I. Ðịnh nghĩa.-- Trong Cựu Ước nguyên văn Hê-bơ-rơ là nâbi từ động từ naba nghĩa là "sôi sùng sục" như nước một suối, giống Thi Thiên 45:1 chép "Lòng tôi đầy tràn những lời tốt," tức được soi dẫn bởi Ðức Thánh Linh (II Phi-e-rơ 1:19,21; Gióp 32:8,18,19,20). Trong Tân Ước nguyên văn Hy-lạp là prophetes theo nghĩa giáo khoa Hy-lạp là một người nói thế cho người khác, nhứt là người nói thế một thần là như vậy cho người ta biết ý muốn của thần đó. Vậy, nghĩa cốt yếu là "người thông ngôn." Theo Locke, những ý nghĩa khác nhau mà dùng danh từ tiên tri trong Kinh Thánh là như sau nầy: dự ngôn, nói ra bởi sự soi dẫn Ðức Thánh Linh, hiểu biết và giải nghĩa lẽ mầu nhiệm giấu kín trong Kinh Thánh bởi sự soi sáng và hành động của Ðức Thánh Linh (so Dân số ký 12:6-8).
II. Lịch sử chức tiên tri.-- Từ thế kỷ thứ VIII đến thứ IV T.C., trong khoảng 400 năm đó, các tiên tri được người Hê-bơ-rơ tôn trọng, kính nể, nên rất phát đạt: có quyền thế và năng lực. Trước A-mốt và Ô-sê, đã có các tiên tri khác lo liệu sửa soạn rồi. Kịp sau khi đời các tiên tri đó đã qua, lại có một lớp tiên tri sau đây lên nối chức, song không thạnh bằng đời xưa. Lịch sử chức tiên tri chia làm ba thời kỳ.
1. Từ Sa-mu-ên trở về trước.-- Là thời đại khai sáng ban đầu của các tiên tri. Những việc trong thời kỳ nầy rất khó biết chắc. Vì kỷ thuật ra là do người sau, chớ không phải người hồi bấy giờ. Sáng thế ký 20:7 xưng Áp-ra-ham là tiên tri. Xuất Ê-díp-tô ký 7:1 xưng A-rôn là tiên tri. Thi Thiên 105:15 giữa tổ tiên người Y-sơ-ra-ên có tiên tri; Dân số ký 22:-24: chép việc Ba-la-am thì biết người ngoại bang cũng có tiên tri. Dân số ký 12:5-8 và Phục truyền luật lệ ký 18:15 xưng Môi-se là tiên tri cao quí hơn hết, vì ông hằng đối mặt và hầu chuyện Ðức Chúa Trời. Các quan xét 6:8, dân Y-sơ-ra-ên bị người Ma-đi-an ngược đãi, Ðức Chúa Trời sai một tiên tri -- không biết tên -- đến cùng họ. Ngoài ra, như Sam-sôn làm Na-xi-rê, dầu không phải là tiên tri, song từ bé Sam-sôn đã chịu Ðức Thánh Linh cảm động được quyền phép lớn. Trong đời các Quan-xét, chức vị tế lễ sa vào một địa vị suy tàn, và dân sự không còn chú ý đến các lễ nghi và sự dạy dỗ của thầy tế lễ. Vậy, Ðức Chúa Trời lập một ban mới gọi là ban thứ tiên tri. Sa-mu-ên là một người tiên tri về dòng Kê-hát (I Sử ký 6:28), và dầu chắc là một thầy tế lễ, song cũng được Ðức Chúa Trời dùng để cải lương một ban thầy tế lễ (I Sử ký 9:22) và để ban cho các tiên tri một địa vị mà trước họ chứa từng có. Nên chú ý, Sa-mu-ên không sáng lập ban thứ tiên tri, vì mầm cả chức tiên tri và chức vua sẵn có trong Luật pháp Môi-se ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Phục truyền luật lệ ký 13:1; 18:20; 17:18), song không được mở mang Sa-mu-ên trước khi được khải thị, đã có người Ðức Chúa Trời đến nhà Hê-li nói tiên tri về tai vạ người sẽ gặp. Bởi vậy, biết rằng, ở trong thời kỳ nầy, Ðức Chúa Trời hoặc dùng sự hiện thấy, hoặc dùng chiêm bao, hoặc dùng sứ giả để tỏ bảo người đời, song bấy giờ ít dùng đến danh tiên tri thôi.
