Thơ thứ nhứt Phi-e-rơ. Première Épỵtre de Pierre.

        


      I. Chứng cớ là thật.--
       1. Chứng cớ ngoài.-- Trong lịch sử thật có nhiều chứng cớ tỏ thơ nầy là của Phi-e-rơ. Polycarpe, môn đồ của Sứ đồ Giăng, tử vì đạo năm 156 S.C., thọ hơn 86 tuổi, nói đến thơ nầy cách chắc chắn. Irénée, môn đồ của Polycarpe, một giáo phụ trứ danh khắp cả Ðông Tây, trích nhiều. Clément ở Alexandre, sanh 150 và qua đời 216 S.C., trích nhiều lần và dùng 4:8 năm lần. Origène và Tertullien cũng trích lược. Eusèbe tóm tắt ý Hội Thánh đầu tiên khi viết rằng không ai trong cả Hội Thánh nghi ngờ thơ không thật.
       2. Chứng cớ trong thơ.-- Ấy cũng là chắc chắn. Trước giả xưng mình là "Phi-e-rơ, Sứ đồ của Ðức Chúa Jêsus Christ" (1:1), "là trưởng lão, là người chứng kiến sự đau đớn của Ðấng Christ" (5:1). Trước giả rất quen sự dạy dỗ của Chúa, và thường dùng để minh chứng và làm cho sự dạy dỗ mình bền vững hơn. Trước giả cũng thạo các thơ tín, nhứt là Gia-cơ, La-mã và Ê-phê-sô. Song điều đáng chú ý là tư tưởng và ngôn ngữ trong thơ có quan thiệp chặt chẽ với các bài giảng của Phi-e-rơ như chép rõ trong sách Công vụ các sứ đồ. Khi so I Phi-e-rơ 1:17 với Công vụ các sứ đồ 10:34; 1:21 với 2:32-36 và 10:40,41; 2:7,8 với 4:10,11; 2:17 với 10:28, và 3:18 với 3:14, thì thấy rõ như vậy. Bởi những sự kể trên đủ biết I Phi-e-rơ về lối viết và tư tưởng là thuộc phạm vi lẽ thật, đồng thời với các sách của Tân Ước. Như Erasmus viết rằng thơ nầy đầy dẫy những sự dạy dỗ cao thượng và quyền phép, xứng đáng người đứng đầu các Sứ đồ làm trước giả.
       II. Ðạt cho ai.-- Phi-e-rơ gởi thơ nầy cho "những người được chọn... kiều ngụ rải rác" (1:1). Gia-cơ dùng danh từ "ở tan lạc" chỉ về những tín đồ Do-thái thuộc mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên ở các nước ngoài" (Gia-cơ 1:1). Những tín đồ Do-thái đó là một số ở trong đoàn thể người Do-thái rải rác ở giữa các dân ngoại (so Giăng 7:35). Vậy, thơ nầy trước nhứt đạt cho người Do-thái là tín đồ Ðấng Christ. Song theo 1:14,18,20; 2:9,10; 3:6; 4:3,4 thì thấy thơ cũng viết cho các tín đồ dân ngoại. Quả thật, phần rất nhiều tín đồ trong các Hội Thánh cõi Tiểu A-si là dân ngoại. Bởi vậy, Sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì giúp đỡ Sứ đồ cho những kẻ không chịu cắt bì, mà hiệp người Do-thái và dân ngoại làm một trong Ðấng Christ. Danh từ "kiều ngụ" (pèlerin) trong câu 1:1 chỉ về một dân cách xa quê hương, khách trong đất lạ; trong 2:11 dịch là "kẻ đi dường," và Hê-bơ-rơ 11:13 "kẻ bộ hành;" ấy là một tên xứng đáng cho những người nhận rằng "dưới đất nầy, không có thành còn luôn mãi, nhưng tìm thành hầu đến" (Hê-bơ-rơ 13:14). Dầu Phi-e-rơ lúc viết vẫn nghĩ đến các tín đồ người Y-sơ-ra-ên, vì chẳng bao giờ quên rằng chức vụ mình thứ nhứt là cho những kẻ chịu cắt bì đó (Ga-la-ti 2:7,8), nhưng Phi-e-rơ không vô tình với những tín đồ dân ngoại số nhiều hơn, nên cũng chăm nói với tín đồ ngoại như tín đồ Do-thái, vì tín đồ ngoại cũng là "người kiều ngụ."
