Tin lành. Bonne Nouvelle.

       



      Nguyên văn Hy-lạp là Euaggelion (La-tinh: evangelium) là lời mô tả cả sứ mạng mà đạo Ðấng Christ truyền báo, và các sách chép sự tích đời Ðấng Christ và sự dạy dỗ của Ngài. Trong sách Tân Ước. Tin lành chẳng bao giờ chỉ về một sách, song là sứ mạng mà Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 4:23; 11:5; Mác 1:14; Lu-ca 4:18; 7:22), các Sứ đồ (Công vụ các sứ đồ 16:10; Rô-ma 1:15; 2:16; I Cô-rinh-tô 9:16), và các truyền đạo giảng ra (Công vụ các sứ đồ 8:25). Tin lành tức là Ðấng Christ, vì Ngài là đề mục, mục đích, và sự sống của Tin lành. Tin lành là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy là lời tuyên bố sự tha tội và lập lại quyền làm con Ðức Chúa Trời bởi Ðấng Christ. Ấy là sự tha tội và sự hòa thuận với Ðức Chúa Trời. Ấy không những chỉ là sứ mạng cứu rỗi, song cũng là một cơ quan Ðức Thánh Linh hành động (Rô-ma 1:16). Kinh Thánh xưng là Tin lành của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 1:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2,9; I Ti-mô-thê 1:11); Tin lành của Ðấng Christ (Ga-la-ti 1:7; Mác 1:1; Rô-ma 1:16; 15:19; I Cô-rinh-tô 9:12-18); Tin lành của ơn Ðức Chúa Trời (Công vụ các sứ đồ 20:24); Tin lành bình an (Ê-phê-sô 6:15); Tin lành về sự cứu rỗi (Ê-phê-sô 1:13); Tin lành vinh hiển (I Ti-mô-thê 1:11; II Cô-rinh-tô 4:4); Tin lành về nước Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:14; so 4:23; 9:35); cũng là Tin lành đời đời nữa (Khải Huyền 14:6).
       Ðức Chúa Trời dùng Tin lành kêu gọi người ta, muốn ai nấy được sự vinh hiển của Chúa Jêsus (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:14). Nếu người ta tin và giữ lấy, thì sẽ được cứu bởi Tin lành (I Cô-rinh-tô 15:2). Phàm ai không vâng phục Tin lành của Chúa Jêsus, thì sẽ phải chịu hình phạt bởi lửa cháy phừng phừng, đời đời lìa xa mặt Chúa và vinh hiển của quyền phép lớn lao Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8,9).
       Tin lành khác với luật pháp là được biết hoàn toàn bởi sự khải thị được công bố rất đầy đủ trong sự khải thị ở Tân Ước. Dầu là mờ mờ, song Tin lành cũng thấy trong Cựu Ước, tại đó, khởi đầu với lời tiên tri về "dòng dõi người nữ" (Sáng thế ký 3:15), và lời hứa với Áp-ra-ham rằng "Mọi chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước" (Sáng thế ký 12:3; 15:5). Sự khác nhau đó là quan hệ, như Luther tỏ ra, vì gồm lại cả lẽ đạo Ðấng Christ. Luther viết: "Luật pháp không có nghĩa nào hơn là mạng lịnh của Ðức Chúa Trời chỉ dạy điều nên hoặc không nên làm, và đòi ta phải vâng phục làm theo. Song Tin lành là một lẽ đạo của lời Ðức Chúa Trời, chẳng hề cần đến công việc, cũng chẳng truyền bảo ta làm gì, song công báo một ơn tha tội, và sự cứu rỗi vĩnh viễn được ban cho. Tại đây, ta không làm gì, song chỉ nhận điều đã hiến cho bởi lời." Cũng như Melanchthon nói: "Tin lành là lời hứa nhưng không về sự tha tội, nhờ Ðấng Christ."
       Mãi đến sau đời các Sứ đồ, Tin lành mới chỉ về các sách chép những lời chứng của Sứ đồ về Chúa Jêsus. Ngoài bốn sách Tin lành Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, còn có nhiều ngoại truyện cũng gọi là sách Tin lành: như của người Hê-bơ-rơ, người Ai-cập, Ni-cô-đem, Phi-e-rơ, Gia-cơ, Thô-ma, Phi-líp. Mười hai Sứ đồ, về đời thơ ấu của Chúa Jêsus bằng tiếng A-rập, Giô-sép bằng tiếng A-rập và truyện bà Ma-ri. Những sách có nhan đề là Tin lành đó, mượn việc chép trong bốn sách Tin lành công nhận vào Kinh Thánh, mà dẫn ra, song lại bịa đặt, bày vẽ thêm vào để làm cho lạ lùng, kỳ quái. Hết thảy những việc ghi chép trong đó đều là phỏng đoán và tưởng tượng chớ không đích xác chút nào. Thật giống với loại sách dị đoan, chớ không phải là sách thuần túy chơn chánh.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Tin lành:
       Ga-la-ti 1:6.-- Ðiều thử nghiệm Tin lành là ơn điển. Nếu sứ mạng trừ bỏ ơn điển hoặc lẫn lộn luật pháp với ơn điển để được xưng công bình hay nên thánh (Ga-la-ti 2:21; 3:1-3), hoặc bỏ thực sự hay sự mắc tội mà chỉ điều đó cho ơn điển có cớ và dịp tỏ ra, ấy là Tin lành "khác" và ai giảng Tin lành đó ở dưới sự a-na-them của Ðức Chúa Trời (câu 8,9).
