Thơ. Poésie.

       




      Thơ là một trong những lối rất sớm mà khiếu văn chương của một dân khởi sự giãi bày ra. Thơ có vần và làm có luật, giống sự cử động của người nhảy múa có khi ăn nhịp với bài thơ đó (Xuất Ê-díp-tô ký 15:20,21). Thơ tự nhiên sanh ra bởi những tình cảm, và bày tỏ sự vui, buồn, hoặc lo lắng của cá nhơn hoặc quốc gia. Trí tưởng tượng và thói quen bày tỏ tư tưởng bằng tiếng linh hoạt mượn từ cõi thiên nhiên, đều là những phần tử thiết yếu của thơ, được bày tỏ trong lúc một dân sự còn thơ ấu. Người Hê-bơ-rơ cũng ở trong số các dân như thế (Sáng thế ký 21:6,7). Lời Gia-cốp chúc phước cho các con trai lúc gần qua đời, có vẻ trang nghiêm và thú vị theo lối thơ dòng dõi Sem (Sáng thế ký 49:). Bài ca ra tự nhiên từ Môi-se khi thấy đạo binh Pha-ra-ôn bị chết chìm trong Biển Ðỏ, và biết ngay sẽ có hiệu quả trên các dân tộc Ca-na-an, cũng là một bài sanh ra từ tình cảm mạnh mẽ và làm bài thơ đơn sơ của người Hê-bơ-rơ.
       Thơ của dòng dõi Sem không có vần. Dầu vậy, người ta tìm được thơ tỏ ra sự sắp đặt ngắt ở giữa, song ấy không phải cốt yếu. Hợp vận (assonance), điệp vận (allitération), và vần (rime) thường có trong thơ Tây phương, cũng thỉnh thoảng có trong thơ Hê-bơ-rơ song không cốt yếu và hiếm khi có. Cũng không có lắp lại theo trật tự của các âm tiết và vận cước, hoặc dài hoặc ngắn; song lối vần thấy rõ và tự nhiên dẫn đến những câu thơ hầu cùng một số âm tiết.
       Ðặc sắc cốt yếu của thơ Hê-bơ-rơ là phép đối ngẫu (parallélisme), tức là tình cảm của một câu được vang ra trong câu theo sau. Có mấy thứ phép đối ngẫu như sau:
       1. Ðồng nghĩa, tức là khi tư tưởng của câu thứ nhứt được lắp lại bằng lời khác trong câu theo sau, như trong Sáng thế ký 4:23:
       Hỡi A-đa và Si-la! hãy nghe tiếng ta;
       Nầy, vợ Lê-méc hãy lắng tai nghe lời ta:
và hai câu đi đôi theo sau:
       Ừ, ta đã giết một người, vì làm thương ta.
       Và một người trẻ, vì đánh sưng bầm ta,
       Cũng tỏ ra phép đối ngẫu đồng nghĩa, và cùng một lúc tỏ ra phải chú ý tra xét cẩn thận về nguyên tắc đó, vì không nên hiểu lầm Lê-méc đã làm thủ phạm giết hai người. Lê-méc chỉ nói mình giết một người. Nguyên tắc đó cũng giúp đỡ người giải nghĩa Kinh Thánh hiểu các lời nói mơ hồ, như trong Thi Thiên 22:20.
       Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm,
       Và mạng sống tôi khỏi loài chó.
       Ðây phép đối ngẫu quyết định mạng sống cũng hiệp với linh hồn trong câu trên.
       2. Tuần tự, tức là câu thứ hai tỏ ra ý mới có liên lạc chặc chẽ, nhiều hay ít, với câu thứ nhứt như trong Gióp 3:17.
       Ở đó kẻ hung ác thôi rày rạc, Và ở đó các người mỏn sức được an nghỉ.
       3. Cú pháp hoặc phép đặt câu, tức dầu có sự đối ngẫu về phép đặt câu, còn có tư tưởng câu trên dùng làm nền tảng cho một tư tưởng mới trong câu sau như Thi Thiên 25:12:
       Ai là người kính sợ Ðức Giê-hô-va?
       Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn.
