Tôi mọi. Esclave.

        



      Chế độ tôi mọi có từ đời thái cổ. Sự thiết lập chế độ đó được công nhận, dầu không lập, bởi Luật pháp Môi-se với mục đích là giảm bớt sự khắc khổ, và làm vững quyền thông thường của mỗi người. Dầu Kinh Thánh không cấm song nơi nào có tinh thần Tân Ước dạy dỗ, thì nhờ đó mà thường bỏ được chế độ tôi mọi.
       Ðây là những cảnh ngộ mà một người trở nên tôi mọi: (1) Bị bắt, nhứt là trong chiến trận (Dân số ký 31:9; II Các vua 5:2). (2) Bị mua từ các chủ tôi mọi (Sáng thế ký 17:27; 37:28,36; Ê-xê-chi-ên 27:13; Giô-ên 3:6,8). (3) Sanh ra từ tôi mọi đã mua về (Sáng thế ký 17:12). (4) Trong sự trả nợ; kẻ trộm cắp không thể bồi thường, và dầu trái với tinh thần luật Môi-se, nhưng kẻ mắc nợ hoặc con cái người phải bán mình làm tôi mọi (Xuất Ê-díp-tô ký 22:3; II Các vua 4:1; Nê-hê-mi 5:5,8; A-mốt 2:6; Ma-thi-ơ 18:25). (5) Giữa người Hê-bơ-rơ, cũng có sự tình nguyện bán mình hoặc con gái làm tôi mọi vì cớ nghèo khó (Xuất Ê-díp-tô ký 21:2,7; Lê-vi ký 25:39,47) và vì cớ trộm cắp mà phải làm tôi mọi như đã nói trên.
       Lẽ tự nhiên, giá của một tôi mọi thay đổi theo cảnh ngộ. Tính trung bình theo luật lệ người Hê-bơ-rơ là 30 siếc lơ (Xuất Ê-díp-tô ký 21:32). những tôi mọi Do-thái ở thành Alecxandrie vào thế kỷ thứ III T.C. giá cũng chừng đó, tức 120 drachmas. Giô-sép năm 17 tuổi được mua với giá 20 siếc lơ (Sáng thế ký 37:28).
       Giữa vòng người Hê-bơ-rơ, địa vị theo luật pháp của tôi mọi Hê-bơ-rơ rất khác với địa vị tôi mọi không phải người Y-sơ-ra-ên. Tôi mọi Hê-bơ-rơ hưởng ơn giải phóng sau 6 năm làm việc, nếu người chọn; chủ không được phép bạc đãi, hoặc đuổi về tay không lúc thả ra; và nếu bị một khách lạ ngụ trong Y-sơ-ra-ên mua về, thì có đặc ơn được chuộc lại với giá mà luật pháp định, lúc nào người đó chắc chắn có đủ tiền (Xuất Ê-díp-tô ký 21:2-6; Lê-vi ký 25:43, 47-55; Giê-rê-mi 34:8-16). Các quyền lợi của người gái mọi Hê-bơ-rơ là một điều đặc biệt về luật lệ sau (Xuất Ê-díp-tô ký 21:7-11). Hết thảy tôi mọi Hê-bơ-rơ, cả những người bằng lòng ở lại với chủ mình, khi năm thứ bảy đã đến, và những người không hầu việc 6 năm, đều được giải phóng trong năm hân hỉ (Lê-vi ký 25:40). Cần có sự lo liệu đó khi luật về sự trả lại cơ nghiệp mỗi người tới năm hân hỉ được thi hành. Cũng gồm lại cho phép tôi mọi trở về với cơ nghiệp mình, bất luận người có ưng thuận sau sẽ trở về gia đình chủ hay không. Nếu một tôi mọi không muốn hưởng dịp may được buông tha khỏi công việc, thì người tỏ ý định mình theo lệ định của luật pháp trước các quan xét (hoặc đúng hơn ở nơi phán xét), và kế đó người chủ dẫn người đến cửa và xâu lỗ tai bằng một cái dùi (Xuất Ê-díp-tô ký 21:6), "để tai người kề cửa mà xỏ" (Phục truyền luật lệ ký 15:17), và như vậy làm dấu tôi mọi cứ ở nhà đó. Luật pháp gọi người đó là tôi tớ "trọn đời" (Xuất Ê-díp-tô ký 21:6 so Thi Thiên 40:6). Dầu vậy, danh từ đó, theo sự giải nghĩa của Josèphe và các thầy Ra-bi, là chỉ đến năm hân hỉ thôi.
