Thời đại. Les âges.

       



      Tiến sĩ Scofield chú thích về bảy thời đại như sau:
       Sáng thế ký 1:28.-- Ðịnh nghĩa. Thời đại là một cuộc thời gian trong đó người chịu thử thách đối với sự vâng phục, một sự khải thị đặc biệt về ý muốn Ðức Chúa Trời. Có bảy thời đại như thế được phân biệt trong Kinh Thánh.
       Thời đại thứ nhứt: Thời đại vô tội. Người ta được dựng nên trong sự vô tội, được đặt vào trong một cảnh hoàn toàn, chỉ phải phục một sự thử thách rất đơn sơ, và được cảnh cáo về kết quả của sự không vâng lời. Người nữ sa ngã bởi sự kiêu ngạo; người nam bởi cố ý (I Ti-mô-thê 2:14). Ðức Chúa Trời đã lập lại những vật thọ tạo phạm tội, song thời đại vô tội tận cùng trong án phạt trục xuất khỏi vườn (Sáng thế ký 3:24).
       Sáng thế ký 3:23.-- Thời đại thứ hai: Lương tâm. Bởi sự không vâng phục, người đã đến sự hiểu biết cá nhơn và bởi từng trải, về sự lành và sự dữ:--sự lành là vâng phục, sự dữ là không vâng phục ý muốn Ðức Chúa Trời đã cho biết. Bởi sự hiểu biết đó, lương tâm được tỉnh thức. Bị trục xuất ra khỏi vườn Ê-đen và đặt ở giao ước thứ hai hoặc giao ước với A-đam, người có trách nhiệm làm tròn mọi điều lành đã cho biết; kiêng cữ mọi điều dữ đã cho biết và đến gần Ðức Chúa Trời bởi của lễ. Kết quả của sự thử thách thứ hai về người được chép trong Sáng thế ký 6:5, và thời đại tận cùng với án phạt Cơn Hồng thủy. Dường như "tại phía Ðông vườn Ê-đen" (câu 24) có các Chê-ru-bin và gươm lưỡi chói lòa còn lại chỗ thờ phượng suốt thời đại thứ hai nầy.
       Sáng thế ký 8:21.-- Thời đại thứ ba. Chính phủ loài người. Dưới thời lương tâm cũng như thời vô tội, người hoàn toàn thất bại, và án phạt Hồng thủy đã đánh dấu sự tận cùng thời đại thứ hai và sự khởi đầu thời đại thứ ba. Lời công bố của Giao ước với Nô-ê bắt loài người phải chịu một thử thách mới. Tánh cách đặc biệt là sự thiết lập, lần thứ nhứt, chính phủ loài người -- chính phủ của người bởi người. Phận sự cao quí của chính phủ là sự cất mạng sống theo tư pháp. Hết thảy mọi quyền khác của chính phủ là từ đó mà ra. Như vậy, thời đại thứ ba đặc biệt là thời đại của chính phủ loài người. Người chịu trách nhiệm cai trị thế gian cho Ðức Chúa Trời. Trách nhiệm đó căn cứ trên cả dòng giống, Do-thái và Dân ngoại, cho đến sự thất bại của Y-sơ-ra-ên dưới giao ước Pha-lê-tin (Phục truyền luật lệ ký 28:-30:1-10) dẫn đến án phạt các lần phu tù khi "Các kỳ Dân ngoại" (Xem Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14) khởi đầu, và chính phủ thế gian sang hết trong tay Dân ngoại (Ða-ni-ên 2:36-45; Lu-ca 21:24; Công vụ các sứ đồ 15:14-17). Cả hai Y-sơ-ra-ên và Dân ngoại đã cai trị cho mình, không phải cho Ðức Chúa Trời, ấy tỏ ra cách buồn bã. Án phạt làm lộn xộn tiếng nói tận cùng của sự thử thách dòng giống: án phạt bị phu tù tận cùng sự thử thách dân Do-thái; còn sự thử thách Dân ngoại sẽ tận cùng bởi sự đập bể pho tượng (Ða-ni-ên 2:) và sự phán xét các dân tộc (Ma-thi-ơ 25:31-46).