       Cũng xem Châm Ngôn 26:4, và Thi Thiên 24:9.
       4. Tiệm tiến pháp, tức những lời đặc biệt được lắp lại và làm thành một cái thang trên đó tư tưởng leo lên đến chỗ đầy trọn, hoặc nói lắp để khiến chú ý, như trong Thi Thiên 29:5:
       Tiếng Ðức Giê-hô-va bẻ gãy cây hương nam:
       Phải, Ðức Giê-hô-va bẻ gãy cây hương nam Li-ban.
       Cũng xem Thi Thiên 121:3,4.
       5. Phép đối cú, tức tư tưởng được rõ hơn bởi sự trái ngược nhau, như trong Ma-thi-ơ 8:20:
       Con cáo có hang,
       Chim trời có ổ;
       Song Con người không có chỗ mà gối đầu.
       6. Phép so sánh, tức tư tưởng được giải nghĩa bằng cách so sánh với điều gì khác quen biết, như trong Thi Thiên 42:1:
       Như con nai cái thèm khe nước.
       Ðức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa.
       Thơ thường là bằng hai câu đi đôi vừa làm đủ nghĩa, song ba câu đi liền nhau cũng thường thấy như ở trên. Bốn câu và năm câu liền nhau cũng có (Thi Thiên 25:7; 27:3,4,9; 37:7, 14, 20, 25, 28, 34, 40). Chia thành thi tiết không phải là cần yếu cho thơ, ít khi có trong thơ Hê-bơ-rơ. Ấy thấy trong Thi Thiên 42: và 43: hợp lại thành một bài thơ, chia làm ba phần đều nhau bởi một câu lắp lại. Thi Thiên 46: gồm lại ba khúc, mỗi khúc có ba câu, và sau mỗi khúc có "Sê-la." Cũng có thơ vần chữ cái, tức đầu các câu tiếp nối nhau đặt những chữ của vần chữ cái theo trật tự liền nhau (Thi Thiên 25:; 34:; 37:). Thi Thiên 119: gồm có hai mươi hai khúc, mỗi khúc có tám câu. Số các khúc đó bằng số các chữ cái vần Hê-bơ-rơ, và theo nguyên văn mỗi câu trong mỗi khúc có chữ cái đứng đầu hiệp với số chữ cái trong vần Hê-bơ-rơ. Sách Ca Thương cũng theo lối sắp đặt đó.
       Văn thơ Hê-bơ-rơ thường chia làm bốn thể: anh hùng ca, thảm kịch, thi thư tình, giáo huấn ca. Anh hùng ca hay thảm kịch không hề thấy trong Kinh Thánh; song sách Gióp là theo bán thảm kịch, vì trong khúc mở đầu và khúc kết luận, có sự hành động làm nền tảng thảm kịch, và suốt sách có những diễn giả lần lượt nói. Rất nhiều là các thi thư tình, và không có thời kỳ nào của lịch sử Y-sơ-ra-ên sau khi ra khỏi Ai-cập mà không dùng đến. Các thơ thể đó gồm lại những bài ca khải hoàn kỷ niệm sự giải cứu bởi tay Ðức Giê-hô-va: giống bài ca Môi-se tại Biển Ðỏ, và bài ca của Ðê-bô-ra; các thiên của người ăn năn xin thương xót hoặc tỏ ra sự vui vẻ vì được tha tội (Thi Thiên 32:; 51:), và tiếng kêu khốn nạn và thiếu thốn bật ra từ giữa cơn gian truân, yên lặng trong đức tin hoặc ngợi khen Ðức Chúa Trời vì đã được giải cứu (38: và 3:; 23:; Ha-ba-cúc 3: và I Sa-mu-ên 2:1-10; Ê-sai 38:10-20; Lu-ca 1:46-55); các thiên của Ðấng Cứu chuộc hầu đến và nước Ngài (Thi Thiên 2:; 45:; 72:); và các bài ca như lời của Ða-vít khóc than Sau-lơ và Giô-na-than, bài ca tang chế cho Giu-đa, và sách Ca Thương (II Sa-mu-ên 1:17-27; Thi Thiên 44:; 60:; 74:)

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.