Tòa công luận. Sanhédrin.

        



      Nguyên văn Hy-lạp là Sunedrion "một phòng hội nghị," trong sách Talmud cũng gọi là Tòa Công luận lớn, là hội nghị tối cao của Do-thái trong thời Ðấng Christ và trước nữa.
       1. Căn nguyên của sự nhóm hiệp nầy được tả vẽ trong sách Mishna về 70 trưởng lão mà Môi-se chỉ định (Dân số ký 11:16,17) để hiệp tác với người trong sự cai trị Y-sơ-ra-ên; song tòa án nầy có lẽ chỉ tạm thời, và không còn tiếp khi dân Y-sơ-ra-ên đã vào xứ Pha-lê-tin. Vì cớ thiếu sót tin tức của lịch sử về sự thiết lập Tòa Công luận, nên chỉ có thể nói cách chung rằng căn nguyên Hy-lạp danh từ đó dường chỉ về một kỳ sau hồi người Ma-xê-đoan thống trị xứ Pha-lê-tin (độ 333 T.C.). Theo mấy biến động đáng chú ý trong Tân Ước, có thể biết rằng Tòa Công luận gồm có các thầy tế lễ cả, hoặc những người đứng đầu 24 ban thứ mà ban thầy tế lễ chia ra, trưởng lão, người có tuổi và kinh nghiệm, và thầy thông giáo, thầy dạy luật, hoặc những người học luật Do-thái (Ma-thi-ơ 26:57,59; Mác 15:1; Lu-ca 22:66; Công vụ các sứ đồ 5:21). Số các hội viên thường là 71.
       2. Chủ tọa Tòa Công luận gọi là Nasi và được chọn tùy theo sự giỏi tột bực và sự khôn ngoan. Có khi, nếu không thường vậy, sự trổi hơn hết đó được hiệp với thầy tế lễ thượng phẩm. Phó chủ tọa, trong sách Talmud gọi là "cha của nhà phán xét," ngồi bên hữu chủ, tọa. Có mấy văn sĩ nói về một phó chủ tọa thứ hai, song điều đó không chắc chắn. Trong phiên họp, Tòa Công luận ngồi thành hình của vòng tròn.
       3. Nơi mà những phiên Tòa Công luận thường họp, theo sách Talmud, là phòng lớn gọi tên Gazzith, mà Lightfoot định rằng ấy ở góc Ðông nam của một trong các hành lang gần Ðền thờ. Dầu vậy, trong các buổi khẩn cấp, dường như nhóm tại dinh thầy cả thượng phẩm (Ma-thi-ơ 26:3). Bốn mươi năm trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy, và trong lúc Cứu Chúa đang dạy dỗ trong Pha-lê-tin, các phiên Tòa Công luận họp được dời từ phòng lớn Gazzith đến một nơi hơi xa Ðền thờ, mãi tận núi Mô-ri-a. Sau mấy lần thay đổi, trụ sở cuối cùng được lập ở Ti-bê-ri-át.
       Như một đoàn thể tư pháp, Tòa Công luận là một tòa án tối cao, thứ nhứt là để xét xử một chi phái vào sự thờ hình tượng, các tiên tri giả, và thầy cả thượng phẩm, cả những thầy tế lễ khác. Như một hội đồng cai trị, Tòa Công luận quyết định các vấn đề quan hệ khác. Chúa Jêsus bị kiện cáo trước tòa nầy như một tiên tri giả (Giăng 11:47), và Phi-e-rơ, Giăng, Ê-tiên và Phao-lô như các giáo sư lầm lạc và lừa dối dân sự. Theo Công vụ các sứ đồ 9:2, dường như Tòa Công luận thực hành quyền thế mình vượt quá cả biên giới xứ Pha-lê-tin. Theo sách Gemara, quyền hành tội xử tử bị cất đi khỏi tòa án nầy 40 năm trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Hiệp với đó, có lời dân Do-thái đáp lại Phi-lát (Giăng 19:31).
       Sách Talmud cũng nói đến một Tòa Công luận nhỏ hơn gồm có 23 hội viên, lập trong mỗi thành xứ Pha-lê-tin không ít hơn 120 gia trưởng.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.