Ấy là thơ rất hay và rất nhơn đạo trong số các thơ của Phao-lô, Phao-lô gởi thơ nầy cho Phi-lê-môn, Áp-bi và A-chíp tức vợ con, cùng Hội Thánh họp trong nhà người tại Cô-lô-se (câu 1,2). Trong thơ, trừ hai câu 3,25 ra, đều kêu là "anh," tức chỉ về Phi-lê-môn.
I. Nơi viết thơ.-- Có người nói thơ viết ở thành Sê-sa-rê, song không đủ bằng cớ đáng tin. Chắc thơ nầy và thơ Cô-lô-se đều viết cùng một lúc trong ngục La-mã, rồi Phao-lô sai Ti-chi-cơ và Ô-nê-sim đi (Cô-lô-se 4:7,9), ấy vì tại Sê-sa-rê Phao-lô bị cầm tù không có tự do như tại La-mã, vì trong thơ không nói về Phi-líp, là người giảng Tin lành hành chức phó tế tại Sê-sa-rê (Công vụ các sứ đồ 21:8), và vì tại Sê-sa-rê không có phép cho một số đông tín đồ và đồng bạn cùng ở với Sứ đồ như tại La-mã.
II. Niên hiệu chép thơ.-- Lúc chép thơ, Phao-lô "mong rằng, nhờ anh em cầu nguyện sẽ được trở về cùng anh em" (câu 22). Bởi đó biết Phao-lô có hy vọng sớm được thả ra, nên chắc viết gần mãn kỳ bị cầm tù lần thứ nhứt tại La-mã, tức nhằm năm 63 hoặc 64 S.C..
III. Chứng cớ thơ là thật.-- Thơ nầy dầu là một bức thơ ngắn gởi cho cá nhơn, song ai cũng công nhận là do Phao-lô làm ra. Origène trích lại thơ nầy như của Phao-lô; Tertullien viết: "Vì cớ thơ ngắn nên mới thoát khỏi tay tà giáo của Marcion;" Eusèbe sắp đặt vào hàng các thơ tín của Tân Ước công nhận; Jérôme luận nghịch cùng những kẻ tưởng rằng vấn đề của thơ là không xứng đáng nhờ đến Sứ đồ. Ignace trưng dẫn Phi-lê-môn. 20. Bản liệt kê Muratori, và Athanase với Jérôme binh vực thơ nầy. Giáo hội nghị Lao-đi-xê (364 S.C.) và Carthage (397 S.C.) công nhận thơ nầy vào Tân Ước. Paley lấy những sự giống nhau bất ngờ trong thơ nầy và thơ Cô-lô-se mà tỏ ra thơ là thật. Dầu vậy, nhưng thế kỷ thứ V và thứ XIX, có người công kích thơ, lấy ba cớ thử tỏ ra không thật: gợi ý thơ là xen vào, chỉ nói bóng, và nhờ thơ của Pline le Jeune (62-120 S.C.) gởi để xin chủ nhơn tha thứ tôi mọi trốn đi. Xét ba cớ thấy thật không chính đáng.
IV. Nguyên nhơn và nội dung thơ.-- Lời mở đầu thơ nầy kể ngay tên Ti-mô-thê, giống thơ I, II Tê-sa-lô-ni-ca, Phi-líp và Cô-lô-se. Phao-lô nói mình bị tù (1,9,13) thì giống với Phi-líp 1:7,13; Ê-phê-sô 3:1; 4:1,6,20; Cô-lô-se 4:3,18. ngoài ra còn có vài chỗ giống nhau nữa: Ô-nê-sim là người Cô-lô-se (Cô-lô-se 4:9), Ê-pháp-ra chào thăm người Cô-lô-se và Phi-líp (Phi-lê-môn 23,24; Cô-lô-se 4:10,12). Thơ nầy là một gương mẫu rất tốt đẹp của đạo Ðấng Christ, ứng dụng cho sự sống hằng ngày, cho những sự liên lạc trong gia đình và bổn phận chủ và tôi tớ đối với nhau (so Thi thiên 121:2-7).
Ðại khái thơ nầy làm ra là nhơn việc Ô-nê-sim ăn cắp đồ vật của chủ nhân và trốn đi (18). Sau được Phao-lô dẫn dắt, dạy dỗ, và hối cải tin Chúa. Phao-lô vốn muốn giữ Ô-nê-sim lại để giúp việc ngặt vì chưa được chủ nhân hiệp ý, nên Phao-lô trước hãy bảo Ô-nê-sim về cùng chủ mà xin tha thứ đã (10,14). Vả, Phao-lô nói hiện nay không coi Ô-nê-sim là tôi mọi nữa vì đã tin Ngài (15-17).
