Bạn đồng đi với Phao-lô trong các cuộc lưu hành truyền đạo. Sách Công vụ các sứ đồ không nói đến tên người. Là người Hy-lạp, bởi đó là dân ngoại (Ga-la-ti 2:1,3), tin Chúa bởi Phao-lô (Tít 1:4), "con thật ta trong đức tin chung." Cũng là một trong "mấy người đó," là những người đi theo Phao-lô và Ba-na-ba khi họ làm đại biểu của hội An-ti-ốt mà hỏi thăm Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem về sự làm lễ cắt bì cho dân ngoại tin Chúa (Công vụ các sứ đồ 15:2).Hiệp với sự biểu quyết của giáo hội nghị, không cần làm lễ cắt bì cho những người đó, nên Phao-lô phản đối sự thử ép Tít chịu lễ cắt bì, vì cả cha lẫn mẹ đều là người ngoại bang, và Tít làm đại biểu cho Hội Thánh của người không chịu cắt bì tại giáo hội nghị (trái với Ti-mô-thê có mẹ là người Do-thái và cha là người ngoại bang, 16:3).
Tít ở với Phao-lô tại Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:), và từ đó được sai đến thành Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:), và từ đó được sai đến thành Cô-rinh-tô để bắt đầu sự quyên tiền cho thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem, và để biết chắc chắn hiệu quả của bức thơ thứ nhứt gởi cho hội và đó tỏ ra Tít có một tinh thần không cầu lợi. Sau đó, Tít sang Ma-xê-đoan, tại đó người gặp Phao-lô bấy giờ đang nóng lòng chờ đợi người ở Trô-ách (Công vụ các sứ đồ 20:1,6; II Cô-rinh-tô 2:12,13). Tít "bạn bè tôi" (7:6; 8:23) cũng là "người cùng làm việc với tôi ở nơi anh em." Lịch sử (Công vụ các sứ đồ 20:) không thuật rằng Phao-lô đi ngang qua Trô-ách trong khi từ Ê-phê-sô sang Ma-xê-đoan, song thật có chép lúc Phao-lô từ Ma-xê-đoan về có đi qua Trô-ách và cũng ở tại đó (câu 6,7) là điều hiệp với thơ tín (II Cô-rinh-tô 2:12); là một sự gặp gỡ không định trước chứng tỏ là chơn thật. Phao-lô đã nhứt định thời gian với Tít để gặp người tại Trô-ách, và ước ao người, nếu bị châm trễ không thể đến Trô-ách đúng hẹn, thì lập tức sang Ma-xê-đoan đến Phi-líp, là bước sau trong cuộc hành trình của chính Phao-lô. Bởi đó, dầu có một cửa ích lợi mở rộng cho Sứ đồ tại Trô-ách, song lòng nóng nảy muốn nghe Tít thuật lại về hội Cô-rinh-tô, khiến Phao-lô ở đó lâu nữa, khi kỳ hẹn đã qua, thì vội vã sang Ma-xê-đoan để gặp Tít tại đó. Lời Tít thuật lại làm cho Phao-lô được yên ủi. Sau đó, Phao-lô dùng Tít để dự bị xong sự quyền tiền giúp các thánh đồ nghèo tại xứ Giu-đê, và là người đem thơ thứ hai viết cho hội Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 8:16,17,23). Có người tưởng rằng Tít cũng là người đem thơ thứ nhứt (II Cô-rinh-tô 12:18; I Cô-rinh-tô 16:12, "anh em.") Một thời gian Tít làm chủ tọa hội Cơ-rết (Tít 1:5), là sau khi Phao-lô bị tù lần thứ nhứt tại La-mã, ít lâu trước lần thứ hai độ 67 S.C., mười năm sau lời chú thích về người trong II Cô-rinh-tô, 57 S.C.. Có lẽ Tít gặp Phao-lô, y như Sứ đồ mong mỏi, tại Ni-cô-bô-li, vì cuộc hành trình của Tít đi Ða-ma-ti sau đó có lẽ khởi từ Cơ-rết (II Ti-mô-thê 4:10; Tít 3:12). A-tê-ma và Ti-chi-cơ sang Cơ-rết có thể cho Tít tự do nghỉ chức để qua Ni-cô-bô-li.
