I. Ðịnh nghĩa.--
Nguyên văn Kinh Thánh có mấy lời mô tả tội lỗi, như Hê-bơ-rơ: Chata (Hy-lạp: hamartano) "dừng lại chưa đạt đến mục đích thật của mình," là "sự vinh hiển Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23), nghĩa văn tự, "bắn sai đích." Aven, "hư không," "không ra gì"; sau hết sức bày mưu làm tội, không có lợi gì; như "đám mây không nước" (Giu-đe 12, so Châm Ngôn 22:8; Giê-rê-mi 2:5; Rô-ma 8:20). Pesha' "loạn nghịch," tức cùng Ðức Chúa Trời (Châm Ngôn 10:12a). Rasha' "gian ác," giống ra'ash, "không yên lặng được" (Ê-sai 57:20,21); "sao đi lạc" (Giu-đe 13) Ma'al, "dời đổi làm trái nghĩa vụ," "làm mất lẽ thật" (I Sử ký 10:13). Asham, "lỗi" dẫn đến hình phạt và cần chuộc tội. Aval, "dữ," "làm trái ngược." 'Amal, "làm việc nhọc nhằn" (Ha-ba-cúc 2:13). 'Avah, "cong quẹo" "làm hư tánh nết." Shagah, "sai lầm." 'Abar, "phạm tội bởi giận dữ." "Phạm tội tức là trái luật pháp, và sự tội lỗi tức là trái luật pháp," tức là không vâng ý muốn Ðức Chúa Trời. (I Giăng 3:4).
Tội lỗi là một sự suy đồi căn nguyên điều thiện, chớ không phải là một sự thực hữu, dựng nên, và sanh ra từ ban đầu; không phải bởi công việc Ðấng Tạo hóa, song là bởi người thiếu bổn phận (Truyền đạo 7:29). Vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương, nên sự thánh khiết là sự giống Ngài, là sự yêu mến Ngài và các vật Ngài dựng nên, và là sự hợp với ý muốn Ngài. Ích kỷ là gốc tội người, nó lập bản ngã và ý muốn bản ngã thế cho Ðức Chúa Trời và ý muốn Ngài. Căn nguyên tội người không phải từ người, song từ sự lừa dối quỉ Sa-tan, nên người có thể được cứu chuộc. Nguyên tội như một tật bịnh từ thủy tổ phạm tội lưu truyền lại về sau (Thi Thiên 51:5). Tội các nước phạt trong đời nay vì đời sau không còn (Châm Ngôn 14:34). Trái lại, sự phạt tội cá nhân trong đời nay có ý bào chữa, sửa dạy, và ngăn cản, và đời sau sẽ có sự báo ứng theo luật pháp.
II. Cựu Ước luận về tội.--
1. Tội trong đời các tổ phụ.-- Từ khi A-đam cố ý trái mạng sa ngã thì mở đường cho oai quyền và thế lực của tội khắp thế gian. Nhơn việc Ca-in giết A-bên, tội càng rõ rệt (Sáng thế ký 4:7). Ban đầu, Ðức Chúa Trời phán cùng người ta, tức là Ngài ban mạng lịnh răn điều ác, khuyên điều thiện, và yên ủi người sau sẽ có hy vọng lại được phước (Sáng thế ký 3:15). Kế đó, vì loài người đầy dẫy tội lỗi đến nỗi Ðức Chúa Trời phải hối hận về sự dựng nên loài người ở thế gian, bèn muốn tuyệt diệt hết cho rồi (Sáng thế ký 6:5-7). Tội người đã đến thế, Ðức Chúa Trời phải dùng phương pháp mới đối phó với người, tức lựa chọn một người công bình, dạy dỗ, và lập giao ước với người đó. Người được lựa đầu tiên là Nô-ê. Vì riêng Nô-ê đồng đi cùng Ðức Chúa Trời, khi mọi người đắm đuối trong vòng tội (Sáng thế ký 6:9). Nhờ phương pháp lập giao ước, người ta được giao thông với Ðức Chúa Trời và cũng dần dần tỉnh biết, dầu không thiếu gì kẻ ở ngoài giao ước làm theo luân lý (Sáng thế ký 12:18; 20:9). Nhưng xét việc Áp-ra-ham thì biết đức tin là nguồn gốc sự được "nổi danh." Áp-ra-ham có đức tin bèn được kể là công bình (Rô-ma 4:9). Xét cớ sự công bình đó, không bị việc ngoài khuấy rối, là vì Áp-ra-ham đặt nền tảng ở sự vững lòng tin lời Chúa hứa sẽ nên trọn. Giô-sép chống cự hơn cám dỗ, chẳng những vì sợ mất lòng tin cậy của chủ, song thực ra còn biết rõ nghe theo sự Ðấng Christ là điều ác lớn và phạm tội cùng Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 39:9). Coi vậy, biết Cựu Ước cho tội lỗi là cơ quan phân rẽ giữa người và Ðức Chúa Trời. Còn ở thự sự là tại người ta.
