Thơ thứ hai Phi-e-rơ. Deuxième Épỵtre de Pierre.

        


      I. Chứng cơ thơ là thật.--
       1. Chứng cớ bề ngoài.-- Giáo phụ thứ nhứt nói đến thơ nầy bằng tên là Origène (chừng 240 S.C.) trong bài giải nghĩa Giô-suê thì nói đến hai thơ tín của Phi-e-rơ, và chỗ khác trích II Phi-e-rơ 1:4 "trở nên người dự phần bổn tánh Ðức Chúa Trời." Nhưng Origène cẩn thận viết: "Phi-e-rơ đã để lại một thơ tín được công nhận, và có lẽ thơ tín thứ hai vì có người bàn cãi." Eusèbe, giám mục tại Sê-sa-rê, để thơ nầy vào hàng các sách Antilegomena (tức là sách còn phải bàn luận). Jérôme cũng biết vậy, song cho vào bản Vulgate mình, và cớ chính khiến mình lưỡng lự là "lối văn khác với I Phi-e-rơ," có lẽ vì "Phi-e-rơ dùng hai người thông dịch khác nhau." Song có giáo sư và học giả trứ danh ngang với ba giáo phụ kể trên, như Athanase, Augustin, Epiphanius, Rufinus, và Cyril nhận thơ thứ hai nầy là thật. Trong cuộc Cải chánh giáo hội, Erasmus bỏ, Luther nhận là thật, còn Calvin lưỡng lự như Jérôme. Trong thế kỷ thứ IV S.C., hai giáo hội nghị tại Lao-đi-xê chừng 372, và tại Carthage, 397 S.C., công nhận thơ nầy và sắp vào Kinh Thánh như có quyền phép bằng các sách khác trong Tân Ước. Khi cân nhắc các chứng cớ ngoài, ta chỉ có thể nhứt định thơ nầy là thật, và Phi-e-rơ được cảm động bởi Ðức Thánh Linh mà chép (1:21).
       2. Chứng cớ trong thơ.-- Khi tra xét thơ cách cẩn thận thì ta phải nhận biết có đủ chứng cớ tỏ ra là thật. a) Dầu nhận rằng lối văn, lối sắp đặt, và tài liệu thơ thứ hai khác với thơ thứ nhứt, nhưng có nhiều lời (nguyên văn) không dùng trong các sách khác Kinh Thánh, mà lại dùng chung trong hai thơ Phi-e-rơ như: "quí báu" (I Phi-e-rơ 1:7,18; II Phi-e-rơ 1:1). Dầu nhiều lần dùng trong Khải Huyền, nhưng ít thấy trong sách khác; "nhơn đức" (I Phi-e-rơ 2:9; II Phi-e-rơ 1:3), chỉ thấy trong Phi-líp 4:8; "ban" (chorégei, tức cung cấp) (I Phi-e-rơ 4:11; II Phi-e-rơ 1:5), ít dùng trong sách khác; "lòng yêu thương anh em" (I Phi-e-rơ 1:22; II Phi-e-rơ 1:7), chỉ thấy trong ba chỗ khác; "thấy" (I Phi-e-rơ 2:12; 3:2, động từ II Phi-e-rơ 1:16, tên), không thấy chỗ nào khác; "không lỗi, không vít" (I Phi-e-rơ 1:19; II Phi-e-rơ 3:14 so với II Phi-e-rơ 2:13, ý trái lại); "asebòn" tức kẻ không tin kính (I Phi-e-rơ 4:18; II Phi-e-rơ 2:5; 3:7), chỉ dùng trong ba chỗ khác ngoài thơ Giu-đe dùng ba lần. Cũng có nhiều tư tưởng và danh từ giống nhau trong hai thơ, xin trích hai chỗ làm thí dụ: trong thơ thứ nhứt, người được cứu gọi là "người được chọn" (1:1) và "người được kêu gọi" (2:21). Trong thơ thứ hai, hai ý đó chép trong một câu (1:10). Cũng vậy, trong cả hai thơ, Phi-e-rơ chú trọng về lời tiên tri (I Phi-e-rơ 1:10-12; II Phi-e-rơ 1:19-21). Những sự đó tỏ ra trước giả thơ thứ hai rất thông thạo những sự đặc biệt về lối văn dùng trong thơ thứ nhứt, và cũng dùng những danh từ chung ít khi dùng trong sách khác. Những sự khác nhau trong hai thơ là do đề mục của hai thơ và mục đích khác. Thơ thứ nhứt, trước giả tìm cách an ủi, làm cho vững vàng và nâng đỡ anh em đang bị bắt bớ; thơ thứ hai, tác giả lo cảnh cáo và che chở anh em khỏi những sự nguy hiểm tai hại hơn sắp tới, và đáng lo sợ hơn những sự đau đớn do người ngoại gây nên. Thơ thứ nhứt, "thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Ðức Chúa Trời" (4:17,18), và các tín đồ cần sửa soạn không phải để chống với kẻ bắt bớ song để chịu đau đớn đau đớn hay chết cho Chúa (4:1); thơ thứ hai tỏ ra những tình cảnh khác hẳn: vì có những kẻ gian ác giữ những phong tục bại hoại, và thực hành những sự tà tịch, tư dục, v.v. chỉ chực xông vào Hội Thánh. Trước giả biết nếu cứ để như vậy, thì sẽ càng thêm lên và tiêu diệt Hội Thánh, nên báo trước và tố cáo những sự đó bằng tâm thần và nghị lực của một tiên tri Ðức Chúa Trời.