2. Từ Sa-mu-ên đến A-mốt.-- Là thời đại phát đạt của chức tiên tri. Ðọc I Sa-mu-ên 3:1 nói ở đời Hê-li, Ðức Chúa Trời ít dùng lời để ngỏ cùng người ta, và không thường tỏ sự hiện thấy. Ðó có thể khiến người ta biết rằng, điều cần dùng bấy giờ là sự khải thị được rõ ràng hơn, kể từ đời Sa-mu-ên. Trong đời Sa-mu-ên, có vài chỗ dựng trường thần học dạy các tiên tri như Ra-ma (I Sa-mu-ên 19:19,20), Bê-tên (II Các vua 2:3), Giê-ri-cô (câu 5), Ghinh-ganh (4:38; 6:1). Xem bài SA-MU-ÊN về các trường tiên tri. Sa-mu-ên có quyền giám đốc các trường đó, sau Ê-li-sê cũng có quyền đó. Việc của các trường đó lo giữ là bảo tồn cổ điển nước Y-sơ-ra-ên. Các tác phẩm về lịch sử của nước cũng phát nguyên từ đó mà ra. Ðời vua Ða-vít, sự quan hệ giữa vua chúa và các tiên tri rất là mật thiết. Về sau cũng vậy, mãi đến người Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù mới thôi. Hai tiên tri Na-than và Gát thường sửa chữa điều lầm lỗi cho vua Ða-vít (II Sa-mu-ên 12:1; 24:11), và giúp đỡ vua về việc lập lễ thờ phượng Ðức Chúa Trời (II Sử ký 29:25). Ðọc II Sử ký 9:29 nói Na-than, A-hi-gia, và Giê-đô đều là những người giữ cổ điển và lịch sử của nhà nước. Ðời Sa-lô-môn, rất ít tiên tri, song về sau, vua và tiên tri quan hệ với nhau rất nhiều. Tiên tri thường trách vua, khuyên vua, và cũng giúp đỡ việc chính trị cho nhà nước. Khi A-háp làm vua, dân thờ lạy hình tượng; tiên tri Ê-li có quở trách vua. Tiên tri Ê-li-sê báo trước Giê-hu sẽ trừ diệt được các người trong nhà A-háp (II Các vua 9:). Hai tiên tri đó là thực hành, chớ không phải là trước thuật.
3. Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IV T.C. là thời đại làm sách của các tiên tri. Trong khoảng đó, phải kể A-mốt đứng đầu, là thời kỳ rất thạnh của người Hê-bơ-rơ. Tiên tri lớn hơn hết là Ê-sai. Xét kỹ sách tiên tri: khi A-sy-ri là nước thù nghịch, trong vòng dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên có sáu tiên tri cả thảy. Phương Bắc có A-mốt, Ô-sê, chừng vào giữa thế kỷ thứ VIII T.C.. Phương Nam có Ê-sai và Mi-chê; sau đó một chút thì có Sô-phô-ni và Na-hum, chừng ở vào đầu thế kỷ thứ VII. Khi Canh-đê là nước thù nghịch, có Giê-rê-mi, Ha-ba-cúc làm tiên tri trước khi người Giu-đa bị bắt làm phu tù, chừng hồi đầu thế kỷ thứ VI. Ê-xê-chi-ên làm tiên tri rồi người Giu-đa mới bắt đầu đến Ba-by-lôn. Sách Ða-ni-ên giảng giải về sự hiện thấy nhiều lắm, nên thật có thể là một thứ sách Khải thị. Kịp sau khi người Giu-đa trở về nước cũ, có A-ghê và Xa-cha-ri (Xa-cha-ri 1:-8). Khoảng thế kỷ thứ V T.C., thì có Ma-la-chi, đến như Giô-ên, Giô-na, Áp-đia và Xa-cha-ri 9:-14:; làm vào hồi nào, nay cũng còn chưa rõ, nhưng nhiều người cho rằng làm ở sau khi được tha từ Ba-by-lôn về. Sau đó Giăng Báp Tít ra đời. Có thể gọi là một tiên tri sau chót trong Cựu Ước. Giăng Báp Tít có tâm thần và quyền phép Ê-li. và dọn đàng cho Ðấng Mê-si khiến người Do-thái tiếp nhận Chúa.