2. Luật Môi-se.-- Từ khi người có lòng hối cải cho đến lúc ban bố luật pháp ở núi Si-na-i, đó là một cơ xoay vần lớn để biết tội. Vì luật pháp có hai mục đích cốt yếu: một là sự đặt lời răn cấm người phạm tội (Xuất Ê-díp-tô ký 20:20); hai là lập điều lệ cho người được giao thông với Ðức Chúa Trời. Luật lệ về Thầy tế lễ và người Le-vi bước từ chỗ đơn giản đến chỗ tinh tường bao nhiêu, trái lại loại thứ và danh từ tội đã không giảm bớt lại càng thêm bấy nhiêu. Như Xuất Ê-díp-tô ký 34:7 đặt cho một tội ba danh từ: "điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi." Ý đó dầu khó chia rành, song rốt lại đều tỏ nhơn dân không xứng đáng trước mặt Ðức Chúa Trời. Hết thảy điều lệ cốt khiến cho nhơn dân biết Ðức Chúa Trời là thánh thiện, nên trở về cùng Ngài, trái lại đều phạm tội hết. Như tội của A-can không nặng ở sự tham lam, nhưng ở chỗ tự tiện chiếm lấy những vật thuộc Ðức Chúa Trời (Giô-suê 7:1,11,13).
3. Phục truyền.-- Ðọc sách Phục truyền luật lệ ký, càng biết rõ nguyên động lực của sự vâng theo mạng lịnh Chúa là lớn, nghĩa là lấy sự yêu Chúa và yêu người làm cái yếu tố của đạo đức (Phục truyền luật lệ ký 6:5; 10:12; 11:13; 30:16). Gốc sự yêu thương đó thật ra từ chỗ Chúa yêu thương các tổ phụ (Phục truyền luật lệ ký 4:37; 7:7,8; 10:15). Người xưa coi giữ điều răn là giữ giao ước. Người nào giữ thì được phước, khỏi bị diệt (Phục truyền luật lệ ký 4:23,24,30; 6:15). Về sau tội người càng nặng thêm, thì ơn điển Chúa cũng ngày một dư dật. Mạng linh oai nghiêm của Chúa không ngoài tôn chỉ khiến nhơn dân được ích và giữ sự sống (Phục truyền luật lệ ký 10:13; 6:24). Vậy nên, trong sự yêu thương người ắt có điều răn cấm để người biết rằng trái mạng Ngài thì có hại đến sự sống. Vì yêu điều lành, ghét điều dữ, ấy là quan niệm chung cho cả người và Ðức Chúa Trời (Phục truyền luật lệ ký 10:18,19; Lê-vi ký 19:33,34).
4. Sử-ký.-- Xét sách Sử-ký chép không tội nào nặng bằng tội thờ tà thần. Sách quan xét hằng nói nhơn dân vì tội đó mà gặp tai vạ; kịp khi biết hối cải liền được hạnh phước vui vẻ. Sách I, II Sa-mu-ên không nói nhiều đến thói tục như thế. Tánh nết Sau-lơ dầu yếu đuối, song trong nước ngày càng tấn tới. Vua Ða-vít trước sau thờ phượng Ðức Chúa Trời có mộ không hai, nước thình lình được hưng thịnh. Sách Các-vua, luận vua thiện hoặc ác tùy theo ở sự ngăn cấm dân thờ hình tượng hay không. Như luận về các vua ở nước phía Bắc thường nói "...theo tội của Giê-rô-bô-am,... gây cho Y-sơ-ra-ên can phạm" (II Các vua 3:3; 10:29; 13:2; 14:24). Trong buổi già yếu, vua Sa-lô-môn không đi theo đường lối của cha mình là Ða-vít đến nỗi sau nước phải phân chia (I Các vua 11:9-13). A-háp dầu cường thạnh, nhưng gieo tai vạ cho đời sau (I Các vua 16:31). Xét vua Ða-vít có hai tội: một, chiếm vợ của U-ri, hai, tư bộ dân. Ða-vít dầu được tha thứ, song chính thân vua vẫn chịu hình phạt và cũng liên lụy đến dân chúng (II Sa-mu-ên 12:; 15:; 24:). Duy có điều khó hiểu là chép: "Ngài giục lòng Ða-vít nghịch cùng chúng" (II Sa-mu-ên 24:1; so Xuất Ê-díp-tô ký 4:21; Các quan xét 9:23; I Sa-mu-ên 16:14). Có khi Ðức Chúa Trời dùng điều ác của người để tỏ oai quyền và ơn Ngài, như việc Giô-sép bị bán (Sáng thế ký 50:20), và Gióp bị thử thách đó (Gióp 1:6-12; 2:1-7). Ðó là vấn đề xưa nay vẫn khó giải quyết. Song sách Sử-ký chép rằng: "Sa-tan dấy lên muốn hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Ða-vít lấy số Y-sơ-ra-ên" (I Sử ký 21:1). Gia-cơ cũng nói: "Chớ có ai đương bị cám dỗ nói rằng: Ấy là Ðức Chúa Trời cám dỗ tôi" (Gia-cơ 1:13-17).