       3. Trước giả là Phi-e-rơ.-- Giáo phụ Firmilian tại Cáp-ba-đốc có viết hai thơ Phi-e-rơ cảnh cáo tín đồ phải tránh khỏi những tà giáo; mà những sự cảnh cáo đó ở trong thơ thứ hai không phải thứ nhứt. Vậy, từ Cáp-ba-đốc, một trong các xứ tiếp thơ (I Phi-e-rơ 1:1; II Phi-e-rơ 3:1), có chứng cớ trước nhứt tỏ ra thơ thứ hai là thật. Thơ thứ hai mở đầu "Si-môn (nguyên văn: Siméon) Phi-e-rơ, làm tôi tớ và Sứ đồ của Chúa Jêsus Christ" (1:1). Nên chú ý về tên Hê-bơ-rơ xưa đó tức Siméon, vì nếu có người giả mạo viết thơ nầy chắc đã bắt chước câu mở đầu thơ thứ nhứt: "Phi-e-rơ, Sứ đồ của Chúa Jêsus Christ." Cũng nên chú ý thơ thứ hai thêm "tôi tớ" nữa. Theo Dods, "dầu có mấy bản giả mạo trong đời Hội Thánh đầu tiên, nhưng không bản nào có giá trị viết bởi người mượn tên một Sứ đồ."
       4. Tín đồ sùng đạo.-- Vả lại, trước giả là tín đồ sùng đạo, vì đạt thơ cho "những kẻ cậy sự công bình của Ðức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa là Ðức Chúa Jêsus Christ, đã lãnh phần đức tin đồng quí báu như của chúng tôi" (1:1). Trước giả mong rằng hết thảy tín đồ với mình đều được "dự phần bổn tánh Ðức Chúa Trời" (1:3,4). Chắc một người có đức tin và sự trông đợi dường ấy không thể cố ý giả mạo Si-môn Phi-e-rơ là Sứ đồ Ngài. Tác giả hết sức tố cáo những giáo sư giả, làm bại hoại kẻ khác, và làm hư chơn lý. Tác giả lấy sự sa ngã của các thiên sứ, sự hủy diệt Sô-đôm, và sự quở trách Ba-la-am làm gương răn dạy về số phận gớm ghê của người nào biết lẽ thật mà còn sống trong tội lỗi. Một tín đồ Ðấng Christ, lại là tôi tớ Ngài, chắc không thể phạm những điều mình hết sức công kích.
       5. Quan thiệp với các Sứ đồ.-- Vả lại, trước giả liên lạc mình với các Sứ đồ khác (3:2); hiệp ý với Phao-lô, quen biết các thơ tín (3:15,16), và giữ cùng dạy những lẽ thật cốt yếu của Sứ đồ đó. Suốt cả thơ có tinh thần của Sứ đồ như người giả mạo chắc không thể có. Tác giả lo về sự thuần túy của đức tin, và sự thánh khiết cùng sự trung tín của tín đồ, khuyên rằng: "Phải làm hết sức mình hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được" (3:14), và "hãy tấn tới trong ơn điển và sự thông biết Ðức Chúa Jêsus Christ" (3:18). Ấy đủ chứng là Sứ đồ chép, và tỏ ra thơ là thật.