Suốt cả thơ, tác giả đặt lời rất là thiệt thà, thiết tha và uyển chuyển, thật như Cô-lô-se 4:6 chép: "Lời nói anh em phải có ân hâu theo luôn, và nêm thêm muối." Phao-lô khuyên Phi-lê-môn nên đối đãi với Ô-nê-sim như anh em. Thế không phải cho rằng bấy giờ tín đồ Ðấng Christ không được phép nuôi tôi mọi đâu, chẳng qua Phao-lô muốn Ô-nê-sim trở về với chủ nhân, làm hết bổn phận, và muốn chủ nhơn làm theo lòng yêu thương Ðức Chúa Trời mà sai khiến đầy tớ ở trước mặt Ngài (Cô-lô-se 3:22; I Cô-rinh-tô 7:21-24; Ê-phê-sô 6:5-9). Từ khi Phao-lô phát minh ý đó, trải qua mười mấy thế kỷ, tín đồ vẫn chưa cảm thấy việc nuôi tôi mọi là quấy! Ðến thế kỷ thứ XIX mới trừ bỏ được thói nuôi tôi mọi. Việc lành đó thật nhờ đạo Ðấng Christ, vậy biết ảnh hưởng của thơ Phi-lê-môn không phải là nhỏ.
V. Sự dạy dỗ.-- Nhà cải chánh Martin Luther viết: "Thơ Phi-lê-môn tỏ một gương yêu thương lớn cho tín đồ Ðấng Christ. Phao-lô từ bỏ mình vì Ô-nê-sim, và hết sức giãi bày duyên cớ Ô-nê-sim trước mặt chủ người; như vậy, tức đã đặt mình vào địa vị của Ô-nê-sim như chính mình đã làm hại Phi-lê-môn. Dầu vậy trong mọi sự đó Phao-lô không dùng quyền lợi mình có, song từ bỏ hết; như thế, ép Phi-lê-môn cũng phải bỏ quyền lợi riêng. Cũng vậy, Ðấng Christ đã làm như thế đối với Ðức Chúa Trời, vì Ðấng Christ cũng đã từ bỏ mình và quyền Ngài (Phi-líp 2:6-7), và bởi sự yêu thương và nhu mì đã ép? Ðức Chúa Cha dẹp cơn giận và quyền Ngài để dắt đem ta nhận ơn Ngài vì cớ Ðấng Christ, là Ðấng đã giãi bày duyên cớ ta và hết lòng từ bỏ mình, bởi chúng ta thảy đều là "Ô-nê-sim" của Ngài.
Tiến sĩ Scofield chú thích:
Tác giả. Sứ đồ Phao-lô (1:1).
Niên hiệu. Có lẽ 64 S.C.. Thơ nầy là một trong các thơ chép tại ngục. Xem tiểu dẫn thơ Ê-phê-sô và Cô-lô-se.
Ðại đề.-- Ô-nê-sim (có ích), tôi mọi của Phi-lê-môn là tín đồ tại Cô-lô-se, đã lấy cắp của chủ và trốn đến La-mã. Tại đó Phao-lô dắt Ô-nê-sim tin Chúa, rồi sai người về với chủ đem theo thơ nầy. Thơ nầy có giá trị tuyệt đối, vì dạy:
1) sự công bình thực hành,
2) tình anh em giữa vòng tín đồ;
3) lễ phép theo đạo Ðấng Christ;
4) luật yêu thương.
Chia thơ.-- Chia làm bốn phần:
I. Lời chào thăm, 1-3.
II. Tánh nết Phi-lê-môn, 4-7.
III. Cầu thế cho Ô-nê-sim, 8-21.
IV. Lời chào thăm và kết luận, 22-25.
Câu 17,18.-- Ấy là một thí dụ trọn vẹn về sự kể cho. "Hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy," tức lấy công đức của tôi kể cho người; "Nhược bằng người có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi," tức lấy sự làm hại của người kể cho tôi. Xem bài Kể cho, Gia-cơ 2:23 như sau nầy: Sự kể cho là một công việc của Ðức Chúa Trời, bởi đó Ngài kể tín đồ là công bình trong Ðấng Christ, là Ðấng đã gánh tội lỗi tín đồ trọn điều Luật pháp đòi.