Thơ Ti-mô-thê II. Deuxiéme Épitre à Timothée.

        


      I. Niên hiệu và nơi chép.-- Thơ II Ti-mô-thê chép trong ngục tại La-mã, đúng trước khi Phao-lô tử vì đạo. Ti-mô-thê lúc bấy giờ còn ở Ê-phê-sô, vì Bê-rít-ca và A-qui-la mà Phao-lô chào thăm thường ngụ tai đó (II Ti-mô-thê 4:19) cả Ô-nê-si-phô-rơ, giúp đỡ Phao-lô tại Ê-phê-sô, nên chắc người đã ở đó (1:16-18). Tên Hy-mê-nê ở trong 2:17 có lẽ cũng là Hy-mê-nê ở Ê-phê-sô (I Ti-mô-thê 1:20), cả "A-léc-xan-đơ, thợ đồng" nữa (II Ti-mô-thê 4:14), dường là A-léc-xan-đơ mà người Do-thái xô ra đứng trước để binh vực họ, chớ không phải làm bạn với Phao-lô, trong cuộc náo loạn tại Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:33,34). Song le, nếu Ti-mô-thê ở tại Ê-phê-sô, tại sao người cần phải nghe nói lại rằng Phao-lô đã sai Ti-chi-cơ đến Ê-phê-sô, hoặc Phao-lô đã bỏ Trô-phim, chính người đó là người Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 21:29) bị đau tại Mi-lê, chỉ cách Ê-phê-sô độ 48 cây số. Có lẽ chức cai quản Ti-mô-thê vượt qua cả Ê-phê-sô đến các Hội Thánh Phao-lô lập trong Tiểu A-si, và người cũng thêm vào quyền đó chức "truyền đạo" tức "lưu hành truyền đạo." Ê-phê-sô chỉ là trụ sở thôi, và 4:13 hiệp với thuyết Ê-phê-sô hoặc phía Tây bắc xứ Tiểu A-si là chỗ Ti-mô-thê cư trú hồi đó.
       Khi bị cầm tù lần thứ nhứt, , Phao-lô ở trong nhà đã thuê, chỉ có một người lính canh và có tự do tiếp mọi khách đến thăm; song nay Phao-lô bị cầm giữ nghiêm nhặt đến nỗi Ô-nê-si-phô-rơ cũng khó tìm gặp. Phao-lô bị xiềng xích, các bạn lìa bỏ, và khó lòng trốn thoát tử hình bởi hoàng đế La-mã. Dầu vậy, Ô-ni-si-phô-rơ, Li-nút, Bu-đen, và Cơ-lau-đia được vào thăm tỏ rằng Phao-lô không ở trong ngục Mamertime hay Tullianum với Phi-e-rơ như truyền khẩu nói, song ở dưới sự canh giữ của nhà binh, và nghiêm nhặt hơn lần cầm tù trước (II Ti-mô-thê 1:16-18; 2:9; 4:6-8,16,17).
       Phao-lô có lẽ bị kiện cáo ở trước các quan án về hai điều: (1) Vì đã âm mưu với các tín đồ Ðấng Christ, như phe Néron quyết để hỏa thiêu thành La-mã 64 S.C., biến động đó xảy ra năm sau Phao-lô được thả khỏi tù lần thứ nhứt, 63 S.C.. Song nay đã ba năm qua; Phao-lô, vì là một công dân La-mã, nên được dối đãi một cách rất kính nể và theo luật pháp được trắng án về tội thứ nhứt (II Ti-mô-thê 4:17) là xui giục tín đồ thiêu thành La-mã. Chính lúc đó, "A-léc-xan-đơ, thợ đồng" làm chứng nghịch cùng Phao-lô (4:14), không ai dám bênh vực duyên cớ người, mặc dầu tự nhiên Phao-lô có phép xin người bênh vực (4:16,17). Nơi trường án chắc là một trong hai tòa của L.AEmil Paulus, là người đã xây và sửa lại cả hai tại Forum. (2) Vì đã dẫn một tôn giáo mới phạm pháp vào, Phao-lô tưởng sẽ bị xử vào mùa Ðông sau (4:21), song nếu trong đời trị vì của Néron thì chắc lần kêu án thứ hai nầy không thế sau tháng Sáu. Chỉ mình Lu-ca ở với Phao-lô; Ô-nê-si-phô-rơ cũng không sợ cứ đến thăm; Li-nút, sau làm giám mục tại La-mã; Bu-đen, con một nguyên lão nghị viên; Cơ-lau-đia, một công chúa Anh quốc, và Ti-chi-cơ trước Phao-lô đã sai đến Ê-phê-sô đều cùng có ở đó. Có lẽ Ti-chi-cơ là người đem thơ nầy, cũng như đã đem thơ Ê-phê-sô (6:21,22) và Cô-lô-se (4:7,8).