       Ngày Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem có người từ các tỉnh Bông, Cáp-ba-đốc và A-si (Công vụ các sứ đồ 2:9; I Phi-e-rơ 1:1). Có lẽ trong những người đó có người tin sứ mạng của Phi-e-rơ và nhận sự cứu rỗi, bởi Chúa Jêsus trở về nói cùng người lân cận và bạn hữu về những tin vui mừng đó. Ấy chắc là dây liên lạc chặt chẽ giữa các tín đồ và Phi-e-rơ, và bởi vậy mở đường cho Phi-e-rơ viết thơ nầy một cách quen thuộc và yêu thương.
       Dầu theo quốc văn dịch ra có thể tin rằng Phi-e-rơ cậy Sin-vanh viết thơ, nhưng theo phần nhiều nhà giải nghĩa thật ra Sin-vanh là người đem thơ đi. Sin-vanh đồng bạn với Phao-lô trong sự hầu việc Chúa tại xứ Tiểu A-si, và vì không thấy cùng đi với Phao-lô sang Giê-ru-sa-lem hoặc La-mã, thì có lẽ Sin-vanh từ Cô-rinh-tô (Công vụ các sứ đồ 18:5) sang Tiểu A-si mà hầu việc Ngài. Không thể biết Sin-vanh gặp Phi-e-rơ ở đâu, nhưng có thuật lại cho Phi-e-rơ biết tình hình trong Tiểu A-si, những sự khốn khó và bắt bớ của tín đồ tại đó, v.v.. Bởi thế, Sin-vanh có thề giúp đỡ Phi-e-rơ để viết thơ nầy và Phi-e-rơ chứng rằng: "Sin-vanh, là kẻ tôi coi như một người anh em trung tín."
       III. Niên hiệu và nơi chép thơ.-- Theo 5:13, Phi-e-rơ chép thơ nầy tại Ba-by-lôn. Trong thời các Sứ đồ, có hai thành gọi bằng tên đó: một tại xứ Ai-cập, là nơi có thành Caire ngày nay, song không có chứng cớ nào chép thơ tại đó; và một trên bờ sông Ơ-phơ-rát mà các nhà giải nghĩa tin thơ chép ở đó, ấy vì bấy giờ còn có người Do-thái ở đó dầu nhiều kẻ bị giết trong đời hoàng đế Cơ-lốt, và kẻ khác trốn đi. Song còn có người, thứ nhứt của La-mã giáo, tin thành Ba-by-lôn chép trong 5:13 đó chỉ bóng về thành La-mã, vì có lời truyền khẩu nói từ thế kỷ thứ II S.C. Papias, giám mục thành Hierapolis trong thế kỷ thứ II, có tin như thế và cũng tin Phi-e-rơ tử vì đạo tại La-mã. Song có hai điều phản đối thuyết đó: a) Về lối Phi-e-rơ thường nói trực tiếp và ngay thẳng, chỉ dùng tiếng bóng phần nhiều từ Cựu Ước và phần còn lại độc giả có thể hiểu ngay; bởi đó, khi chép thành Ba-by-lôn thì Phi-e-rơ chỉ về thành trên bờ sông Ơ-phơ-rát; b) Không có chứng cớ nào các tín đồ gọi La-mã là Ba-by-lôn cho đến Giăng chép sách Khải Huyền chừng 30 năm về sau, tức 90-96 S.C., nhưng Phi-e-rơ chép thơ mình chừng 64 S.C. lúc Néron đang bắt bớ bổn đạo, và chính Phi-e-rơ tử vì đạo như Chúa đã dự ngôn (Giăng 21:18,19). Bởi thế, đủ biết thành Ba-by-lôn trong 5:13 thật là ở trên bờ sông Ơ-phơ-rát. Khi Phi-e-rơ kể tên các tỉnh xứ Tiểu A-si (1:1), thì theo trật tự từ phía Ðông bắc sang phía Tây ấy cũng là chứng cớ chép ở Ba-by-lôn, ngoài địa phận đế quốc La-mã, ở phương Ðông trên bờ sông Ơ-phơ-rát.
