I. Thời thơ ấu.-- Theo dư luận người Do-thái nghiêm khắc, thì phép hôn phối của cha mẹ Ti-mô-thê bị lên án là trái phép, song không phải là ít có trong phần sau của lịch sử Do-thái. Kinh Thánh không chép tên của cha: chỉ biết là một người Hy-lạp, tức người ngoại bang theo tổ tông (Công vụ các sứ đồ 16:1,3). Công vụ các sứ đồ và các thơ tín không nói riêng đến cha người, thì gợi ý rằng chắc đã chết hoặc đi mất trong lúc Ti-mô-thê còn nhỏ. Vậy, sự chăn nuôi con trẻ giao lại cho mẹ là Ơ-nít và bà là Lô-ít (II Ti-mô-thê 1:5). Bởi thế, sự học vấn rõ ràng theo lối người Do-thái. "Từ khi còn thơ ấu," Ti-mô-thê đã học "biết Kinh Thánh" hằng ngày. Trong Công vụ các sứ đồ không nói rõ hoặc Ðẹt-bơ, hoặc Lít-trơ là nơi trú ngụ của gia đình mộ đạo đó.
Khi Phao-lô bà Ba-na-ba đến thành Li-cao-ni, trong cuộc lưu hành thứ nhứt (Công vụ các sứ đồ 14:6), đem sứ mạng của Tin lành cho Ti-mô-thê và cho mẹ người, thì hai người công nhận bằng "đức tin thành thật" (II Ti-mô-thê 1:5). Nếu ở tại Lít-trơ theo II Ti-mô-thê 3:11, dường thật như vậy, thì Ti-mô-thê chắc đã được chứng kiến cảnh một bên dân dâng tế lễ, một bên người Do-thái ném đá Sứ đồ (Công vụ các sứ đồ 14:19). Sự giảng của Sứ đồ, lúc từ một cuộc hành trình ngắn trở về, đã sửa soạn Ti-mô-thê sống một đời chịu khổ (Công vụ các sứ đồ 14:22). Từ đó, đời sống và sự học vấn chắc ở dưới quyền giám sát trực tiếp của một đoàn trưởng lão (câu 23).
II. Thời truyền đạo của Phao-lô.-- Trong khoảng chừng bảy năm giữa hai cuộc lưu hành thứ nhứt và thứ nhì của Phao-lô, thì con trẻ đó đã khôn lớn. Lòng sốt sắng của Ti-mô-thê, có lẽ là phép ăn ở khắc khổ đã được người trong hai thành Lít-trơ và Y-cô-ni biết tiếng. Có người hiểu sâu nhiệm tánh nết, nói bằng lời tiên tri chỉ về Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 1:18; 4:14), như người khác đã chỉ về Phao-lô và Ba-na-ba (Công vụ các sứ đồ 13:2), như xứng đáng đặc biệt cho công việc truyền đạo mà Sứ đồ đang sung chức. Cảm tình riêng của Phao-lô cũng dẫn đến sự hiệp với các lời tiên tri đó (16:3), và Ti-mô-thê được để riêng cách trọng thể làm việc và có lẽ được xưng là người truyền đạo, bởi phép đặt tay của Phao-lô và các trưởng lão (I Ti-mô-thê 4:14; II Ti-mô-thê 1:6; 4:5).
Song le. có một sự ngăn trở lớn. Ti-mô-thê dầu được kể là con của dòng dõi Áp-ra-ham, song từ nhỏ đến lớn, vẫn chưa chịu phép cắt bì. Ðịa vị của Ti-mô-thê là của một người Do-thái xao lãng, hầu như một người bội đạo. Người Do-thái có thể chịu một người ngoại như vậy, trong nhà hội hoặc Hội Thánh, song một người Y-sơ-ra-ên không chịu cắt bì đối với họ là một sự gớm ghiếc và một dấu không may mắn. Vì vị nể tình cảm của dân Do-thái, song không chịu bỏ điều cốt yếu nào, Phao-lô đã "lấy Ti-mô-thê và làm phép cắt bì cho" (Công vụ các sứ đồ 16:3), dầu trước đã từ chối không chịu làm cho Tít, vì khác với Ti-mô-thê, sanh ra là người ngoại (15:2). Từ đó. Ti-mô-thê là một trong các đồng bạn không rời Phao-lô. Sứ đồ làm chứng Ti-mô-thê là "con yêu dấu của mình cùng là trung thành trong Chúa" (I Cô-rinh-tô 4:17), và "là con thật của mình trong đức tin" (II Ti-mô-thê 1:2), không những chỉ tỏ sự yêu thương của Phao-lô đối với người bạn trẻ, song cũng vì Phao-lô đã cầu nguyện cho Ti-mô-thê tin Chúa.
Phao-lô, Ti-mô-thê với Sin-vanh, có lẽ cả Lu-ca, đồng khởi hành đến thành Phi-líp (16:12), và tại đó thầy truyền đạo thanh niên đã tỏ rõ ngay vì lòng hiếu thảo và sốt sắng (Phi-líp 2:22). Tên người được chép trong truyện thuật lại việc của Phao-lô tại Tê-sa-lô-ni-ca, và có lẽ người còn ở lại ít lâu tại Phi-líp. Dầu vậy, lại thấy Ti-mô-thê tại Bê-rê, và cứ ở lại đó khi Phao-lô và Si-la bị bó buộc phải đi (17:14) và sau đó đến cho gặp thầy mình tại A-thên (I Ti-mô-thê 3:2).Từ thành A-thên Ti-mô-thê được sai về Tê-sa-lô-ni-ca để khiến "anh em được vững vàng và giục lòng anh em trong đức tin" (3:2). Người từ Tê-sa-lô-ni-ca trở về, không tới A-thên, song tới Cô-rinh-tô, nên tên Ti-mô-thê liên lạc với tên Phao-lô trong những lời mở đầu hai bức thơ đạt cho hội Tê-sa-lô-ni-ca.