       Giữa vòng người Hê-bơ-rơ, một tôi mọi ngoại bang cũng được đối đãi tử tế. Luật Môi-se công nhận rằng người đó có quyền. Người đó có thể bị đánh đòn hoặc roi vọt, song không được đánh què hoặc giết chết (Xuất Ê-díp-tô ký 21:20,21,26,27; Lê-vi ký 24:17,22). Nếu có sữ tổn thương nhỏ như mất một mắt hoặc một răng, thì chủ cũng phải thả tôi mọi đó (Xuất Ê-díp-tô ký 21:26,27). Trong trường hợp một gái mọi bị lấy làm vợ, thì nàng có những quyền mới (Phục truyền luật lệ ký 21:10-14). Hết thảy tôi mọi không phải người Hê-bơ-rơ được coi là thuộc viên nước dân chủ Y-sơ-ra-ên (Sáng thế ký 17:10-14). Về phần tôn giáo, địa vị tôi mọi cũng khả quan: tôi mọi có bình đẳng trước mặt Ðức Chúa Trời, được chịu phép cắt bì (Sáng thế ký 17:12), và bởi đó được dự Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô ký 12:44), và các lễ khác (Phục truyền luật lệ ký 12:12,18; 16:11,14), cũng được hưởng sự yên nghỉ ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10; 23:12). Một tính cách nhơn đạo khác của luật Môi-se khiến xứ Ca-na-an làm một nơi cư trú cho kẻ tôi mọi từ một xứ xa lạ trốn đến. Họ không cần tự nộp mình, song được phép ở trong xứ bất cứ nơi nào người chọn (Phục truyền luật lệ ký 23:15,16). Cũng cấm, trái phép sẽ bị xử tử, bắt cóc người đem bán hoặc cầm giữ lại (Xuất Ê-díp-tô ký 21:16; Phục truyền luật lệ ký 24:7), và không có chứng cớ về chợ mọi nào trong Y-sơ-ra-ên. Luật Môi-se so với hầu hết luật các dân ngoại đồng thời về lòng nhơn đối với tôi mọi thì tốt hơn nhiều. Công việc của tôi mọi có tánh cách thủ công, như trong Lê-vi ký 25:39, một phần là việc trong nhà, một phần là sự chầu chực hầu hạ. Sự giao thiệp giữa chủ và tôi mọi có khi rất thân thiện (Sáng thế ký 24:; Ru-tơ 2:4). Tôi mọi cũng được kể là có phép nhờ luật công bình (Gióp 31:13-15), có khi được hưởng cơ nghiệp của chủ (Sáng thế ký 15:2,3), và có khi được phép nhập vào gia đình như con rể (I Sử ký 2:34,35).
       Dường như tục bắt người Hê-bơ-rơ làm tôi mọi đã trở nên hủ bại sau cuộc phu tù tại Ba-by-lôn. Rất nhiều người Hê-bơ-rơ bắt làm tôi mọi như bắt trong chiến trận với người Phê-ni-xi (Giô-ên 3:6) người Phi-li-tin (A-mốt 1:6), người Ai-cập, nhiều hơn hết với người La-mã.
       Ðạo Ðấng Christ tránh sự phản đối thình lình với những tục lệ của thành (I Cô-rinh-tô 7:21), chỉ khuyên các tôi mọi vâng phục chủ (Ê-phê-sô 6:5-8; Cô-lô-se 3:22-25; I Ti-mô-thê 6:1,2; I Phi-e-rơ 2:18-21), và tình nguyện giao tôi tớ đã trốn trở về cùng chủ là tín đồ Ðấng Christ (Phi-lê-môn 10-16). Ðạo Ngài cũng ban bố những nguyên tắc chỉ về địa vị của tôi mọi trong đế quốc La-mã; đạo Ngài cũng công nhận sự bình đẳng của tôi mọi và chủ ở trước mặt Ðức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 7:21,22; Ga-la-ti 3:28; Cô-lô-se 3:11), cũng khuyên chủ đối đãi với tôi tớ tử tế, và nhắc rằng họ có quyền mà chính Chúa binh vực (Ê-phê-sô 6:9; Cô-lô-se 4:1).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.