       6. Những điều Sứ đồ tự thuật.-- Còn nữa, tác giả kể ra mấy thực sự trong đời mình tỏ ra là Phi-e-rơ. Như nói: "Ở trong nhà tạm nầy... như Chúa Jêsus Christ chúng ta đã bảo cho tôi" (1:13,14). Ấy chắc chỉ về Giăng 13:36; 21:18,19. Phi-e-rơ xưng mình đã chứng kiến Chúa hóa hình (1:16-18). Phi-e-rơ gián tiếp nhận mình được soi dẫn vì nếu không có sự soi dẫn thì không có lời tiên tri thật nào (1:19-21). Phi-e-rơ quả quyết thơ nầy là thơ thứ hai mình (3:1). Lời chứng trong thơ về phần tác giả là riêng, rõ ràng và trực tiếp. Lời chứng đó rất giống với lối Phi-e-rơ nói về mình tại giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem: "Hỡi anh em, hãy biết rằng từ lúc ban đầu, Ðức Chúa Trời đã chọn tôi trong các anh em, để cho người ngoại được nghe Tin lành bởi miệng tôi và tin theo" (Công vụ các sứ đồ 15:7).
       7. Thơ Giu-đe trích lược.-- Giu-đe dường như trích từ II Phi-e-rơ. Xem bài Giu-đe Thơ. Dầu có nhà học giả chưa nhứt định chắc chắn thơ nào chép trước trong hai thơ II Phi-e-rơ và Giu-đe, nhưng một nhà rất trứ danh, Zahn, viện lý cớ rất mạnh để binh vực ý thơ thứ hai Phi-e-rơ chép trước thơ Giu-đe đã lâu, và Giu-đe trích lại. Xin tóm tắt như sau đây:
             1) Giu-đe lấy từ những bản viết ngoài Kinh Thánh, như các Apocryphes về Hê-nóc và Môi-se, song Phi-e-rơ ít trưng dẫn sách nào. Vậy, có lý Giu-đe trích II Phi-e-rơ 2:-3:3 hơn là Phi-e-rơ trích Giu-đe 4-16. Sự giống nhau giữa hai khúc đó rất đúng đến nỗi chắc người nầy đã chép tư tưởng và ngôn ngữ của người kia, hoặc cả hai lấy từ một nguồn chung. Về thuyết sau nầy, không có chút chứng cớ nào. Sự khác nhau cũng như sư giống nhau là rất rõ, vậy biết người trích lại không phải là người bắt chước cách đê hèn. Sự khác nhau thật là ở lời nói trước và sự ứng nghiệm.
             2) Phi-e-rơ dự ngôn về các giáo sư giả sẽ đến (2:1). Những động từ chính mà Phi-e-rơ dùng là thì tương lai (2:1,2,3,12,13). Dầu Phi-e-rơ dùng thì hiện tại để mô tả tánh cách và phép cư xử của "bọn được tự do" (2:17,18 so Công vụ các sứ đồ 6:9); song sự hiện diện và sự dạy dỗ tai hại họ, Phi-e-rơ dùng thì tương lai (2:13,14). Khi Phi-e-rơ viết thơ đã có những hạt giống giết chết, và sau lớn lên mau chóng. Trái lại, Giu-đe suốt cả bức thơ ngắn mình viết về những người bại hoại đó như đã đến rồi; những người phản đối hiện có và ở giữa dân Chúa, đang hoạt động việc chết.
             3) Giu-đe hai lần nói đến mấy nguồn tin tức về các kẻ thù nghịch đó mà các độc giả quen biết, và Giu-đe định dùng cảnh cáo độc giả khỏi sự nguy hiểm và giữ họ khỏi sự phản bội. Hai nguồn đó là: a) một bản viết về "những kẻ chẳng tin kính đổi ơn Ðức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác, chối Ðấng Chủ tể và Chúa có một của chúng ta, là Ðức Chúa Jêsus Christ" (Giu-đe 4). b) Lời dự ngôn của II Phi-e-rơ 3:3. "Trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình." Giu-đe nhắc cho các độc giả nhớ những lời mà các Sứ đồ Ðấng Christ đã nói trước; sau trích lời dự ngôn nầy của II Phi-e-rơ, và ứng dụng lời dự ngôn đó cho bọn được tự do đang làm những công việc ô uế. "Ấy chính chúng nó là kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt, không có Ðức Thánh Linh" (Giu-đe 19). Chắc Giu?-đe trích từ II Phi-e-rơ, không thể nói khác. 4) Niên đại học cũng đặt II Phi-e-rơ trước. Phi-e-rơ chết giữa khoảng 63-67 S.C., có lẽ 64 S.C.. Phần đông các nhà giải nghĩa nay định niên hiệu thơ Giu-đe chép vào 75-80 S.C.. Vậy, không còn ngờ chắc thơ Giu-đe chép sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá năm 70 S.C.. Theo đó thơ Giu-đe chép sau Phi-e-rơ qua đời chừng 5 đến 10 năm. Như vậy, thơ Giu-đe làm chứng II Phi-e-rơ là bởi Sứ đồ chép và có được công nhận nữa, vì Giu-đe nhận biết Phi-e-rơ là Sứ đồ và được tâm thần tiên tri. 
