Trong thời các quan xét Y-sơ-ra-ên bị bó buộc nộp thuế theo trật tự vào sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Khi ấy chưa phải cung cấp cho cơ binh hoặc một triều vua nào. Song có một đền thờ và một ban chức tế lễ thì phải nhờ phần mười của lễ khác để gìn giữ, và cũng nhờ đất để riêng cho người Lê-vi mãi.
Sau khi đã lập nước quân chủ, thì phải nhờ nộp những thứ thuế như sau nầy:
(1) Sa-lô-môn đánh thuế trên tài sản ruộng và các bầy vật (I Các vua 4:7-28; so A-mốt 7:1).
(2) Người ta đem quà lễ đặc biệt dâng cho vua lúc khởi sự cai trị (I Sa-mu-ên 10:27), hoặc lúc chinh chiến (16:20; 17:18).
(3) Các dân phục tòng phải nộp thuế (II Sa-mu-ên 8:6,14; I Các vua 10:15; II Các vua 3:4) và cũng đòi các thổ dân Ca-na-an giữa vòng Y-sơ-ra-ên phải làm việc (Các quan xét 1:28,30; I Các vua 9:20,21). Khi dân Y-sơ-ra-ên phục một vua ngoại thì phải nộp thuế cho vua đó với các thuế để ủng hộ chính phủ mình.
(4) Những người buôn bán và kẻ thương mại phải nộp (I Các vua 10:15). Ða-vít không đánh thuế bằng tiền hoặc tài sản mà mất ít tiền riêng mình để lập cơ binh, vì chia số những người đủ tuổi đăng lính thành từng đạo 24.000 người, và đòi mỗi đạo lần lượt sẵn sàng làm một tháng thay nhau (I Sử ký 27:1). Trong thời Sa-lô-môn, dân sự bị đánh thuế và nặng, và vì cớ đó xảy ra sự chia nước (I Các vua 12:4). Miễn thuế là một phần thưởng cho công lao (I Sa-mu-ên 17:25).
Dưới quyền đế quốc Ba-tư, mỗi tỉnh phải nộp một món tiền nhứt định cho vào kho bạc của vua, và cũng nộp để cung cấp cho nhà quan tổng trấn. Ấy được gọi là lương thực và đối với Do-thái gồm lại đồ ăn và bốn mươi siếc-lơ bằng tiền mỗi ngày (Nê-hê-mi 5:14,15). Ấy được bởi tiền công, nộp thuế và đóng tiền mãi lộ (E-xơ-ra 4:13,20). Các thầy tế lễ, người Lê-vi, người Nê-thi-nim được miễn nộp thuế trong xứ Do-thái (E-xơ-ra 7:24); song sự gánh nặng ép phần lớn trong dân sự vì cũng phải cung cấp cho Ðền thờ, nên nhiều người phải cầm ruộng và vườn nho mình để có thể nộp thuế đủ (Nê-hê-mi 5:4; 9:37).
Dưới quyền các vua Ai-cập và Sy-ri, phép thâu thuế trong một miền được bán ở nơi đấu giá cho người nào trả rất nhiều. Người hứa rất nhiều huê lợi từ một tỉnh thì được phép thâu thuế và cũng có đủ người lính để giúp đỡ trong việc đó. Các vua Sy-ri đánh thuế trên mỗi người và trên muối nữa, đòi một món tiền thuế cho một mão triều thiên bằng vàng hằng năm và lấy một phần ba thóc và một nửa trái cây, và cũng đòi một phần của phần mười và tiền thuế mỗi người phải nộp để cung cấp Ðền thờ tại Giê-ru-sa-lem.
Khi người La-mã ở dưới quyền Pompey chiếm lấy Giê-ru-sa-lem năm 63 T.C., thì ép dân Do-thái nộp thuế trong một thời gian ngắn đến một vạn ta lâng. Jules César ra chiếu chỉ rằng thuế không được trưng thầu, không bị đòi năm Sa-bát, và trong năm kế năm sa bát chỉ thâu một phần tư tổng số thường nộp. Hê-rốt Lớn đánh thuế sản vật, ruộng và đánh thuế các hàng hóa mua và bán. Khi xứ Giu-đê đặt dưới quyền các quan tổng đốc, hệ thống tài chánh của đế quốc được dẫn vào xứ. Những hoa lợi được trưng thầu. Các thứ thuế là:
(1) Thuế đất, nộp bằng thổ sản hoặc bằng tiền.
(2) Thuế thân (Ma-thi-ơ 22:17), và dưới cùng một tên, thuế đánh trên tài sản cá nhơn.
(3) Thuế xuất cảng, nhập cảng, thâu ở các hải cảng và tại cửa các thành. Trong Giê-ru-sa-lem, dân cư phải trả thuế thổ trạch.
Sau kỳ phu tù, mỗi người Y-sơ-ra-ên đã đến hai mươi tuổi phải nộp nửa siếc lơ cho Ðền thờ (Ma-thi-ơ 17:24). Những người thâu thuế hằng năm đúng kỳ thăm viếng các thành tại xứ Giu-đê, và trong các nước ngoài thì định các nơi người Y-sơ-ra-ên có thể nộp thuế đó.