III. Các tiên tri được soi dẫn.-- Luận tới việc các tiên tri chịu cảm động có nhiều vấn đề nảy ra:
1. Bởi đâu các tiên tri biết được ý chỉ của Ðức Chúa Trời? Chúng ta đọc Kinh Thánh mà biết lịch sử lời tiên tri của các tiên tri. Ấy là một cuốn lịch sử tiến hóa. Các tiên tri được biết ý Chúa hoặc bởi cơn chiêm bao mà được sự khải thị, hoặc nhơn lúc tỉnh mà thấy sự hiện thấy. Người làm tiên tri không cứ phải được Chúa kêu gọi ngầm một cách chính thức, rồi mới được nhận chức đâu. Song có nhiều người học tập ở trường, chẳng qua không phải hết thảy tiên tri đều được hưởng giáo dục ở trường học mà thôi. Kìa, như A-mốt không hề học tập ở một trường học nào cũng được làm tiên tri (A-mốt 7:14,15). Còn các tiên tri khác, có người thình lình được cảm động, có người hằng được cảm động. Rốt lại, sau khi cảm động tất phải tự cảm biết mình đã đầy dẫy đức tin mà nói rằng: "Ðức Giê-hô-va phán như vầy..."
2. Các tiên tri chịu cảm động ra sao? Trạng thái họ bấy giờ sánh với lúc bình thường thể nào? Xét Kinh Thánh, biết Ðức Chúa Trời cảm động các tiên tri theo nhiều phương pháp (I Sa-mu-ên 10:6,10; I Các vua 18:46; Ê-sai 6:5-8; Ê-xê-chi-ên 1:3; Các quan xét 6:34; II Sử ký 24:20; Mi-chê 3:8; Giê-rê-mi 15:16; 20:9). Dầu chịu cảm động như vậy, song không thể bảo rằng linh giác của các tiên tri hoàn toàn mất quyền tự chủ, nhứt mực vâng theo ý Chúa sai khiến đâu. Trước kia, Môi-se đã cự lại tiếng kêu gọi của Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 4:13), và lại hay căn vặn Ngài nữa (Xuất Ê-díp-tô ký 32:11). A-mốt có thể thay đổi ý chỉ Ðức Chúa Trời (A-mốt 7:2,3). Vậy đủ chứng rằng khi chịu cảm động, các tiên tri vẫn còn tự chủ được.
3. Các tiên tri có thể tự hiểu những lời mình rao truyền không? Ðáp: Chắc có, song chỉ e họ không biết rõ tương lai ứng nghiệm ra sao thôi. Vì lời tiên tri họ không mập mờ khó hiểu như những lời tà thần Hy-lạp đến nỗi cả kẻ nói lẫn kẻ nghe đều không lường biết ý nghĩa ra sao đâu. Lời tiên tri của họ cốt muốn khiến cho ai nấy biết rõ ý thánh của Ðức Chúa Trời (A-mốt 3:7) nên những điều họ nói ai cũng biết.
4. Sự Chúa thực hiển hiện chỉ bảo với ảo tưởng của người ta làm thế nào mà phân biệt được? Trong Kinh Thánh chép tiên tri giả nhiều lắm. Bọn đó hằng lừa gạt người ta, dụ dỗ làm điều dữ. Nhưng xin hãy hỏi: bọn tiên tri giả đó có phải được Thần linh cảm động chăng? Theo Phục truyền luật lệ ký 13:; I Các vua 22:22; Ê-xê-chi-ên 13: đã chép, thì dường như bọn đó sai khiến, song e rằng ấy chỉ là tư tưởng đời bấy giờ nghĩ như vậy, chớ không phải là điều đáng tin. Cớ tích tiên tri giảng đạo giả dối được là vì lòng họ cong vạy, tây vị quá, chỉ biết làm lợi cho mình thôi. Làm tiên tri mà không có lòng thanh sạch thì ắt không được Ðức Chúa Trời cảm động.