Tít thường như bạo dạn hơn, và ít e thẹn hơn Ti-mô-thê, là người không biết chắc có đến Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 16:10,11). Bởi đó, Tít có thể đủ tài đảm đương công việc khó mà Phao-lô giao phó cho, và xem xét người Cô-rinh-tô đối với lời quở trách của Phao-lô về sự dung túng những điều xấu xa trong thơ thứ nhứt có ảnh hưởng gì. Tít càng làm cho sự quở trách nặng hơn, song cũng không kém Phao-lô trong sự yên ủi người Cô-rinh-tô chút nào; "và anh em đã để tâm thần người (Tít) được yên lặng" (II Cô-rinh-tô 7:13). Sự yêu thương bề trong và sự vui mừng của Tít cùng hoạt động, đến nỗi trong Tít ta thấy ngoài sự dạn dĩ lại còn tánh cách đáng yêu của chính Sứ đồ. Nghị lực của Tít tỏ ra trong sự sốt sắng lúc Phao-lô cần đến người để khởi lạc quyên, điều mà Phao-lô đã xin trước song người Cô-rinh-tô hơi chểnh mảng (II Cô-rinh-tô 8:6,16,17,18). Tánh đáng tin và ngay thẳng của Tít cũng tỏ rõ (12:18); sẵn sàng lấy nhiệt tâm thực hành các nguyện vọng của Sứ đồ, đi bất cứ nơi nào được sai đi. Tít như Phao-lô "ân cần với anh em, nghe lời khuyên... bởi lòng sốt sắng thì tự ý đến thăm anh em."
Phao-lô giao phó cho Tít việc lần cuối cùng (Tít 1:5). "Ta để con ở lại Cơ-rết đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp (tức tiếp nối công việc ta khởi làm mà chưa thể làm trọn, vì cớ chỉ tạm ngụ ở đó), và theo như ta dặn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành." Phao-lô khởi sự tổ chức Hội Thánh Cơ-rết. Tít tiếp tục công việc trong mỗi thành, như tại Gortyna, La-sê (Công vụ các sứ đồ 27:8). Phao-lô viết thơ cho Tít nhắc cho người nhớ chức việc mình đã tỏ bằng lời. Tít phải "bịt miệng" những kẻ "phỉnh dỗ" các giáo sư dạy luật pháp Do-thái (Tít 1:11; so Thi Thiên 32:9), khuyên giục tín đồ bất cứ hạng nào, già, trẻ, nam, nữ, tôi mọi và tự chủ đều phải bước đi xứng đáng trong đạo Ðấng Christ, làm trọn những phận sự trong gia đình và tránh khỏi sự cãi lẫy vô ích . Phải có người cai trị vững vàng và cương quyết đối với người vô luật pháp "ham ăn và làm biếng" (Tít 1:12) như người Cơ-rết, và một thi sĩ bổn xứ là Épiménides đã mô tả một cách giễu cợt rằng tại đảo Cơ-rết không có "thú dữ" thì đã có người thế cho. Nhập tịch người Cơ-rết là châm ngôn chỉ sự nói dối, như nhập tịch người Cô-rinh-tô là châm ngôn chỉ sự buông tuồng. Bởi đó, thành họ ưa "chuyện huyễn" (Tít 1:14) mà các thi sĩ ngoại đạo vẫn chê cười, như họ quyết rằng trong xứ họ có mộ của Giu-bi-tê. Chỉ có một phương thuốc mà Tít dùng ấy là "ơn điển Ðức Chúa Trời hay cứu mọi người" (Tít 2:11-14) trong Ðấng Christ, là Ðấng "liều mình vì chúng ta để chuộc chúng ta khỏi mọi tội." Phao-lô cũng dặn Tít phải lo liệu đủ cho Xê-na, một thầy dạy luật Do-thái tin Chúa hoặc thầy thông giáo (Tít 3:13), và A-bô-lô là người Tít đã có việc với khi ở Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 15:12; II Cô-rinh-tô 7:6,9; 8:6; 12:18; Công vụ các sứ đồ 19:1).
Nay có một nhà thờ đã hư nát tại Gortyna có danh của Tít, vì có lời truyền khẩu nói Tít làm giám mục tại đó. Danh của Tít là lời khẩu hiệu của người Cơ-rết khi bị người Vénitiens xâm chiếm.