I. Tác giả.--
Giu-đe I chép trước giả là Giu-đe, tôi tớ Chúa, và em Gia-cơ. Chắc Gia-cơ nầy chỉ về trước giả thơ Gia-cơ, làm đầu trưởng Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Bởi đó có thể biết Giu-đe là anh em của Chúa, không phải là một Sứ đồ; có tên Giu-đe trong danh sách anh em Chúa (Ma-thi-ơ 13:55; Mác 6:3) và trong Giu-đe 17 cũng tỏ trước giả không phải là Sứ đồ. Song le, những người cho rằng anh em Chúa đó là con của A-phê, cũng cho Giu-đe là Sứ đồ Giu-đe (Giăng 14:22). Trừ danh chép đó, không có nói gì về Giu-đe nầy, chỉ biết các anh em Chúa không tin Ngài lúc Ngài còn sống (Giăng 7:5), sau khi Ngài sống lại mới tin theo (Công vụ các sứ đồ 1:14). Theo Eusebius, văn sĩ trong Hội Thánh đầu tiên là Hégésippe, có chép một truyện hay về các cháu của Giu-đe, vậy chứng I Cô-rinh-tô 9:5 cũng chỉ về Giu-đe có vợ, và qua đời trước 80 S.C.. Tertullien và Jérôme chứng rằng "thơ nầy là bởi Giu-đe; và Origène chứng rằng Giu-đe, em Chúa, có chép một thơ tín bằng ít lời, song đầy lời mạnh mẽ của ơn trên trời".
II. Chứng cớ thơ là thật.--
Chắc vì cớ ngắn, nên không có chứng cớ rõ trong thế kỷ thứ I Hội Thánh đầu tiên dùng đến thơ nầy. Sau Eusebius chứng rằng phần nhiều trong Hội Thánh công nhận là thật. Có người nghi ngờ vì thơ nầy nhắc đến truyện tích "thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ dành xác Môi-se" (Giu-đe 9), mà chỉ có sách Apocryphe của Hê-nóc chép. Jérôme cũng viết như vậy. Giu-đe chỉ là như Phao-lô khi trích từ sách Aratus, Épimenide, và Ménander (Công vụ các sứ đồ 17:28; Tít 1:12; I Cô-rinh-tô 15:33); và như Phao-lô cũng đặt tên hai thuật sĩ Ai-cập là Gian-nét và Giam-be (II Ti-mô-thê 3:8). Vậy, Giu-đe được Ðức Thánh Linh cảm động, đã lấy ra một viên ngọc báu khỏi bùn đất để nạm vào giữa vàng của Chúa, tức Giu-đe chỉ chứng lời truyền khẩu về Mi-chen chép trong sách Apocryphe của Hê-nóc là thật mà thôi. Rồi sau trong Hội Thánh Hy-lạp và La-tinh từ lúc ban đầu đều công nhận thơ Giu-đe thuộc về Kinh Thánh.
III. Nơi và niên hiệu chép thơ.--
Giọng văn như trước giả chép tại xứ Pha-lê-tin; và nhan đề "em Gia-cơ" hiệp với ý là chép tại xứ mà nhiều người biết Gia-cơ làm đầu trưởng Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Dầu khó hiệp ý với nhau, song phần nhiều tin rằng thơ chép vào phần chót thế kỷ thứ nhứt và sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá 70 S.C.. Nếu vậy, người ta tự hỏi sao thơ không nói đến biến động quan hệ đó, song phải nhớ Sứ đồ Giăng trong các thơ mình cũng không nói đến. Giu-đe 17, 18 tỏ ra thơ nầy chép ít lâu sau khi Phi-e-rơ chép thơ thứ hai (độ 68 S.C.). Vậy thơ nầy chép sau khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, có lẽ trong khoảng 70 đến 80 S.C..
