. Song người ta không dám quyết Papias thật có ý phân biệt Sứ đồ Giăng với trưởng lão đó. Eusebius chứng rằng: "Giăng hoặc không nói về mình hay là gọi mình là trưởng lão, chẳng hề đặt mình là Sứ đồ hay là truyền đạo". Trong bài Papias nói trên, Các Sứ đồ cũng được gọi là trưởng lão; Phi-e-rơ gọi mình là như thế (I Phi-e-rơ 5:1). Jérôme cũng nói thơ nầy thuộc về Giăng, và trong đời mình có mộ của Giăng tại Ê-phê-sô. Giáo hội nghị tại Nicée 325 S.C., tại Hippo 393 S.C., và tại Carthage, 397 S.C. đều công nhận hai thơ ngắn nầy là của Giăng. II Giăng có tám câu trong mười ba cũng tìm thấy ở I Giăng.
       Niên hiệu và nơi chép.-- Eusebius nói rằng sau khi hoàng đế Domitien băng, Giăng từ Bát-mô trở về Ê-phê-sô, đi giảng đạo cho người ngoại, và thăm viếng các Hội Thánh trong miền đó (so II Giăng 12; III Giăng 9,10,14). Trong một cuộc lưu hành, Giăng quở trách Ði-ô-trép. Nếu thật như vậy, dường như II và III Giăng được chép lúc Giăng cao tuổi và sau sách Khải Huyền.
       Thơ đạt cho ai.-- II Giăng đạt cho "bà được chọn", và trong câu chót chép: "con cái của chị em bà, là bà được chọn kia, chào thăm bà". I Phi-e-rơ 1:1,2 đạt cho những người được chọn tại Tiểu A-si, và cuối thơ có lời chào thăm của "các người được chọn tại thành Ba-by-lôn". Còn có một thuyết nói "bà" (Hy-lạp là Kuria) là gốc chữ Hội Thánh (Kuriake tức thuộc về Chúa). Vậy bà được chọn đó là chỉ về Hội Thánh; còn con cái chỉ về giáo hữu, thật khó giải quyết đàng nào là phải, bởi ngày xưa có Hội Thánh gia đình.
       Người xưa ít bàn về thơ thứ ba, cũng không dẫn dùng nó mấy. Thơ viết rất ngắn, giống thơ của Phao-lô gởi cho Phi-lê-môn. Những lời răn dạy trong thơ có công nắn đúc các giáo hữu nhiều lắm.
       III. Giăng dầu nói là đạt cho Gai-út, song đời đó có nhiều người tên là Gai-út:
             1. Gai-út ở Cô-rin-tô (I Cô-rinh-tô 1:14; Rô-ma 16:23).
             2. Gai-út ở Ma-xê-đoan (Công vụ các sứ đồ 19:29).
             3. Gai-út ở Ðẹt-bơ (Công vụ các sứ đồ 20:4).
             4. Lại có một người giám đốc mà Sứ đồ Giăng sai đi Bẹt-găm, cũng tên là Gai-út. Có một bác sĩ nói rằng người nhận thơ nầy có lẽ tức là Gai-út. Song chẳng qua chỉ là tưởng tượng mà thôi. Thơ nầy không phải gởi cho người có chức trong Hội Thánh, nhưng là gởi cho một giáo hữu có tài sản, có danh dự. III Giăng rõ ràng có quan hệ với II Giăng. Hai thơ giúp đỡ lẫn nhau khiến chúng ta được rõ lịch sử của Hội Thánh xưa.
       Tiến sĩ Scofield có lời tựa cho II Giăng như vầy:
       Tác giả.-- Sứ đồ Giăng.
       Niên hiệu.-- Có lẽ 90 S.C..
       Chủ đề.-- Giăng II chép những điều cốt yếu về các bước đi của tín đồ trong ngày "thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành" (câu 7). Chữ chìa khóa là "lẽ thật". Bởi đó Giăng có ý chỉ về mọi lẽ thật được tỏ ra tức là Kinh Thánh. Vì chỉ Kinh Thánh có quyền duy nhứt về lẽ đạo và đời sống, nên là nguồn tín đồ phải nhờ trong thời suy đồi bội đạo.
       Có thể chia thơ II Giăng ra làm ba phần:
             1. Ðường của lẽ thật và yêu thương, 1-6;
             2. Sự nguy hiểm nếu không vâng theo Kinh Thánh, 7-11;
             3. Lời phụ thêm, 12,13.
       Câu 5.-- "Chúng ta phải yêu thương nhau", điều răn mới của Ðấng Christ tức là sự yêu thương Chúa hành động trong lòng đổi mới bởi Ðức Thánh Linh (Rô-ma 5:5; Hê-bơ-rơ 10:6) và từ lòng bởi Ðức Thánh Linh tràn ra cách tự do không phải ép, đến những mục đích của sự yêu thương Chúa (II Cô-rinh-tô 5:14-20; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7,8). Vậy ấy là "luật pháp tự do" (Gia-cơ 1:25; 2:12), trái với luật pháp bề ngoài của Môi-se. Luật pháp của Môi-se bảo phải yêu thương (Lê-vi ký 19:18; Phục truyền luật lệ ký 6:5; Lu-ca 10:27); luật pháp Ðấng Christ tạo nên sự yêu thương (Rô-ma 5:5; I Giăng 4:7,19,20), như thế vì làm trọn thì thay thế luật pháp Môi-se (Rô-ma 13:10; Gia-cơ 5:14). Ấy là luật pháp "ghi tạc vào lòng" anh em (Hê-bơ-rơ 8:10; so II Cô-rinh-tô 3:1-3).
       Tiến sĩ Scofield viết lời tựa nầy cho III Giăng:
       Tác giả.-- Sứ đồ Giăng.
       Niên hiệu.-- Có lẽ độ 90 S.C..
       Chủ đề.-- Sứ đồ già yếu trước đã gởi thơ cho Hội Thánh vì đã ưng cho Ði-ô-trép cầm quyền đặt mình đứng đầu. Ði-ô-trép đã chối bỏ những thơ và quyền Sứ đồ, cũng không phục chức vụ của anh em thăm viếng (câu 10) và đuổi những kẻ muốn tiếp rước ra khỏi Hội Thánh. Thơ nầy tỏ ra phải đối xử cách nào khi gặp cảnh ngộ nầy (câu 11). Hiện nay Giăng không nhơn chức Sứ đồ, song chức Trưởng lão mà đạt thơ nầy cho một tín đồ trung tín chớ không cho Hội Thánh, để yên ủi và giục lòng những tín đồ đứng vững trong sự đơn sơ ban đầu. II Giăng tỏ ra cách bước đi của tín đồ trong ngày bội đạo; III Giăng tỏ ra trách nhiệm riêng của tín đồ trong chi hội mình gặp ngày như thế. Chữ chìa khóa là "lẽ thật".
       Có thể chia III Giăng làm ba phần:
             1. Lời chào thăm riêng, 1-4;
             2. Những sự dạy dỗ về anh em thăm viếng mà hầu việc Chúa, 5-8.
             3. Người đứng đầu bội đạo, và Ðê-mê-triu được lời chứng tốt, 9-14.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.