       Sáng thế ký 12:1.-- Thời đại thứ tư: Lời hứa. Về Áp-ra-ham và dòng dõi người thì rõ ràng giao ước với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:18, lời chua) có một sự thay đổi lớn. Họ trở nên các con kế tự của lời hứa cách đặc biệt. Giao ước đó thì hoàn toàn bởi ơn điển và không có điều kiện. Những dòng dõi của Áp-ra-ham chỉ cần ở trong chính xứ mình để hưởng mọi phước hạnh, trong xứ Ai-cập họ mất hết phước hạnh, song không phải mất giao ước mình. Thời đại lời hứa tận cùng khi Y-sơ-ra-ên vội vàng công nhận luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 19:8). Ơn điển đã sửa soạn một người giải cứu (Môi-se) sắm sẵn một của lễ cho tội nhơn, và bởi quyền phép Ðức Chúa Trời đem họ ra khỏi vòng nô lệ (Xuất Ê-díp-tô ký 19:4); song tại Si-na-i họ đổi ơn điển lấy luật pháp. Thời đại lời hứa mở rộng từ Sáng thế ký 12:1 đến Xuất Ê-díp-tô ký 19:8, và hoàn toàn thuộc riêng Y-sơ-ra-ên. Cần phải phân biệt thời đại và giao ước. Thời đại là một lối của sự thử thách, giao ước thì vĩnh viễn không có điều kiện. Luật pháp không tiêu hủy giao ước với Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:15-18), song là khoảng thời gian sửa dạy cho đến khi "Người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho" (Ga-la-ti 3:19-29; 4:1-7). Chỉ thời đại, như là một sự thử thách của Y-sơ-ra-ên, tận cùng lúc ban bố luật pháp.
       Xuất Ê-díp-tô ký 19:8.-- Thời đại thứ năm: Luật pháp. Thời đại nầy hạn dài từ núi Si-na-i đến chỗ Sọ, tức từ Xuất Ai-cập cho đến Thập tự. Sử ký Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng và trong xứ Ca-na-an là một bài dài thuật những sự phạm luật pháp. Chúa dùng luật pháp thử dân tộc cho đến khi bị làm phu tù. Thời đại nầy tận cùng nơi Thập tự. (1) Ðịa vị của người lúc mới lập luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 19:1-4. (2) Trách nhiệm (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5,6; Rô-ma 10:5). (3) Khuyết điểm (II Các vua 17:7-17,19; Công vụ các sứ đồ 2:22,23). (4) Sự đoán phạt (II Các vua 17:1-6,20; 25:1-11; Lu-ca 21:20-24).
       Ma-thi-ơ 28:19.-- Thời đại thứ sáu: Ơn điển. Với sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus Christ khởi đầu "thời đại của ơn điển Ðức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 3:2) được định nghĩa như "lòng nhơn từ đã dùng ra cho chúng ta bởi Chúa Jêsus Christ," và "sự ban cho của Ðức Chúa Trời: chẳng phải bởi việc làm hầu cho không ai khoe mình" (Ê-phê-sô 2:7-9). Dưới ơn điển, Ðức Chúa Trời ban cho kẻ tội nhơn tin kính sự sống đời đời cách nhưng không (Rô-ma 6:23); kể cho người tội sự công bình trọn vẹn (Rô-ma 3:21,22; 4:4,5) và ban cho người có một địa vị hoàn toàn (Ê-phê-sô 1:6). Những kết quả dự định trước của sự thử thách người lần thứ sáu nầy là: 
       (1) sự cứu rỗi cho hết thảy mọi kẻ tin (Công vụ các sứ đồ 16:31);
       (2) Sự phán xét trên một thế gian vô tín và một Hội Thánh bội đạo (Ma-thi-ơ 25:31-46; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10; I Phi-e-rơ 4:17,18; Khải Huyền 3:15,16).
       (1) Ðịa vị của người từ buổi đầu của thời đại ơn điển (Rô-ma 3:19; Ga-la-ti 3:22; Ê-phê-sô 2:11,12). 
       (2) Trách nhiệm của người dưới ơn điển (Giăng 1:11,12; 3:36; 6:28,29).