5. Các tiên tri Cựu Ước.-- Sự dạy dỗ cần yếu là đạo các tiên tri rao truyền. Thế kỷ thứ VIII T.C., những tiên tri đồng thời với nhau có A-mốt, Ô-sê, Mi-chê và Ê-sai. Bấy giờ điều ác rõ hơn hết của dân ngoại là tà dâm, và cậy mạnh hiếp yếu. Sự dữ đó lan tràn khắp nước Y-sơ-ra-ên. Trong đời Giê-rô-bô-am II trị vì, nước phía Bắc đã mất hết đạo đức rồi. Chẳng những dân gian, và ngay đến tiên tri và thầy tế lễ cũng vậy (A-mốt 3:11; 6:1-7; 2:7,8; Ô-sê 4:9; 8:7,8; 5:1; Mi-chê 1:5,11). Vậy nên, A-mốt và Ô-sê kể ra những tội không công bình, tham lam, khinh gạt kẻ nghèo đều phạm tới cơn giận công bình Chúa (Ô-sê 12:7,8; A-mốt 4:1; 8:4-7). Ê-sai và Mi-chê cũng quở trách về việc làm trái đạo đức (Ê-sai 5:8; 1:16,17; Mi-chê 2:2; 3:1-4). Tóm lại, nếu bốn tiên tri đó đều lấy bác ái làm bổn tánh của Ðức Chúa Trời. Các tiên tri dầu nghiêm trách về tội trái giao ước, nghịch mạng Chúa, song cũng kêu gọi người ta ăn năn đổi lỗi, nhờ ơn Chúa sẽ được tha thứ (Ê-sai 1:18,19; Mi-chê 7:18; Ô-sê 6:1; A-mốt 9:11). Nhờ sự từng trải của Giô-na, ta biết Chúa cai trị các nước, lấy công bình làm mực thước. Ngay những dân ở ngoài giao ước cũng có thể xưng tội, ăn năn, chớ chẳng phải chỉ hạn chế cho dân Y-sơ-ra-ên thôi.
Bấy giờ, các tiên tri hay nói về một nước phạm tội và ăn năn. Ðến đời Giê-rê-mi thì luận nhiều về tội cá nhơn. Tiên tri thường thở dài mà nói: (Giê-rê-mi 2:; 8:7; 35:14-17; 32:32), cũng hằng nói đến tâm lý cá nhơn (Giê-rê-mi 5:23; 7:24; 17:9; 32:19) rằng: "Từ tiên tri cho đến thầy tế lễ, ai nấy đều làm sự gian dối" (Giê-rê-mi 5:1; 8:6,10). Có khi Giê-rê-mi vì thế mà tuyệt vọng (Giê-rê-mi 13:23). Ðến năm về già, nhờ sự từng trải cảnh ngộ, Giê-rê-mi lớn lên về trí thức thuộc linh được biết để giải thoát con đường thế lực của tội lỗi, cần phải được Ðức Chúa Trời ban cho lòng mới. Giê-rê-mi phát ra ý nghĩ về tội một cách cảm động! Như vậy, từ nhỏ đến lớn, ai biết Chúa có thể được tha tội và hưởng ơn phước (Giê-rê-mi 24:7; 31:33,34; 32:39,40).
Nối theo ý đó, Ê-xê-chi-ên mở rộng ra rằng: Người ta thiện hay ác, cha con cũng không quan thiệp lẫn nhau; sự thưởng phạt cũng vậy. Lời đó rất giống lời Giê-rê-mi (Ê-xê-chi-ên 18:1-20; Giê-rê-mi 31:29,30). Lý luận dầu như vậy, song Cựu Ước vẫn cho rằng tội cá nhơn làm liên lụy tới dân chúng, vì cả hai là một (Ê-sai 64:6). Người ta dầu thiện cũng không tránh khỏi tội lỗi dân sự đã mắc.
