Những thanh niên hoặc tôi tớ của quan trưởng các tỉnh, dưới đời A-háp đánh nhau với Bên-ha-đát (I Các vua 20:14) không phải là người Y-sơ-ra-ên (câu 15). Có lẽ chúng hầu hạ quan cai ở địa phận khác nhau trong Ga-la-át và Ha-vơ-ran (Ê-xê-chi-ên 47:16), và hiệp với Y-sơ-ra-ên mà chống với quân Sy-ri xâm lấn phần xứ phía Nam Ða-mách.
Tỉnh của đế quốc Ba-by-lôn và Ba-tư là những khu vực của nước chia ra để dễ cai trị (Ða-ni-ên 2:49; 3:3). Trong đế quốc Ba-tư, tỉnh là một khu vực của một phó vương hoặc tổng đốc (satrape), vì dưới đời Ða-ri-út Hytaspis, đế quốc chia làm 20 khu vực thuộc phó vương; song đến đời Xerxes, số các tỉnh từ Ấn độ cho đến Ê-thi-ô-bi là 127 tỉnh (Ê-xơ-tê 1:1). Sau kỳ phu tù, Giu-đa trước hết ở dưới quyền cai trị quan tổng đốc bên kia sông (E-xơ-ra 5:3,6), song bởi chiếu chỉ của vua, Giu-đa thành một tỉnh riêng biệt, và cho phép một tổng đốc người bổn xứ cai trị (2:63; 5:8).
Các tỉnh của đế quốc La-mã chia làm hai hạng: thuộc hoàng đế, và thuộc nghị viện. Các tỉnh thuộc hoàng đế là ở dưới quyền kiểm soát trực tiếp và duy nhứt của hoàng đế; các nơi đó gồm lại các tỉnh miền biên giới, chỗ có cần đạo quân đóng để giữ dân sự phải vâng phục; các tỉnh đó cai trị bởi một sĩ quan nhà binh gọi là khâm sai, được hoàng đế cử ra; các quan đó nộp huê lợi của họ cho các phái viên của hoàng đế gọi là quan tổng đốc (procurateur), lương họ được trả bởi công quỹ của hoàng đế. Các tỉnh thuộc hoàng đế nhỏ hơn, và các phần của những tỉnh rộng hơn giống bán tỉnh Giu-đê chỉ được cai trị một quan tổng đốc, không cần đến quan khâm sai. Si-li-si (Công vụ các sứ đồ 23:34), Ga-la-ti và Sy-ri mà Giu-đê là một phần, đều là các tỉnh thuộc hoàng đế. Các tỉnh thuộc nghị viên được cai trị bởi nghị viên không cần nhờ binh lực giữ quyền kiểm soát quan cai trị tỉnh đó gọi là quan trấn thủ (proconsul). Quan trấn thủ có các quan án kho bạc giúp đỡ thâu nhận các huê lợi và trả lại cho công khố, và được chỉ dẫn bởi nghị viên. Chíp-rơ (Công vụ các sứ đồ 13:4,7). Ma-xê-đoan (16:12), A-chai (18:12), và A-si (19:10) đều là các tỉnh thuộc nghị viện.