Tiếng Hê-bơ-rơ. Langage Hébraique.

        



      Ấy là tiếng mà người Hê-bơ-rơ nói (II Các vua 18:26, 28; Ê-sai 36:11, 13) và gọi theo lối văn thơ là "tiếng Ca-na-an" (Ê-sai 19:18). Có cớ đáng tin rằng Áp-ra-ham không mang tiếng đó từ xứ Ca-na-an, song thấy dùng trong xứ Ca-na-an. Những bia đá cổ từ Tell el-Amezna và bia đá Mô-áp đều tỏ ra thổ dân Ca-na-an và dân Mô-áp, có lẽ cả những bộ lạc lân cận nữa, cả thảy nói một thứ tiếng không khác với tiếng Hê-bơ-rơ mấy. Tiếng Hê-bơ-rơ do một số tiếng gọi là Sémitique vì người ta tin các dòng dõi của Sem nói những tiếng đó. Như phần nhiều tiếng Sémitique đó, tiếng Hê-bơ-rơ đọc từ phải sang trái, chớ không phải như tiếng ta từ trái sang phải. Bộ chữ cái Hê-bơ-rơ bằng 22 phụ âm. Các phụ âm đó có trên đầu 22 khúc, mỗi khúc 8 câu, của Thi Thiên 119: bằng nguyên văn. Tiếng nầy vốn viết không có điểm nguyên âm. Ðến thế kỷ thứ VI mấy bác sĩ Giu-đa, gọi là Masorites, mới thêm điểm nguyên âm vào các bản viết. Công sở của họ tại thành Ti-bê-ri-át.
       Ngoài Ða-ni-ên 2:4-7; E-xơ-ra 4:8-6:18 và 7:12-26; Giê-rê-mi 10:11 bằng tiếng Canh-đê, cả bộ Cựu Ước vốn chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Mỗi tiếng đều có thời được mở mang, thời được hơi hơi trọn vẹn, và thời suy đồi. Về tiếng Hê-bơ-rơ có thể thấy hai thời: thời vàng và thời bạc. Thời vàng bắt đầu từ khi dân Hê-bơ-rơ thành lập cho đến lúc làm phu tù tại Ba-by-lôn, và thời bạc từ khi làm phu tù cho đến khi không nói nữa. Trong thời vàng, tiếng Hê-bơ-rơ vẫn giữ được thuần túy; song trong thời bạc, tiếng Hê-bơ-rơ hư đi vì dần dần thêm nhiều tiếng Aramaic vào, đến nỗi được gọi là tiếng Aramaic. Trong thời kỳ Chúa, tiếng Aramaic thế cho tiếng Hê-bơ-rơ (Mác 5:41), và chiếm lấy tên nữa. Vậy khi nói tiếng Hê-bơ-rơ như trong Giăng 5:2; 19:13, 17, 20; Công vụ các sứ đồ 21:40; 22:2; 26:14; Khải Huyền 9:11 thì là tiếng chỉ riêng về tiếng Aramaic đó.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.