       II. Những sự dạy dỗ về lẽ đạo.-- Ðây chỉ nói đến một vài sự đặc biệt:
       1. Sự biết để được cứu.-- Lời chìa khóa của I Phi-e-rơ là sự trông cậy; của II Phi-e-rơ là sự biết. Sứ đồ cho ân tứ nầy một chỗ quan hệ, (1:2,3,5,6,8; 2:20,21; 3:18). Chữ Phi-e-rơ dùng dây có nghĩa mạnh là sự hiểu biết đầy dẫy, tức sự biết lập trên thực sự, đến cùng tín đồ như một điều siêu phàm, như được thông đồng bởi Thánh Linh Ðức Chúa Trời, bởi vậy, là chơn thật và trọn vẹn. Ơn điển và sự bình an Phi-e-rơ cầu cho các tín đồ là kết quả của sự biết Ðức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ, là Ðấng đã ban cho ta mọi sự thuộc sự sống và sự tin kính bởi thông biết Ngài (1:2,3).
             a) Nền tảng của sự biết để được cứu là nhờ "những lời hứa rất quí rất lớn" mà Ngài đã ban cho ta, và thuộc về ta bởi đức tin trong Ngài. Sự biết đó dân ta quen biết sự công bình của Ðức Chúa Trời, trong sự thực hiện ta được gọi là thánh đồ, và số phận vinh hiển đang đợi chờ những người biết và tin cậy Ðức Chúa Trời (1:2-4).
             b) Sự lớn lên trong sự biết thật (1:5-11) "phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức," v.v... Phi-e-rơ không đòi cho tín đồ được đức tin, vì đã có rồi. Song Sứ đồ lấy đức tin làm nền tảng cho cả, mà khởi sự khuyên phải gắng sức "thêm cho" để những sự tốt lành và những đức hạnh được cung cấp dồi dào. Chữ căn nguyên "thêm cho" là từ một chữ Hy-lạp "choeur" tức ban hát, vì những người trong ban đều được viên giám đốc cung cấp mọi sự cần dùng. Cũng một lẽ ấy, Phi-e-rơ ứng dụng thực sự đó, khuyên các tín đồ hết sức nhờ Ngài cung cấp cho mình những ơn tứ và đức hạnh kể trên, vì đối với các tín đồ còn cần hơn mọi điều cho ban hát xưa.
       Ðây, Phi-e-rơ tả một chùm trái xinh đẹp dường nào. Mỗi trái ra và được thêm sức từ trái khác. "Thêm" (cung cấp) "cho đức tin mình sự nhơn đức," hoặc sự bền vững, hùng tráng; và cung cấp "cho nhơn đức sự học thức." Sự học thức ở riêng hay sanh kiêu ngạo song ôn hòa với sự tiết độ (sự tự chủ), nhịn nhục tin kính, và yêu thương, thì trở nên một trong các nghị lực rất cần thiết và thế lực trong các tánh hạnh của tín đồ. Phao-lô bắt đầu sổ bông trái Thánh Linh với sự yêu thương (Ga-la-ti 5:22); Phi-e-rơ dặt sự yêu thương ở sau hết sổ mình. Vậy, sổ đó như một xích, vòng nầy móc với vòng khác, và mỗi vòng là một phần của xích. Không cứ khởi sự tính từ vòng nào, vì các vòng hiệp nên một xích, như vậy rờ tới vòng nào tức là rờ tới cả xích. Ðức Chúa Trời ban cho cách nhưng không sự gì cần cho ta, và mọi sự ta cần. Vậy, chúng ta "phải gắng sức" để cung cấp sự cần dùng cách dồi dào.