6. Thi Thiên.-- Thi Thiên làm ra dẫu vào hồi trước sau khác nhau, song cùng với đạo các tiên tri vẫn giống và làm chứng lẫn cho nhau. Về tội mà các tiên tri vẫn ruồng rẫy, quở trách, tác giả Thi Thiên vẫn nhận thẳng, không chối hoặc tội cá nhơn hoặc của dân chúng. Lại lấy sự xưng tội và hối cải làm yếu chỉ của Thi Thiên. Song gọi tội là sự trái luật pháp làm ngăn trở tình yêu thương của Ðức Chúa Trời, đến nỗi Ngài che mặt không ban ơn.
7. Châm Ngôn.-- Châm Ngôn luận trí thức là gốc nết na của người, phải hay trái là ở sự từng trải của người, rồi đem chia ra mà phân biệt việc làm của người. Thường nói người khôn ngoan tự biết giữ theo đường phải; kẻ ngu dại quanh quẩn trong vòng tối tăm, tự chuốc lấy tội. Không hề nói đến sự ăn năn tội và hướng về điều thiện. Lại nói không ai không dính dấp tội lỗi (Châm Ngôn 20:9). Trong việc làm, cứ chọn kiểu Chúa đẹp lòng làm mực thước (Châm Ngôn 10:-24:).
8. Gióp.-- Ðiều tác giả sách Gióp nghiên cứu là tội lỗi quan hệ với khổ sở thế nào. Mối ngờ dầu chưa tan, song đủ chứng lẽ báo ứng trong đời nay chưa chắc đã bày tỏ hết được. Luận tội không phải ở nghi văn là ngọn, song thật ở luân lý: gốc từ tâm tánh, phát ra ý nghĩ vậy. Từ Gióp 32:-37:; có Ê-li-hu luận rằng khổ sở chẳng những là hình phạt tội lỗi, mà còn cần yếu để vun trồng người ta. Ðoạn cuối luận rằng cuối cùng Gióp sẽ khôi phục được hạnh phước; như vậy hiệp với kiến giải về sự báo ứng thông thường.
III. Tân Ước luận về tội.--
1. Ba sách Tin lành đầu.-- Cựu Ước luận về tội thế nào, thì Ma-thi-ơ cũng luận thể ấy. Duy Ma-thi-ơ nói mục đích rất cần yếu của Chúa Jêsus là cứu dân mình khỏi tội (Ma-thi-ơ 1:21). Giăng Báp Tít đi trước dọn đàng, mở mang lòng dân, khiến họ biết phải hối cải mới được tha tội (Mác 1:4). Còn ơn đặc biệt Chúa Jêsus ban cho thì khiến ai nấy thay đổi mà bỏ điều ác. Ðó là điều Giăng chưa hề làm (Công vụ các sứ đồ 3:26; 5:31). Chúa Jêsus ngoài việc luận về tha tội, ít nói đến tội. Ðiều Ngài hằng luận trong bài giảng trên núi thường ra từ mười điều răn, nhưng Ngài dò sâu hơn, và nhắm ngay tận trong lòng (Ma-thi-ơ 5:21-48). Vì phương thuốc hối tội là ở trong lòng, chớ không ở ngoài mặt (Lu-ca 11:38-42). Vậy, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si giả hình làm lành chỉ mong người ta biết đến; Chúa Jêsus phải quở trách cách đau đớn (Ma-thi-ơ 23:4-28; Mác 12:38-40; Lu-ca 20:46,47; xem Ma-thi-ơ 6:1; 5:20). Ngài lại nói tội rất nặng là khinh lờn Ðức Thánh Linh, mắc tội đời đời (Mác 3:29). Ðến như cố ý cám dỗ kẻ không lỗi thì càng thuộc về tội hãm người vào tội (Mác 9:42). Hạng người đó thà rằng không sống còn hơn. Xét ví dụ người Pha-ri-si và kẻ thâu thuế cầu nguyện thì biết ý muốn được ơn tha tội, tất trước phải nhận tội (Lu-ca 18:13). Người Pha-ri-si không biết lẽ đó nên khó thay đổi được (Lu-ca 9:41). Thấy ai không làm việc nên làm, Chúa Jêsus hằng quở trách, Ngài lại đặt thí dụ để rõ thêm: Khi tà ma ra khỏi rồi nếu không cầu xin Ðức Thánh Linh ngự vào thì "số phận người đó lại xấu hơn trước" (Ma-thi-ơ 12:43-45; Lu-ca 11:24-26). Ngài phán với người bị phán xét trong ngày sau rốt rằng: "Hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa" (Ma-thi-ơ 25:45). Về nghĩa nầy, Ngài cũng hằng đặt thí dụ để minh chứng như Ma-thi-ơ 25:1-30; Lu-ca 16:19-31.