IV. Chức vụ và sự dạy dỗ của các tiên tri.-- Chức vụ của các tiên tri nhiều lắm. Ðời xưa, nhơn dân cũng đem những việc thường thường đến hỏi họ, như đầy tớ của Sau-lơ đến hỏi tiên tri Sa-mu-ên về việc mất lừa (I Sa-mu-ên 9:6). Con của Giê-rô-bô-am bị đau, sai vợ đến hỏi lành dữ nơi tiên tri A-hi-gia (II Các vua 8:8). Các tiên tri lại thường chép công việc nước nhà mà làm thành quốc sử (I Sử ký 29:29). Họ hằng nói tiên tri để cảnh cáo vua và dân. Vậy nên, người sau cho việc nói tiên tri là chức vụ lớn nhứt của tiên tri. Nhưng thật ra chức vụ rất lớn của họ là cốt khuyên dạy nhơn dân vâng theo mạng lịnh của Ðức Chúa Trời (II Các vua 17:13; Giê-rê-mi 25:13). Còn sự dạy dỗ quan hệ về phần đạo đức? Các tiên tri không hề cắt nghĩa luật pháp vì ấy là chức phận của các thầy tế lễ. Các tiên tri không coi trọng những lễ nghi dâng của lễ thuộc phần hình thức, song chú trọng về phẩm hạnh, đạo đức thuộc phần thực tế. Ðại ý họ cho rằng một nước thạnh hay suy là tùy theo đạo đức của nhơn dân nước đó cao thượng hay không vậy. Họ cũng có thể quở trách vua chúa, như trách các vua: Ða-vít, Giê-rô-bô-am và A-háp (II Sa-mu-ên 12:7-12; I Các vua 13:1-5; 21:17-26). Họ cũng có quyền lực can thiệp vào việc chính trị trong nước. Người làm vua cũng vui lòng nghe theo. Khi Vua San-chê-ríp đến đánh Giu-đa, Ê-sai khuyên cố sức chống cự (II Các vua 19:). Khi Ai-cập chiến tranh với A-sy-ri, người khuyên cố giữ trung lập (Ê-sai 30). Giê-rê-mi biết ý Ðức Chúa Trời muốn cho nước Ba-by-lôn dấy lên nên khuyên vua chịu phục. Trong nước có hạng tiên tri đó thường khuyên người chú trọng về đạo đức, như thế thật có ích lợi cho nước nhà lắm. Ðến như lời dạy dỗ của họ có quan hệ đến phần tôn giáo, song họ không phân biệt chi hết vì họ trộn lẫn đạo đức với tôn giáo. Nhơn dân bấy giờ rất sa ngã về phần đạo đức, quên mất sự Khải thị của Ðức Chúa Trời. Các tiên tri lại nêu lên cái nghĩa vụ phải nên làm trọn, khêu gợi quan niệm cao thượng với Ðức Chúa Trời. Tiên tri Ô-sê và A-mốt đều khuyên nhơn dân dốc lòng thành thực hướng về Ðức Giê-hô-va là Ðấng Chí thánh có một không hai mà thờ phượng Ngài. Hai người đó cho sự lìa bỏ Chúa, thờ hình tượng, là tội lớn hơn hết, khác nào người đờn bà tà dâm bội nghịch lìa bỏ chồng mình. Lời tiên tri của các tiên tri Do-thái không dối trá như hạng tướng số, bói khoa đâu. Lời tiên tri có họ đều quan thiệp đến việc nước nhà: chẳng những nói tiên tri về kết cuộc của nước mình, song lại nói về kết cuộc cả nước láng giềng nữa. Xét lịch sử thế giới thì biết trên trang sử ký nước khác không thấy ai được như hạng tiên tri đó cả. Họ hằng nói tiên tri khiến người biết rằng trong nước được thạnh vượng hay phải diệt vong là tùy theo vua và dân có hết lòng thờ phượng Ðức Chúa Trời hay không vậy.