             c) Nguồn sự biết để được cứu không sai lầm.-- (1:16-21). Sứ đồ lập điều mình dạy trên hai thực sự đáng tin: 1) Thực sự và ý nghĩa sự Hóa hình của Cứu Chúa; 2) thực sự về Ðức Thánh Linh soi dẫn. Xét cả hai thực sự chung với nhau thì đủ biết sự dạy dỗ Phi-e-rơ là đúng và không sai lầm. "Khi chúng tôi" đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài (1:16). Những thần thoại ngoài đạo lúc đó, lan rộng trong xứ Tiểu A-si, thật thế trên cả thế giới ngoại đạo, gồm những "chuyện khéo đặt để" và làm đẹp bằng cách thi sĩ hóa. Thần thông đạo của người Do-thái và những tư tưởng dông dài từ trong vòng anh em giáo hữu không thấy trong sứ mạng Tin lành và sự dạy dỗ các Sứ đồ. Ðiều Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng dạy là đích thực chơn lý của Ðức Chúa Trời, vì trên núi Hóa hình đã thấy sự vinh hiển chói lòa của Con Ðức Chúa Trời, nghe tiếng Ngài, và thấy hai khách đến từ thế giới vô hình, tức Môi-se và Ê-li. Phi-e-rơ thêm: "Nhơn đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn." Sự hóa hình đã chứng quyết những lời dự ngôn về tương lai của các tiên tri, và về mục đích Ðức Chúa Trời đầy dẫy đất bằng vinh quang Ngài. Mọi lời Ngài phán sẽ được ứng nghiệm. Vả lại, Phi-e-rơ cũng lấy sự soi dẫn các tiên tri để chứng quyết sự dạy dỗ mình. "Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người mà ra, nhưng ấy là bởi Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời." Phi-e-rơ coi sự soi dẫn đó là thật nên không chịu theo "chuyện khéo đặt để."
       2. Ba thế giới.-- Lẽ tự nhiên, trong 3:5-13 Phi-e-rơ không nói đến ba địa cầu, song nói đến ba cuộc lớn, là ba thời rất dài trong lịch sử trái đất.
             a) Thế gian đời thái cổ. "Thế gian bấy giờ" (3:6), ấy là thế gian thứ nhứt,có trước Nước lụt, đã bị tràn ngập. Những kẻ giễu cợt hỏi cách mỉa mai: "Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế" (3:4). Những kẻ nhạo báng bấy giờ như hiện nay nhờ những luật cõi thiên nhiên cứ hành động không thay đổi. Không có triệu chứng sự thay đổi, nên không thể có sự tai hại nào. Lời hứa Ngài sẽ đến thất tín. Song Phi-e-rơ nhắc lại những kẻ nhạo báng đó xưa đã thật có một sự tai hại lớn, tức cơn hồng thủy tràn ngập thế gian. Mọi sanh vật đều chết đuối trong nước, trừ ra 8 người và sanh vật ở trong tàu Nô-ê. Ấy là thật có trong lịch sử, câu hỏi của người nhạo báng chỉ là dại dột.
             b) Thế gian hiện tại. Thế gian thứ hai của Phi-e-rơ là "những trời đất thời bây giờ" (3:7). Ấy chỉ về trật tự trời đất như có hiện nay. Phi-e-rơ chép trời đất nầy "để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét, và hủy phá kẻ ác." Có lời chua thay chữ "để dành cho lửa" là "chứa lửa." Ấy là từ trong đất chứa những chất có thể khiến đất tự thiêu. Sự Tái lâm Ðấng Christ và sự phán xét trong Kinh Thánh đều quan thiệp với lửa: "Ðức Chúa Trời chúng tôi đến, không nín lặng đâu. Trước mặt Ngài có đám lửa cháy thiêu, chung quanh Ngài một trận bão dữ dội" (Thi Thiên 53: so Ê-sai 66:15,16; Ða-ni-ên 7:10,11). Tân Ước cũng chép: Ðức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng" (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7).