IV. Thơ đạt cho ai.--
Câu 5, 7 chép về sử ký Cựu Ước và câu 14 về lời truyền khẩu của người Giu-đa, ấy tỏ ra chắc Giu-đe đạt thơ nầy thứ nhứt cho tín đồ Giu-đa sau cho mọi tín đồ (câu 1). Thơ II Phi-e-rơ cũng đạt như thế. Những người bị quở trách là người theo tà giáo: "Chối Ðấng chủ tể và Chúa có một của chúng ta, là Ðức Chúa Jêsus Christ", là những người phóng đãng (libertins). Vậy Giu-đe ân cần viết thơ nầy "để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giu-đe 3, 4). Không nên lầm những người phóng đãng đó với những tín đồ theo tà giáo trí huệ, dầu khuynh hướng về tà giáo đó nhiều.
Lúc Giu-đe chép thơ đã có số ít người đó đi trước chăng? Thật có. Phao-lô vẽ ra trong I Cô-rinh-tô 5:1-13; 6:13-20 người phạm tội dâm loạn, trong I Cô-rinh-tô 11:17-22 người ăn uống cách không xứng đáng và quá độ, trong I Cô-rinh-tô 8:; 10:14-32 người dự phần về việc cúng tế thần tượng, trong I Cô-rinh-tô 2:16-23; 3:5-11 người giữ những ngày lễ, mặt trăng mới hoặc ngày Sa-bát, ấy "đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới. 20 năm sau khi Giu-đe chép thật những lời đó đã có trong các Hội Thánh Tiểu A-si, vì trong Khải Huyền 2:20 Chúa quở trách Hội Thánh Thi-a-ti-rơ về giáo sư: "rủ phạm tội tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng". Bởi đó dễ hiểu khi Giu-đe chép thì đã có người xưng mình là giáo sư song là "kẻ chẳng tin kính đối với ơn Ðức Chúa Trời ra việc tà ác" "lẻn vào trong" Hội Thánh. Kết quả là có tín đồ "buông theo sự dâm dục và sắc lạ... làm ô uế xác thịt mình, khinh dễ quyền phép rất cao". Giu-đe quở trách những người đó, và khuyên các tín đồ để khỏi những sự cám dỗ đó, phải "tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, và nhơn Ðức Thánh Linh mà cầu nguyện, giữ mình trong sự yêu mến Chúa và trông đợi sự thương xót Ðức Chúa Jêsus Christ để được sống đời đời". Giu-đe cũng nhắc lại những tội đó sẽ là đặc sắc về những ngày trước khi Chúa Jêsus tái lâm, cũng như Hê-nóc răn dạy người ta trước ngày nước lụt.
So sánh Giu-đe với II Phi-e-rơ 2:-3:4.--
Khi so sánh Giu-đe và II Phi-e-rơ thì thấy Giu-đe câu 4a giống II Phi-e-rơ 2:1a; Giu-đe 4b giống II Phi-e-rơ 2:1b; Giu-đe 16 giống II Phi-e-rơ 2:3; và Giu-đe 5, 6 giống II Phi-e-rơ 2:4, 5. Những sự giống nhau giữa hai thơ nầy là bởi:
1. Trong Giu-đe đã có các giáo sư giả càng xấu xa hơn và gian ác hơn;
2. Trong II Phi-e-rơ có dùng lời tả vẽ các giáo sư giả song dùng chữ "sẽ" luôn chỉ về tương lai. Nếu Phi-e-rơ có dùng Giu-đe mà chép, không thể nào cắt nghĩa tại sao Phi-e-rơ dùng chữ "sẽ" đó (II Phi-e-rơ 2:1-3). Phi-e-rơ chép về thiên sứ phạm tội, Giu-đe về sự bội đạo của các vị đó; Phi-e-rơ chú trọng về Nô-ê và gia đình được cứu, Giu-đe chép về những kẻ khỏi làm tôi mọi song về sau bị diệt vì cớ không tin; Phi-e-rơ chép về số phận hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ và cẩn thận nhắc lại Lót cùng gia đình được cứu, Giu-đe chú trọng về tội lỗi hai thành đó và tỏ ra đã "chịu phạt bằng lửa đời đời". Vậy, thấy những ví dụ Giu-đe là tối tăm và thiếu hy vọng hơn của Phi-e-rơ. Cũng thế, Phi-e-rơ chép Ba-la-am là sự răn dạy tín đồ về sự tham tiền, Giu-đe lấy việc Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am và bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê và trách những giáo sư giả rằng: "Khốn nạn thay" cho các ngươi.