2. Phao-lô.-- Phao-lô được sai đến dân ngoại truyền đạo, chắc phải nói rõ gốc tội lỗi. Sứ đồ thường lấy chính mình làm gương, nhận mình là đầu hàng tội nhơn (I Cô-rinh-tô 15:9; Rô-ma 7:18-25; I Ti-mô-thê 1:13,15), và cho ơn Chúa đáng tin cậy để được cứu (II Cô-rinh-tô 12:9). Về yếu chỉ giảng đạo, Phao-lô cho rằng ơn của Ðức Chúa Trời là ở Ðấng Christ giáng thế, khiến người được tha tội, tiếp nhận, và xưng công bình. Ðó là Tin lành cho khắp thế gian.
a) Làm chứng Tin lành có quan hệ phổ thông.-- Phao-lô bắt đầu làm chứng hết thảy người đời đều mắc tội, dân ngoại mất cái thiên lương biết phân biệt điều phải điều quấy (Rô-ma 2:15). Người Do-thái dầu có luật pháp song vẫn chưa hưởng ích lợi. Vả, vì họ nhờ nghi văn bề ngoài, đến nỗi mọi người đều phạm tội (Rô-ma 2:17-29; 3:23; 5:12) nhưng ơn cứu rỗi thì "chẳng nhận biết chi hết" (Rô-ma 3:22; 5:20).
b) Mọi người đều phạm tội chứng rằng tội A-đam làm lụy đến người đời (Rô-ma 5:12,18). Vì mọi người đều phải chết, là kết quả của tội. Vả, vì tội một khi đã vào thế gian, mọi người đều lây tánh ác.
c) Trong lòng có tội, tức là trong xác thịt có (Rô-ma 7:18). Xác thịt ta đều bị tội lỗi chiếm cứ, rốt lại không có sức làm lành. Vậy nên, tín đồ phải đóng đinh xác thịt và tình dục vào thập giá (Ga-la-ti 5:24; I Cô-rinh-tô 9:27). Chi thể trước là tôi mọi sự gian ác, nay dâng làm đầy tớ sự công bình.
d) Luật pháp không đủ sức trị tội, và nhờ luật pháp người ta biết tội. Bởi luật pháp đến, tội lỗi sanh ra (Rô-ma 3:20; 7:7-9). Bởi đó biết sự yếu đuối của mình và quyền thế của tội (I Cô-rinh-tô 15:56).
đ) Quyền thế tội dầu lớn dường ấy, vẫn không làm mất hy vọng giải thoát, tức nói rằng đồng chết với Ðấng Christ là đoạn tuyệt với tội lỗi, và không bị tội lỗi sai khiến nữa. Bởi vậy, càng tỏ công lao của Ðấng Christ có thể khôi phục điều thiện người vốn có ban đầu (Rô-ma 6:2-14; Ê-phê-sô 2:1-7). Phao-lô hằng ví sánh tín đồ đời nay với quân lính đi ra trận: nai nịt, giữ mình, mặc giáp, cầm khí giới. Vậy, biết việc chống cự tội lỗi không hề ngừng cho đến khi nước thiên đàng đã vững lập, bấy giờ mới được bình an đời đời (Ê-phê-sô 6:11-17; I Cô-rinh-tô 9:27; II Cô-rinh-tô 6:7; 10:4; Rô-ma 13:12).
3. Giăng.-- a) Thơ tín của Giăng nói tội lỗi tức là trái nghịch, Ðấng Christ xuống thế gian cốt để trừ diệt tội lỗi (I Giăng 3:4,5,8; xem Giăng 1:29). Mục đích Giăng viết thơ là: một mặt chỉ cốt cho người khỏi phạm tội (I Giăng 2:1). Ai phạm tội thì có Ðức Chúa Jêsus làm của lễ chuộc tội (I Giăng 2:1,2). Một mặt nói tín đồ Ðấng Christ không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Ðức Chúa Trời (I Giăng 3:9; 5:18). Lại vì tín đồ hằng ở trong Chúa, ma quỉ chẳng làm hại người được (I Giăng 3:6; 5:18; xem Giăng 17:12; 10:28). Bằng chẳng kẻ nào phạm tội thì không thấy, không biết Ðức Chúa Trời, nên gọi là thuộc về ma quỉ (I Giăng 3:6-8). Ý Giăng cho rằng tội lỗi trái hẳn với sự sống Ðấng Christ; tín đồ nên vâng theo ý Chúa, chống cự mọi điều ác, thì tội sẽ lìa khỏi mình. Nếu phạm lần nữa, tức là trái nghịch, thì ngăn trở sự giao thông giữa người và Chúa.