       (3) Sự thất bại đã nói trước của người (Ma-thi-ơ 24:37-39; Lu-ca 18:8; 19:12-14). 
       (4) Sự phán xét (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:7-12).
       Giăng 1:16.-- Như là một thời đại, ơn điển khởi sự với sự chết và sự sống lại của Ðấng Christ (Rô-ma 3:24-26; 4:24,25). Ðiểm thử thách không còn phải là sự vâng phục luật pháp nữa như là điều kiện của sự cứu rỗi, song sự nhận lấy hoặc chối bỏ Ðấng Christ với những công việc lành như trái của sự cứu rỗi (Giăng 1:12,13; 3:36; Ma-thi-ơ 21:37; 22:42; Giăng 15:22,25; Hê-bơ-rơ 1:2; I Giăng 5:10-12). Kết quả ngay của sự thử thách nầy là sự chối bỏ Ðấng Christ bởi người Do-thái, và sự đóng đinh Ngài bởi Dân Do-thái và Dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 4:27). Sự cuối cùng đã dự ngôn của sự thử thách người dưới ơn điển là sự bội đạo của Hội Thánh hữu danh vô thực (Xem bàibài đạo , II Ti-mô-thê 3:1-18, lời chua) và những sự phán xét khải thị làm kết quả.
       Lu-ca 24:51.-- Thái độ của Chúa ở đây chỉ đặc tánh của thời đại nầy. Ấy thật là một thời ơn điển; Chúa thăng thiên đang ban những phước thuộc linh cho dân sự tin kính. Thời đại dân Do-thái được đánh dấu bởi những phước vật chất như phần thưởng của một dân vâng phục (Phục truyền luật lệ ký 28:1-15). Trong thời đại của nước, phước hạnh thuộc linh và vật chất được hiệp làm một.
       Ê-phê-sô 1:10.-- Thời đại thứ bảy: Kỳ mãn. Thời đại nầy là thứ bảy và cuối cùng các thời đại theo trật tự nhất định sự sống người ta trên đất, là một với nước được bởi giao ước với Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:8-17; Xa-cha-ri 12:8. Tóm tắt; Lu-ca 1:31-33; I Cô-rinh-tô 15:24, Tóm tắt), và nhóm lại với mình dưới Ðấng Christ mọi "thời kỳ" đã qua: 
       (1) Thời kỳ áp chế và sự cai trị sai lầm tận cùng khi Ðấng Christ đến lấy nước Ngài (Ê-sai 11:3,4). 
       (2) Thời kỳ làm chứng và nín chịu của Ðức Chúa Trời tận cùng trong sự phán xét (Ma-thi-ơ 25:31-46; Công vụ các sứ đồ 17:30,31; Khải Huyền 20:7-15). 
       (3) Thời kỳ khó nhọc tận cùng trong sự yên nghỉ và phần thưởng (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6,7). 
       (4) Thời kỳ đau đớn tận cùng trong sự vinh hiển (Rô-ma 8:17,18). 
       (5) Thời kỳ của sự đui mù và sự sửa dạy Y-sơ-ra-ên tận cùng trong sự lập lại và trở lại với Chúa (Rô-ma 11:25-27; Ê-xê-chi-ên 39:25-29). 
       (6) Thời kỳ của dân ngoại tận cùng với sự đập bể pho tượng và lập nên nước thiên đàng (Ða-ni-ên 2:34,35; Khải Huyền 19:15-21). Thời kỳ làm tôi mọi của muôn vật tận cùng trong sự giải cứu lúc các con Ðức Chúa Trời được tỏ ra (Sáng thế ký 3:17; Ê-sai 11:6-8; Rô-ma 8:19-21).
       Khải Huyền 12:10.-- Thời đại của Nước (II Sa-mu-ên 7:16). Bắt đầu với sự tái lâm của Ðấng Christ trên đất, kéo dài suốt "ngàn năm" của sự trị vì Ngài trên đất, và tận cùng khi Ngài đã "giao nước lại cho Ðức Chúa Trời là Cha" (I Cô-rinh-tô 15:24, lời chua).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.