       IV. Mục đích của thơ.-- Sứ đồ có hơn một mục đích khi đạt thơ nầy cho "người được chọn" tại xứ Tiểu A-si. Chúa Jêsus đã truyền Phi-e-rơ: "Hãy chăn những chiên con ta," và "hãy chăn chiên ta" (hai lần) trong Giăng 21:15-17. Hai thơ tín của Phi-e-rơ làm chứng Sứ đồ đã vâng phục mạng lịnh Chúa cách trung tín dường nào! Với cánh tay yêu thương, mềm mại, Phi-e-rơ chăn chiên con và coi sóc cả bầy, cảnh cáo chống với kẻ thù, gìn giữ khỏi sự nguy hiểm và dẫn đến đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh. Phi-e-rơ cũng nhắc cho nhớ cơ nghiệp vinh hiển sắp được (1:3-9); khuyên nên đi theo dấu chơn của Ðấng Christ không hề phàn nàn (2:20-25), khuyên phải thương xót, yêu thương, nhơn từ, khiêm nhường và cẩn thận giữ mình trong đời tội ác nầy (3:8-12). Phao-lô tóm tắt cả mọi phận sự chính trong đời sống tín đồ bằng mấy câu ngắn ngủi: "Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Ðức Chúa Trời; tôn trọng vua" (2:17). Song mục đích trọng nhứt của Phi-e-rơ là yên ủi và giục lòng các con chiên giữa cơn bắt bớ đau khổ phải chịu cách không công bình, và khiến anh em vững lòng chống với những cơn thử thách nặng nề hơn sắp có.
       1. Trong cơn bắt bớ.-- Từ lúc mới lập người ta nghi ngờ và ghen ghét Hội Thánh, và nhiều tín đồ đã chịu đau đớn đến chết bởi tay cả người Do-thái cừu địch và dân ngoại cuồng tín. Song những sự đau đớn đó là thỉnh thoảng và ở từng địa phương. Vậy, có nhiều hội đông tín đồ và ảnh hưởng rộng không bị ngăn trở (I Cô-rinh-tô 4:8-10); và dường như được đối đãi tử tế trước các tòa án ngoại đạo (I Cô-rinh-tô 6:1-6). Song tình cảnh tỏ ra trong I Phi-e-rơ thì khác hẳn. Có những sự thử rèn và đau khổ rất nặng xông hãm anh em, sự thù nghịch và ghen ghét nổi lên để phá tán và theo dõi anh em không thôi. Toàn thể Hội Thánh Ðấng Christ phải chịu bắt bớ như thế (5:9) cách bất ngờ (4:12), vì Phi-e-rơ gọi là "lò lửa" thì tỏ ra cực độ và không biết trước. Sứ đồ coi như là một thú dữ kiếm mồi, một sư tử rống rình mò xung quanh anh em, để bắt và nuốt (5:8,9).
       Có nhiều lời kiện cáo khác nhau nghịch cùng tín đồ, nhưng toàn là vu oan và tiếng xấu vì không có gì là thật. Như nói tín đồ là kẻ gian ác (2:12), rủa sả (3:9), gièm chê (3:16; 4:4), và sỉ nhục vì cớ danh Ðấng Christ (4:14). Ấy tỏ sự ghen ghét của người ngoại đối với tín đồ cay đắng biết bao? Nếu tín đồ vì cớ ăn ở như là dân của Ðấng Christ mà bị người ta coi như trộm cướp, kẻ hung ác, kẻ thày lay việc người khác, thì nên vui mừng vì thật có phước (4:12-16). Người ngoại ghen ghét như thế thật chỉ vì các tín đồ không chịu hiệp với người ngoại ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, v.v. (4:2-4). Các anh em xứ Tiểu A-si đã bỏ hẳn những điều ác đó, biệt mình khỏi những sự buông tuồng gớm ghê; bởi thế trở nên người làm chứng nghịch cùng những sự vô đạo đó. Phi-e-rơ làm chứng về tánh nết cao thượng, sự tinh sạch và sự từ bỏ mình của các anh em đó.