       Ga-la-ti 1:10.-- Tin lành Phao-lô. Sự khải thị. Xem bài Phao-lô, phần Scofield.
       Khải Huyền 14:6.-- Ðại để lớn của Tin lành có thể tóm tắt như sau:
       I. Trong chính chữ đó có nghĩa là tin tức vui mừng.
       II. Bốn hình thức của Tin lành có thể phân biệt:
             1. Tin lành về nước.-- Ấy là tin tức vui mà Ðức Chúa Trời dự định thiết lập trên đất, làm trọn giao ước với Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:16), một nước chính trị, thuộc linh, đặc sắc của Y-sơ-ra-ên, phổ thông, mà Con Ðức Chúa Trời, Kế tự của Ða-vít, sẽ làm Vua, và nước đó, trong một ngàn năm, sẽ tỏ sự công bình Ðức Chúa Trời trong các công việc loài người. Xem Ma-thi-ơ 3:2, lời chua.
       Có nói đến hai sự giảng Tin lành nầy, một lần đã qua, bắt đầu với chức vụ của Giăng Báp Tít tiếp nối bởi Chúa ta cùng các môn đồ Ngài, và tận cùng với sự người Do-thái chối bỏ Vua. Lần khác còn ở tương lai (Ma-thi-ơ 24:14), trong thời kỳ đại nạn, và xảy ra ngay trước khi Vua vinh hiển đến.
             2. Tin lành của ơn điển Ðức Chúa Trời.-- Nầy tin tức vui là Chúa Jêsus Christ, Vua bị chối bỏ, đã chết trên thập tự vì tội lỗi của thế gian, và Ngài đã sống lại khỏi những kẻ chết vì sự xưng công bình chúng ta, và bởi Ngài mọi kẻ tin sẽ được xưng công bình trong mọi sự. Hình thức của Tin lành nầy được mô tả bằng nhiều cách. Ấy là Tin lành "của Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 1:1), vì phát nguyên trong sự yêu thương Ngài; "Ðấng Christ" (II Cô-rinh-tô 10:14), vì lưu ra từ tế lễ của Ngài, và vì Ngài là Mục đích duy nhứt của đức tin Tin lành; "ơn điển Ðức Chúa Trời" (Công vụ các sứ đồ 20:24), vì cứu những kẻ luật pháp rủa sả; "vinh hiển" (I Ti-mô-thê 1:11; II Cô-rinh-tô 4:4), vì quan thiệp với Ðấng ở trong sự vinh hiển, và Ðấng đem nhiều con đến sự vinh hiển (Hê-bơ-rơ 2:10; "về sự cứu rỗi" (Ê-phê-sô 1:13), vì ấy là quyền phép Ðức Chúa Trời cứu mọi kẻ tin (Rô-ma 1:16); "cho kẻ không chịu phép cắt bì" (Ga-la-ti 2:7), vì cứu hoàn toàn trừ ra các hình thức và điều răn; và "bình an" (Ê-phê-sô 6:15), vì bởi Ðấng Christ, Tin lành làm cho tội nhơn hòa thuận với Ðức Chúa Trời, và ban cho sự bình an trong lòng.
             3. Tin lành đời đời.-- (Khải Huyền 14:6). Ấy sẽ giáng cho những kẻ ở trên đất lúc gần hết cơn đại nạn, và ngay trước khi có sự phán xét các dân tộc (Ma-thi-ơ 25:31). Ấy không phải là Tin lành của nước, cũng chẳng phải của ơn điển. Dầu gánh nặng là sự đoán phạt chớ không phải sự cứu chuộc, ấy cũng là tin vui cho Y-sơ-ra-ên và những kẻ ở trong cơn đại nạn được cứu (Khải Huyền 7:9-14; Lu-ca 21:28; Thi Thiên 96:11-13; Ê-sai 35:4-10).
             4. Tin lành Phao-lô gọi là "Tin lành tôi" (Rô-ma 2:16). Ấy là Tin lành của ơn Ðức Chúa Trời trong sự phát triển rất đầy đủ, song gồm lại sự khải thị của kết quả Tin lành đó trong sự kêu gọi Hội Thánh ra, những sự thông công, địa vị, đặc ơn, và trách nhiệm của Hội Thánh. Ấy là lẽ thật biệt riêng của người Ê-phê-sô và Cô-lô-se, song cũng xen vào trong mọi thơ tín Phao-lô.
       III. Cũng có một Tin lành "khác" (Ga-la-ti 1:6; II Cô-rinh-tô 11:14) "không phải là khác," song chỉ là Tin lành ơn điển Ðức Chúa Trời bị hư đi mà Phao-lô cảnh cáo ta. Tin lành đó có nhiều hình thức để cám dỗ, song cách thử nghiệm chỉ có một. -- bao giờ cũng chối ơn điển một mình không đủ cứu rỗi, gìn giữ, và làm cho hoàn toàn, và lẫn lộn với công đức người. Trong hội Ga-la-ti ấy là luật pháp, trong hội Cô-lô-se ấy là sự cuồng tín (Cô-lô-se 2:18, v.v.). Trong bất cứ hình thức nào, các giáo sư dạy như thế đều ở dưới sự a-na-them ghê gớm của Ðức Chúa Trời.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.