Không thấy chép gì về năm năm sau trong đời Ti-mô-thê. Khi chép lần nữa thì Ti-mô-thê được sai đến đi trước, khi Phao-lô đang suy gẫm cuộc hành trình dài thứ ba gồm lại cả Ma-xê-đoan, A-chai, Giê-ru-sa-lem và La-mã (Công vụ các sứ đồ 19:22). Có lẽ người trở về cùng một đường và gặp Phao-lô tùy theo sự sắp đặt trước (I Cô-rinh-tô 16:11), và như vậy ở với Sứ đồ khi chép thơ thứ hai cho hội Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 1:1). Người trở về thành Cô-rinh-tô với Phao-lô, và thêm vào sứ mạng thơ lời chào thăm các tín đồ mình đã biết riêng từng người ở đó, là những người sau đã tới La-mã (Rô-ma 16:21). Người họp một đoàn thể các bạn hữu đồng đi với Phao-lô đến thành Phi-líp, và kế đó đi riêng bằng thuyền, chờ đợi Phao-lô đến bằng một thuyền khác (Công vụ các sứ đồ 20:3-6). Vì Công vụ các sứ đồ 27: không chép đến tên Ti-mô-thê, nên có thể kết luận rằng chắc người không dự phần trong cuộc hành trình nguy hiểm sang Ý-đại-lợi. Dầu vậy, dường như chẳng bao lâu, người có đến La-mã để theo Phao-lô, và ở cùng Sứ đồ mà chép thơ Phi-líp, Cô-lô-se, và Phi-lê-môn (Phi-líp 1:1; 2:19; Cô-lô-se 1:1; Phi-lê-môn 1). Hết thảy những điều kể trên chỉ về sự hoạt động truyền đạo không ngừng.
III. Thời hành chức tại Ê-phê-sô, v.v.-- Bởi hai thơ viết cho Ti-mô-thê, ta có thể thâu góp ít tài liệu về phần sau của Ti-mô-thê. Từ I Ti-mô-thê 1:3, Ti-mô-thê cùng thầy mình, sau khi Phao-lô được thả khỏi ngục tại La-mã, lại sang thăm xứ Tiểu A-si, rồi Sứ đồ cứ tiếp tục hành trình đến xứ Ma-xê-đoan, còn Ti-mô-thê ở lại thành Ê-phê-sô, dầu phải khóc khi chia tay (II Ti-mô-thê 1:4), để ngăn trở tà giáo khỏi lớn lên, và bọn buông lung ra từ đó. Ti-mô-thê tạm thời làm đại biểu của Phao-lô về chức Sứ đồ tại Ê-phê-sô, như trước đã làm tại Cô-rinh-tô, Tê-sa-lô-ni-ca, và Phi-líp (I Cô-rinh-tô 4:17; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:2; Phi-líp 2:19-23). Ðịa vị của Ti-mô-thê bấy giờ thật đáng lo ngại. Người phải cai quản các trưởng lão phần nhiều cao tuổi hơn mình (I Ti-mô-thê 4:12). Lãnh tụ các phe ganh đua cũng ở đó, và danh của giáo sư yêu dấu mình không được tôn trọng như trước. Vậy, không khó hiểu về phần Phao-lô, biết những sự thử thách đó, thì đầy sư lo lắng và sợ hãi về sự vững vàng của môn đồ mình. Trong thơ II Ti-mô-thê viết tại La-mã khi bị cầm tù lần thứ hai thì Phao-lô tỏ cảm tình riêng đó càng rõ hơn. Những lời chép cuối cùng của Sứ đồ tỏ ra hy vọng nóng nảy, và nhắc lại cho càng nóng nảy hơn, có thể gặp Ti-mô-thê lần nữa (4:9,21). Ta dám mong rằng Ti-mô-thê thật đã đến La-mã kịp thời, và những giờ phút chót của Sứ đồ được yên ủi bởi có mặt môn đồ yêu dấu ở đó. Có người tưởng Hê-bơ-rơ 12:23 chỉ rằng Ti-mô-thê có dự phần sự lao tù với Phao-lô, và được thả khi Néron qua đời.
Ngoài đó, toàn là lời truyền khẩu và không chắc chắn. Theo lời cựu truyền thì Ti-mô-thê cứ hành chức giám mục tại Ê-phê-sô, và tử vì đạo trong đời Domitien hoặc Nerva. Có một thuyết lý hơi lạ, về khoảng nầy của đời Ti-mô-thê, tức Ti-mô-thê cứ hành chức giám mục tại Ê-phê-sô, như truyền khẩu công nhận, và là "thiên sứ" hội đó, được đặt cho sứ mạng trong Khải Huyền 2:1-7. Nếu thật vậy, thì Sứ đồ Giăng sau mới ở đó.