       2. Gương Ðấng Christ.-- Sứ đồ hành chức cho các anh em đau khổ mình lớn dường nào! Phi-e-rơ khuyên anh em phải nhớ đến gương Ðấng Christ bị những người gian ác làm khổ cách bất công, nhưng không hề phàn nàn (2:19-24). Phi-e-rơ cho anh em biết cách rất công hiệu để bịt miệng những kẻ kiện cáo họ, và bài bác những lời vu oan và nói xấu nghịch họ, tức là sống một đời tinh sạch và tin kính, chơn thật và trung tín với Ðức Chúa Trời, đến nỗi không ai tin những lời cáo gian đó nữa (2:1-5; 2:13-17; 3:8,9, 13-17; 5:6-11).
       3. Ðối với quốc gia.-- Trong thơ không có chứng cớ là quốc gia bắt bớ các tín đồ vì coi là những người làm rối cuộc trị an. Các tỉnh nói đến trong thơ, dường như tuyệt nhiên không có tòa án nhà nước, và Phi-e-rơ cũng không nói có các quan án tra xét và hình phạt tín đồ. Trái lại, Phi-e-rơ khuyên vì cớ Chúa, tín đồ phải phục theo mọi phép tắc người lập lên, hoặc vua hay các quan lập để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành (2:13; so 2:17). Nếu chính phủ đã cấm đạo Tin lành và ra nghị định trừ bỏ hết thì chắc Phi-e-rơ không khuyên như vậy. Lúc Phi-e-rơ viết thơ chừng 64 S.C., thì không có chứng cớ như thế, dầu về sau chính phủ tố cáo các tín đồ cách công khai và nhứt định phá diệt họ.
       Mọi điều trong thơ tỏ ra viết nhằm đời Néron, 64 S.C., không phải trong đời Domitien, hoặc Trajan, hay Titus. Sử gia Tacite thuật có tin tức kinh hãi đồn ra chính hoàng đế Néron đã đốt thành La-mã (Juillet 19, 64 S.C.) nên đổ tội trên những người gọi là Cơ-rê-tiên, là người bị ghen ghét những việc gớm ghiếc làm. Cứ theo sử gia, bấy giờ các tín đồ kể là một hội riêng, và vì là tín đồ phải chịu đau đớn tàn khốc dường ấy; Néron bắt bớ tín đồ vì sợ và có tánh hung dữ. Chính phủ bắt bớ như thế là sau khi Phi-e-rơ đã viết thơ nầy. Vậy, những sự bắt bớ mô tả trong thơ là từ người ngoại đạo. Phi-e-rơ khuyên: "Vì bằng anh em vì cớ danh Ðấng Christ chịu sỉ nhục, thì có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời đậu trên anh em" (4:14 so 4:16; 2:15; 3:16; 3:9).
       V. Mấy điều đặc biệt trong thơ.--
       1. Lối dàn xếp tài liệu tự do.-- Khi chép thơ, Phi-e-rơ không sắp đặt theo một trật tự hiệp lý như Phao-lô. Dầu Dean Alford nói hơi quá lẽ, nhưng cũng đúng một phần: "Sự liên lạc giữa tư tưởng nầy và tư tưởng khác, không tìm thấy trong sự mở mang tư tưởng, hoặc lý cớ, song có khi lấy lời chót của câu trước mà tiếp theo một tư tưởng mới" (xem 1:5,6,7 và 9,10). Song điều đặc biệt nầy không ngăn trở sự duy nhứt của thơ, thật ra thêm lên và làm cho thơ thêm phần linh động.