b) Sách Tin lành Giăng luận rằng tội lớn hơn hết tức là không tin Ðấng Christ là Con Ðức Chúa Trời (Giăng 1:11; 3:18). Vì sách Giăng luận nhiều về chức vụ Chúa ở Giê-ru-sa-lem, bị phần nhiều người Do-thái chán bỏ, ấy chính vì cớ họ chán bỏ Ðức Chúa Trời (Giăng 15:24). Lần cuối cùng Chúa phán cùng môn đồ rằng: Ðức Thánh Linh sẽ quở trách người ta vì không tin (Giăng 16:8,9). Coi vậy, biết Chúa Jêsus luận tội lại càng sâu rộng, thiết tha hơn người xưa. Bởi vì Ðấng họ bội nghịch là Cha thương xót lại là Chúa thánh sạch (Lu-ca 15:18; xem Ma-thi-ơ 5:48). Song Chúa Jêsus thường lấy ơn điển đối đãi người tội; tình yêu đằm thắm mặn mà (Giăng 4:17,18; 8:11). Người làm môn đồ Chúa cũng nên bắt chước lòng nhơn lành tha thứ của Ngài đối đãi với anh em mắc tội (Giăng 7:24; xem Ma-thi-ơ 7:1; Gia-cơ 2:13). Giăng lại nêu cao phẩm cách đức tánh siệu việt của Chúa Jêsus để làm gương sáng cho môn đồ, như Chúa phán cùng kẻ nghịch rằng: "Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?" Giăng 8:46.
4. Gia-cơ.-- Gia-cơ luận về tội rằng: "Lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác, tội ác đã trọn sanh ra sự chết" (Gia-cơ 1:14,15). Lại nói: "Chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình" (Gia-cơ 1:12-15). Gia-cơ là người Do-thái trang nghiêm, thận trọng, rất tán thành luật pháp, nên nói: "Phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy" (Gia-cơ 2:10). Lại nói: "Tây vị người ta thì phạm tội" (Gia-cơ 2:9), vì luân lý lấy tình yêu thương làm cốt yếu, nếu tây vị thì không có yêu thương nữa. Ðã không có sự yêu thương tức là phạm tội rồi. Cuối thơ khuyên cầu nguyện cho kẻ đau ốm, tìm kiếm kẻ lầm lạc xa lẽ thật (Gia-cơ 5:14-20), tỏ ra Hội Thánh là một đoàn thể, liên lạc với nhau bằng tình yêu thương. Sức cầu nguyện của các tín đồ có thể làm kẻ đau được lành, kẻ có tội được tha, khiến mọi người nhờ ơn đến nỗi che đậy vô số tội lỗi.
5. Thơ Hê-bơ-rơ.-- Yếu chỉ thơ nầy nói tội lỗi là vì người ta xa cách hẳn Chúa, nên thường luận điều Cựu Ước chưa nên trọn trong Ðấng Christ, như chép: "Bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn,... chúng ta hãy... đến gần Chúa" (Hê-bơ-rơ 10:20-22). Vì Chúa Jêsus đã dâng mình Ngài một lần đủ cả để chuộc tội người (Hê-bơ-rơ 9:12; 10:10). Rốt cuộc, lương tâm người ta không còn biết tội nữa (Hê-bơ-rơ 10:2). Ðó là chứng cớ rõ ràng Cựu Ước không thể trừ tội được (Hê-bơ-rơ 10:11; 9:9). Kẻ có lòng dữ và chẳng tin thì còn gì nguy hiểm hơn nữa (Hê-bơ-rơ 3:12).
Bấy giờ, người Hê-bơ-rơ sợ bị bắt bớ quá đỗi, bèn lìa bỏ Ðấng Christ, trở lại theo đạo Do-thái, nên tác giả thơ nầy lấy những lời đặc biệt răn họ, như "đóng đinh Con Ðức Chúa Trời một lần nữa," "giày đạp con Ðức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 6:6; 10:29). Lại bảo cho biết sự thử thách họ phải chịu: Khổ sở không hẳn là kết quả của tội; "Ðức Chúa Trời vì chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài" (Hê-bơ-rơ 12:10). Tóm lại, lẽ gốc của sự khổ sở từ xưa vẫn mầu nhiệm và khó hiểu rồi. Duy Chúa Jêsus treo được gương sáng cho muôn đời, như có chép: "Ðấng đã vì sự vui mừng đã đặc trước mặt mình chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục" (Hê-bơ-rơ 12:2), "bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội" (Hê-bơ-rơ 4:15), lại "nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành" (Hê-bơ-rơ 2:10). Xem bài "Chuộc Tội."