       Dưới đất có vô số chất phát hỏa như dầu và hơi khí, khi nào Chúa muốn, có thể thiêu đốt trong nháy mắt thế gian nầy ra tro bụi. Nhưng lời Phi-e-rơ nói không có nghĩa chỉ về sự tiêu diệt trái đất, hoặc chỉ về trái đất sẽ tan nát đến nỗi không còn là một cơ thể nữa, hoặc chỉ về thời cuối cùng Phi-e-rơ nói về những sự chấn động của vũ trụ, và những sự biến cách về phần vật chất cả trời và đất đến nỗi hành tinh nầy sẽ đổi mới và trở nên vinh quang và tốt đẹp.
       3. Thế gian mới. Chép về thế gian thứ ba như sau nầy: "Vả, theo lời hứa của Chúa chúng ta chờ đợi trời mới, đất mới, là nơi sự công bình ăn ở" (3:13), ấy thật là Thiên Ðàng. Có chứng cớ chắc chắn cho sự trông đợi trong hai đoạn cuối sách Khải Huyền: "Ðoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa" (Khải Huyền 21:1). Khi những lời tiên tri nầy được ứng nghiệm thì sẽ bao gồm một sự thay đổi cốt yếu trong sự tổ chức trái đất mới. Nếu biển không còn, theo sự sắp đặt ngày nay, thì không thể có sự sống. Nhưng Ðấng đã dựng nên thế gian có thể tái tạo, trừ sạch mọi vết tích của tội lỗi, khốn khổ, và bất toàn, để làm cho thế gian xứng đáng cho người trọn lành ăn ở, cho sự vinh hiển cao cả Ngài ngự. Em-ma-nu-ên sẽ ngự với những dân cư thánh của đất mới và trong Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời mà xuống. Chúa truyền cho Giăng: "Hãy chép vì những lời nầy đều trung tín và chơn thật" (Khải Huyền 21:5).
Trích lược: William G. MOOREHEAD.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về II Phi-e-rơ:
       Tác giả. Sứ đồ Phi-e-rơ (1:1).
       Niên hiệu. Có lẽ 66 S.C..
       Ðại ý.-- Thơ II Phi-e-rơ và II Ti-mô-thê có nhiền vấn đề giống nhau. Trong hai thơ, hai tác giả biết rằng giờ tử vì đạo  hầu gần (II Ti-mô-thê 4:6; II Phi-e-rơ 1:14 so Giăng 21:18,19); cả hai được nâng đỡ và vui vẽ đặc biệt; và cả hai đều được thấy trước sự bội đạo kết cuộc thời cuối cùng lịch sử Hội Thánh hữu hình. Phao-lô thấy sự bội đạo trong bậc cuối cùng, khi các tín đồ thường đã hư xấu (II Ti-mô-thê 3:1-5; 4:3,4); Phi-e-rơ tìm căn nguyên của sự bội đạo là vì các giáo sư giả (II Phi-e-rơ 2:1-3, 15-19). Trong Phi-e-rơ các giáo sư giả chối lẽ thật của sự cứu chuộc (2:1); ta thấy trong I Giăng một trình độ càng sâu hơn tức sự chối bỏ lẽ thật về ngôi vị Ðấng Christ. (Giăng 4:1-5). Trong thơ Giu-đe thấy hết cả mọi bậc của sự bội đạo. Song trong các thơ nầy không thơ nào có vẻ buồn bã hay bi quan. Ðức Chúa Trời và lời hứa Ngài vẫn là nguồn tín đồ nhờ được.
       Chia thơ.-- Có thể chia làm bốn phần: 
       I. Những đức tánh lớn của tín đồ Ðấng Christ, 1:1-14. 
       II. Tôn trọng Kinh Thánh, 1:15-21. 
       III. Sự cảnh cáo về các giáo sư bội đạo, 2:1-22. 
       a) Sẽ chối sự cứu chuộc bởi huyết, nhiều người theo, 1-14; 
       b) Dấu của các giáo sư giả: 
             1) Như Ba-la-am, 15,16; 
             2) Không có Ðức Thánh Linh (so Giăng 4:14; 7:37-39; Rô-ma 8:9),17; 
             3) Lời nói văn hoa và tự thị, (so I Cô-rinh-tô 2:1-5), 18; 
             4) Làm bộ rộng lượng, 19-21; 
             5) những tín đồ không tái sanh chạy theo, 22. 
       IV. Sự tái lâm Ðấng Christ và ngày của Ðức Giê-hô-va, 3:1--19 (so Ê-sai 2:12); 
       a) Người ta thường không tin, 3:4-9; 
       b) Ngày của Chúa, 10-18.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.