       2. Sự trông cây.-- Thơ nầy là thơ của sự trông cậy. Phi-e-rơ chẳng hề mỏi mệt mà mô tả ơn nầy và tỏ ra vẻ đẹp rực rỡ đáng ước ao của sự trông cậy. Phi-e-rơ gọi là sự trông cậy sống (1:3), vì sanh ra từ sự sống lại của Ðấng Christ khỏi kẻ chết, và sự yên lặng đợi chờ cơ hiệp vinh hiển không bao lâu sẽ được hưởng. Sự trông cậy nầy sẽ được trọn vẹn lúc Ðấng Christ tái lâm (1:13), và vì được nương nhờ Ðức Chúa Trời nên không thất hẹn (1:21). Trong thế gian, có biết bao sự trông cậy suy nhược đang hấp hối. Câu khẩu hiệu của xứ Caroline du Sud bên Mỹ ghi trên quốc ấn là: Dum Spiro Spero, tức "Còn sống thì còn trông cậy." Ấy có lẽ đủ cho một xứ, chắc không đủ cho tín đồ, vì tín đồ cần sự trông cậy bền vững hơn, và không hư mất. Như giám mục Leighton viết: "Một điều đáng sợ là khi một người chết chung với sự trông cậy mình." Một tín đồ có thể can đảm nói: "Khi tôi đang hấp hối, tôi còn trông cậy," ấy vì sự trông cậy sống, tín đồ đó đầy dẫy và làm cho hoạt động sự tương lai cho đến khi sẽ bị nuốt mất trong sự tái lâm của Chúa.
       3. Cơ nghiệp.-- Trong cả Kinh Thánh, cơ nghiệp vinh hiển của tín đồ (1:3-5) không được mô tả các rất rõ như trong thơ nầy. Phi-e-rơ nói cơ nghiệp đó "không hư đi." Ấy chỉ về tánh chất cơ nghiệp không có phần tử nào hư nát được, vì không có hạt giống của sự chết. Giống Ðấng tạo tác là Ðức Chúa Trời hằng sống, cơ nghiệp tín đồ không thể thay đổi và là đời đời. Cơ nghiệp đó "không ô uế" vì không có tội lỗi hay sự gian ác làm như vậy, hoặc khi nhận lãnh hoặc đang hưởng. Trái lại, cơ nghiệp người đời có khi bị ô uế bởi tội lỗi: như hiếm khi có một mẫu ruộng không bị dơ dáy bởi gian trá và ức hiếp, và đồng tiền qua từ tay nầy sang tay khác cũng vậy. Song cơ nghiệp của Phi-e-rơ thì hoàn toàn tinh sạch và thánh khiết. "Không suy tàn" tức chẳng bao giờ bị khô héo. Các thời đại không giảm bớt sự đẹp đẽ, hoặc làm cho lu mờ đi. Sự tinh túy của cơ nghiệp vẫn còn tươi tốt luôn, và mùi thơm cũng vẫn còn. Vậy cơ nghiệp tín đồ là vinh hiển, vì về tánh chất không hư đi, về phần tinh sạch không ô uế, về phần đẹp đẽ không suy tàn.
       Tại sao ngay trong chính khởi đầu thơ Sứ đồ chú trọng về cơ nghiệp tín đồ như thế? Ấy để nhờ lời yên ủi của chính Chúa mà khuyên anh em đứng vững vàng và "vui mừng" trong "sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu, hầu cho sự thử thách đức tin anh em... sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Ðức Chúa Jêsus Christ hiện ra" (1:6-9). Vậy, Phi-e-rơ nâng cao tư tưởng của tín đồ khỏi những sự bối rối, đau đớn xung quanh mình để nhìn Ðấng sắp tái lâm mà đội mão triều thiên cho mình.
       4. Chứng cớ các tiên tri.-- Trong 1:10-11 Phi-e-rơ chép về các đấng tiên tri và công việc họ. Phi-e-rơ và các Sứ đồ lấy lời chứng của các tiên tri là có quyền phép và chắc chắn. Khi nào có thể nhờ lời chứng nào trong Cựu Ước, thì các Sứ đồ có thể quyết định mọi vấn đề và không cần luận đến nữa.
             a) Sự cứu rỗi.-- Các tiên tri chép về nhiều vấn đề: cũng dạy bảo, quở trách và khuyên người đồng thời. Như có khi tố cáo tội lỗi, tuyên bố sự phán xét và khuyên hối cải. Song bao giờ tiên tri cũng thấy ơn phước tương lai, và dự ngôn về sự cứu rỗi và về ơn điển vô hạn mà Ðấng Mê-si sẽ đem đến cho loài người.