       Phao-lô để lại áo choàng và các sách vở tại Trô-ách (II Ti-mô-thê 4:13) là điều không thể xảy ra khi Phao-lô đến thăm lần chép trong Công vụ các sứ đồ 20:5-7, vì bảy năm qua giữa sự thăm thành đó với lần thứ nhứt bị tù. Lại nữa, khi Phao-lô viết cho hội Cô-lô-se (4:14) trong sự lao tù lần đầu (Phi-lê-môn 24), Ðê-ma còn ở với người; song khi người viết II Ti-mô-thê (4:10), Ðê-ma đã bỏ người mà đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, và hết thảy lìa bỏ Sứ đồ (1:15). Lúc bị cầm tù lần thứ nhứt (Công vụ các sứ đồ 28:30), và lúc ở đó viết thơ cho các hội Ê-phê-sô, Cô-lô-se, Phi-líp, Phi-lê-môn, thì không phải như vậy; vì trong những thơ đó, Phao-lô trông đợi sự giải phóng, song trong II Ti-mô-thê 4:6-8,16; thì đợi sự chết ngay một khi đã bị xét xử. Khi viết II Ti-mô-thê, Phao-lô càng bị giữ nghiêm nhặt hơn, vì khi chép cho hội Phi-líp, thấy Phao-lô, dầu không chắc mình sống, song cũng ôm ấp hy vọng được thả mau chóng (Phi-líp 2:24 so với II Ti-mô-thê 1:16-18; 2:9; 4:6-8,18). Phao-lô bỏ Trô-phim đau tại Mi-lê (4:20), không phải là lúc chép trong Công vụ các sứ đồ 20:15, vì người ở với Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem ít lâu sau đó (21:29). Vả lại, Phao-lô không nói đến như mới xảy ra, nếu là chừng 6 hay 7 năm về trước. Bấy giờ, Ti-mô-thê ở với Phao-lô tại Mi-lê, và không cần ai báo tin Trô-phim đau tại đó (Công vụ các sứ đồ 20:4,17), nếu là đồng thời. Ít lâu trước Phao-lô ở Cô-rinh-tô, và để Ê-rát tại đó (II Ti-mô-thê 4:20); song Phao-lô không đến Cô-rinh-tô mấy năm trước khi bị tù lần thứ nhứt, và trong khoảng đó, Ti-mô-thê ở với người; vậy, Phao-lô không cần viết cho Ti-mô-thê về cuộc thăm viếng đó. Tác giả Hê-bơ-rơ 13:23,24, tưởng chắc là Phao-lô, như có tự do và ở Ý-đại-lợi. Vậy, được thả khỏi sự lao tù lần thứ nhứt tại La-mã, Phao-lô chắc làm trọn hành trình Sứ đồ mình, và sau lại bị cầm tù lần nữa tại La-mã; bởi đó, trước khi qua đời chép II Ti-mô-thê.
       Ít lâu trước khi bị lao tù lần thứ hai, Phao-lô đến thăm Ê-phê-sô, tại đó có những trưởng lão mới cai trị Hội Thánh (Công vụ các sứ đồ 20:25, hầu hết các người trước đã qua đời), ấy được nói đến cuối năm 66 hoặc 67 S.C..
       II. Mục đích.-- Ðể xin Ti-mô-thê đến và đem Mác theo (II Ti-mô-thê 1:4; 4:9,11,21). Song không chắc Ti-mô-thê có đến đúng kỳ. Phao-lô muốn nói lời cảnh cáo sau chót về các tà giáo mà mầm bấy giờ đang rải rác. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê cứ giữ lòng sốt sắng, trung tín với đạo "lành," nhịn nhục chịu thử thách, và can đảm vì danh Chúa, là bài khuyên rất cần cho Ti-mô-thê vì cớ tự nhiên Ti-mô-thê hay nhút nhát (I Ti-mô-thê 5:22,23; 2:2-8; 4:1-5).
