Tóc. Cheveux.

      



      Tóc người Ðông phương trong thời Kinh Thánh để nhiều kiểu khác nhau, và ngay trong một dân cũng không giống nhau trải qua các đời. Nhờ các bia kỷ niệm Ai-cập và các văn sĩ Hy-lạp, nhứt là Hérodote, biết rằng những người ở trên sông Ni-lơ cạo nhãn đầu lúc thơ ấu, chỉ để một mái tóc cho đến khi thành nhơn, thì dấu thời ấu trĩ đó mới cất đi. Các thầy tế lễ và chiến sĩ cũng cạo nhãn tóc trên đầu. Trái lại, về phần người Hê-bơ-rơ và Ba-by-lôn ở lân cận thường đế tóc dài và chăm lo rất cẩn thận, lấy những lọn tóc quăn làm biểu hiệu vẻ đẹp trai tráng. Có nhiều chứng cớ trong Kinh Thánh và các chỗ khác tỏ ra: như tóc Sam-sôn (Các quan xét 16:13,19) và Áp-sa-lôm (II Sa-mu-ên 14:26) dài, mướt, và bài ca của người nữ Su-la-mít về lọn tóc của lương nhơn nàng "quăn (rậm) và đen như quạ" (Nhã Ca 5:11). Về bảy mé tóc của Sam-sôn (Các quan xét 16:19) có lẽ chỉ về các bím tóc tết như của những người chiến sĩ Bédouins ngày nay.
       Giữa vòng các dân ngoại xung quanh Y-sơ-ra-ên, tóc của trẻ thơ và thiếu niên được cạo và dâng cho thần tượng để trong các hộp đựng vật thánh. Ấy là sự gớm ghiếc ở trước mặt người Y-sơ-ra-ên (Lê-vi ký 19:27; Giê-rê-mi 9:26; 25:23; 49:32). Có lẽ giữa vòng người Do-thái, như người Hồi giáo nay, kỳ hớt tóc, khi thấy nặng nề bất tiện, có quan thiệp với mấy lễ nhỏ, và người ta cân cho đúng lượng tóc là bao nhiêu, rồi lấy bấy nhiêu lượng bạc mà bố thí cho kẻ nghèo. Chắc sự cân tóc của Áp-sa-lôm (II Sa-mu-ên 14:26) cũng chỉ đến một thói tục như thế. Cũng xem Ê-xê-chi-ên 5:1.
       Luật pháp dạy khi nào ngày của người Na-xi-rê đã mãn thì phải dâng tế lễ, và "tại hội mạc, phải cạo đầu" (Dân số ký 6:1-21), ấy chỉ về sự lại khởi một đời sống mới. Tóc để dài không đụng đến, bởi đó được coi là biểu hiệu của sự dâng cả sức mạnh của thân thể cho Ðức Chúa Trời. Ấy cũng là bước để dễ hiểu rằng tóc là trung ương sức mạnh Sam-sôn (Các quan xét 16:17,20). Ðức Chúa Trời đã đếm hết tóc trên đầu ta (Ma-thi-ơ 10:30; Lu-ca 12:7), theo tác giả Thi Thiên có ý là vô số không đếm được (Thi Thiên 40:12; 69:4). Ðiều Chúa đã đếm, Ngài cũng có thể che chở, đến nỗi "một sợi tóc trên đầu không mất," tức rơi xuống đất. Những câu nầy tỏ sự an ổn trọn vẹn: I Sa-mu-ên 14:45; II Sa-mu-ên 14:11; I Các vua 1:52; Lu-ca 21:18; Công vụ các sứ đồ 27:34.
       Trong đời Tân Ước, nhứt là kỳ tan lạc thì dân Do-thái học theo kiểu người La-mã hớt tóc ngắn (I Cô-rinh-tô 11:14), sợ rằng lại giống dân ngoại mà dâng cho hình tượng, song vì Lê-vi ký 21:5 cấm, nên cứ để tóc mai mọc dài.
       Ðờn bà Hê-bơ-rơ còn chú ý đến tóc hơn người đàn ông nhiều. Những lọn tóc dài đen là sự vinh hạnh của phụ nữ (Nhã Ca 7:5; Giăng 11:2; I Cô-rinh-tô 11:5,6,15). Lọn tóc trong Nhã Ca 7:5 chỉ về các sợi tóc chỉ mỏng manh như mạng nhện vô cùng của khung cửi (so Ê-sai 38:12), bởi đó chỉ về tóc bỏ dài thướt tha. Sự tết và chải tóc đờn bà có chép trong II Các vua 9:30. Ðời Tân Ước, có lời cảnh cáo nữ tín đồ chớ theo lối những người thế gian mà "dóc tóc" (I Ti-mô-thê 2:9; I Phi-e-rơ 3:3).
       Nhiều chỗ nói đến sự thẩm mỹ và xức dầu tóc (Truyền đạo 9:8; Ma-thi-ơ 6:17; có lẽ Lu-ca 3:3), song có khi dùng vào việc thánh, cấm không được dùng cáng hoang phí theo thế gian (Xuất Ê-díp-tô ký 30:32; Thi Thiên 133:2). Josèphe nói rằng Hê-rốt Lớn, lúc cao tuổi, nhuộm tóc đen, dầu vậy, tục lệ đó cũng như tục phiếu trắng tóc mà người Hy-lạp và La-mã thường làm không phải đặc biệt cho dân Do-thái. Chắc Ma-thi-ơ 5:32 ngụ ý đến tục lệ chung đó trong đời Chúa. Theo Josèphe cáo thanh niên đạo thị vệ của Sa-lô-môn có thói quen, trong các yến tiệc, rắc trên tóc dài mình những bụi vàng.
       Ðối với người Do-thái, xức dầu trên đầu là đồng nghĩa với sự vui mừng và thạnh vượng (so Thi Thiên 23:5; 92:10; Hê-bơ-rơ 1:9; xem "dầu vui mừng," Ê-sai 61:3, và "dầu vui vẻ," (Thi Thiên 45:7). Như rửa chơn, xức dầu cũng là dấu tỏ sự tiếp đãi khách (Thi Thiên 23:5; Lu-ca 7:46). Trái lại, khi gặp sự buồn bã và tang chế thì không ai xức dầu, tóc để rối bù, và phủ tro bụi lên (II Sa-mu-ên 14:2; Giô-suê 7:6; Gióp 2:12); hoặc bứt hay cắt ngắn tóc (E-xơ-ra 9:3; Nê-hê-mi 13:25; Giê-rê-mi 7:29).
       Tóc hoa râm và bạc của tuổi già được người Do-thái rất tôn trọng (Châm Ngôn 16:31; 20:29). Có khi tóc là biểu hiệu sự hiện diện vinh hiển, nếu không là của Chúa (Ða-ni-ên 9:7; Khải Huyền 1:14). Tai vạ để trên "kẻ tóc bạc" thì ghê gớm gấp đôi (Sáng thế ký 42:38; 44:29). "Lông tóc của thịt tôi bèn xửng lên" (Gióp 4:15) chỉ sự kinh hãi thình lình giáng trên ai. "Ðầu cùng lông chơn" trong Ê-sai 7:20 đồng nghĩa với người "hèn yếu" và kẻ "mạnh dạn" trong dân sự.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.