Tiến sĩ Scofield chú thích về tội như sau nầy:
Ê-sai 14:12.-- Tội khởi sự trong vũ trụ. Xem bài Sa-tan.
Giăng 12:31.-- Tội của các tín đồ đã bị đoán xét rồi. Xem bài Sự Phán Xét.
Giăng 13:10.-- Bức tranh ẩn ở dưới chỉ về một người phương Ðông từ nhà tắm công cộng trở về nhà mình. Chắc chắn có bị dơ, cần được sạch, song không phải cả mình. Cũng vậy, tín đồ đã được sạch trước luật pháp khỏi mọi tội "một lần đủ cả" (Hê-bơ-rơ 10:1-12), song bao giờ cũng cần đem mọi tội hằng ngày xưng ra với Chúa Cha, hầu cho được ở trong sự thông công không đứt quãng với Chúa Cha và Chúa Con (I Giăng 1:1-10). Huyết của Ðấng Christ hằng vẫn trả cho mọi điều luật pháp đòi về lỗi của tín đồ, song tín đồ luôn cần được khỏi bị ô uế bởi tội. Xem Ê-phê-sô 5:25-27; I Giăng 5:6. Về nghĩa bóng, trật tự của sự đến gần sự hiện diện Ðức Chúa Trời, trước nhứt là bàn thờ bằng đồng dâng của lễ, và kế đến chậu rửa tay (Xuất Ê-díp-tô ký 40:6,7). Cũng xem trật tự trong Xuất Ê-díp-tô ký 30:17-21. Ðấng Christ không thể giao thông với tín đồ ô uế, song Ngài có thể sẽ làm cho người tinh sạch.
Lê-vi ký 13:2.-- Phung được kể như tội, vì:
(1) ở trong huyết;
(2) phát ra ngoài bằng những chứng dơ dáy gớm ghiếc;
(3) người không có phương pháp chữa lành. Khi ứng dụng cho dân Ðức Chúa Trời, thì hiệp với ý bóng đó, là "tội" đòi phải "tự xét lấy mình" (I Cô-rinh-tô 11:31); và "những tội" buộc phải xưng ra và được tinh sạch (I Giăng 1:9).
Rô-ma 5:21.-- "Tội" trong Rô-ma 6:; 7: là bản tánh khác với "những tội" là những sự tỏ ra của bản tánh đó. So I Giăng 1:8 với I Giăng 1:10, tại đó cũng tỏ ra có phân biệt như vậy.
Rô-ma 5:12.-- Chữ "cho nên" chỉ ngược tới Rô-ma 3:19-23, và có thể coi như là bàn tiếp về tội lỗi phổ thông, trước đã bị đứt quãng (Rô-ma 3:24-5:11), Bởi khúc về sự xưng công bình và các kết quả.
Rô-ma 5:12.-- "Vì mọi người đều phạm tội." Tội thứ nhứt gây nên sự hư hại đạo đức của nhơn loại. Phép luận chứng rất đơn sơ. (1) Sự chết là phổ thông (câu 12,14), mọi người đều chết: con trẻ vô tội, người đạo đức, người có tôn giáo, đều chết với kẻ xấu nết. Vì có kết quả phổ thông ắt cũng phải có một duyên cớ phổ thông. Duyên cớ đó là địa vị tội lỗi phổ thông (câu 12:2). Song địa vị phổ thông đó chắc cũng có một duyên cớ. Thật vậy, kết quả của tội A-đam là "mọi người khác đều thành ra kẻ có tội (câu 19).-- "Bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người" (câu 18). (2) Ðây không chỉ về tội cá nhơn. "Từ A-đam cho đến Môi-se, sự chết đã cai trị" (câu 14), dầu vì không có luật pháp, không kể tội cho cá nhơn (câu 13). Bởi đó từ Sáng thế ký 4:7 đến Xuất Ê-díp-tô ký 29:14 không chép về của lễ chuộc tội lần nào. Kế đó, vì sự chết của thân thể từ A-đam cho đến Môi-se không phải là bởi công việc tội lỗi của những kẻ chết đó (câu 13), nên cứ theo đó thì biết là bởi một địa vị tội lỗi phổ thông, hoặc bản tánh, và vì địa vị đó được xưng là từ A-đam truyền lại. (3) Ðịa vị đạo đức của người vấp ngã được tả trong suốt Kinh Thánh (Sáng thế ký 6:5; I Các vua 8:46; Thi Thiên 14:1-3; 39:5; Giê-rê-mi 17:9; Ma-thi-ơ 18:11; Mác 7:20,23; Rô-ma 1:21; 2:; 3:9-19:7:24; 8:7; Giăng 3:6; I Cô-rinh-tô 2:14; II Cô-rinh-tô 3:14; 4:4; Ga-la-ti 5:19-21; Ê-phê-sô 2:1-3,11,12; 4:18-22; Cô-lô-se 1:21; Hê-bơ-rơ 3:13; Gia-cơ 4:14). Xem I Cô-rinh-tô 15:22.