       III. Lối văn và đặc sắc.-- Phao-lô tỏ rằng, khi sự cuối cùng gần đến, sự thương xót của Ðức Chúa Trời có nghĩa càng sâu nhiệm hơn cho mình. Bởi vậy, sự "thương xót" được xen vào giữa "ơn điển" và "bình an" lần thứ nhứt là trong các thơ Mục hội; trong các thơ chép trước chỉ thấy "ơn điển" và "bình an" thôi. So I Ti-mô-thê 1:13, "Ta đội ơn thương xót," nhứt là các mục sư có cần, vì chức vụ đó là đề mục chính trong hai thơ (so I Cô-rinh-tô 7:25). Ðặc sắc của thơ thứ hai là thình lình, không có dàn bài, không có trật tự để luận các vấn đề. Tình cảm thì mạnh mẽ, những kỷ niệm linh động về quá khứ và tư tưởng lo ngại về tương lai, thật như từ một người đang ở trên bờ cõi vĩnh viễn. Thơ thứ hai không có trích lại Cựu Ước như các thơ tín khác; song sự soi dẫn, quyền ban sự khôn ngoan, và quyền phép cứu rỗi của Cựu Ước được chứng quyết rõ ràng (II Ti-mô-thê 3:15-17). "Những lời chắc chắn có lẽ là các lời được soi dẫn của các tiên tri trong Hội Thánh, thay thế các lời trích từ Cựu Ước (so I Ti-mô-thê 4:1; I Cô-rinh-tô 14:). Các đặc sắc khác của thơ tín Mục hội nầy là chú trọng về đạo "lành," trái với sự khôn khéo của thuyết thông thần luận; lấy sự cai trị và tổ chức Hội Thánh làm quan hệ; và các lời tạ ơn như từ một người luôn luôn có sự hiện diện của Ðức Chúa Trời nhứt là nay khi các vật ở thế gian nầy chẳng bao lâu sẽ qua khỏi người (I Ti-mô-thê 1:17; 6:15,16; II Ti-mô-thê 4:18). Như I Ti-mô-thê 4:1-5 chỉ về sự bội đạo thời Trung cổ, "trong thời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo... bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối... cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ... tạ ơn mà dùng lấy;" cũng vậy, II Ti-mô-thê 3:1-9 chỉ về thời sau mà từ đó Antichrist sẽ ra. Chẳng còn bao lâu nữa, "trong ngày sau rốt," có những đặc sắc là: "tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, ưa thích vui chơi, bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó."
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho II Ti-mô-thê:
       Tác giả.-- Sứ đồ Phao-lô (1:1).
       Niên hiệu.-- Bức thơ cảm động nầy chép bởi Phao-lô cho "con rất yêu dấu" của mình ít lâu trước khi Sứ đồ tử vì đạo (4:6-8), và có những lời chót của Sứ đồ lớn đó mà sự soi dẫn Ðức Chúa Trời giữ lại.
       Ðại đề.-- II Ti-mô-thê (chung với II Phi-e-rơ, Giu-đe, và II với III Giăng), là luận đến bước đi và lời chứng riêng của một đầy tớ thật của Ðấng Christ trong ngày bội đạo và suy đồi. Các câu chìa khóa là "mọi người trong xứ A-si đã lìa bỏ ta" (1:15); và, "người lính giỏi của Chúa Jêsus Christ" (2:3). Các Hội Thánh trong cõi A-si không phải đã giải tán, không thôi xưng mình là tín đồ Ðấng Christ, song họ đã xây bỏ các lẽ đạo của ơn điển đặc biệt tỏ ra bởi Sứ đồ Phao-lô (xem bài PHAO LÔ, phần Tiến sĩ Scofield, lời tiểu dẫn các thơ tín Phao-lô). Ấy là chứng cớ sự bội đạo đã thành hình thứ nhứt, tức sự dạy giữ luật pháp.
       Tự nhiên thơ chia ra làm bốn phần: 
       (I) Lời chào thăm của Sứ đồ, 1:1-18. 
       (II) Ðường của một đầy tớ đáng khen trong ngày bội đạo, 2:1-26. 
       (III) Cơn bội đạo và Lời Chúa, 3:1-17. 
       (IV) Một đầy tớ trung tín, và Chúa thành tín của người, 4:1-22.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.