             b) Thánh Linh Ðấng Christ.-- Những sứ mạng của các đấng tiên tri là nhờ Ðức Thánh Linh của Ðấng Christ. Ấy là Ðấng làm chứng trước về những sự đau thương của Ðấng Christ và những sự vinh hiển theo sau. Các tiên tri vẫn chứng không phải tự mình mà nói, song thật là từ Ðức Chúa Trời; bởi vậy, được gọi là "miệng" và là "người nói lại" của Ngài (Xuất Ê-díp-tô ký 4:15,16; 7:1,2; II Phi-e-rơ 1:21).
             c) Sự tra xét của tiên tri.-- "Các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét," tức tra xét những lời dự ngôn mà Ðức Thánh Linh nhờ mình tỏ ra, một cách chăm chỉ và rất lâu. Có hai điểm khiến các tiên tri rất chú ý: "Thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Ðấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho." "Thời kỳ nào" chỉ về Ðấng Mê-si giáng thế; "thời kỳ cách nào" chỉ những biến động và tình cảnh khi Ðấng Mê-si hiện đến. "Các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó."
       5 Anh em trong Chúa.-- Ấy được mô tả trong 2:9,10: "Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ðức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài." Vậy, Phi-e-rơ tỏ ra anh em trong Ðấng Christ là Y-sơ-ra-ên mới, và mô tả bằng những danh từ đặt cho Y-sơ-ra-ên cũ, song có ý rộng rãi hơn. Ý cao thượng mới đó được tỏ ra bởi một người vốn là người Do-thái đích tông, nay là Sứ đồ cho kẻ chịu cắt bì và cứ giữ theo những điều Môi-se đã lập cho đến trọn đời. Bởi thế, lời làm chứng của Phi-e-rơ càng cảm động hơn. Những danh hiệu đặt cho anh em trong Ðấng Christ kể trên thật rất đáng tôn kính. Khi một nhà quyền quí đến dự một lễ nào thì đeo huy chương rực rỡ đầy ngực; song ấy không đáng so sánh với những danh hiệu của anh em chỉ về anh em thuộc dòng quí phái trên trời, thuộc hoàng tộc của Chúa vinh hiển, là chói lòa và quí báu hơn những huy chương trên ngực một vua hay hoàng đế nào. Song ở đây, Phi-e-rơ cũng nhắc lại cho tín đồ nhớ về số phận vinh hiển về sau để thúc giục đứng vững vàng và ngay thẳng với Ngài giữa những sự bắt bớ (2:11,12).
       6. Các linh hồn bị tù.-- Trong 3:18-20 chép: "Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù." Ðây chỉ cần trích lại lời của giáo sư Zahn: "Lời giải nghĩa I Phi-e-rơ 3:19 có lẽ rất đúng, là chỉ đến sự giảng dạy về Ðấng Christ vào đời nước lụt, tức là bởi Nô-ê; vậy nên Nô-ê được gọi là "thầy giảng đạo công bình" trong (II Phi-e-rơ 2:5). Xem bài Tù, Linh hồn bị.
       Tiến sĩ Scofield chú thích:
       Tiểu dẫn.-- Tác giả. Sứ đồ Phi-e-rơ (1:1).
       Niên hiệu. Có lẽ 60 S.C.. "Ba-by-lôn" trong 5:13 không thể quyết định chỉ đến thành xưa ở trên sông Ơ-phơ-rát, hoặc La-mã, vì câu đó không rõ.
       Ðại ý. Dầu Phi-e-rơ chắc suy nghĩ đến những tín đồ Do-thái bị tan lạc, nhưng trong thơ Sứ đồ cũng gồm cả tín đồ dân ngoại nữa (I Phi-e-rơ 2:10). Thơ nầy viết ở một Hội Thánh trong xứ ngoại bang (5:13), bày tỏ mọi lẽ thật làm nền tảng của đạo Ðấng Christ, và chú trọng đặc biệt đến sự chuộc tội. Lời dạy đặc biệt của I Phi-e-rơ là sửa soạn để đắc thắng hơn sự đau đớn. Danh từ đau đớn chép độ 15 lần trong thơ, và là chìa khóa của thơ.