Sáng thế ký 4:7.-- Bằng tiếng Hê-bơ-rơ dùng chung một lời để chỉ "tội lỗi" và "của lễ chuộc tội," vậy chú trọng một cách lạ về sự đồng nhứt hoàn toàn của tội lỗi tín đồ và của lễ chuộc tội tín đồ (so Giăng 3:14 với II Cô-rinh-tô 5:21). Ðây cả hai nghĩa hiệp nhau. "Tội lỗi rình đợi trước cửa" cũng là "một của lễ chuộc tội sụm gối nơi cửa trại." "Nơi nào tội đã gia thêm, thì ơn điển lại càng dư dật hơn" (Rô-ma 5:20). Của lễ của A-bên tỏ ra trước cũng có sự dạy dỗ (so Sáng thế ký 3:20), vì ấy là "bởi đức tin" (Hê-bơ-rơ 11:4), và tín đồ là tin lời Ðức Chúa Trời phán; bởi vậy của lễ không huyết của Ca-in là từ chối phương cách của Ngài. Song Ðức Giê-hô-va còn khuyên Ca-in lần cuối cùng (Sáng thế ký 4:7) phải đem của lễ cần thiết.
Lê-vi ký 4:3.-- Của lễ chuộc tội, dầu còn là Ðấng Christ, là Ðấng Christ gánh vác tội lỗi, hoàn toàn thế cho và vì tín đồ, không phải như trong của lễ có mùi thơm trong sự trọn lành Ngài. Ấy là sự chết Ðấng Christ như mô tả trong Ê-sai 53:; Thi Thiên 22:; Ma-thi-ơ 26:28; I Phi-e-rơ 2:24; 3:18. Song nên chú ý (Lê-vi ký 6:24-30), sự thánh khiết của Ðấng "trở nên tội lỗi vì chúng ta" (II Cô-rinh-tô 5:21) được giữ gìn bằng cách nào. Những của lễ chuộc tội là đền tội, thay thế, linh nghiệm (Lê-vi ký 4:12,29,35), và có ý làm phu phỉ luật pháp bởi của lễ thay thế.
Rô-ma 3:23.-- Tội. Tóm tắt. Những ý văn tự của các lời Hê-bơ-rơ và Hy-lạp dịch khác nhau "tội" hoặc "tội nhơn," v.v., bày tỏ bản tánh thật của tội bằng nhiều lối tỏ ra. Tội là trái phép, một sự vượt qua luật pháp, là giới hạn của Ðức Chúa Trời giữa thiện và ác (Thi Thiên 51:1; Lu-ca 15:29); gian ác là công việc tự mình sai lầm, bất luận cấm tỏ tường hay không; sau lầm, sự xây bỏ điều phải (Thi Thiên 51:9; Rô-ma 3:23) sai trật đích, khuyết điểm không đạt đến khuôn mẫu của Ðức Chúa Trời; lỗi là xen ý riêng mình vào trong phạm vi của phép tắc Ðức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:1); vô luật pháp hoặc sự hỗn độn thuộc linh (I Ti-mô-thê 1:9); vô tín, hoặc một sự mất lòng sự thật của Ðức Chúa Trời (Giăng 16:9). Tội phát nguyên từ Sa-tan (Ê-sai 14:12-14); vào thế gian bởi A-đam (Rô-ma 5:12), và là phổ thông, chỉ riêng Ðấng Christ được ngoại trừ (Rô-ma 3:23; I Phi-e-rơ 2:22); dẫn đến những án phạt chết về thuộc linh và thuộc thể (Sáng thế ký 2:17; 3:19; Ê-xê-chi-ên 18:4,20; Rô-ma 6:23); và không có phương pháp nào trừ ra sự chết làm tế lễ của Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 9:26; Công vụ các sứ đồ 4:12) được hưởng bởi đức tin (Công vụ các sứ đồ 13:38,39). Tội có thể tóm tắt bằng ba mặt: một công việc, phạm hoặc thiếu sự vâng phục ý muốn Ðức Chúa Trời đã tỏ ra; một địa vị, không có sự công bình; một bản tánh, thù nghịch với Ðức Chúa Trời.