V. Các lời nói tiên tri về Ðấng Mê-si được ứng nghiệm.-- Các tiên tri Cựu Ước thường làm cho người ta có hy vọng, hy vọng mà sau nước nhà sẽ được vinh hiển. Mỗi tiên tri giảng dạy một thuyết riêng. Có người nói: Ðến kỳ sẽ có một Vua khôn ngoan, tài năng và công bình ra mà trị nước. Người khác lại nói: Khi kỳ đã đến, thì nước sẽ thạnh, dân sẽ yên, thóc lúa sẽ tốt. Hoặc nói: Ðến kỳ nước Y-sơ-ra-ên sẽ cai trị các nước láng giềng xung quanh. Hoặc lại bảo: Tới kỳ muôn vật thiên hạ sẽ đem nhau đến thờ lạy Ðức Chúa Trời của Do-thái. Tới đầu thế kỷ thứ V T.C. mới chép danh Ðấng Mê-si (Ða-ni-ên 9:25,26), nghĩa là Ðấng Chịu xức dầu. Si-ru, vua nước Ba-tư, được xưng là "người xức dầu của Ngài" (Ê-sai 45:1). Song bổn ý của tiên tri có lẽ không nghĩ tới Si-ru làm hình bóng về Ðấng Mê-si, chẳng qua tưởng rằng sẽ có một vua ra đời, làm cho nước Do-thái phục hưng đó thôi. Vậy, nên có thể nói: các tiên tri về Ðấng Mê-si được ứng nghiệm. Sau khi Chúa Jêsus giáng thế, tín đồ Ngài tra xét lời tiên tri trong Cựu Ước thật thấy chỉ về Ðấng Christ khi ở thế gian: Ngài làm việc, Ngài chịu nạn, Ngài sống lại, Ngài lập nước thiên đàng, đều hiệp đúng với lời tiên tri của Ðấng tiên tri. Còn nhiều lời các tiên tri chưa được ứng nghiệm trọn vẹn, song có thể hy vọng rằng tương lai sẽ được ứng nghiệm hết.
VI. Các tiên tri trong Tân Ước.-- Về phần dự ngôn, các tiên tri Cựu Ước tìm đối phương trong Tân Ước nơi Sứ đồ Giăng là người chép sách Khải thị; song về phần tánh cách chung như là người được soi dẫn giải nghĩa ý muốn Ðức Chúa Trời, thì tìm đối phương trong Tiên tri Lớn là Chúa Jêsus, và người dọn đường cho Ngài là Giăng Báp Tít. Có thể gọi Giăng Báp Tít, với Xa-cha-ri, Si-mê-ôn và nữ tiên tri An-ne (Lu-ca 1:67; 2:25,36) đều là Thi Thiên thuộc Cựu Ước. Chẳng những người Do-thái nhận Giăng Báp Tít là bực đại tiên tri (Ma-thi-ơ 14:5; 21:26; Mác 11:32; Lu-ca 20:6), mà ngay Chúa Jêsus cũng xưng là "đấng trọng hơn tiên tri" (Ma-thi-ơ 11:9; Lu-ca 7:26). Cũng có tiên tri Tân Ước là những người lãnh đặc biệt các ơn tứ Ðức Thánh Linh trong đời các Sứ đồ, là người nói tiếng khác và thông giải, người nói dự ngôn, phân biệt các thần, các giáo sư, và người làm phép lạ (I Cô-rinh-tô 12:10,28). Xem bài "NÓI TIÊN TRI." Trong số người đó có Giu-đe, Si-la (Công vụ các sứ đồ 15:32), A-ga-bút (11:27; 21:10), bốn con gái của Phi-líp (21:8,9), và nhiều người khác nữa. Phàm nơi có Hội Thánh, ắt có tiên tri. Trong thơ tín, Phao-lô thường nói đến tiên tri (I Cô-rinh-tô 12:28; 14:; Ê-phê-sô 2:20; 3:5; 4:11). Trong mấy câu đó thấy Ðức Chúa Trời lập Hội Thánh: trước có Sứ đồ, sau đến tiên tri. Các tiên tri trong Cựu ước đều làm chứng cho Ðấng Christ (Lu-ca 24:27,44; Công vụ các sứ đồ 10:43; I Phi-e-rơ 1:10,11). Ðức Chúa Trời lập Ðấng Christ làm tiên tri đời đời (Phục truyền luật lệ ký 18:15-19; Công vụ các sứ đồ 3:22-24). Ðấng Christ là đầu Hội Thánh. Vậy, phàm các giáo hữu đều có thể ước ao sự ban cho nói tiên tri (I Cô-rinh-tô 14:1); song chính Chúa cảnh cáo về tiên tri giả, và trong thời các Sứ đồ có khi cần khuyên: "hãy thử cho biết các thần có phải đến từ Ðức Chúa Trời chăng" (I Giăng 4:1; I Cô-rinh-tô 12:10; 14:29).
Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn cho các sách tiên tri như sau nầy:
Các tiên tri là những người Ðức Chúa Trời dấy lên trong thời kỳ suy đồi và bội đạo của Y-sơ-ra-ên. Trước hết, họ là những người phấn hưng và ái quốc, nói thế Ðức Chúa Trời cùng lòng và lương tâm dân tộc. Các sứ mạng tiên tri có tính cách gấp đôi: trước nhứt, là thuộc địa phương và nhằm thời tiên tri; thứ nhì, là dự ngôn về ý định Ðức Chúa Trời trong tương lai. Có khi lời dự ngôn ra trực tiếp từ hoàn cảnh của địa phương (xem Ê-phê-sô 7:1-11 với câu 12-14).
Cũng phải nhớ rằng tiên tri có tánh cách một người Y-sơ-ra-ên. Thường chức vụ dự ngôn, ngang với chức vụ địa phương và trực tiếp, không phải để dạy dỗ và trừu tượng, song vẫn có ý về dân sự giao ước, tội lỗi và thất bại, và vinh hiển tương lai của họ. Dân ngoại được nói đến như là đồ dùng để sửa phạt Y-sơ-ra-ên, như bị đoán xét như vậy, song cũng dự phần ơn điển về điều còn phải được tỏ ra đối với Y-sơ-ra-ên. Hội Thánh, về đoàn thể không có trong sự hiện thấy của tiên tri Cựu Ước (Ê-phê-sô 3:1-6). Phước hạnh tương lai của Y-sơ-ra-ên như một dân tộc được lập trên nền giao ước Pha-lê-tin về sự lập lại và trở lại cùng Chúa (Phục truyền luật lệ ký 30:1-9), và giao ước với Ða-vít về chức vị Vua của Ðấng Mê-si. Con vua Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:8-17), và ấy khiến lời dự ngôn có tánh cách về Ðấng Mê-si. Sự tôn cao Y-sơ-ra-ên được ở trong nước, và nước lấy quyền để chúc phước từ Ngôi vị của Vua, Con Ða-vít, cũng là "Em-ma-nu-ên."
Song vì Vua cũng là Con của Áp-ra-ham (Ma-thi-ơ 1:1); Ðấng Cứu chuộc đã hứa, và vì sự cứu chuộc chỉ bởi tế lễ của Ðấng Christ, vậy lời tiên tri của Ðấng Mê-si cần bày tỏ Ðấng Christ trong tánh cách gấp đôi: Ðấng Mê-si đau khổ (xem Ê-sai 53:) và Ðấng Mê-si trị vì (xem Ê-sai 11:). Hai tánh cách đó, đau thương và vinh hiển, yếu đuối và quyền phép, là một lẽ mầu nhiệm đã khiến các tiên tri khó hiểu (I Phi-e-rơ 1:10-12; Lu-ca 24:26,27).
Lời giải lẽ mầu nhiệm đó, như Tân Ước chỉ rõ, là ở trong hai lần giáng lâm của Chúa, -- lần thứ nhứt để cứu chuộc bởi sự đau thương; lần thứ hai để lập nước trong sự vinh hiển, khi các lời hứa riêng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 1:21-23; Lu-ca 2:28-35; 24:46-48, với Lu-ca 1:31-33, 68-75; Ma-thi-ơ 2:2,6; 19:27,28; Công vụ các sứ đồ 2:30-32; 15:14-16). Các tiên tri thật mô tả hai sự giáng lâm bằng hai hình thức không thể đồng thời với nhau (xem Xa-cha-ri 9:9, trái với 14:1-9); song đối với họ, không được tỏ rằng giữa sự giáng lâm để chịu thương khó và sự giáng lâm để được vinh hiển sẽ được ứng nghiệm mấy "lẽ mầu nhiệm về nước" (Ma-thi-ơ 13:11-16); cũng không được tỏ rằng kết quả sự chối bỏ Ðấng Mê-si,là Hội Thánh Tân Ước sẽ được gọi ra. Những điều đó, đối với họ là "lẽ mầu nhiệm đã giấu kín trong Ðức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 3:1-10).