Nên chú ý về Giu-đe 22, 23; Giu-đe khuyên những tín đồ cứ bền lòng trung tín giữ mình trong sự yêu mến Chúa phải xử thế nào về những tín đồ vì cớ giáo sư giả bị cám dỗ sắp sửa sa ngã, tức là phải thương xót ("trách phạt" có bản dịch như thế) những kẻ trù trừ; về những tín đồ đứng trong địa vị nguy hiểm hơn, nếu có thể, phải cứu vớt họ ra khỏi lửa; về những tín đồ đã sa ngã hẳn, phải có lòng thương lẫn với sợ e rằng bị ô uế chăng. Như thế, Giu-đe tóm tắt lại công việc xấu hổ đáng gớm ghiếc bởi những người phóng đãng trong Hội Thánh. Vậy, lời chúc phước và cầu nguyện của 24, 25 tỏ ra Chúa có thể gìn giữ tín đồ nào nhờ Chúa được khỏi vấp phạm để đứng trước mặt vinh hiển Ngài cách rất vui mừng, không chỗ trách được... hiện nay cho đến đời đời.
Tiến sĩ Scofield có chú thích về thơ Giu-đe như sau nầy:
Tiểu dẫn.-- Tác giả: Giu-đe, em Gia-cơ (1:1).
Niên hiệu: Có lẽ 66 S.C..
Chủ đề: Chẳng phải như Giu-đe tự mình song nói bởi Ðức Thánh Linh cảm động (câu 3). Ðai ý là "anh em vì đạo mà tranh chiến" (so Lu-ca 18:8). Trong thư ngắn nầy nói đến sự bội đạo của Hội Thánh hình thức và tỏ ra duyên cớ và sự tấn bộ của sự đó. Như trong II Ti-mô-thê và II Phi-e-rơ, Giu-đe chép dường như sự bội đạo có rồi.
Có thể chia thơ Giu-đe làm năm phần:
1. Lời tựa, 1, 2;
2. Vì cớ nào chép thơ: vì sự bội đạo, 3, 4;
3. Xét sử ký thấy có thể bội đạo, 5-7;
4. Mô tả cho các giáo sư bội đạo, 8-19;
5. Tín đồ trung tín được vững lòng và an ủi 7 điều trong bổn phận, 20-25.
Câu 1.-- "Ðược... gìn giữ" ấy chỉ về sự biết chắc của tín đồ là bởi đức tin, chỉ nhờ công việc Ðấng Christ, nhận lấy sự cứu rỗi và được gìn giữ trong đó đời đời mãi mãi. Sự biết chắc đó chỉ nhờ những lời hứa của Kinh Thánh cho người nào tin.
Câu 6.-- "Sự phán xét" các thiên sứ sa ngã. "Ngày lớn" đó chỉ về ngày của Chúa Ê-sai 2:9-22 so 4:1-6; Khải Huyền 19:11, 21). Vì sự phán xét quỉ Sa-tan xảy ra sau 1.000 năm bình an trước ngày phán xét cuối cùng (Khải Huyền 20:10), bởi cớ, có thể quyết định rằng đến kỳ những thiên sứ sa ngã khác cũng sẽ bị phán xét chung với nó (II Phi-e-rơ 2:4; Khải Huyền 20:10). Các tín đồ sẽ xét đoán thiên sứ sa ngã chung với Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 6:3). Xem bài "Phán xét".
Câu 11.-- Xem bài Ca-in, bài Ba-la-am và bài Cô-rê.
Câu 23.-- Xem bài Xác thịt.