Một bài suy gẫm thuộc linh đặt ra, hoặc ít nhứt hiệp với, sự ca hát hoặc tụng niệm trong sự thờ phượng Ðức Chúa Trời. Sách Thi Thiên là sách hát có sớm nhứt. Những thi ca trọng thể khác thuộc tôn giáo của người Hê-bơ-rơ là các bài ca của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 15:1-19 ;Phục truyền luật lệ ký 32:1-43), Ðê-bô-ra (Các quan xét 5:), An-ne (I Sa-mu-ên 2:1-10), Ma-ri (Lu-ca 1:46-55), và Xa-cha-ri (68-79). Hai bài ca cuối cùng gọi là Ma-gnificat (Tôn vinh), và Benedic-tus (Ngợi khen), tùy theo chữ đầu của bản dịch tiếng La-tinh. Những thiên Hê-bơ-rơ lắm lúc ca hát có âm nhạc hòa theo (I Sử ký 29:27,28; so I Sử ký 16:42).Trong Tân-Ước, ba danh từ được dùng chỉ về các bài thi ca của tín đồ Ðấng Christ; ca vịnh, thi thiên, và bài hát thuộc linh hoặc thi ca (Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16). Josèphe dùng hai trong ba chữ đó, ấy là ca vịnh và thi ca, khi trưng dẫn về các thiên của Ða-vít. Bài thơ thánh mà Ðấng Christ và môn đồ hát sau bữa ăn tối đêm hôm Chúa bị nộp (Ma-thi-ơ 26:30) có lẽ một phần của Thi Thiên 115:--118: mà người Do-thái hay hát trong đêm lễ Vượt-qua sau bữa ăn tối. Tín đồ Ðấng Christ hát thơ thánh trong sự thờ phượng chung và yên ủi (Công vụ các sứ đồ 16:25; I Cô-rinh-tô 14:29; Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16). Các tàn bản của các thơ thánh tín đồ Ðấng Christ, coi như thế vì theo luật của thơ trong bản Hy-lạp được gìn giữ trong I Ti-mô-thê 3:16; Ê-phê-sô 5:14, so Khải Huyền 15:3,4. Vào hồi đầu thế kỷ thứ II, trong thời hoàng đế Trajan, Pliny thuật lại rằng các tín đồ ở xứ Bi-thi-ni hát khen Ðấng Christ như Ðức Chúa Trời.