Bởi vậy, nói rộng nghĩa, lời tiên tri dự ngôn có trong sự ứng nghiệm của hai giao ước với Pha-lê-tin và với Ða-vít; giao ước với Áp-ra-ham cũng có dự phần nữa.
Các cường quốc ngoại bang được nói đến như có quan thiệp với Y-sơ-ra-ên, song lời tiên tri, trừ trong Ða-ni-ên, Áp-đia, Giô-na và Na-hum, cũng không lo đến lịch sử thế giới ngoại bang. Ða-ni-ên, như sau tỏ ra, có một tính các riêng biệt.
Những lời dự ngôn về sự lập lại từ phu tù tại Ba-by-lôn mãn 70 năm, phải được phân biệt với những lời dự ngôn về sự lập lại từ sự tản lạc dân Do-thái khắp thế gian ngày nay. Thượng hạ văn rất rõ ràng. Giao ước với Pha-lê-tin (Phục truyền luật lệ ký 28:1-30:9) là khuôn của lời tiên tri dự ngôn trong một nghĩa rộng hơn, -- sự không vâng phục của quốc dân, tan lạc khắp thế gian, ăn năn, Chúa tái lâm, nhóm họp Y-sơ-ra-ên lại và lập lại nước, sự trở lại đạo và ơn phước của Y-sơ-ra-ên và sự đoán xét những kẻ hà hiếp Y-sơ-ra-ên.
Có sự phân chia thật của các tiên tri là trước phu tù, tức trong Giu-đa: Ê-sai, Giê-rê-i (đến tận trong hồi phu tù), Giô-ên, Áp-đia, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, và Sô-phô-ni. Trong Y-sơ-ra-ên: Ô-sê, A-mốt, Giô-na. Trong kỳ phu tù, Ê-xê-chi-ên và Ða-ni-ên, cả hai thuộc nước Giu-đa, song nói tiên tri cho cả dân tộc. Sau kỳ phu tù, thuộc cả Giu-đa: A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Sự phân chia thành các đại tiên tri và tiểu tiên tri là tùy theo sách dài hay ngắn, chớ không theo lịch sử và niên biểu.
Những chìa khóa mở ý nghĩa tiên tri là: hai sự giáng lâm của Ðấng Mê-si, lần đến chịu đau thương (Sáng thế ký 3:15; Công vụ các sứ đồ 1:9), và lần đến cai trị (Phục truyền luật lệ ký 30:3; Công vụ các sứ đồ 1:9-11); lẽ đạo cà Dân sót (Ê-sai 10:21); lẽ đạo về ngày của Chúa (Ê-sai 2:10-22; Khải Huyền 19:11-21), và lẽ đạo về Nước (Cựu Ước, Sáng thế ký 1:26-28; Xa-cha-ri 12:8; lời chua; Tân Ước, Lu-ca 1:31-33; I Cô-rinh-tô 15:28, lời chua). Các đoạn trung tâm, xét chung cả toàn thể lời tiên tri, là Phục truyền luật lệ ký 28:; 29:; 30:; Thi Thiên 2:; Ða-ni-ên 2:; 7:.
Phải nhờ toàn thể lời tiên tri để quyết định ý nghĩa của một khúc riêng (II Phi-e-rơ 1:20). Bởi đó, sự quan hệ là trước hết phải học biết cách hoàn toàn các đại đề kể trên; và muốn học như vậy, phải tìm suốt toàn thể các sách tiên tri, những đề mục, nói đến trong khúc trước. Về đề mục, "thời cuối cùng" mà mọi lời tiên tri dẫn đến, học sanh sẽ được hiểu rõ hơn nếu thêm vào đề mục đó có vấn đề "Con Thú" (Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 19:20), và "Ha-ma-ghê-đôn" (Khải Huyền 16:14; 19:17, lời chua).
I Cô-rinh-tô 12:10.-- Ơn nói tiên tri. Xem bài "Nói tiên tri."
Ma-thi-ơ 2:15.-- Giải nghĩa tiên tri. Xem bài "Nói tiên tri."
I Cô-rinh-tô 14:1.-- Sự ban cho nói tiên tri. Xem bài "Ơn ban cho thuộc linh."