       Chia thơ. Thơ chia làm ba phần: I. Tín đồ chịu đau khổ và cư xử theo ánh sáng của sự cứu rỗi đầy trọn, 1:1-2:8. II. Ðời sống tín đồ theo địa vị chia 7 mặt, và sự thương khó của Ðấng Christ để chuộc tội, 2:9-4:19; a) Ðấng Christ chịu khổ thế cho, 2:21-24; b) Ðấng Christ chịu khổ thế cho, được giảng ra bởi Ðức Thánh Linh ngự trong Nô-ê, 3:18-22. III. Tín đồ hầu việc dưới ánh sáng sự tái lâm của Ðấng làm đầu các kẻ chăn chiên, 5:1-14.
       I Phi-e-rơ 1:7.-- Sự đau đớn trong I Phi-e-rơ giải tỏ trong ánh sáng: 1) sự cứu rỗi chắc chắn, 1:2-5; 2) sự vinh hiển lớn hơn khi Ðấng Christ hiện ra, 1:7; 3) những sự đau thương của Ðấng Christ và vinh hiển hầu đến, 1:11; 4) sự hiệp một của tín đồ với Ngài trong cả hai điều trên, 2:20,21; 3:17,18; 4:12,13; 5) sự kết quả tinh sạch của sự đau đớn, 1:7; 4:1,2; 5:10; 6) sự Ðấng Christ nay được vinh hiển trong sự nhịn nhục chịu đau đớn của tín đồ, 4:16; 7) sự đau đớn đó là để sửa dạy, 4:17-19. (Cũng so I Cô-rinh-tô 11:31,32; Hê-bơ-rơ 12:5-13).
       I Phi-e-rơ 1:1.-- Lựa chọn, Ðược. Tóm tắt: Trong cả Tân Ước, nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hy-lạp là "được chọn," "sự chọn lựa." "chọn" "được lựa chọn," v.v.. Mọi lần dùng chỉ có nghĩa đơn sơ "được chọn," hoặc "chọn," và dùng cả về sự lựa chọn của người và của Chúa, 1) Dùng về sự lựa chọn của Chúa thì chỉ: a) cả đoàn thể; như nói về dân tộc Y-sơ-ra-ên, hoặc về Hội Thánh (Ê-sai 45:4; Ê-phê-sô 1:4) ; và b) cá nhơn (I Phi-e-rơ 1:2). 2) Sự được lựa chọn nầy là tùy theo sự biết trước của Ðức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:2), và hoàn toàn nhờ ơn điển, biệt khỏi công đức người (Rô-ma 9:11; 11:5,6). 3) Sự được lựa chọn là nhờ ý muốn của Chúa (Giăng 15:16).
       Bởi đó, sự được lựa chọn đó là: 1) Công việc cao cả của Ðức Chúa Trời nhờ ơn điển mà chọn từ giữa vòng loài người một số kia biệt riêng cho Ngài (Giăng 15:19). 2) Công việc cao cả của Ðức Chúa Trời mà chọn một số người đã được chọn kia để làm việc đặc biệt cho Ngài (Lu-ca 6:13; Công vụ các sứ đồ 9:15; I Cô-rinh-tô 1:27,28).
       I Phi-e-rơ 1:20.-- Trật tự của Chúa là sự biết trước, sự được lựa chọn, sự định trước. Trong I Phi-e-rơ 1:2 thấy rõ sự biết trước quyết định sự được lựa chọn hoặc lựa chọn, và sự định trước là cho sự đã được lựa chọn xảy ra. "Sự đã được lựa chọn quay về sự biết trước, sự định trước ngó trước về số phận." Song trong Kinh Thánh không chỗ nào nói là gì trong sự biết trước Ngài để quyết định sự được lựa chọn và sự định trước Ngài. Những người đã được biết trước thì được lựa chọn, và những người được lựa chọn đã định trước, và sự đã được lựa chọn đó đối với mọi tín đồ là chắc chắn, vì cớ chỉ tin mà thôi (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:4,5). So Ê-phê-sô 1:11.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.